QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 22:53 (GMT+7)
Suy ngẫm về sự ra đời và phát triển của chế độ chính ủy, chính trị viên

Nguồn gốc chế độ chính ủy

Trong cách mạng tháng Mười Nga 1917, các lực lượng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền về tay Xô-viết gồm hai thành phần. Thứ nhất là các Đội Cận vệ đỏ, lực lượng vũ trang (LLVT) của công nhân, nông dân do Đảng Bôn-sê-vích tổ chức và lãnh đạo, số lượng khoảng 20 vạn người. Lực lượng thứ hai số lượng khoảng 75 vạn, là các đơn vị bộ binh, kỵ binh, hạm đội của quân đội Nga hoàng ngả theo cách mạng do kết quả của công tác binh vận của Đảng. Điển hình là Chiến hạm Rạng Đông thuộc Hạm đội Ban tích nã pháo vào Cung điện Mùa Đông, chi viện cho các thủy thủ cách mạng tiến công đánh đổ chính quyền phản động Kê-ren-xki, mở đầu cho Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga vĩ đại.
Trước nguy cơ thù trong giặc ngoài hòng bóp chết chính quyền Xô- viết còn non trẻ, ngày 28-1-1918, V.I.Lê-nin ra Sắc lệnh tổ chức Hồng quân công nông, ngày 11-2-1918 tổ chức Hải quân công nông, ngày 23-2-1918 là ngày "Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa". Lúc đó, những người chỉ huy các đơn vị quân đội, trừ một số ít xuất thân công nông, còn phần lớn nguyên là sĩ quan quân đội Nga hoàng, số lượng lên tới 75 ngàn. Trong điều kiện đó, V.I.Lê-nin đã điều động hàng ngàn đảng viên Bôn-sê-vích vào nắm quân đội. Đó là những chính ủy với tư cách là đại diện Đảng Cộng sản bên cạnh người chỉ huy.
Chính ủy có trách nhiệm nặng nề và được trao quyền hạn rất lớn. Trách nhiệm của người chính ủy là tuyên truyền, giáo dục đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản, cải tạo bản chất các đơn vị quân đội và hải quân cũ thành Hồng quân và Hải quân công nông, bảo đảm sự trung thành tuyệt đối của các đơn vị quân đội với Đảng Cộng sản và chính quyền Xô-viết.
Chính ủy được trao quyền hạn tối hậu quyết định. Mọi mệnh lệnh không có sự phê chuẩn của chính ủy thì không được thi hành, nhằm bảo đảm các mệnh lệnh của người chỉ huy không trái với đường lối, chính sách của Đảng. Đối với người chỉ huy là sĩ quan quân đội cũ, chính uỷ có quyền kiểm soát về chính trị. Chính ủy vận động giáo dục, thuyết phục, cải tạo từng con người, ủng hộ các chỉ huy và chuyên gia quân sự trung thành với chính quyền Xô-viết, đấu tranh vạch mặt những kẻ phản bội mưu toan quay trở lại con đường phản cách mạng. Những chính ủy đầu tiên kiệt xuất là các đồng chí Vô-rô-si-lốp, Ki-rốp, Quy-bi-sép, óc-giô-ni-kít-de, Sta-lin...
Chế độ chính ủy tối hậu quyết định đã có tác dụng rất lớn đối với việc xây dựng Hồng quân và Hải quân công nông cũng như đối với thắng lợi của cuộc Nội chiến (1918-1920), đánh bại các cuộc nổi loạn của Bạch vệ, đánh bại cuộc can thiệp của 14 nước đế quốc, bảo vệ thành công chính quyền Xô- viết còn non trẻ. Chỉ đạo hệ thống chính ủy trong toàn quân là Hội đồng chính ủy toàn Nga. Cuối năm 1919, trong Hồng quân và Hải quân công nông đã có 3200 chính ủy ở cấp sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn, hạm đội.
Năm 1925, nước Nga tiến hành cải cách quân sự, giải thể hệ thống chính ủy, thực hiện chế độ một người chỉ huy. Chỉ huy trưởng là đảng viên, có một cấp phó giúp về mặt chính trị. Năm 1931, hệ thống chính ủy được tái lập để tăng cường sự lãnh đạo chính trị trong thời kỳ "Thanh Đảng". Đến tháng 8-1940, một lần nữa lại giải thể hệ thống chính ủy. Bước vào cuộc chiến tranh Bảo vệ Tổ quốc (1941-1945), trước những thử thách khốc liệt và thương vong nặng nề trong thời gian đầu, hệ thống chính ủy lại được khôi phục, nhằm giữ vững và nâng cao tinh thần chiến đấu và kỷ luật quân đội. Trong cuộc chiến đấu ác liệt với quân đội phát-xít, hoạt động của chính uỷ và vai trò tiền phong, gương mẫu của các đảng viên cộng sản đã có tác dụng nâng cao ý chí chiến đấu của quân đội. Tháng 10-1942, Chủ tịch đoàn Xô-viết tối cao Liên Xô ra nghị quyết giải thể hệ thống chính ủy, quân đội trở lại với chế độ một người chỉ huy, chỉ huy trưởng có một chỉ huy phó giúp về mặt chính trị.
Đại biểu Đảng trong lực lượng vũ trang
Ở Việt Nam, khái niệm "đại biểu Đảng" trong LLVT xuất hiện rất sớm, từ Đại hội lần thứ nhất của Đảng, tháng 3-1935. Ngoài những nghị quyết về đường lối cách mạng, Đại hội đã ra một Nghị quyết chuyên đề về Đội Tự vệ. Trên cơ sở tổng kết những kinh nghiệm về tổ chức, lãnh đạo đội Tự vệ đỏ trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930), Nghị quyết nhấn mạnh: "Công nông cách mạng tự vệ đội là dưới quyền chỉ huy thống nhất của Trung ương, quân ủy của Đảng Cộng sản..."; "Luôn luôn phải giữ tính chất cách mạng của đội tự vệ"; "Luôn luôn phải giữ quyền chỉ huy nghiêm ngặt của Đảng trong tự vệ thường trực". Nghị quyết đề ra: "Từ trung ương chấp ủy tới mỗi thành ủy, tỉnh ủy phải tổ chức ngay quân ủy, quân ủy này một bộ phận thì lo quân đội vận động, một bộ phận thì lo tổ chức và chỉ huy đội tự vệ"... "Trong các ban chỉ huy tự vệ ở cấp trung đội và đại đội bên cạnh đội trưởng và phó đội trưởng có một đại biểu của Đảng. Các đội trưởng và đại biểu Đảng phải hợp tác mà chỉ huy. Sự hành động hàng ngày thì phục tùng đảng bộ tương đương của Đảng. Sự hành động về quân sự chung thì phục tùng thượng cấp tự vệ và quân ủy tương đương của Đảng. Đội trưởng và đại biểu Đảng có bất đồng ý kiến thì do đảng ủy tương đương hay do thượng cấp quân ủy giải quyết"1.
Như vậy, ngay từ buổi ban đầu, khi LLVT cách mạng mới chỉ là những đội tự vệ tổ chức ra để "ủng hộ quần chúng trong các cuộc tranh đấu", chưa phải là Đội du kích, nhưng Đảng ta đã xác định rõ ràng những vấn đề cơ bản có tính nguyên tắc, đó là: 1/ Giữ quyền lãnh đạo nghiêm ngặt của Đảng đối với LLVT; 2/ Luôn luôn giữ bản chất cách mạng củaLLVT; 3/ Cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với LLVT gồm có: Quân ủy của Đảng, người chỉ huy và đại biểu Đảng.
Những điều quy định về nguyên tắc và cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với LLVT được xác định trong Nghị quyết về đội tự vệ của Đại hội Đảng lần thứ I (1935) là rất đúng đắn và sáng tạo. Đúng đắn là ở chỗ, khẳng định nguyên tắc Đảng lãnh đạo nghiêm ngặt (lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện) LLVT. Sáng tạo là chỗ, định ra cơ chế phù hợp với thực tiễn Việt Nam. ở Liên Xô thì "Chính ủy tối hậu quyết định", còn ở Việt Nam, người chỉ huy và đại biểu Đảng "hợp tác mà chỉ huy" dưới sự lãnh đạo của Quân ủy tương đương; ở Liên Xô lập Hội đồng quân sự, ở Việt Nam lập Quân ủy của Đảng.
Những nguyên tắc và cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với LLVT được xác định trong Đại hội Đảng lần thứ I đã được vận dụng qua từng thời kỳ xây dựng và chiến đấu của quân đội ta.
Ngày 22-12-1944, theo chỉ thị của Bác Hồ, đồng chí Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đội chủ lực đầu tiên của quân đội ta. Cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã rất hoàn chỉnh: Đội có chi bộ Đảng; bên cạnh đội trưởng có chính trị viên. Sau hai trận đầu thắng lợi (Phai Khắt và Nà Ngần), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân phát triển thành đại đội, có ba trung đội, mỗi trung đội có trung đội trưởng và chính trị viên trung đội. Lập Ban công tác chính trị do chính trị viên đại đội phụ trách, có ba chính trị viên trung đội và một đội viên có năng lực chính trị tham gia. Như vậy, ở Việt Nam có quân đội công nông là có sự lãnh đạo của Đảng, có hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị.
Giải phóng quân trở thành Vệ quốc đoàn - Quân đội quốc gia của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Lực lượng phát triển có mặt khắp cả nước. Cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với LLVT được xác định: quân đội và dân quân toàn quốc đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng. Tháng 1-1946, Ban Chấp hành Trung ương quyết định thành lập Trung ương Quân ủy để giúp Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp nắm chắc hoạt động của LLVT; đồng chí Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư. Hệ thống tổ chức Đảng trong quân đội được hình thành ở các cấp xuống tới đơn vị cơ sở là chi bộ. Việc bố trí cán bộ, Sắc lệnh 71/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh (ký tháng 5-1946) quy định bên cạnh người chỉ huy có chính trị viên từ cấp trung đội đến trung đoàn, ở cấp Khu có chính trị ủy viên.
Ngày 20-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị toàn dân kháng chiến (22-12). Từ ngày 12 đến 16-1-1947, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bí thư Quân ủy Trung ương triệu tập Hội nghị quân sự toàn quốc. Tiếp đó Trung ương Quân ủy tổ chức Hội nghị chính trị viên toàn quốc lần thứ I (14 đến 16-2-1946) và Hội nghị Trung ương Quân ủy mở rộng. Các cuộc Hội nghị này đánh dấu sự hình thành và phát triển của cơ chế lãnh đạo của Đảng và hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội thời kỳ đầu kháng chiến toàn quốc.
Hệ thống tổ chức Đảng được kiện toàn từ Trung ương Quân ủy xuống dưới là các quân khu ủy, trung đoàn ủy, tiểu đoàn ủy và chi bộ đại đội. Mối quan hệ giữa người chỉ huy và chính trị viên các cấp cũng được xác định rõ, là cùng chịu chung trách nhiệm về quân sự. Cơ quan chính trị và cán bộ chính trị trong toàn quân được kiện toàn. Hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị thời kỳ này do đồng chí Văn Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Chính trị Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy chỉ đạo.
Theo đề nghị của Hội nghị chính trị viên toàn quốc lần thứ hai (3-1948), Hội nghị cán bộ Đảng Trung ương lần thứ V (8-1948) quyết định bỏ hệ thống cấp ủy đảng trong quân đội, lập chế độ Chính trị ủy viên đại diện Đảng phụ trách quân đội. ở Trung ương là Tổng Chính ủy, ở liên khu là Chính ủy Liên khu có chân trong Liên khu ủy, ở cấp Trung đoàn là chính ủy trung đoàn có chân trong Tỉnh ủy. Chính ủy được trao quyền tối hậu quyết định.
Tại sao như vậy? Có phải là sự sao chép kinh nghiệm nước ngoài một cách máy móc không? Không phải. Chế độ chính ủy, chính trị viên xuất phát từ tình hình cụ thể của quân đội và chiến tranh cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ. Chúng ta biết rằng, sau chiến thắng Việt Bắc 1947, kẻ địch thất bại trong chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh", chúng chuyển sang chiến lược "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh", càn quét ác liệt vùng chúng còn tạm chiếm. Trung ương Đảng quyết định chủ trương chiến lược "biến hậu phương địch thành tiền phương của ta"; phương châm chiến lược là: "Du kích chiến là chính, vận động chiến là phù trợ"; biện pháp chiến lược là "Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung". Phân tán 2/3 lực lượng, tổ chức thành nhiều đại đội độc lập tiến sâu vào vùng địch hậu cùng với nhân dân phát động chiến tranh du kích. Lực lượng chủ lực của Bộ Tổng chỉ huy chỉ còn 7 tiểu đoàn, ở các Khu còn từ 1 đến 2 tiểu đoàn. Về nguyên tắc, Đảng là một tổ chức, chỉ một hệ thống lãnh đạo duy nhất, không thể có hệ thống thứ hai, nên khi phân tán các đơn vị về các địa phương thì do Đảng bộ địa phương lãnh đạo, không để hệ thống cấp ủy dọc trong quân đội nữa. Đảng cử Chính trị ủy viên đại diện Đảng phụ trách quân đội. Chính ủy được trao quyền tối hậu quyết định, chịu trách nhiệm trước cấp ủy đồng cấp. Chế độ "Chính ủy tối hậu quyết định" chỉ tồn tại trên thực tế khoảng một năm từ cuối 1948 đến cuối 1949. Tháng 8/1949, Đại đoàn chủ lực đầu tiên được thành lập, tiếp sau đó, các Đại đoàn chủ lực khác ra đời. Bắt đầu từ chiến dịch Biên Giới (Thu Đông 1950), các chiến dịch lớn liên tiếp mở ra, đánh dấu giai đoạn tiến công và phản công, tiến tới thắng lợi Điện Biên Phủ (1954). Các cấp ủy Đảng trong bộ đội chủ lực được lập lại, ở cấp Đại đoàn có Đại đoàn ủy, cấp Trung đoàn có Trung đoàn ủy. Các chiến dịch đều lập Đảng ủy chiến dịch.
Suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện LLVT thể hiện qua cơ chế cấp ủy Đảng lãnh đạo, người chỉ huy và chính ủy, chính trị viên phân công phụ trách dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đã được thử thách và hoạt động có hiệu quả. Hệ thống tổ chức Đảng, tổ chức chỉ huy, cơ quan chính trị và cán bộ chính trị luôn luôn được củng cố, kiện toàn, hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ theo Điều lệ Đảng và các quy định của Trung ương, góp phần xây dựng quân đội không ngừng lớn mạnh và hoàn thành mọi nhiệm vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát cô đọng bản chất và truyền thống quân đội trong câu nói nổi tiếng của Người: "Quân đội ta trung với Đảng hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Quân đội ta vinh dự được nhân dân gọi là "Bộ đội Cụ Hồ". Lịch sử xây dựng và chiến đấu của quân đội ta trước hết là lịch sử Đảng ta xây dựng và lãnh đạo LLVT. Mỗi bước đường chiến thắng, mỗi bước trưởng thành của quân đội ta gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng và sự ủng hộ của toàn dân. Sự lãnh đạo của Đảng quyết định bản chất cách mạng của quân đội. Đảng ta đã xây dựng thành công một Quân đội nhân dân chính quy, một quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân trong điều kiện một nước nông nghiệp lạc hậu. Bản chất cách mạng tốt đẹp, truyền thống chiến thắng vẻ vang, cơ chế vận hành sự lãnh đạo của Đảng hợp lý, đội ngũ cán bộ quân sự, chính trị, hậu cần, chuyên môn- kỹ thuật có phẩm chất cách mạng và tài năng, nghệ thuật quân sự không ngừng phát triển, sáng tạo, đó là những vốn rất quý của quá trình xây dựng và chiến đấu hơn nửa thế kỷ của quân đội ta và là cơ sở vững chắc để không ngừng đưa sức mạnh chiến đấu của quân đội ta tiến lên những bước mới đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới của cách mạng.
Sau khi Tổ quốc độc lập, thống nhất, cả nước đi lên CNXH, do có sự phát triển mới của tình hình, ngày 15-12-1982, Bộ Chính trị khóa V ra Nghị quyết 07 bỏ hệ thống cấp ủy Đảng từ Quân ủy Trung ương đến cấp trên cơ sở (sư đoàn), bỏ hệ thống chính ủy, chính trị viên, thực hiện chế độ một người chỉ huy. Ngày 4-7-1985, Bộ Chính trị khóa V ra Nghị quyết số 27 "tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân và sự nghiệp quốc phòng", khôi phục lại tổ chức Đảng trong quân đội theo hệ thống dọc từ Đảng uỷ Quân sự Trung ương đến cơ sở. Ngày 20 tháng 7 năm 2005, Bộ Chính trị khóa IX ra Nghị quyết 51 "về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam". Như vậy, Nghị quyết 27 và Nghị quyết 51 đã hoàn thiện những vấn đề cơ bản có tính nguyên tắc về cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam mà Đảng ta đã dày công xây dựng, vun đắp và phát triển qua hơn nửa thế kỷ lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nguyên tắc "Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt" đối với quân đội và cơ chế vận hành gồm hệ thống Đảng ủy, hệ thống người chỉ huy, hệ thống chính ủy, chính trị viên, hệ thống cơ quan chính trị nhất định sẽ tăng cường sức mạnh lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu lực công tác Đảng, công tác chính trị, hiệu lực của chế độ một người chỉ huy, đảm bảo cho quân đội ta luôn luôn "Trung với Đảng, hiếu với dân", là lực lượng tin cậy bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
 
Trung tướng Phạm Hồng Cư
 
1- Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đảng, Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 94, 95.
 

Ý kiến bạn đọc (0)