Thứ Bảy, 23/11/2024, 05:00 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử của nhân dân ta, đã kết thúc cuộc đụng đầu lịch sử giữa nhân dân Việt Nam và đế quốc Mỹ xâm lược trong cuộc chiến tranh kéo dài 21 năm (1954- 1975). Thắng lợi đó được Đại hội IV của Đảng ta đánh giá như "một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời của sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người ".
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại của chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 vẫn còn nguyên vẹn, và thế giới vẫn sẽ còn tốn nhiều giấy, mực để bàn về nó. Người ta vẫn còn đi tìm lời giải cho sự thất bại của một cường quốc về kinh tế và quân sự như Mỹ trước một đối thủ Việt Nam có tiềm lực kinh tế và quân sự thấp kém hơn nhiều. Đã có nhiều sự lý giải đúng, nhưng cũng có không ít sự giải thích xuyên tạc lịch sử. Gần đây, một số người cố ý hạ thấp giá trị chiến thắng của nhân dân ta bằng việc giải thích xuyên tạc kết cục của chiến tranh vào 30 tháng 4, xem đó chỉ là một hành động "trao quyền tự nguyện, tự ngừng bắn chứ không thể là cuộc đầu hàng chính thức đơn phương" của chính quyền Sài Gòn. Thế nhưng, thực tiễn lịch sử chỉ có một. Với bản chất ngoan cố, xảo quyệt và thù địch giai cấp, kẻ xâm lược và bè lũ tay sai đâu có dễ dàng nhường chính quyền cho lực lượng cách mạng. Khi thế và lực của chúng còn cho phép, chúng đâu có ngại ngần phá bỏ Hiệp định Giơ- ne- vơ (1954) và Hiệp định Pa- ri (1973). Những ngày cuối của cuộc chiến, chúng vẫn còn hô hào “tử thủ” và dự định một lần nữa dựa vào sự cứu nguy của ngoại bang. Chỉ đến lúc sức cùng, lực kiệt chúng mới chịu tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chính Oét-mo-len, cựu Tổng Tư lệnh các lực lượng viễn chinh Mỹ ở Nam Việt Nam đã phải dùng đến từ "sụp đổ" khi nói đến sự kiện này. Ông ta đã thốt lên rằng: “Đó là một điều đau đớn, nhưng không có gì đáng ngạc nhiên bởi vì tôi đã từng trải qua những ngày tháng đau khổ khi thấy Nam Việt Nam dần dần tan rã. Nhưng cũng phải nói rằng quá trình sụp đổ đã diễn ra nhanh hơn thực tế tình hình mà tôi nghĩ. Thật là một điều đáng buồn, nhưng đó là một điều không thể nào tránh khỏi”1. Sự thật là, chiến thắng 30 tháng 4 đã phản ánh đúng quy luật muôn thủa của chiến tranh: mạnh được, yếu thua. Ở đây, mạnh và yếu trong toàn bộ cuộc chiến không thể giải thích bằng sự so sánh về sức mạnh vật chất, mà phải trên cơ sở so sánh về sức mạnh tổng hợp được tạo nên bởi trí tuệ của mỗi bên tham chiến. Chính bằng trí tuệ nổi trội so với đối phương, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã biết phát huy sở trường của mình, khoét sâu vào sở đoản của địch để tạo nên sức mạnh áp đảo, dồn đối phương vào thế phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Sự toàn thắng của trí tuệ Việt Nam trong cuộc đối đầu lịch sử này thể hiện ở 3 phương diện chủ yếu: đánh giá đúng đối phương, có đường lối cách mạng đúng đắn, có phương pháp cách mạng và phương thức tiến hành chiến tranh sáng tạo.
Nói đến trí tuệ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trước hết, phải nói đến trí tuệ của lãnh tụ Hồ Chí Minh, của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta trong việc đánh giá đúng sức mạnh của Mỹ và có quyết tâm dám đánh, quyết đánh Mỹ. Đứng trước một thế lực có tiềm lực kinh tế to lớn, bộ máy quân sự đồ sộ, lại rất tàn bạo và xảo quyệt như Mỹ lúc bấy giờ, ngay cả một số người ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta cũng đánh giá không đúng sức mạnh của Mỹ, lo ngại cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta sẽ bị Mỹ đè bẹp, không muốn ta đẩy mạnh đấu tranh cách mạng ở miền Nam. Thế nhưng, vượt lên trên trí tuệ của thời cuộc, ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đi đến kết luận mà ít ai lúc đó nhận ra là: Mỹ giàu nhưng không mạnh như người ta tưởng và nhân dân ta hoàn toàn có thể đánh thắng Mỹ. Đây không phải là một nhận định duy ý chí, mà ngược lại, là một nhận định trí tuệ, có cơ sở khoa học vững chắc, dựa trên sự phân tích đúng đắn cả về thế và lực của địch, lẫn của ta với phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trong khi không coi thường sức mạnh của vũ khí, trang bị và số lượng quân đội tập trung trong chiến tranh, Đảng ta xem xét so sánh lực lượng theo quan điểm phát triển, căn cứ vào sự đánh giá tổng hợp cả quân sự và chính trị, cả thế, lực và thời cơ; cả điều kiện khách quan và nghệ thuật lãnh đạo, cùng sự vận động của các yếu tố đó trong không gian và thời gian nhất định. Đảng ta thấy rõ những chỗ mạnh gắn với tiềm lực kinh tế và quân sự to lớn của Mỹ, nhưng cũng tỉnh táo phát hiện ra những chỗ yếu trí mạng, mà cái yếu nhất là về chính trị, bắt nguồn từ bản chất xâm lược và chính sách thực dân mới của nó. Những chỗ yếu trí mạng đó sẽ dẫn cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ đến thất bại tất yếu trước sức mạnh tổng hợp của cả một dân tộc có truyền thống tổ chức và tiến hành chiến tranh nhân dân chống giặc ngoại xâm, lại được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Nhận định có tính chiến lược đó đã đặt nền tảng cho việc sáng tạo nên đường lối và phương pháp cách mạng trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, cũng trong bối cảnh quốc tế có những phức tạp mới, bằng sự nhạy bén, sáng suốt của mình, Đảng ta đã đánh giá đúng sự suy yếu của quân nguỵ và khả năng không thể quay lại của quân Mỹ để hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm (1975-1976) và khi thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Nhận định sáng suốt và quyết tâm chiến lược đó đã biến thành hiện thực bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của nhân dân ta với sức mạnh áp đảo cả về quân sự và chính trị, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sức mạnh của trí tuệ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước còn thể hiện ở việc Đảng ta độc lập, tự chủ đề ra và tổ chức thực hiện thành công đường lối cách mạng độc đáo, đúng đắn và sáng tạo, cho phép tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh thắng kẻ địch có tiềm lực kinh tế và quân sự vượt trội. Trong tình hình cực kỳ nghiêm trọng của đất nước và sự phức tạp của bối cảnh quốc tế do có bất hoà giữa các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) anh em và những toan tính chiến lược của các nước lớn, Đảng ta đã tỏ rõ bản lĩnh vững vàng, kiên định, độc lập, tự chủ đề ra và tổ chức thực hiện thành công đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, nhằm mục tiêu chung và bao trùm là chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc; trong đó, việc giải phóng miền Nam phải theo con đường cách mạng bạo lực. Thực chất đây vẫn là tiếp tục đường lối chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam: kết hợp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH), nhưng trong điều kiện mới. Với vai trò "quyết định nhất" đối với sự phát triển của cách mạng cả nước, miền Bắc đánh Mỹ bằng sức mạnh của CNXH đang trở thành hiện thực và của ý chí giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong khi đó, với vai trò "quyết định trực tiếp" đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, nhân dân miền Nam đánh Mỹ bằng sức mạnh của cả độc lập dân tộc và niềm tin vào CNXH ở miền Bắc. Sức mạnh của miền Nam vừa là sức mạnh tại chỗ, vừa bắt nguồn từ miền Bắc- hậu phương lớn và là căn cứ địa cách mạng của cả nước. Cái CNXH bao cấp thời chiến đã định hình ở miền Bắc với mặt tích cực là chủ yếu của nó lúc này, đã thực sự là một luồng gió mới, có sức động viên mạnh mẽ cả về vật chất và tinh thần của dân tộc để tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng Việt Nam. Việc tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở một nước bị chia cắt làm hai miền, do một Đảng duy nhất lãnh đạo, là nét độc đáo của cách mạng nước ta, phản ánh sự sắc sảo về trí tuệ của Đảng ta trong việc đề ra và tổ chức thực hiện đường lối cách mạng độc lập, tự chủ và sáng tạo, phù hợp với bối cảnh quốc tế và trong nước lúc đó. Với đường lối này, Đảng ta kết hợp được lợi ích cơ bản của dân tộc ta với những mục tiêu của thời đại là hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH; cách mạng nước ta đã được tất cả các lực lượng XHCN, độc lập dân tộc, dân chủ và hoà bình trên thế giới đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ, tạo nên một mặt trận quốc tế rộng rãi đứng về phía Việt Nam chống Mỹ xâm lược. Đường lối này cho phép động viên và tập hợp được một cách vững chắc và rộng rãi sức mạnh của cả dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại để tạo nên sức mạnh tổng hợp có sức tiến công mạnh mẽ để đánh thắng Mỹ.
Có quyết tâm cao, đường lối đúng, nhưng không có phương pháp cách mạng và phương thức tiến hành chiến tranh phù hợp thì cũng không thể biến được những dữ kiện đó thành hiện thực. Sức mạnh của trí tuệ Việt Nam làm nên thắng lợi mùa xuân 1975 còn thể hiện ở việc Đảng ta có phương pháp cách mạng, phương thức tiến hành chiến tranh độc đáo, sáng tạo, cho phép hạn chế đến mức thấp nhất điểm yếu của ta, khoét sâu đến mức cao nhất những điểm yếu của địch để tạo nên sức mạnh tổng hợp áp đảo đối phương. Đó là sử dụng bạo lực cách mạng tổng hợp (gồm lực lượng chính trị của quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân 3 thứ quân) để chống lại bạo lực phản cách mạng dựa trên sức mạnh của vũ khí hiện đại. Đó là việc chỉ đạo và tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân để tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh thắng phương thức tiến hành chiến tranh chính quy của thế lực xâm lược có tiềm lực quân sự, kinh tế vượt trội. Trong khi bạn bè quốc tế lo lắng cho cuộc chiến đấu của nhân dân ta trước sức mạnh quân sự của Mỹ, thì nhân dân ta vẫn vững tin vào khả năng đánh thắng bằng sức mạnh của chiến tranh nhân dân, gan góc "bám thắt lưng địch" để tìm cách vô hiệu hoá sức mạnh vũ khí của chúng, không cho chúng đánh theo cách đánh sở trường, mà phải đánh theo cách đánh và trong thế trận của ta. ở đây, trí tuệ Việt Nam lại tỏ ra hơn hẳn những bộ óc điện tử Mỹ mà các nghị sỹ Mỹ lúc đó đã phải chua xót thừa nhận là "đã đánh theo cách đánh mà kẻ thù (tức nhân dân ta) lựa chọn, chứ không phải theo cách đánh của ta (tức Mỹ)"2. Bằng cách tổ chức và tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, Đảng ta đã huy động được mọi tầng lớp nhân dân tham gia, khai thác và phát huy được mọi tiềm lực của đất nước, làm cho địch không thể phát huy được sức mạnh của vũ khí, lâm vào tình trạng quân đông mà hoá ít, mạnh mà hoá yếu, mắc vào những mâu thuẫn không sao giải quyết được giữa tác chiến tập trung và phân tán, giữa tiến công và phòng ngự, đánh nhanh giải quyết nhanh với đánh kéo dài…, dẫn đến hao mòn cả lực lượng và vật chất, suy sụp về tinh thần, cuối cùng phải chấp nhận đầu hàng vô điều kiện trước sức mạnh tổng hợp áp đảo giữa tiến công và nổi dậy của quân và dân ta. Chính với bản lĩnh và trí tuệ sắc sảo của mình, trên cơ sở kế thừa và phát triển nghệ thuật tổ chức đánh giặc của dân tộc, tiếp thu những bài học kinh nghiệm của nhân dân thế giới và tổng kết thực tiễn đấu tranh của nhân dân ta trong mấy chục năm chống Pháp và chống Mỹ, Đảng ta đã đưa nghệ thuật tổ chức toàn dân đánh giặc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lên đỉnh cao của chiến tranh nhân dân với những hình thức đấu tranh cực kỳ phong phú và sáng tạo. Đó là sự kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; kết hợp khởi nghĩa từng phần của quần chúng với chiến tranh cách mạng, nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy; đánh địch trên cả ba vùng chiến lược, bằng ba mũi giáp công; kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; kết hợp đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ; thực hiện làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ; vừa nắm vững phương châm chiến lược đánh lâu dài, vừa biết tạo thời cơ và khi thời cơ đến thì kiên quyết mở những cuộc tiến công chiến lược đè bẹp quân địch, giành toàn thắng. Đó cũng là nghệ thuật đánh thắng địch từng bước, buộc Mỹ phải cút trước, sau đó dùng sức mạnh áp đảo để lật đổ chế độ nguỵ quyền tay sai; kết hợp vừa đẩy mạnh tiến công địch ở miền Nam, vừa bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc, kiềm chế không gian chiến tranh và đánh thắng địch trong phạm vi miền Nam Việt Nam, không để lan tỏa thành chiến tranh thế giới. Có thể nói, những sáng tạo trong nghệ thuật tổ chức và tiến hành chiến tranh nhân dân của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là bí quyết thắng lợi của một nước nhỏ chống lại sự xâm lược của một tên đế quốc có tiềm lực quân sự và kinh tế to lớn. Bí quyết ấy vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay của nhân dân ta và của nhân dân thế giới.
34 năm đã trôi qua (kể từ chiến thắng 30 tháng 4), sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong thời gian ấy ngày càng chứng tỏ rằng: chiến đấu chống giặc ngoại xâm giành độc lập, tự do cho Tổ quốc đã khó; chiến đấu chống lại sự nghèo nàn, lạc hậu, bảo vệ những thành quả cách mạng đã giành được càng khó hơn nhiều. Cuộc chiến đấu mới diễn ra trong bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước có nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch tiếp tục chống phá công cuộc xây dựng CNXH trên đất nước ta. Tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (bắt đầu từ nước Mỹ) hiện nay, cùng những biến đổi về kinh tế- xã hội trong nước, gắn liền với quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH, phát triển nền kinh tế thị trường và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đang đặt ra nhiều thách thức, mà chúng ta phải giải quyết để thực hiện thành công mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Cuộc chiến đấu đó đang cần đến không chỉ lòng nhiệt tình cách mạng, mà quan trọng hơn là trí tuệ và bản lĩnh để có thể tranh lấy được vận hội, đưa đất nước vượt qua những thử thách cam go, phát triển bền vững, sánh vai cùng các quốc gia trên thế giới. Trí tuệ Việt Nam ngày nay phải giải đáp cho được con đường và biện pháp xây dựng thành công CNXH ở nước ta với mô hình CNXH đổi mới, chứa đựng sự phát triển của kinh tế thị trường và khả năng hội nhập với nền kinh tế toàn cầu hoá. Nó cũng còn phải đưa ra được những giải pháp tối ưu để trong khi tập trung vào phát triển kinh tế vẫn không được lơi lỏng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; phải làm cho mỗi bước phát triển kinh tế là một bước tăng cường khả năng bảo vệ, đảm bảo cho đất nước sẵn sàng đánh thắng mọi thủ đoạn của các thế lực thù địch, kể cả khi chúng tiến hành chiến tranh xâm lược có dùng vũ khí công nghệ cao. Tất cả những yêu cầu đó đòi hỏi trí tuệ của Đảng, của dân tộc ta phải được phát huy trên một tầm cao mới, trên cơ sở của chủ nghĩa yêu nước XHCN, để tiếp tục tạo nên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi những mục tiêu của cách mạng nước ta, mà chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 mới chỉ là một dấu mốc. Sức mạnh của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam đã toàn thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày nay sẽ tiếp tục toàn thắng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
NGUYỄN NGỌC HỒI
______________
1- Thời báo ( Mỹ ), ngày 12 tháng 5 năm 1975.
2- Báo Mỹ New York Times, ngày 20 và 21tháng 11 năm 1965.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011