QPTD -Thứ Sáu, 19/08/2011, 21:58 (GMT+7)
Sự thống nhất ý đảng, lòng dân - “thành lũy” vững chắc bảo vệ Đảng

80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã tiến hành cách mạng, biến cái dường như không tưởng thành hiện thực sinh động: giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Có được thành quả đó, một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng là Đảng ta đã xây dựng được sự thống nhất giữa ý Đảng và lòng Dân.  

 

Mở đầu “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”, khi nói về chủ nghĩa cộng sản - “Một bóng ma đang ám ảnh châu Âu”, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã cảnh báo về những thế lực chống cộng: “Tất cả những thế lực của châu Âu cũ: Giáo hoàng và Nga hoàng, Mét-téc-ních và Ghi-dô, bọn cấp tiến Pháp và bọn cảnh sát Đức, đều đã liên hợp lại thành một liên minh thần thánh để trừ khử bóng ma đó”1.

Chủ nghĩa chống cộng đó đã được các thế lực đế quốc nhất quán thực hiện ở các nước thuộc địa. Ở Việt Nam, thực dân Pháp và chính quyền bù nhìn, tay sai đã áp dụng chính sách khủng bố trắng, đàn áp khốc liệt, hòng thủ tiêu Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi còn trong “trứng nước”. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn phải đối phó với các khuynh hướng chính trị đối lập, như: Chủ nghĩa Tam dân cũ trên lập trường giai cấp tư sản của Quốc dân Đảng (1932-1933 ), chủ trương lập Mặt trận công-nông của phái Tơ-rốt-kít chống lại cuộc vận động thành lập Mặt trận dân chủ (1936-1939)... Nhưng Đảng vẫn tồn tại và phát triển vững mạnh, lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa thắng lợi, giành chính quyền (8-1945).

 Khi mới ra đời, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nằm trong vòng vây của đế quốc và bọn phản động quốc tế. Lợi dụng quân Đồng minh vào tước vũ khí của quân đội Nhật, các đội quân nước ngoài kéo vào hòng nuốt chửng nước ta, đẩy nhân dân ta trở lại cuộc đời nô lệ. Các đảng phái phản động Việt - Quốc, Việt - Cách được sự bảo trợ của quân Tưởng Giới Thạch đẩy mạnh các hoạt động nhằm lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh, loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Trước tình thế: vận mệnh của Tổ quốc như “nghìn cân treo sợi tóc”, Đảng và Bác Hồ đã có những sách lược đúng đắn, lãnh đạo toàn dân vượt qua mọi hiểm nguy, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với một “Điện Biên chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau đó, đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã dùng các chính sách khủng bố, tù đày, bắn giết dã man những người yêu nước ở miền Nam, hòng ly gián Đảng với Dân. Với “quốc sách tố cộng, diệt cộng”, theo luật phát-xít “10-59”, trong 7 năm liền (1954-1962) chúng đã lê máy chém đi khắp miền Nam, giết hại hàng triệu người dân vô tội,... nhưng vẫn không đè bẹp được ý chí, quyết tâm giành độc lập, tự do của nhân dân ta. Nhân dân ta đã bất chấp sự khủng bố tàn bạo của kẻ thù, che giấu, nuôi dưỡng cán bộ, đảng viên và tham gia đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn nhằm thủ tiêu Đảng. Qua đó,  Đảng đã xây dựng được “đội hậu bị” rộng khắp là công nhân, nông dân, trí thức, học sinh,… có giác ngộ cao về mục tiêu, lý tưởng cách mạng, kịp thời bổ sung cho Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong tiến trình lịch sử cách mạng. Nhờ đó, mối quan hệ khăng khít giữa Đảng với Dân không ngừng được củng cố, thắt chặt, tạo “thành lũy” kiên cố bảo vệ Đảng. Đó là chiều sâu của sự thống nhất giữa ý Đảng và lòng Dân.

Trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc, Đảng đã lãnh đạo toàn dân đoàn kết trong Mặt trận dân tộc thống nhất, phát huy cao độ nhân tố chính trị - tinh thần và sự liên minh chiến đấu của ba nước Đông Dương để đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đưa cả nước quá độ lên CNXH.

Bước vào thời kỳ mới, chống phá Đảng vẫn là trọng điểm của các thế lực thù địch, nhưng có điểm khác biệt so với trước. Trước đây, chúng thực hiện âm mưu thủ tiêu Đảng gắn với mục tiêu trực tiếp là thôn tính nước ta, đưa nhân dân ta trở lại cuộc đời nô lệ; phương thức tiến hành chủ yếu bằng bạo lực vũ trang và chiến tranh xâm lược. Ngày nay, chúng thực hiện âm mưu đó bằng thủ đoạn bạo loạn lật đổ, kết hợp chiến lược “Diễn biến hòa bình”, có sự liên kết giữa các thế lực hiếu chiến, chống cộng ở các nước đế quốc với những phần tử cơ hội chính trị trong nước và lưu vong ở nước ngoài. Một trong những mục tiêu chống phá của chúng là nhằm hạ uy tín, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Họ lợi dụng và cường điệu những khiếm khuyết, sai lầm trong quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, nhất là trong cải cách ruộng đất, cải tạo công nghiệp, thương nghiệp và kéo dài thời kỳ bao cấp trước đây để quy kết cho Đảng là độc quyền, không dân chủ. Hơn thế nữa, họ còn bất chấp cả thực tế lịch sử, cố tình lẫn lộn trắng đen, đổ lỗi cho Đảng Cộng sản Việt Nam và cá nhân Hồ Chí Minh đã gây ra hai cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ, khiến nhân dân phải hy sinh xương, máu, để kích động, gây bất bình trong quần chúng nhân dân. Họ lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo để xuyên tạc sự thật, vu khống Đảng, Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền... Nhằm hạ thấp uy tín của Đảng, họ chĩa mũi nhọn vào công kích đội ngũ cán bộ lãnh đạo và lãnh tụ của Đảng, của dân tộc; bằng việc tán phát các thông tin “đưa ra những chi tiết lặt vặt, cộng với xuyên tạc, dựng đứng… nhằm “ám sát tư cách cá nhân”, bằng những từ hạ cấp cho hả lòng thù hận,... không cần đến trí tuệ, không cần đến kiến thức, không cần đến trình độ và cũng không cần đến liêm sỉ”2.

Cùng với việc thực hiện những thủ đoạn trên, một hướng chống Đảng khác là, họ tập trung vào bác bỏ chủ nghĩa Mác-Lê-nin và định hướng XHCN trong phát triển đất nước; nhất là những vấn đề về thế giới quan, lịch sử quan (quan điểm chung về lịch sử), học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội, những vấn đề về chiến lược, sách lược cách mạng, quan điểm đấu tranh giai cấp... Họ phê phán chủ nghĩa Mác-Lê-nin dự báo xã hội XHCN thay thế xã hội tư bản là ảo tưởng và không tưởng, vì theo họ, chủ nghĩa tư bản vẫn “vững vàng thống trị thế giới và phát triển rực rỡ”. Hơn nữa, dựa vào sử liệu giai cấp công nhân đập phá máy móc trong cuộc đấu tranh tự phát chống lại chủ xí nghiệp, đẩy mình vào đội quân thất nghiệp, họ đưa ra lập luận: Giai cấp công nhân không đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến; người đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến là nhà tư bản, chứ không phải công nhân. Không dừng lại ở đó, họ còn cho rằng C.Mác, Ph.Ăng-ghen đã ủng hộ việc công nhân đập phá máy móc, đòi chủ xí nghiệp không được tăng thêm máy móc, thiết bị mới, không được áp dụng kỹ thuật mới, để quy kết đó là “mầm mống CNXH không tưởng” mác-xít và phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân hiện đại, đánh vào cơ sở giai cấp của chủ nghĩa Mác-Lê-nin.  

Âm mưu của các thế lực thù địch là bằng những luận điệu xuyên tạc và với việc ngụy tạo về sự thay đổi lập trường của những nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lê-nin từ chủ nghĩa cộng sản trong thời trẻ trở về CNXH dân chủ ở cuối đời, họ mưu toan thực hiện cuộc chiến tư tưởng, lý luận nhằm công phá niềm tin của nhân dân đối với tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lê-nin và đối với đường lối đổi mới của Đảng, khiến cho sự cố kết, thống nhất ý Đảng, lòng Dân bị giảm sút để đi đến mục tiêu chuyển hóa hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản, thực hiện phi chính trị hóa hệ thống chính trị, đặc biệt là Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Từ đó, tạo điều kiện cho các tổ chức phản động đẩy mạnh thực hiện âm mưu bạo loạn, lật đổ và tạo nên sự tự diễn biến để “tự do hóa xã hội” theo khuynh hướng tư sản, thực hiện thể chế đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.

Với trọng trách là đảng cầm quyền, mọi thành công cũng như thất bại trong sự nghiệp cách mạng đều gắn liền với trách nhiệm của Đảng, nên Đảng ta luôn nghiêm túc tự chỉnh đốn, kiên định nền tảng tư tưởng của mình. Với tư duy đổi mới, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, Đảng ta khẳng định rõ: “đổi mới nhưng không đổi màu”, tiếp tục đưa đất nước tiến lên CNXH.

Hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, nhân dân Việt Nam đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa to lớn. Hiện nay, Việt Nam đang chủ động, tích cực hội nhập sâu và đầy đủ vào đời sống quốc tế trong xu thế toàn cầu hoá kinh tế. Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những tác động của sự suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn là một đất nước ổn định về chính trị, có kinh tế tăng trưởng dương, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện.. Điều đó có tác dụng củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ Đảng của nhân dân.

Hiện nay, sự chống phá Đảng của các thế lực thù địch, kết hợp với những thách thức khác trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã làm cho “Tình hình tư tưởng, an ninh nội bộ có biểu hiện phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ mất ổn định chính trị-xã hội”3. Theo đó, xây dựng Đảng đã được Đảng ta xác định là nhiệm vụ then chốt, bảo đảm cho Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng đòi hỏi của thời kỳ mới. Trong đó, việc giữ vững sự thống nhất giữa ý Đảng và lòng Dân vẫn là một vấn đề quan trọng nhất cần được thấu triệt trong quá trình thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trong tình hình hiện nay, để tăng cường sự thống nhất giữa ý Đảng và lòng Dân, củng cố “thành lũy” bảo vệ Đảng, chúng tôi cho rằng: Đảng ta cần quan tâm, thực hiện tốt một số vấn đề trước mắt sau đây:

1 - Khẩn trương tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận sau mấy chục năm thực hiện đường lối đổi mới. Đây là vấn đề có tính cấp thiết cả trước mắt và lâu dài. Vì nếu càng chậm trễ thì sẽ kéo dài sự thiếu thống nhất quan niệm về những vấn đề cần bổ sung, phát triển lý luận; kết quả sẽ dẫn đến sự thiếu thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Sự thiếu thống nhất đó là kẻ hở để những luận điệu sai trái, phản động len lách vào tấn công nền tảng tư tưởng của Đảng. Điều quan trọng nữa là, với kết quả lý luận được tổng kết, bản thân các tổ chức Đảng và Nhà nước cần tăng cường hàm lượng tư duy khoa học để có những quyết sách đúng đắn. Qua đó, tạo sự giác ngộ hệ tư tưởng với tư duy đổi mới về CNXH cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, bảo đảm cho sự thống nhất giữa ý Đảng và lòng Dân phát triển lên chất lượng mới.

2 - Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện các quy chế vận hành của cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, đặc biệt là ở cơ sở, nhằm phát huy bản chất của nền dân chủ XHCN, sao cho mọi chủ trương, chính sách của Đảng đều được nhân dân đồng thuận, ý Đảng và lòng Dân luôn có sự thống nhất cao. Như thế, phép nước sẽ thuận lợi trong việc thi hành, quan điểm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” của Đảng mới thực sự trở thành nếp sống trong các cộng đồng dân cư ở tất cả các địa phương.

3 - Đảng và Nhà nước cần có những giải pháp hữu hiệu để kịp thời ngăn chặn và xử lý tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đang diễn ra nghiêm trọng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, như đã nêu trong Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước ở Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa X. Nếu tiếp tục kéo dài sự bất cập này sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường; bởi đây đang là “điểm nóng” của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Đảng. Tình trạng suy thoái đó của một bộ phận cán bộ, đảng viên là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ và nếu cứ để tích tụ mãi sẽ khiến “thành lũy” bảo vệ Đảng không còn vững chắc; kẻ thù sẽ lợi dụng đẩy thành nguy cơ tạo sự tự diễn biến trong Đảng cũng như trong hệ thống chính trị các cấp của ta.

Đại tá, PGS. HỒ KIẾM VIỆT

___________

1- C. Mác và Ph.Ăng-ghen — Toàn tập , Tập 4, Nxb CTQG,  H.1995, tr.595.

2 - Trần Chung Ngọc - “Ba mươi năm tôi đi tìm Hồ Chí Minh”,  Báo Tuổi trẻ điện tử, ngày 21-9-2009.

3 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ Chín Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb CTQG, H. 2009, tr.83.

 

Ý kiến bạn đọc (0)