QPTD -Thứ Ba, 26/07/2011, 10:04 (GMT+7)
Sự phát triển nhận thức của Đảng về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong quá trình thực hiện Cương lĩnh 1991

Bảo vệ Tổ quốc XHCN là một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh "Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" (năm 1991) chỉ rõ: "Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước, nhân dân ta luôn luôn nâng cao cảnh giác, củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc và các thành quả cách mạng"1. Trong quá trình thực hiện Cương lĩnh, Đảng ta luôn trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bám sát đặc điểm, tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng; không ngừng đổi mới tư duy lý luận về bảo vệ Tổ quốc XHCN và đã đạt được những thành tựu rất quan trọng cả về nhận thức, quan điểm lý luận, cũng như về tổ chức hoạt động thực tiễn bảo vệ Tổ quốc. Các nội dung về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, bao gồm: mục tiêu, nhiệm vụ; sức mạnh, lực lượng; phương thức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới đều được Đảng ta nhận thức ngày càng sâu sắc, toàn diện và đầy đủ hơn. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ tập trung đi sâu vào nhận thức của Đảng ta về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc mà Cương lĩnh đã đề cập.

Cần khẳng định rằng, trong quá trình thực hiện Cương lĩnh 1991, trải qua các kỳ Đại hội, các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị các khóa và trong tổ chức thực tiễn bảo vệ Tổ quốc, trên nền tảng của tư duy mới, mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN ngày càng được Đảng ta nhận thức rõ hơn, rộng lớn, sâu sắc và toàn diện hơn. Điều đó được thể hiện trên các nội dung chính sau:

Một là, mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được xác định ngày càng đầy đủ hơn; khắc phục biểu hiện nhấn mạnh một chiều nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước, nhân dân ta phải tập trung đấu tranh chống sự phá hoại độc lập, chủ quyền, xâm phạm lãnh thổ của các thế lực thù địch, nên đã có lúc, nhận thức nghiêng về vấn đề bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đại hội IV của Đảng chỉ rõ: “Bảo vệ sự nghiệp cách mạng XHCN, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo của Tổ quốc”2. Cương lĩnh năm 1991 xác định nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là: "Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ toàn vẹn của Tổ quốc, bảo vệ chế độ XHCN, sự ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội, quyền làm chủ của nhân dân, làm thất bại mọi âm mưu và hành động của các thế lực đế quốc, phản động phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta"3. Như vậy, Cương lĩnh đã thể hiện sự phát triển hơn so với Đại hội IV. Đến Đại hội VIII và đặc biệt là Đại hội IX, Đại hội X, nhận thức của Đảng về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đầy đủ và toàn diện hơn.

Trên cơ sở Cương lĩnh, Đại hội VIII nhấn mạnh đến "Bảo vệ vững chắc độc lập, an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN"4. Tiếp đến, nội dung rộng lớn và toàn diện của mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN được Đảng ta trình bày hệ thống và cụ thể tại Đại hội IX. Đến Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (khoá IX), lần đầu tiên, mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được xác định rõ với các nội dung: "một là, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; hai là, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; ba là, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; bốn là, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; năm là, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hoá; sáu là, giữ vững ổn định chính trị và môi trường hoà bình, phát triển đất nước theo định hướng XHCN"5. Đại hội X nhấn mạnh thêm: "Bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, văn hoá-tư tưởng và an ninh xã hội…; không để bị động, bất ngờ"6.

Như vậy, từ năm 1991 đến nay, nhận thức của Đảng về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN có nhiều phát triển so với vấn đề được trình bày trong Cương lĩnh năm 1991; đặc biệt là, đã phát triển nhận thức "bảo vệ chế độ XHCN,... quyền làm chủ của nhân dân" (trong Cương lĩnh) thành "bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN" (vấn đề bảo vệ Đảng, Nhà nước được chính thức xác định trong mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc); lần đầu tiên chính thức đưa ra vấn đề "tự bảo vệ", nâng cao khả năng “tự bảo vệ” của mỗi người, của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị (Đại hội X). Đây là sự phát triển rất mới trong nhận thức của Đảng về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện toàn cầu hoá kinh tế, sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học-công nghệ hiện đại, cũng như việc lợi dụng xu thế này của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam. Nhận thức mới của Đảng ta đã khắc phục được những biểu hiện tách rời trong quan niệm về bảo vệ Tổ quốc, chỉ nhấn mạnh một chiều đến bảo vệ về mặt tự nhiên - lịch sử; hoặc nhấn mạnh bảo vệ mặt chính trị - xã hội mà không thấy rằng, bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ gắn bó chặt chẽ với bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, Nhà nước XHCN và quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ chế độ XHCN cũng bao hàm bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

Hai là, ngày càng nhấn mạnh tính chất toàn diện trong mối quan hệ thống nhất chặt chẽ giữa các nội dung bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Điều đó có cơ sở trực tiếp từ nhận thức mới về Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đó là sự thống nhất giữa hai mặt tự nhiên - lịch sử và chính trị - xã hội của Tổ quốc XHCN, mà trên đó là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là linh hồn, là nhân tố quyết định bảo đảm sự gắn kết giữa hai mặt tự nhiên - lịch sử và chính trị - xã hội trong Tổ quốc, bảo đảm sự vững chắc, trường tồn của Tổ quốc Việt Nam XHCN. Không có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì không có Tổ quốc Việt Nam XHCN, cho nên điều “cốt lõi” trong bảo vệ Tổ quốc XHCN là bảo vệ Đảng, bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng đối với dân tộc và đất nước.

Trong điều kiện mới, sự chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta, đối với Tổ quốc Việt Nam XHCN, được chúng tập trung chủ yếu vào chống phá Đảng, thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội. Do đó, việc Đảng ta ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ Đảng, sự thống nhất hữu cơ giữa bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN như một chỉnh thể - không những là sự vận dụng đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn thể hiện sự sáng tạo lý luận và rất phù hợp với thực tiễn, với yêu cầu khách quan của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong điều kiện mới.

Theo nhận thức mới của Đảng, các nội dung trong mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại trong một chỉnh thể thống nhất, không tách rời; bảo vệ nội dung này cũng có nghĩa là góp phần bảo vệ nội dung khác và ngược lại. Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ hai mặt tự nhiên - lịch sử và chính trị - xã hội, và sự thống nhất của hai mặt đó trong Tổ quốc XHCN. Nhận thức này được thể hiện rất rõ trong Văn kiện các Đại hội và các nghị quyết của Đảng; trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước và xây dựng ý thức bảo vệ Tổ quốc XHCN cho các tầng lớp nhân dân; trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Ba là, mở rộng nội dung bảo vệ Tổ quốc XHCN trong điều kiện toàn cầu hoá kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Toàn cầu hoá kinh tế là một xu thế khách quan, đặt ra những vấn đề rất mới đối với việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và an ninh của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Trong xu thế đó, nước ta đã và đang tham gia ngày càng sâu vào các quan hệ kinh tế quốc tế, đặc biệt khi đã là thành viên chính thức của WTO. Trong bối cảnh đó, vấn đề bảo vệ lợi ích đất nước trên các lĩnh vực, nhất là lợi ích kinh tế, chính trị được đặt ra một cách cấp thiết và cụ thể. Làm thế nào để bảo vệ được độc lập dân tộc và CNXH khi nước ta tham gia vào toàn cầu hoá kinh tế, trong điều kiện tình hình chính trị, quân sự trên thế giới rất phức tạp? Đó thực sự là vấn đề hết sức hệ trọng đặt ra đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong bối cảnh lịch sử mới.

Trong điều kiện đó, mối quan hệ chặt chẽ giữa bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc với các nội dung bảo vệ ở trong nước đã được Đảng ta ngày càng nhận rõ. Vấn đề giữ vững định hướng XHCN, sự ổn định chính trị và môi trường hoà bình ngày càng đặt ra một cách cấp thiết để tạo môi trường thuận lợi cho các nước hợp tác, đầu tư vào nước ta. Theo đó, Đảng ta đã chính thức đưa vấn đề giữ vững ổn định chính trị, môi trường hoà bình là mục tiêu quan trọng của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc (Đại hội IX và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8, khoá IX). Đây là sự phát triển mới trong nhận thức của Đảng về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; nội dung bảo vệ trở nên rộng lớn và toàn diện hơn, trong điều kiện toàn cầu hoá kinh tế cũng như sự lợi dụng xu thế này của các thế lực thù địch để chống phá độc lập dân tộc và CNXH của nước ta.

Trước những diễn biến mau lẹ và phức tạp của tình hình, trong quá trình thực hiện Cương lĩnh 1991, Đảng ta đã có cách nhìn biện chứng và rất mới về vấn đề “đối tác” và “đối tượng”, cũng như nguyên tắc giải quyết, xử lý vấn đề này trong thực tiễn, thể hiện tập trung trong Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (khoá IX). Điều đó đã khắc phục được cả hai khuynh hướng không đúng: mơ hồ, mất cảnh giác hoặc cứng nhắc trong nhận thức, chủ trương và xử lý các tình huống cụ thể. Cùng với đó, Đảng ta đã phát triển nhận thức an ninh toàn diện, phù hợp với tình hình mới. Nội hàm của khái niệm an ninh được nhận thức bao gồm: an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh văn hoá- tư tưởng và an ninh xã hội; coi đó là những nội dung có ý nghĩa quan trọng trực tiếp bảo đảm sự ổn định đất nước. Đây thực chất là vấn đề bảo vệ an ninh nội bộ của đất nước về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá-tư tưởng và xã hội; các nội dung an ninh trên được Đảng nhận thức và triển khai cụ thể trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

Qua các kỳ Đại hội, cũng như trong thực tiễn, Đảng ta luôn thể hiện quan điểm kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn "Diễn biến hòa bình", gây bạo loạn lật đổ, các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (khoá IX) nêu rõ quan điểm: “Ngăn chặn, đẩy lùi mưu toan “diễn biến hoà bình”, nguy cơ can thiệp quân sự và xung đột vũ trang, xâm hại chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta”; “Chủ động phòng ngừa, sớm phát hiện và triệt tiêu những nhân tố bên trong có thể dẫn đến những đột biến bất lợi”7, và nhấn mạnh: “Không để xảy ra bạo loạn chính trị và “tự diễn biến”8. Đại hội X nhấn mạnh thêm: “...ngăn ngừa, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá, thù địch, không để bị động, bất ngờ”9.

Sự phát triển nhận thức của Đảng từ Cương lĩnh năm 1991 đến nay về mục tiêu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thể hiện sâu sắc tính chỉnh thể thống nhất và toàn diện của Tổ quốc và của mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; tính chất toàn dân, toàn diện của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong điều kiện mới. Điều đó tạo cơ sở trực tiếp cho việc đổi mới tư duy, phát triển nhận thức của Đảng ta trên các vấn đề cơ bản khác của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc XHCN trong quá trình thực hiện Cương lĩnh năm 1991 về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, làm tăng giá trị lý luận và thực tiễn của Cương lĩnh, tạo cơ sở thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, tạo điều kiện cho sự nghiệp đổi mới đất nước phát triển và đạt được những “thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử”.

Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN MẠNH HƯỞNG

              

1- ĐCSVN - Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Nxb ST, H. 1991, tr. 10

2- ĐCSVN - Báo cáo Chính trị của BCHTƯ Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 4, Nxb ST, H.1977, tr. 142.

3- ĐCSVN - Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Sđd, tr. 16.

4- ĐCSVN - Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb CTQG, H. 2005, tr. 501.

5- Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tám BCHTƯ Đảng khóa IX, Nxb CTQG, H. 2003, tr. 45, 46.

6- ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H. 2006, tr. 37.

7, 8 - Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tám BCHTW Đảng khóa IX, Sđd, tr. 47; 48; 49.

9 - ĐCSVN- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Sđd, tr. 109.

 

Ý kiến bạn đọc (0)