QPTD -Thứ Bảy, 20/08/2011, 23:57 (GMT+7)
Sự ngụy tạo mang tính áp đặt, định kiến

Như một thói quen ngạo mạn đã được lập trình sẵn, cứ vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 hằng năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại tự cho mình cái quyền phán xét tình hình nhân quyền ở các nước qua cái gọi là “Báo cáo nhân quyền thế giới”. Ngày 11 tháng 3 vừa qua, cơ quan này lại cho xuất xưởng một văn bản mới, có tên gọi: “Báo cáo nhân quyền thế giới năm 2009” với thái độ áp đặt, định kiến cùng những thông tin sai lệch, để phán xét tình hình nhân quyền tại hơn 190 nước, trong đó có Việt Nam. Bản Báo cáo này đã bị nhiều quốc gia trên thế giới phản ứng gay gắt, và dư luận chung cho rằng, Mỹ không có tư cách rao giảng về nhân quyền đối với các nước.   

 

Các tác giả “Báo cáo nhân quyền thế giới năm 2009” tiếp tục lối tư duy mòn cũ, khi đề cập về tình hình thực hiện nhân quyền ở Việt Nam năm 2009. Theo đó, họ lặp lại những luận điệu đã trở thành công thức từ nhiều năm trước, mang tính vu khống, bịa đặt, thiếu khách quan, nhằm bôi nhọ hình ảnh của đất nước Việt Nam đang trên đà đổi mới, đi ngược lại những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong những năm qua về vấn đề này. Lại một lần nữa, họ phải viện dẫn đến sự kiện xảy ra trước đây đến 3 năm - cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII năm 2007 - để bịa đặt rằng, cuộc bầu cử này “không tự do, không công bằng”, và rằng, “người dân không thể thay đổi chính phủ”. Họ cũng tiếp tục bênh vực cho những hành động chống phá Nhà nước Việt Nam, vi phạm pháp luật Việt Nam của một số phần tử vừa bị đem ra xét xử, xem đó là những hành động của chính phủ nhằm “đàn áp những tiếng nói bất đồng”. Họ bất chấp những tiến bộ về tự do tôn giáo ở Việt Nam trong thời gian qua, xuyên tạc câu chuyện về các tu sinh Làng Mai ở tu viện Bát Nhã (Bảo Lộc, Lâm Đồng), để qua đó, vu khống Việt Nam “đàn áp tôn giáo”; đồng thời, bao che cho một số phần tử quá khích đã lợi dụng chính sách tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, để vi phạm pháp luật, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị của xã hội Việt Nam.  

Có thể khẳng định ngay rằng, đó là những tiếng nói vô trách nhiệm, đầy định kiến và lạc lõng với những gì đã diễn ra ở Việt Nam, không phù hợp với xu thế phát triển trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Chỉ riêng việc phải viện dẫn sự kiện của 3 năm về trước để nói đến tình hình thực thi nhân quyền của Việt Nam năm 2009 cũng đủ cho thấy thái độ định kiến của họ đến mức nào. Trong vấn đề này, họ cố tình phớt lờ một thực tế là, Nhà nước Việt Nam đặc biệt coi trọng việc bảo đảm cho mọi người dân quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội một cách trực tiếp, hoặc thông qua người đại diện do người dân lựa chọn. Tỷ lệ cử tri đi bầu cao (hơn 99%) tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII năm 2007 cho thấy, người dân Việt Nam ngày càng ý thức rõ hơn về quyền của mình và vai trò của Quốc hội trong việc thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của người dân. Trong mỗi kỳ họp của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội, phần đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ đều được phát thanh và truyền hình trực tiếp, thu hút sự theo dõi của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Hoạt động chất vấn của các đại biểu Quốc hội trong các kỳ họp này ngày càng đi vào thực chất và trở thành diễn đàn để người dân, thông qua đại biểu do họ bầu ra, chất vấn chính sách, cách thức điều hành của Chính phủ, đề xuất các giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức. Tới đây, như nhiều Đại hội trước, các Văn kiện dự thảo Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng sẽ được phổ biến rộng rãi để xin ý kiến của nhân dân. Việc làm đó thể hiện thái độ tôn trọng vai trò của nhân dân và sự cầu thị của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với những sáng kiến đóng góp của nhân dân trong xây dựng đường lối lãnh đạo đất nước và xây dựng Đảng, hạt nhân lãnh đạo của hệ thống chính trị hiện hành. Đó là sự thực hiển nhiên, chứng tỏ Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng bảo đảm cho người dân phát huy quyền làm chủ trong xây dựng và quản lý nhà nước, quản lý xã hội của chính mình. 

Về việc cái gọi là “các nhà dân chủ” bị các cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam đem ra xét xử trong năm qua, thì chính lời nhận tội của những nhân vật này trước cơ quan điều tra, xét xử, được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã chứng minh tất cả. Họ không phải là những người chỉ “phản kháng một cách ôn hòa”, mà thực sự đang tiến hành các hoạt động tuyên truyền, tập hợp, tổ chức lực lượng nhằm lật đổ chính quyền hợp pháp do nhân dân bầu lên. Nhiều lần, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố: ở Việt Nam, không có ai bị bắt, bị giam giữ và bị xét xử vì bày tỏ chính kiến; còn những ai vi phạm pháp luật Việt Nam hiện hành, tất nhiên phải chịu những điều chỉnh của pháp luật tương thích với tội lỗi của họ. Đó là việc làm bình thường, không chỉ ở Việt Nam, mà ở nước nào cũng thế. Trong khi phê phán Việt Nam bắt giữ và xét xử những người có âm mưu và hành động lật đổ Nhà nước Việt Nam, những người soạn thảo bản Báo cáo này lại làm ngơ trước tình trạng chính quyền Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục giam giữ hàng trăm tù nhân I-rắc ở nhà tù Goan-ta-na-mô, mà không đưa ra xét xử. Thực trạng đó đã bị dư luận thế giới kịch liệt lên án trong nhiều năm, nhưng thái độ của Nhà Trắng hầu như không có gì biến chuyển; để đến nỗi, đầu năm 2009, bà Ngoại trưởng Anh Ma-ga-rét Béc-két cũng phải tuyên bố: đây là “hành động không thể chấp nhận được”. Cộng đồng quốc tế trong năm 2009 cũng hy vọng và chờ đợi lời hứa của Tổng thống B.Ô-ba-ma về việc ra sắc lệnh đóng cửa nhà tù đầy tai tiếng này trong vòng một năm sẽ trở thành hiện thực. Thế nhưng, lời hứa cũng vẫn chỉ là lời hứa. Điều đó chắc các tác giả của “Báo cáo nhân quyền thế giới năm 2009” rõ hơn ai hết. Liên quan đến việc bảo đảm các quyền dân sự và chính trị của người dân, cũng cần tham khảo thêm đánh giá của Tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) về Chỉ số hòa bình (GPI) của các nước, được Đài tiếng nói Hoa Kỳ công bố ngày 04/6/2009, để cho thêm phần khách quan. Đây là chỉ số đánh giá dựa trên 23 tiêu chí khác nhau: chiến tranh, xung đột, tôn trọng quyền con người, số các vụ giết người, số người bị cầm tù, tổng lượng mua bán vũ khí và mức độ dân chủ... Theo chỉ số này, Việt Nam xếp thứ 8 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và được đánh giá cao hơn Hoa Kỳ những 43 bậc (bậc 39 so với bậc 83), chứng tỏ việc thực thi quyền dân sự và chính trị của người dân Việt Nam còn tốt hơn so với ở Hoa Kỳ; đồng thời cũng chứng tỏ, Việt Nam tiếp tục là một trong các quốc gia an toàn nhất trên thế giới trong năm 2009. Đó chính là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho quyền của người dân Việt Nam trên các lĩnh vực: dân sự, chính trị, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội... được thực hiện trong thực tiễn.

Liên quan đến tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, các tác giả của “Báo cáo nhân quyền thế giới năm 2009” đã đi ngược lại với thực tiễn hoạt động tôn giáo sôi động ở Việt Nam trong những năm qua. Nếu có sự cấm đoán, hạn chế, quấy nhiễu hoạt động tôn giáo của người dân, thì làm sao có thể giải thích được con số 20 triệu người dân (chiếm khoảng 1/4 dân số) đang tham gia hành lễ bình thường trong các tôn giáo khác nhau, trong đó có những tôn giáo lớn, như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Cao đài, Phật giáo Hòa hảo, v.v. Đó là chưa kể đến con số 80% người dân Việt Nam có đời sống tín ngưỡng. Trong thực tế, Nhà nước Việt Nam nhìn nhận tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu chính đáng của con người và không ngừng phấn đấu, tạo mọi điều kiện đảm bảo đời sống tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân; hằng năm, đều lần lượt xem xét và công nhận về mặt tổ chức cho nhiều tôn giáo hoạt động. Các sinh hoạt tôn giáo, đặc biệt các ngày lễ lớn hằng năm của nhiều tôn giáo được tổ chức trọng thể với hàng trăm nghìn tín đồ tham gia, theo đúng các nghi thức của từng tôn giáo. Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2008 được tổ chức trang trọng ngay tại Trung tâm Hội nghị quốc gia với sự có mặt tham dự của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và hơn 4.000 tăng ni, phật tử; trong đó, có khoảng 2.000 chức sắc, tín đồ đến từ 74 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ thành công của sự kiện này, Tổ chức Phật giáo thế giới cũng quyết định chọn Việt Nam là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ 6 vào năm 2010. Ngay đầu tháng 3 năm nay, Đại lễ cung nghinh Ngọc xá Lợi Phật từ Ấn Độ về chùa Bái Đính cũng đã được chính quyền tổ chức đặc biệt trang trọng, với sự tham gia của 15.000 tín đồ Phật giáo. Thử hỏi, nếu “Việt Nam đàn áp tôn giáo” và “hạn chế quyền tự do của các giáo hội phật giáo” như “Báo cáo nhân quyền thế giới năm 2009” tuyên truyền, thì làm sao ở Việt Nam lại có thể tổ chức thành công những hoạt động tôn giáo mang tầm cỡ như vậy? Chính sự tham gia đông đảo của các tăng ni, phật tử trong các sự kiện nêu trên đã khẳng định những lời cáo buộc nói trên là vô giá trị. Ngay Thượng nghị sỹ Mỹ Jim Webb trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào trung tuần tháng 8 năm 2009 cũng có nhận xét: Cho dù vẫn còn những quan điểm cá nhân về một vài vụ việc cụ thể, nhưng không thể phủ nhận những tiến bộ về tự do tôn giáo tại Việt Nam. Trước đó, ông Michael Lewis Cromartie, Phó Chủ tịch Uỷ ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ cũng khẳng định rằng: Tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đã được mở rộng và có nhiều tiến bộ, nhiều điểm đáng khích lệ. Đó là một sự thực hiển nhiên, khó bác bỏ, nếu nhìn vào thực tiễn sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam với con mắt thiện chí, khách quan. Trong vấn đề này, cũng cần nhắc lại rằng: tự do tôn giáo không có nghĩa là tự do muốn làm gì thì làm; bởi bất cứ một tổ chức tôn giáo nào, một tín đồ tôn giáo nào cũng đều sinh hoạt tôn giáo trong một quốc gia cụ thể có chủ quyền. Khoản 3 Điều 18 của “Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị” (Liên hợp quốc ban hành năm 1966) và cũng là Điều 18 của “Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền” (năm 1948) đã ghi rõ: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật và những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng, hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác”. Vì thế, cũng như các quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam, những ai không xuất phát từ lý do tôn giáo, vì mục đích tôn giáo, mà lợi dụng tôn giáo để gây mất ổn định xã hội, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm ảnh hưởng đến quyền tự do của người khác, là vi phạm pháp luật và nhất định phải bị trừng trị bởi pháp luật.

Từng là nạn nhân của nhiều cuộc chiến tranh xâm lược - sự vi phạm lớn nhất quyền con người, hơn ai hết, Việt Nam hiểu rõ rằng: quyền con người vừa mang tính phổ biến, thể hiện những khát vọng chung của nhân loại, được ghi trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người và Hiến chương của Liên hợp quốc, vừa có tính đặc thù đối với từng xã hội và cộng đồng. Theo đó, việc thực hiện quyền con người luôn luôn gắn với lịch sử, truyền thống và trình độ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Do vậy, trong một thế giới ngày càng đa dạng, khi tiếp cận và xử lý vấn đề quyền con người, cần kết hợp hài hòa các chuẩn mực, nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế với những điều kiện đặc thù về lịch sử, chính trị, kinh tế-xã hội, các giá trị văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của mỗi quốc gia và khu vực. Từ đây, dư luận đòi hỏi Hoa Kỳ cần phải chấm dứt thái độ kẻ cả, định kiến, áp đặt những giá trị nhân quyền của mình cho các nước khác, trong đó có Việt Nam.

NGUYỄN NGỌC

Ý kiến bạn đọc (0)