QPTD -Thứ Hai, 05/09/2011, 23:47 (GMT+7)
Sự kiên định vì hạnh phúc của nhân dân

Một trong những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” hiện nay là tập trung phá hoại sự kiên định của chúng ta vào chủ nghĩa Mác- Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh- nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam- hòng qua đó làm sụp đổ lòng tin và ý chí chiến đấu của những người cộng sản, lái công cuộc đổi mới của chúng ta sang quỹ đạo tư bản chủ nghĩa (TBCN).

Những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị ở trong nước nhân sự kiện chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ trong những năm cuối thế kỷ XX mà vào hùa với các thế lực phản động ở ngoài nước, đòi Đảng ta phải từ bỏ nền tảng tư tưởng của mình, chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập - thực chất là chấp nhận hệ tư tưởng của giai cấp tư sản. Họ giả nhân giả nghĩa là vì nước, vì dân mà rêu rao rằng: “Học thuyết Mác không phù hợp với lợi ích của nhân dân; đó là sản phẩm của giữa thế kỷ XX, đến nay, nếu không lạc hậu, thì cũng không còn là khoa học”; rằng “Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam là sai lầm”; rằng “Hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN) thế giới đã tan rã, chủ nghĩa Mác- Lê-nin đã sụp đổ, cộng sản Việt Nam nên tự lột xác, từ bỏ nền tảng tư tưởng của mình”... Không thể kể hết những luận điệu tương tự của các thế lực thù địch phát tán trên mạng, nhưng có thể thấy rõ rằng, mục tiêu tập trung duy nhất của các luận điệu ấy đều nhằm hạ bệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta, với hy vọng tạo ra được khoảng trống về ý thức hệ trong xã hội, trước hết là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, nhất là trong thế hệ trẻ, để từ đó thúc đẩy sự “tự diễn biến”, thực hiện kịch bản “không đánh mà thắng”.

Đứng trước những thủ đoạn công kích dồn dập ấy của các thế lực thù địch, chúng ta không lấy làm lạ, bởi thực tiễn lịch sử từ khi học thuyết của C. Mác xuất hiện đến nay, các thế lực thù địch với chủ nghĩa Mác đã bao giờ chịu dừng công kích. Sự công kích ấy ngày càng tăng, khi các thế lực chống cộng vớ được cái hiện thực vô cùng mới mẻ là sự đổ vỡ của hệ thống XHCN thế giới; mà sự đổ vỡ đó có một nguyên nhân rất cơ bản từ những sai lầm trong đường lối lãnh đạo và sự phản bội của một số người lãnh đạo Đảng ở Liên Xô và một số nước Đông Âu đối với những nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác- Lê-nin. Thế nhưng, sự sụp đổ CNXH ở Liên Xô và Đông Âu gần 20 năm qua chỉ chứng tỏ: đó là sự sụp đổ của một mô hình CNXH cụ thể, mô hình CNXH kiểu “xô- viết”, chứ không minh chứng cho sự sụp đổ của học thuyết Mác - Lê-nin; nó càng chứng tỏ, Đảng nào xa rời những nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác- Lê-nin, thì Đảng đó không còn là đảng mác xít- lê nin nít chân chính, công cuộc xây dựng CNXH ở đó sẽ thất bại.

Chúng ta tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác- Lê-nin, bởi chúng ta biết rất rõ rằng, đó là một học thuyết khoa học và cách mạng; là ngọn đuốc soi sáng con đường đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới vì một chế độ không còn sự áp bức, bóc lột; là ngọn đèn pha đã dẫn dắt dân tộc ta thoát ra khỏi tình trạng “khủng hoảng đường lối” để giành lại độc lập, tự do và đang kiến thiết một cuộc sống tươi đẹp hơn. Ai từng nghiên cứu một cách nghiêm túc học thuyết Mác đều có thể thấy rõ: hệ thống các tư tưởng, quan điểm và những quy luật kinh tế- xã hội mà học thuyết đó phát hiện ngày càng được chứng minh bằng cuộc sống, được thừa nhận rộng rãi và trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của các đảng Mác xít- Lê nin nít trên toàn thế giới. Đó không phải là sản phẩm của sự “tư biện chủ quan” như những kẻ chống cộng gán ghép cho nó;  ngược lại, đó là sản phẩm của sự kế thừa và phát triển sáng tạo những thành tựu tư tưởng của loài người cả về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đồng thời được bổ sung bằng những thực tiễn của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Bằng hai phát kiến vĩ đại: chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, C. Mác đã làm cho lý luận CNXH từ không tưởng trở thành khoa học; lý giải một cách khoa học và sâu sắc quy luật vận động và phát triển của xã hội loài người, khẳng định CNTB tất yếu phải bị thay thế bởi chủ nghĩa cộng sản, mà giai đoạn đầu là CNXH; đồng thời, phát hiện ra sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân- giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến- lãnh đạo cuộc đấu tranh lật đổ CNTB, xây dựng chế độ xã hội mới. Với hạt nhân lý luận là phép biện chứng duy vật, C. Mác và Ph. Ăng-ghen không cho rằng học thuyết của mình là “nhất thành bất biến”, mà luôn đòi hỏi nó phải được bổ sung, phát triển và việc vận dụng nó phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể. Do vậy, học thuyết Mác luôn sống động, không ngừng được bổ sung và phát triển bởi thực tiễn hoạt động của các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân trên toàn thế giới. Sự bổ sung, phát triển sáng tạo học thuyết Mác trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa bởi V.I. Lê-nin là một minh chứng cho bản chất cách mạng và sáng tạo vốn có của chủ nghĩa Mác- Lê-nin, là một mẫu mực về sự kiên định và phát triển học thuyết Mác. Theo đó, kiên định không phải là bảo thủ, là áp dụng một cách giáo điều theo câu, chữ trong học thuyết Mác, mà đòi hỏi sự phân tích tình hình cụ thể để vận dụng và phát triển cho phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của mỗi dân tộc, trong mỗi thời kỳ lịch sử.

Thời gian trôi qua, thế giới đã có nhiều thay đổi, nhưng những thay đổi đó vẫn chưa vượt khỏi những quy luật cơ bản đã được chủ nghĩa Mác- Lê-nin khái quát. CNTB hiện đại, dù vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, dù bộ mặt của nó đã bớt gớm ghiếc hơn do có những điều chỉnh, thích nghi về quan hệ sản xuất, nhưng bản chất bóc lột của nó vẫn không hề đổi thay, bản chất phản động của nền chính trị tư sản hiện đại vẫn tồn tại hiện thực; những mâu thuẫn giữa tư bản và lao động, giữa lực lượng sản xuất đã xã hội hóa cao độ với cái vỏ quan hệ sản xuất TBCN chật hẹp vẫn còn nguyên đó; xu hướng tất yếu CNTB phải bị thay thế bởi CNXH vẫn là vấn đề của thời đại ngày nay. Chẳng thế mà một số học giả tư sản đã tiên đoán thế kỷ XXI sẽ vẫn là thế kỷ của chủ nghĩa Mác và kêu gọi loài người hãy vượt qua CNTB. Giắccơ Đêriđa- một triết gia hiện đại có uy tín ở Mỹ và Pháp đã kêu gọi nhân loại hãy “Trở về với Mác”, rằng nhân loại “không có tương lai nếu không có Mác, nếu không có các di sản của Mác”. Ngay cả Brêdinxki- tác giả cuốn sách "Thất bại lớn- sự hưng vong của chủ nghĩa cộng sản thế kỷ XX”, mặc dù hết sức thù ghét chủ nghĩa Mác, cũng phải thừa nhận chủ nghĩa Mác vẫn là một vũ khí sắc bén để nhận thức và cải tạo thế giới, khi viết rằng: “Đối với những phần tử trí thức giàu năng lực phân tích giám định, thì lý luận chủ nghĩa Mác đã cung cấp cho họ chiếc chìa khóa để hiểu biết lịch sử nhân loại, là một phương pháp phân tích đánh giá xã hội, phân tích nguyên nhân những biến động chính trị, là một lý luận chặt chẽ khám phá những bí mật của đời sống kinh tế, và một loạt những kiến giải vì nhân tố động cơ xã hội. Khái niệm về phép biện chứng lịch sử xem chừng là phương pháp giá trị nhất để xử lý các mâu thuẫn hiện thực”1. Bản thân những cố gắng điều chỉnh, thích nghi của CNTB ngày nay về quan hệ sản xuất để tồn tại và phát triển cũng cho thấy, CNTB rất chú ý khai thác những di sản của C. Mác, cố gắng tận dụng những thành quả cách mạng của phong trào cộng sản trong thế kỷ XX tạo ra. Chả thế mà A.Dinôviep, người Nga sống lưu vong lâu năm ở Mỹ thời còn Liên Xô cũ, cũng đã có một sự so sánh tinh tế rằng: “Phân tích thế giới Phương Tây, tôi có thể chỉ ra rằng Phương Tây đã vay mượn biết bao thứ và đã làm những gì dưới ảnh hưởng những thành quả của phong trào cộng sản ở thế kỷ XX"2. Còn Điđiê Êribông- nhà chính luận Pháp vẫn khẳng định: sức sống mãnh liệt của học thuyết Mác là bất diệt và cho rằng, C. Mác vẫn là nhà tư tưởng của thế kỷ XXI. Gần đây, Nghị quyết về việc kỷ niệm lần thứ 190 ngày sinh C. Mác của Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga cũng nêu rõ “Hiện nay chủ nghĩa Mác tiếp tục phát triển. Những nước lựa chọn con đường XHCN đang vững tin hướng về tương lai”. Thế giới đã đổi thay, nhưng tính chất của thời đại vẫn không thay đổi, thời đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH, chủ nghĩa Mác vẫn giữ nguyên ý nghĩa và tầm quan trọng của nó trong thế giới hiện đại, vẫn luôn là một căn cứ cho các tổ chức cách mạng của giai cấp công nhân quốc tế, cho các Đảng Cộng sản chân chính đề ra đường lối chiến lược, sách lược cách mạng của mình.

Từ chủ nghĩa yêu nước, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác- Lê-nin và tìm thấy ở đó con đường giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân. Người đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lê-nin”. Trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lê-nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh không chỉ có công lao to lớn trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác- Lê-nin vào phong trào yêu nước Việt Nam, để trên cơ sở đó, đưa cách mạng nước ta hòa nhập vào con đường cách mạng vô sản, đi tới thắng lợi, mà còn phát triển, làm giàu chủ nghĩa Mác- Lê-nin về các vấn đề: độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, về mối liên hệ giữa cách mạng thuộc địa và cách mạng “chính quốc” và khả năng cách mạng thuộc địa có thể giành thắng lợi trước cách mạng “chính quốc”, về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại... Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác- Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, cách mạng nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã vượt qua bao ghềnh thác, đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc; nước ta, từ chỗ không có tên trên bản đồ thế giới, nay đã là một nước có chủ quyền cả trên vũ trụ (với sự kiện phóng thành công vệ tinh VINASAT- 1 lên vũ trụ), một thành viên tích cực, có uy tín trong Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, một quốc gia có vị thế quan trọng về kinh tế và chính trị trên trường quốc tế.

Trong bối cảnh phức tạp của tình hình quốc tế từ những năm cuối của thế kỷ XX đến nay, gắn liền với sự thoái trào tạm thời của CNXH thế giới, công cuộc đổi mới ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn giành được những thành tựu ngoạn mục trên tất cả các phương diện. Kinh tế liên tục tăng trưởng khá cao với tốc độ tăng GDP khoảng 7,5 – 8%, xếp trong tốp 11 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Dù rằng, trong những tháng đầu năm 2008 này, cũng như nhiều nước khác, chúng ta đang phải chịu tác động của sự suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng những thành tựu đạt được hơn 20 năm qua đã là cơ sở để thế giới có cái nhìn lạc quan về nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Sự gắn kết giữa phát triển kinh tế đi đôi với xóa đói, giảm nghèo mà Đảng ta chủ trương phát triển là mô hình phát triển mang đậm tính nhân văn, được nhiều nước trên thế giới xem đó là mẫu hình mà các nước đang phát triển có thể học hỏi. Mới đây, ông Adây Chipbơ- giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, trong bài viết đăng trên Tạp chí “The Banker” (của Thời báo kinh tế Anh) số tháng 2 năm 2008 đã khẳng định điều đó, khi cho rằng: Việt Nam đi đầu trong giảm nghèo; tỷ lệ nghèo (dưới 1 USD/ ngày) đã giảm từ 58% (năm 1993) xuống còn 16% (năm 2006) với 34 triệu người thoát nghèo; rằng công cuộc xóa đói, giảm nghèo diễn ra khắp mọi vùng của đất nước, tăng trưởng và giảm nghèo diễn ra đồng đều cả ở thành thị và nông thôn; nhờ đó, tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng cũng hạn chế được tốc độ gia tăng bất bình đẳng, hệ số GINI (đo sự bất bình đẳng) trong 15 năm đó chỉ tăng từ 0,34 lên 0,36, thấp hơn các nền kinh tế mới nổi khác. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, chỉ số HDI liên tục tăng vững chắc từ 0,590 (năm 1985) lên 0,733 (năm 2007). Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng- an ninh được giữ vững. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao với việc trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới và đang giữ trọng trách là ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008- 2009). Sức mạnh tổng hợp, thế và lực của đất nước, theo đó, đã tăng lên rất nhiều. Những thành quả này có một nguyên nhân  rất cơ bản là Đảng ta và nhân dân ta quyết tâm đổi mới cách tiếp cận CNXH chứ nhất quyết không từ bỏ mục tiêu XHCN. Chúng ta đổi mới trên cơ sở kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn của cách mạng Việt Nam, mà nổi bật là chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện đa dạng hóa các quan hệ sở hữu và thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Sự kiên định đó đã mang lại những thành tựu to lớn mà cả thế giới ngợi ca, chỉ nhằm một mục đích duy nhất: vì hạnh phúc của nhân dân.

  Nguyễn Ngọc Hồi

____________

1- Lưu Đình Á -  Hãy cảnh giác cuộc chiến tranh thế giới không có khói súng. Nxb CTQG, H. 1994, tr. 129.

2- A.Dinôviep - Người vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Thông tin những vấn đề lý luận , Học viện CTQG HCM, số 9 (tháng 5. 2004).

 

Ý kiến bạn đọc (0)