QPTD -Thứ Sáu, 02/09/2011, 00:28 (GMT+7)
Sử dụng lực lượng trong trận then chốt đánh địch đổ bộ đường không của chiến dịch tiến công

Chiến dịch tiến công (CDTC) là loại hình chiến dịch cơ bản của nghệ thuật quân sự Việt Nam, giữ vị trí quyết định thắng lợi trong chiến tranh; trong đó, trận then chốt (TTC) có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó là trận đánh do một lực lượng quan trọng của chiến dịch tiến hành, nhằm tạo chuyển biến có lợi hoặc quyết định thắng lợi của chiến dịch. Nghiên cứu nghệ thuật sử dụng lực lượng (SDLL) trong CDTC là một vấn đề quan trọng, nhất là đối với điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung nghiên cứu, trao đổi về SDLL trong TTC, đối tượng là địch đổ bộ đường không (ĐBĐK).

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) đối với nước ta, đối tượng tác chiến của CDTC là kẻ thù xâm lược có vũ khí, trang bị hiện đại, quá trình tiến công bị chặn lại, buộc phải lâm thời chuyển vào phòng ngự, lấy cứ điểm, cụm cứ điểm làm nòng cốt. Khi bị tiến công, cùng với các thủ đoạn khác, chúng tận dụng ưu thế về phương tiện cơ động đường không tổ chức ứng cứu, giải tỏa bằng ĐBĐK thường vào bên sườn, phía sau đội hình của ta, buộc ta phải phân tán, đối phó. Đối với ta, tổ chức CDTC trong điều kiện lực lượng, phương tiện, vũ khí, trang bị tham gia có hạn, địa bàn rộng. Do đó, vấn đề quan trọng của SDLL trong TTC đánh địch ĐBĐK là trên cơ sở tổ chức biên chế, trang bị của đơn vị, khả năng phối thuộc, chi viện của cấp trên và tình hình các mặt có liên quan như: địch, ta, địa hình để SDLL đủ sức, đánh địch vào thời cơ có lợi nhất.

Lực lượng địch ĐBĐK thường tổ chức ở cấp tiểu đoàn hoặc hơn. Khi đổ bộ, địch có một số binh khí kỹ thuật như: pháo binh, thiết giáp, xe máy công trình; nhưng so với lực lượng ứng cứu giải tỏa bằng đường bộ thì trang bị gọn nhẹ hơn, khả năng chiến đấu cũng hạn chế hơn. Tuy nhiên, chúng được sự chi viện đắc lực của hoả lực không quân, pháo binh. Mặt khác, địch ĐBĐK có tính biến động, bất ngờ cao, tình huống diễn biến khẩn trương, phức tạp. Thông thường địch dùng hỏa lực pháo binh, không quân đánh phá “dọn bãi” trước khi đổ bộ. Do đó, người chỉ huy và cơ quan tham mưu chiến dịch phải dự kiến và nhanh chóng xác định triệu chứng địch ĐBĐK, có kế hoạch tổ chức lực lượng trinh sát, bám nắm địch liên tục, cả ngày và đêm trên các khu vực; tập trung vào hướng, khu vực chủ yếu đã dự kiến. Khi có tình huống, nhanh chóng nắm tình hình, hạ quyết tâm kịp thời, không để bị động, bất ngờ. Nội dung trinh sát phải nắm chắc cả về vị trí, số lượng địch trong từng bãi đổ quân, vũ khí, trang bị; kết hợp trinh sát nắm địch với thực hiện các biện pháp phòng, chống địch trinh sát, không để lộ ý định tiến công của ta. Lực lượng đánh địch ĐBĐK cần được tổ chức ngay từ khi chuẩn bị chiến dịch. Tuy nhiên, căn cứ vào tính chất, đặc điểm từng trường hợp, điều kiện cụ thể của chiến dịch để người chỉ huy và cơ quan tham mưu tổ chức điều chỉnh kế hoạch SDLL phù hợp. Về nghệ thuật SDLL, phải dựa vào các yếu tố có liên quan như: địch, thế trận, khả năng sở trường của đơn vị tham gia đánh địch và điều kiện địa hình, thời tiết để xây dựng kế hoạch SDLL đủ sức, đánh địch đúng thời cơ, tốt nhất là khi chúng đang đổ quân hoặc vừa đổ quân đứng chân chưa vững, chưa kịp triển khai đội hình.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, TTC đánh địch ĐBĐK của CDTC Plây-Me (19-10 đến 26-11 năm 1965) là một trận điển hình về nghệ thuật đánh địch ĐBĐK trong TTC. Bằng nghệ thuật tạo thế ta, phá thế địch, ta đã buộc địch phải đổ quân xuống đúng khu vực ta dự kiến là thung lũng Ia-Đrăng. Do chuẩn bị lực lượng, thế trận sẵn sàng, nên khi địch vừa đổ quân xuống đã bị bộ đội ta nổ súng tiến công và dồn chúng xuống thung lũng Ia-Đrăng. Kết quả, gần một tiểu đoàn Mỹ đã bị tiêu diệt.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tham gia TTC đánh địch ĐBĐK sẽ gồm nhiều lực lượng, trong đó bộ đội chủ lực giữ vai trò nòng cốt, quyết định. Lực lượng tiến công thường được tổ chức thành các bộ phận. Trong đó, hoạt động tác chiến của bộ đội chủ lực được phối hợp chặt chẽ với hoạt động vũ trang của các lực lượng khác trong khu vực phòng thủ (KVPT), như: bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ, tạo nên sức mạnh tổng hợp, buộc địch phải bị động, lúng túng đối phó, không phát huy được ưu thế của vũ khí, trang bị hiện đại. Trong tác chiến, địch luôn tận dụng khả năng của khí tài trinh sát hiện đại để phát hiện lực lượng và ý định tiến công của ta. Do đó, một yêu cầu hết sức quan trọng khi tổ chức lực lượng đánh địch ĐBĐK là phải bảo đảm bí mật, bất ngờ; bí mật cả về lực lượng tham gia và cách đánh của chiến dịch. Đồng thời, phải cơ động linh hoạt, thực hiện tốt công tác ngụy trang, nghi binh, kết hợp chặt chẽ giữa phòng tránh với đánh trả tiến công đường không của địch. Đó cũng là biện pháp nhằm hạn chế thương vong để giữ gìn lực lượng của ta. Trong mỗi phương án cần đi sâu nghiên cứu cách nghi binh lừa dụ, khống chế, buộc địch phải đổ bộ xuống nơi ta đã dự kiến trước; trên cơ sở đó, tổ chức lực lượng sẵn sàng tiêu diệt địch.

Trong CDTC, ta chủ động tổ chức lực lượng đánh địch ĐBĐK; nhưng do đặc điểm tính biến động cao, địch có nhiều âm mưu, thủ đoạn nghi binh, nên chúng ta phải chuẩn bị cả tình huống đánh địch trong dự kiến và ngoài dự kiến. Tư lệnh chiến dịch phải chỉ đạo tổ chức lực lượng trinh sát nắm địch ĐBĐK. Khi có tình huống, nhanh chóng đánh giá tình hình, điều chỉnh quyết tâm và chỉ huy các lực lượng cơ động triển khai tiến công theo quyết tâm mới. Đồng thời, chỉ huy lực lượng trên các hướng, khu vực khác của chiến dịch, đẩy mạnh tiến công phối hợp để buộc địch phải phân tán đối phó, không có khả năng ứng cứu, chi viện cho nhau. Sử dụng hỏa lực pháo binh, súng cối của chiến dịch chế áp vào các khu vực địch ĐBĐK, không cho chúng củng cố, ổn định đội hình; chỉ huy lực lượng vũ trang địa phương và một bộ phận chủ lực gần đó nhanh chóng bao vây, chia cắt, cô lập từng khu vực đổ bộ, không để chúng phát triển, liên kết với nhau.

Khi địch ĐBĐK kết hợp với ứng cứu giải tỏa bằng đường bộ, Tư lệnh chiến dịch cần cân nhắc kỹ, có thể đồng thời tiêu diệt địch ĐBĐK và lực lượng ứng cứu giải tỏa đường bộ khi ta có đủ lực lượng, điều kiện hoặc tổ chức ngăn chặn địch ứng cứu giải tỏa bằng đường bộ để tập trung lực lượng đánh địch ĐBĐK trước.

Trong chiến tranh hiện đại, địch có khả năng cơ động lực lượng, hỏa lực nhanh, tình huống diễn biến mau lẹ, phức tạp, ác liệt, nên nghệ thuật SDLL trong TTC còn đòi hỏi người chỉ huy và cơ quan tham mưu chiến dịch phải thực hiện tốt công tác chỉ huy, hiệp đồng, bảo đảm chuyển hóa thế trận nhanh, nhưng phải chu đáo, tỷ mỷ, chắc thắng. SDLL binh chủng phải đúng nguyên tắc, hợp lý, tận dụng và phát huy cao nhất tính năng của các loại vũ khí, trang bị tham gia trận đánh; tập trung hỏa lực vào mục tiêu chủ yếu, thời cơ quan trọng. Tác chiến của bộ đội chủ lực phải kết hợp chặt chẽ với lực lượng của KVPT tỉnh (thành phố) trên địa bàn chiến dịch. Lực lượng tiến công trên hướng chủ yếu phải dựa vào kết quả chiến đấu tạo thế, hiệp đồng chặt chẽ với đơn vị bạn và lực lượng vũ trang địa phương tập trung tiêu diệt máy bay chở quân, bao vây và sát thương địch đang đổ quân và đã đổ quân, không cho chúng có thời gian ổn định, triển khai đội hình. Bố trí lực lượng ở nơi kín đáo, bí mật, có công sự chiến đấu, hầm ẩn nấp, tiện cơ động để sẵn sàng ngăn chặn, đánh bại các lực lượng đổ bộ tiếp theo bằng hình thức chiến thuật hợp lý để nâng cao hiệu quả chiến đấu.

Cũng cần thấy rằng, tương quan lực lượng địch- ta trên từng hướng, từng khu vực, từng trận đánh có thể thay đổi nhanh chóng do địch có khả năng cơ động cao, đặc biệt là sự xuất hiện của máy bay trực thăng với số lượng lớn, địch có thể ĐBĐK vào sâu trong hậu phương chiến dịch. Thời cơ chiến đấu, chiến dịch có thể xuất hiện cũng như qua đi hết sức nhanh chóng. Đây là một đặc điểm quan trọng chi phối mạnh đến hiệu quả của TTC đánh địch ĐBĐK. Do vậy, Tư lệnh và cơ quan chiến dịch phải dự kiến nhiều tình huống và phương án xử trí, chuẩn bị chu đáo, toàn diện, sẵn sàng lực lượng chiến đấu khi thời cơ đến. Đặc biệt là, phải luôn có lực lượng dự bị; SDLL dự bị phải tập trung, đúng thời cơ, đúng nhiệm vụ. Khi đã sử dụng phải tổ chức ngay lực lượng mới để kịp thời xử lý tình huống tiếp theo, duy trì khả năng chiến đấu liên tục, dài ngày.

Để nâng cao hiệu quả TTC đánh địch ĐBĐK, trong thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận của KVPT, ngay trong thời bình chúng ta cần dự kiến khu vực mở chiến dịch tiến công, trong đó có khu vực đánh TTC tiêu diệt địch ĐBĐK. Từ đó xây dựng các phương án đánh địch và chủ động làm công tác chuẩn bị, thiết bị chiến trường. Khi có tình huống địch ĐBĐK, tiến hành bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Cơ sở để dự kiến khu vực diệt địch ĐBĐK phải căn cứ vào thủ đoạn tác chiến của chúng và đánh giá đầy đủ về địa hình, thời tiết. Công tác chuẩn bị, thiết bị chiến trường cần tập trung chuẩn bị đường cơ động cho xe tăng, xe thiết giáp, tuyến triển khai tiến công và công tác bảo đảm khác, như: tận dụng mạng thông tin và hệ thống căn cứ hậu cần, kỹ thuật đã được chuẩn bị từ trước. Việc SDLL đánh TTC địch ĐBĐK còn phải chú trọng phát huy khả năng, sở trường, trang bị của từng đơn vị, từng binh chủng; nhất là, những đơn vị có khả năng cơ động cao, như: bộ binh cơ giới, xe tăng, thiết giáp...

Trong chiến tranh, sức mạnh tổng hợp trong chiến đấu được bắt nguồn bởi nhiều yếu tố: con người, vũ khí, trang bị, tổ chức... trong đó yếu tố con người có giác ngộ chính trị cao, có trình độ kỹ thuật, chiến thuật tốt, sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị là yếu tố quyết định nhất. Do đó, cùng với thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng tổ chức vững mạnh, phải không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập. Trên cơ sở nội dung, chương trình quy định, cần chú trọng huấn luyện cho bộ đội có trình độ, khả năng tác chiến trong điều kiện khó khăn, phức tạp. Tăng cường huấn luyện cơ động, huấn luyện đêm, ngụy trang, nghi binh, kết hợp huấn luyện với rèn luyện, nâng cao khả năng hoạt động liên tục, dài ngày trong điều kiện chiến tranh gian khổ, ác liệt. Đẩy mạnh đổi mới phương pháp tổ chức diễn tập chiến thuật theo hướng sát với địa bàn, đối tượng tác chiến, điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Trong đó, chú trọng tổ chức hiệp đồng chiến đấu đánh địch ĐBĐK.

Dưới tác động của vũ khí công nghệ cao và phương thức tác chiến mới, tổn thất về cơ sở vật chất hậu cần, kỹ thuật sẽ rất lớn. Vì vậy, công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật của TTC đánh địch ĐBĐK phải có kế hoạch dự trữ, bổ sung ở từng cấp, từng đơn vị cho phù hợp. Khi chiến tranh xảy ra, có thể nghiên cứu phương án bố trí, lót sẵn một số loại vật chất hậu cần, kỹ thuật cần thiết trong KVPT hoặc khu vực dự kiến tiến hành TTC đánh địch ĐBĐK; đồng thời, có kế hoạch cụ thể, có nhiều phương án, nhằm bảo đảm đầy đủ, kịp thời nhu cầu hậu cần, kỹ thuật cho trận đánh.

Trong TTC đánh địch ĐBĐK, bộ đội chủ lực giữ vai trò nòng cốt. Tư lệnh và cơ quan tham mưu chiến dịch cần nắm vững nguyên tắc, SDLL hợp lý, tận dụng và phát huy khả năng chiến đấu của mọi lực lượng và vũ khí, trang bị hiện có, tập trung vào mục tiêu chủ yếu, thời cơ có lợi nhất. Tác chiến của bộ đội binh chủng hợp thành phải kết hợp chặt chẽ với thế trận và lực lượng của KVPT trên địa bàn chiến dịch.

Đại tá, ThS. NGUYỄN HỮU PHÒNG

Học viện Quốc phòng

 

Ý kiến bạn đọc (0)