QPTD -Thứ Sáu, 25/11/2011, 00:05 (GMT+7)
Sơn La đẩy mạnh công tác quân sự, quốc phòng trong tình hình mới

Sơn La là tỉnh miền núi, biên giới, có vị trí chiến lược đối với Quân khu 2 và cả nước. Nhân dân Sơn La có truyền thống cách mạng, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Trong kháng chiến chống Pháp, Sơn La là chiến trường quan trọng, đồng thời là hậu phương trực tiếp của mặt trận Điện Biên Phủ. Trong những năm gần đây, nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Sơn La đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong công tác quân sự, quốc phòng (QS,QP). Nổi bật là, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, tiềm lực của khu vực phòng thủ (KVPT) không ngừng được củng cố và tăng cường, nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc, chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang (LLVT) được nâng cao, xứng đáng là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.

Kết quả đó là tổng hợp của nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là cơ quan quân sự các cấp đã thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác QS,QP. Hằng năm, Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành nghị quyết, chỉ thị về công tác QS,QP, trong đó xây dựng KVPT địa phương là một nhiệm vụ trọng tâm. Đến nay, KVPT Tỉnh được xây dựng vững chắc, toàn diện, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng-an ninh (QP-AN) ở từng địa phương, cơ sở. Cấp ủy, chính quyền địa phương thống nhất lãnh đạo, điều hành đối với mọi hoạt động của KVPT. Căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần, kỹ thuật, công trình chiến đấu được quy hoạch, quản lý chặt chẽ và được củng cố, tu sửa từng bước phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, khả năng thực tế của địa phương. Là tỉnh miền núi, có lợi thế về địa hình, Sơn La luôn chú trọng khảo sát, tận dụng các hang động sẵn có, sửa chữa, nâng cấp phục vụ cho công tác sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của KVPT. Cơ chế “ Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành theo pháp luật, các cơ quan ban, ngành làm tham mưu theo chức năng, cơ quan quân sự, công an làm trung tâm hiệp đồng...” được vận hành đạt hiệu quả thiết thực. Cơ quan quân sự các cấp thực hiện tốt chức năng thẩm định các dự án phát triển kinh tế, các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn; thực hiện tốt sự kết hợp giữa kinh tế với QP-AN và giữa QP-AN với kinh tế.
Trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, do đó, cũng có những bước phát triển mới; không chỉ còn là chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, mà còn phải kết hợp chặt chẽ với bảo vệ an ninh trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại, khoa học - công nghệ, văn hóa, xã hội. Bộ chỉ huy Quân sự Tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành chức năng, các đoàn thể và các địa phương quán triệt sâu sắc tình hình trên, nhất là tác động của nó đối với công tác QS,QP; đồng thời, đề ra chủ trương, giải pháp phù hợp để thực hiện nhiệm vụ QP-AN trong thời kỳ mới.
Thực hiện Chỉ thị 62 của Bộ Chính trị và Nghị định 15/NĐ-CP về công tác giáo dục quốc phòng (GDQP) trước tình hình mới, Hội đồng GDQP các cấp đã được thành lập và hoạt động ngày càng có nền nếp, hiệu quả. Công tác GDQP được triển khai toàn diện, bao gồm cả bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ chủ chốt các cấp, GDQP cho học sinh, sinh viên và GDQP toàn dân. Đến nay, đã có hàng nghìn cán bộ, đảng viên được trang bị kiến thức QP-AN. Trong đó, có 2 cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh (đối tượng 1); 294 cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, thị xã, sở, ban, ngành (đối tượng 2); 2037 cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn, trưởng, phó phòng cấp huyện (đối tượng 3). Công tác GDQP cho đối tượng 4, đối tượng 5 cũng đang được các địa phương tích cực triển khai. Kết quả trên chưa phải là cao, nhưng đã thể hiện sự cố gắng của các ngành, các cấp, các địa phương trong điều kiện còn nhiều khó khăn.
Công tác GDQP cho học sinh, sinh viên cũng được Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ. Công tác này đã được triển khai ở 37/37 trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề và cao đẳng, đại học.
Xuất phát từ đặc điểm là tỉnh miền núi, biên giới, trình độ dân trí nhìn chung còn thấp, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nên Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương vận dụng các hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp với trình độ nhận thức của đồng bào; thực hiện lồng ghép nội dung GDQP trong các lễ hội ở địa phương. Chú trọng đổi mới chương trình, nội dung, hình thức, biện pháp GDQP sát với từng đối tượng và điều kiện thực tế của cơ sở. Trong đó, đặc biệt coi trọng hình thức tuyên truyền miệng trực tiếp đối với đồng bào. Cơ quan quân sự địa phương tăng cường phối hợp với khối văn hóa - tư tưởng trong hoạt động tuyên truyền; nâng cao hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng, chất lượng chuyên trang, chuyên mục GDQP trên báo, đài phát thanh, truyền hình của địa phương. Đồng thời, phát huy vai trò của hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, hội Cựu chiến binh, già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong các dòng họ, các tộc người; kết hợp giữa lên lớp với tuyên truyền vận động, giữa giáo dục chung với gặp gỡ từng đối tượng để đảm bảo hiệu quả giáo dục...Với những biện pháp đó, công tác GDQP của Tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Để xây dựng LLVT vững mạnh toàn diện, Tỉnh chú trọng xây dựng cơ quan quân sự các cấp vững mạnh toàn diện, đủ số lượng, có chất lượng cao, nhất là chất lượng về chính trị, đủ năng lực làm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về QS,QP địa phương. Xây dựng bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng theo hướng "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại", sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao; xây dựng lực lượng dự bị động viên “hùng hậu”, có chất lượng ngày càng cao, được quản lý chặt chẽ, hoạt động hiệu quả.
Sơn La là một trong 3 tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước, nhưng dân số lại ít (1 triệu người), phân bố không đều. Đây là khó khăn cho công tác QP-AN, nhất là đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới. Vì vậy, Tỉnh rất quan tâm đối với công tác xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ (DQTV) nhằm bảo đảm luôn có lực lượng “vững mạnh, rộng khắp” tại các bản làng, cơ quan, nông trường, xí nghiệp, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở từng địa phương, cơ sở. Hiện nay, Tỉnh duy trì lực lượng DQTV đạt 2% so với số dân; trong đó, tỷ lệ đảng viên đạt 14,7%; 100% xã đội trưởng là đảng viên với trên 80% tham gia cấp ủy. Lực lượng DQTV được tổ chức chặt chẽ theo đúng quy định, có lực lượng cơ động, lực lượng tại chỗ và lực lượng DQTV binh chủng. 
Để xây dựng LLVT vững mạnh toàn diện, Tỉnh duy trì thực hiện nghiêm túc chế độ huấn luyện, SSCĐ; đảm bảo nội dung, chương trình, kế hoạch huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị cho các đối tượng. Các đơn vị luôn coi trọng giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Qua đó, xây dựng cho cán bộ, chiến sỹ có tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm, tư tưởng sai trái, phản động; xây dựng lòng tin vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Mặt khác, cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ; duy trì nền nếp phòng gian, bảo mật; thực hiện nghiêm quy trình quản lý, sử dụng, bố trí cán bộ trong các cơ quan, đơn vị LLVT. Chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, tuần tra, canh gác được duy trì nghiêm túc. Thường xuyên bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn kiện, kế hoạch, quyết tâm trong các nhiệm vụ chiến đấu, SSCĐ sát với yêu cầu thực tiễn. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các ban, ngành địa phương bổ sung kế hoạch B, chú trọng luyện tập công tác chỉ huy, tổ chức hiệp đồng, phát huy vai trò, chức năng của các lực lượng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ QS,QP ở địa phương; xây dựng xã, phường vững mạnh toàn diện; xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc trên địa bàn Tỉnh.
Đặc điểm nổi bật của Sơn La là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao (trên 82%), với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống. Tỉnh có trên 250 km đường biên giới với nước bạn Lào, trong đó có 2 cửa khẩu quốc gia và hàng trăm đường tiểu ngạch, nên không tránh khỏi có những vụ việc phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự biên giới. Hiện nay, nạn buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy trên địa bàn biên giới của Tỉnh vẫn diễn ra phức tạp, khó kiểm soát; các hoạt động truyền đạo trái pháp luật, di dịch cư tự do vẫn còn diễn ra...Mặt khác, do điều kiện địa lý chủ yếu là núi cao, giao thông không thuận lợi, nên đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Vì vậy, cùng với xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, Tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác dân vận. 83 cơ quan, đơn vị, các ban, ngành của Tỉnh đã tổ chức kết nghĩa với cấp ủy, chính quyền cơ sở. Trên địa bàn Tỉnh đang duy trì 12 đội xây dựng cơ sở theo Quyết định 123 của Bộ Quốc phòng. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh còn chú trọng chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt kế hoạch hành quân dã ngoại làm công tác dân vận. Quá trình hoạt động, các cơ quan, đơn vị luôn tập trung vào địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đời sống còn nhiều khó khăn ở các huyện Sông Mã, Sốp Cộp, Thuận Châu, Mai Sơn... Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xác định là giúp địa phương xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Năm 2006, các đơn vị đã tham gia củng cố chính quyền ở 103 xã, trong đó có 57 xã với 197 bản thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gồm 213 tổ chức chính trị- xã hội, 16 chi bộ bản, 14 tổ chức Mặt trận Tổ quốc, 15 chi đoàn, 23 hội Phụ nữ, 23 hội Cựu chiến binh, 66 đơn vị DQTV... LLVT đã giúp đỡ nhân dân trên 10.000 ngày công, làm mới và tu sửa trên 40 km đường giao thông, giúp dân sửa chữa và làm mới 210 căn nhà, xây mới 5 phòng học, xóa mù cho 173 người, phổ cập giáo dục tiểu học cho 239 người...
Đặc biệt là, để phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, Tỉnh phải tổ chức di chuyển 11.908 hộ dân thuộc 3 huyện đến nơi định cư mới ở 10 huyện khác nhau. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Sơn La mà còn đối với cả nước. Nhận thức đúng nhiệm vụ, LLVT của Tỉnh đã tích cực phối hợp tham gia tuyên truyền, vận động, giúp dân di chuyển, xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất tại nơi ở mới. Cơ quan quân sự các cấp còn chủ động bám, nắm tình hình, kịp thời xây dựng, củng cố các đơn vị DQTV; đăng ký, quản lý quân nhân dự bị động viên ở nơi định cư mới.
Mặc dù là địa phương khó khăn về kinh tế, trình độ dân trí chưa cao, nhưng do quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối QS,QP của Đảng, tổ chức, triển khai chặt chẽ nên công tác QS,QP của Sơn La đã đạt được kết quả quan trọng. Đây là cơ sở vững chắc để Tỉnh tập trung phát triển toàn diện, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, cùng với Điện Biên và Lai Châu tạo thành bức tường thành vững chắc trên địa bàn Tây bắc của Tổ quốc.
Đại tá Nguyễn Kim Di
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh
 
Ý kiến bạn đọc (0)