QPTD -Chủ Nhật, 04/09/2011, 00:23 (GMT+7)
Sóc Trăng đẩy mạnh công tác dân vận, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn

Là một vùng đất giàu tiềm năng thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng giữ một vị trí quan trọng về nhiều mặt trong hai cuộc kháng chiến trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Dân số của Tỉnh gần 1,3 triệu người; trong đó, dân tộc Kinh: 65,58%, dân tộc Khơ-me: 28,29%, dân tộc Hoa: 5,88%. Sóc Trăng là tỉnh có cộng đồng người Khơ-me sinh sống đông nhất cả nước; đồng thời, cũng là nơi có nhiều tôn giáo hoạt động: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hoà Hảo, Tin lành, Cao Đài và một số tín ngưỡng dân gian khác. Tín đồ tôn giáo của Tỉnh chiếm 48,03% dân số. Người dân Sóc Trăng đa phần là những người lao động bình dị, trung thực, giàu lòng yêu quê hương, đất nước, trung thành với Đảng, với cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân Sóc Trăng đã kề vai sát cánh, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, góp phần làm nên chiến thắng chung của cả dân tộc.

Là một tỉnh nghèo ở miền Tây Nam Bộ, bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể, các LLVT và nhân dân Sóc Trăng đã phải nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội (KT-XH) và quốc phòng-an ninh (QP-AN). Một mặt, Tỉnh phải tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; giải quyết vấn đề việc làm; thực hiện xoá đói giảm nghèo (hiện Tỉnh còn 20,66% hộ nghèo, riêng tỷ lệ hộ nghèo người Khơ me chiếm 37,6%), nâng cao mức sống của nhân dân. Mặt khác, phải quan tâm giải quyết vấn đề dân tộc, tôn giáo, tránh để các thế lực thù địch lợi dụng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chủ động đối phó có hiệu quả với chiến lược “diễn biến hoà bình”, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch thông qua các chiêu bài “dân tộc”, “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo”, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư và phát triển.

Nhận rõ trọng trách đó, Đảng bộ và chính quyền Tỉnh luôn thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, làm tốt công tác dân vận (CTDV), góp phần củng cố và phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp, đưa Tỉnh nhà đạt nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực KT-XH và QP-AN, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược trong tình hình mới. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết 8b của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI), Chỉ thị 18/CT-CP của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ thị, nghị quyết có liên quan đến CTDV, Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch nhằm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt CTDV; tổ chức giáo dục, quán triệt sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể về ý nghĩa và tầm quan trọng của CTDV trên địa bàn trong tình hình mới. Ban Thường vụ các cấp uỷ tăng cường chỉ đạo khối dân vận từ Tỉnh đến cơ sở; thực hiện phân công cán bộ bám sát địa bàn, nhất là vùng có đông đồng bào Khơ-me sinh sống để chỉ đạo toàn diện, sâu sát. Hằng tháng, cán bộ chủ chốt của Mặt trận và các đoàn thể xuống dự sinh hoạt với đoàn thể cơ sở để nắm tình hình, triển khai chủ trương của trên và giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Ngành Dân vận Tỉnh làm tốt chức năng tham mưu cho cấp uỷ và chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CTDV; chủ trì phối hợp có hiệu quả hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể, đẩy mạnh CTDV, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các cuộc vận động lớn: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, “Tháng an toàn giao thông”; tổ chức Hội thi “Dân vận khéo”;...  Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của Tỉnh: Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ,... đều tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nêu cao vai trò của các đoàn viên, hội viên trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH và các phong trào xoá đói giảm nghèo, “Đền ơn đáp nghĩa”; tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Các LLVT Tỉnh đã chủ động phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể quần chúng tích cực tham gia CTDV trên địa bàn đóng quân; mỗi năm cử hàng trăm lượt cán bộ, đảng viên về tham gia sinh hoạt định kỳ với cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành ở các xã, ấp để nắm tình hình và tham mưu cho cơ sở xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao năng lực quản lý KT-XH và thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; cùng với địa phương giải quyết có hiệu quả các vụ việc khiếu kiện, tranh chấp đất đai, gây rối trật tự công cộng. Với những cố gắng đó, CTDV của tỉnh Sóc Trăng trong thời gian qua đã góp phần tạo sự đồng thuận xã hội rộng rãi; động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, QP-AN của Tỉnh nhà; đồng thời, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Tuy vậy, so với mục tiêu, yêu cầu đề ra, một số mặt CTDV ở Sóc Trăng vẫn còn những hạn chế, cả trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Công tác điều hành, phối hợp hoạt động giữa Mặt trận Tổ quốc Tỉnh với các đoàn thể, lực lượng, tuy đã được ký kết từ Tỉnh đến cơ sở, nhưng thực hiện ở một số nơi chưa đồng bộ; phối hợp xử lý tình hình còn thiếu nhạy bén, kịp thời; công tác kiểm tra, đôn đốc của các đơn vị liên tịch chưa thường xuyên. Việc tham mưu của ngành Dân vận đối với cấp uỷ và chính quyền các cấp đôi lúc chưa kịp thời, chưa sát với thực tế tình hình. Nội dung, hình thức tiến hành CTDV chưa phong phú; thiếu chủ động trong đề xuất các loại hình, mô hình tập hợp quần chúng nhân dân vào hoạt động trong các tổ chức, phong trào. Các tổ, đội công tác của LLVT hoạt động có lúc, có nơi chưa thật chủ động; một số tổ, đội nắm tình hình địa bàn chưa chặt chẽ, nên tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương giải quyết những vấn đề phức tạp đôi khi còn lúng túng, hiệu quả không cao…

Tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, hiện nay Sóc Trăng đang có những bước chuyển mình vững chắc, đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, KT-XH của Tỉnh còn gặp nhiều khó khăn; bệnh dịch đối với người và gia súc, gia cầm thường xuyên xuất hiện; giá cả thị trường liên tục tăng, trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc Khơ-me. Tình hình khiếu kiện, tranh chấp đất đai kéo dài, tiêu cực, tệ nạn xã hội,... vẫn tồn tại, gây ra những bức xúc trong nhân dân. Thêm vào đó, các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn luôn cấu kết, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền để chống phá ngày một quyết liệt hơn.  Tình hình đó đòi hỏi cấp uỷ, chính quyền các cấp của Tỉnh phải coi trọng hơn nữa CTDV, bảo đảm cho công tác này thực sự là cầu nối giữa “ý Đảng” với “lòng dân”, phát huy được sức dân trong phát triển KT-XH, củng cố QP-AN, xây dựng Tỉnh vững mạnh về mọi mặt.

Trước hết, Tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết cộng đồng, tương thân, tương ái, nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên trong phát triển KT-XH; đề cao trách nhiệm trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và thực hiện các nghĩa vụ công dân. Nội dung của công tác tuyên truyền cần tập trung làm cho đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào Khơ-me nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc được thể hiện nhất quán trong chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng. Thông qua việc tuyên tuyền sâu rộng trong nhân dân về những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ; đồng thời, tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Tỉnh. Trong bối cảnh hiện nay, cần làm cho các tầng lớp nhân dân thấy rõ được thời cơ, thuận lợi, cũng như khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển của địa phương mình, ngành mình. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, làm cho mọi người nhận thức được tính chất nguy hiểm của chiến lược “diễn biến hoà bình”; những mưu toan lợi dụng chiêu bài “dân tộc”, “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo” để phủ nhận đường lối đổi mới của Đảng, kích động mâu thuẫn giữa nhân dân với cấp uỷ, chính quyền các cấp, chia rẽ giữa người Kinh với người Khơ-me và người Hoa, giữa đồng bào có đạo và không có đạo. Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau xoá đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, thực hiện các chương trình xã hội nhân đạo,… thiết thực góp phần phát triển KT-XH, củng cố QP-AN ở địa phương.

Đi đôi với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, Tỉnh cần tập trung xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Thực tế ở Sóc Trăng những năm vừa qua cho thấy, bên cạnh những xã, phường, thị trấn vững mạnh, vẫn còn một số địa phương, cơ sở chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị chưa đồng đều, kém hiệu lực; năng lực điều hành của chính quyền và vai trò của các tổ chức quần chúng chưa được phát huy đầy đủ. Vì vậy, Tỉnh cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các lực lượng; bằng nhiều nội dung, biện pháp cụ thể củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Trọng tâm là giúp các xã, ấp nghèo, vùng đồng bào dân tộc Khơ-me nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, năng lực quản lý kinh tế, quản lý xã hội, quản lý công tác QP-AN và năng lực tập hợp quần chúng của các tổ chức thành viên Mặt trận. Trong quá trình xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, cấp uỷ các địa phương cần chú trọng lãnh đạo tốt công tác phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên các tổ chức quần chúng, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Sau khi kết nạp cần quy hoạch, bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt, tạo điều kiện để họ phát triển thành những cán bộ chủ chốt của địa phương, đồng thời cũng là hạt nhân đoàn kết trong tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và cộng đồng các dân tộc. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, theo tinh thần gần dân, tôn trọng dân và có trách nhiệm với dân. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là ở cơ sở có phẩm chất, năng lực, đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, “nói đi đôi với làm”, có uy tín trước nhân dân.

Tỉnh phải đặc biệt quan tâm việc chăm lo phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo. Đây là một giải pháp cơ bản, tạo cơ sở KT-XH vững chắc cho CTDV đạt hiệu quả, góp phần củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn. Để làm được điều đó, Tỉnh cần thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông-ngư nghiệp theo hướng CNH, HĐH, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, cải thiện đời sống nhân dân; phấn đấu nhịp độ tăng trưởng GDP hằng năm thời kỳ 2006 - 2010 đạt từ 13 - 14%; đến 2010 thu nhập bình quân đầu người trên 900 USD. Các ngành, các địa phương trong Tỉnh cần coi trọng thực hiện tốt chương trình xoá đói giảm nghèo; ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội đối với các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào Khơ-me. Cần thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người nghèo về đất canh tác, vốn ưu đãi, giống, bảo hiểm sản xuất; hỗ trợ nhà ở, giáo dục, khám chữa bệnh; hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm hộ nghèo xuống dưới 15%, từng bước tăng hộ khá, giàu. Tỉnh cần hết sức quan tâm đến vấn đề lao động, việc làm, tăng thời gian lao động ở nông thôn đạt mức 80%. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách xã hội đối với người có công, thương binh, gia đình liệt sĩ; chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, chăm sóc người già không nơi nương tựa, người tàn tật, trẻ mồ côi,v.v.

Phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể và LLVT tham gia một cách tích cực, có hiệu quả CTDV trên địa bàn. Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ và chính quyền các cấp, vai trò của Mặt trận, các đoàn thể, LLVT đối với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân là hết sức quan trọng. Do đó, Tỉnh cần phải quan tâm xây dựng các tổ chức này thực sự vững mạnh, hoạt động có nền nếp, chiều sâu; nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với đặc điểm, tâm lý, tập quán của từng vùng, miền và đời sống của đồng bào các dân tộc. Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, các tổ chức cần xác định nội dung, phương thức hoạt động cho phù hợp, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, lực lượng khác của hệ thống chính trị theo kế hoạch liên tịch đã được ký kết. Đối với LLVT Tỉnh, cùng với việc duy trì các hoạt động kết nghĩa, cần chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ, đội công tác, tích cực góp phần xây dựng cơ sở chính trị trên địa bàn Tỉnh vững mạnh, tham gia xoá đói giảm nghèo, giúp địa phương phát triển KT-XH, củng cố QP-AN. Quan tâm xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ trong đồng bào dân tộc thiểu số, trước hết là chất lượng chính trị, bảo đảm cho lực lượng này thực sự trở thành chỗ dựa của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, là nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân ở địa phương... Với các giải pháp trên đây, CTDV ở tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới sẽ góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cùng nhau đoàn kết thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Tỉnh trong tình hình mới.

Võ Minh Chiến

Ủy viên BCHTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

                                                          

 

Ý kiến bạn đọc (0)