Thứ Năm, 24/04/2025, 17:44 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Ph. Ăng-ghen là một trong những người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học; có những cống hiến vô giá vào việc xây dựng lý luận quân sự của giai cấp vô sản và kho tàng khoa học quân sự của nhân loại. Những tư tưởng quân sự của ông đã giải đáp một cách khoa học những vấn đề cơ bản về chiến tranh và quân đội; đồng thời, đặt nền móng tư tưởng, lý luận của học thuyết Mác - Lê-nin về chiến tranh và quân đội.
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, Ph. Ăng-ghen đã giải thích một cách khoa học nguồn gốc, bản chất chính trị-xã hội của chiến tranh; chỉ ra mối liên hệ giữa chiến tranh và kinh tế, chiến tranh và chính trị; mối quan hệ giữa con người và vũ khí kỹ thuật; vai trò của nhân tố chính trị - tinh thần và của quần chúng nhân dân trong chiến tranh. Xuất phát từ quan điểm: phương thức sản xuất ra đời sống vật chất quyết định các quá trình chính trị và đời sống xã hội, Ông đã chỉ ra bản chất chính trị - xã hội của chiến tranh và chứng minh một cách khoa học rằng, trong lịch sử phát triển của xã hội loài người đã có thời kỳ không có chiến tranh và chiến tranh chỉ mất đi khi mà những nguồn gốc và nguyên nhân sinh ra nó là chế độ tư hữu và các giai cấp bóc lột bị thủ tiêu. Tư tưởng đó đã giáng một đòn chí mạng vào các luận thuyết của giai cấp tư sản về tính vĩnh viễn của chiến tranh.
Từ nghiên cứu các cuộc chiến tranh trong lịch sử, làm rõ nguyên nhân và bản chất chính trị - xã hội của nó, Ph. Ăng-ghen đã vạch trần tính chất phi nghĩa của các cuộc chiến tranh xâm lược do nhà nước của giai cấp thống trị tiến hành; đồng thời, chỉ rõ tính chất hợp pháp và chính nghĩa của các cuộc chiến tranh do các giai cấp, dân tộc bị áp bức bóc lột tiến hành, chống lại ách nô dịch, xâm lược, áp bức. Trên cơ sở phân tích khoa học sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và các mâu thuẫn vốn có của nó, Ông đã đưa ra cảnh báo: chiến tranh thế giới lần thứ nhất là không thể tránh khỏi (thực tế nó đã xảy ra từ tháng 8-1914 đến tháng 3-1918). V.I. Lê-nin cho đây là một dự đoán khoa học thiên tài.
Ph. Ăng-ghen đã luận giải một cách khoa học về vai trò của nhân dân và nhân tố chính trị - tinh thần trong chiến tranh; chỉ ra bản chất xã hội - giai cấp của các nhân tố đó. Theo Ông, trong chiến tranh, nếu hai bên đối địch có những khả năng tương đối ngang nhau về vũ khí, trang bị kỹ thuật, thì ưu thế luôn thuộc về phía mà thành phần con người của họ có tinh thần cao hơn. Hơn thế nữa, ngay cả những đội quân có ưu thế về trang bị vũ khí kỹ thuật, nhưng lại thua kém đối phương về chính trị - tinh thần và nghệ thuật quân sự, thì không thể biến ưu thế đó thành sức mạnh trội hơn đối phương và cuối cùng sẽ thất bại. Từ đó, ông cho rằng, để đánh giá đúng khả năng chiến đấu của quân đội thì không chỉ nhìn vào trang bị vũ khí và chiến thuật của nó, mà cần phải xem xét trình độ kỷ luật, lòng kiên định và khả năng sẵn sàng chịu đựng trong những tình huống chiến đấu. Về cơ sở sức mạnh của nhân tố chính trị - tinh thần, Ph. Ăng-ghen cho rằng, chế độ chính trị - xã hội của nhà nước, tinh thần dân tộc trong các cuộc chiến tranh chính nghĩa là yếu tố quan trọng nhất. Bởi vì, quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào các cuộc chiến tranh chính nghĩa là do họ mong muốn thoát khỏi ách áp bức bóc lột, sự thống trị dân tộc; hướng tới một chế độ xã hội ấm no, hạnh phúc, tự do và độc lập. Do vậy, trong các cuộc chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng thì giai cấp công nhân, nhân dân lao động và quân đội kiểu mới của họ có ưu thế tuyệt đối về sức mạnh chính trị - tinh thần.
Ph. Ăng-ghen là người đầu tiên chỉ ra nguồn gốc và tính chất giai cấp của quân đội. Ông viết: “Quân đội là một tập đoàn có tổ chức gồm những người được vũ trang, được nhà nước đài thọ để thực hiện chiến tranh tấn công hoặc phòng ngự”1; và “quân đội đã trở thành mục đích chủ yếu của nhà nước, trở thành một mục đích tự nó”2. Luận điểm này của ông đã bóc trần sự lừa mị của các nhà lý luận quân sự tư sản, hòng che đậy bản chất giai cấp của quân đội các nhà nước bóc lột. Theo quan điểm đó, bản chất đích thực của các quân đội, dù của nhà nước chiếm hữu nô lệ, phong kiến hay tư bản, đều là công cụ bạo lực để bảo vệ quyền lợi của giai cấp bóc lột, bảo vệ chính sách đối nội và đối ngoại của các nhà nước đó nhằm tiến hành chiến tranh xâm lược để nô dịch các dân tộc khác. Quân đội của nhà nước tư sản là công cụ để đàn áp, áp bức nhân dân lao động, đàn áp phong trào cách mạng của giai cấp công nhân, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân, thực hiện chính sách xâm lược bằng thủ đoạn vũ trang.
Dựa vào quan niệm duy vật về các quá trình lịch sử - xã hội, Ph. Ăng-ghen đã chỉ ra sự lệ thuộc của các phương thức tiến hành chiến tranh vào chế độ kinh tế, xã hội, vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Ông viết: “Không có gì lại phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế tiên quyết hơn là chính ngay quân đội và hạm đội. Vũ trang, tổ chức, chiến thuật, chiến lược phụ thuộc trước hết vào trình độ sản xuất đạt được trong một thời điểm nhất định và vào phương tiện giao thông”3. Đồng thời, Ông cũng cho rằng: “toàn bộ việc tổ chức và phương thức chiến đấu của quân đội, và do đó thắng lợi hay thất bại đều rõ ràng phụ thuộc vào các điều kiện vật chất, nghĩa là điều kiện kinh tế, vào chất liệu của con người và của vũ khí, nghĩa là vào chất lượng, số lượng của dân cư và của kỹ thuật”4.
Không chỉ nghiên cứu sự ra đời và bản chất của các kiểu quân đội xuất hiện trong lịch sử, mà Ph. Ăng -ghen còn đề ra những luận điểm làm nền móng cho việc xây dựng lực lượng vũ trang của giai cấp vô sản để bảo vệ thành quả cách mạng. Trong nhiều tác phẩm của mình, đặc biệt là từ sau Công xã Pa-ri, ông đã chứng minh rằng: giai cấp vô sản sau khi đã nắm chính quyền trong tay sẽ đứng trước một đòi hỏi tất yếu phải vũ trang bảo vệ thành quả cách mạng. Ông chỉ ra rằng, trong tiến trình cách mạng vô sản, giai cấp công nhân không tránh khỏi sự chống trả quyết liệt của giai cấp thống trị đã bị lật đổ. Do đó, giai cấp công nhân và nhân dân lao động phải đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng và chuẩn bị sẵn sàng về mặt quân sự để bảo vệ thành quả cách mạng. Từ đó, Ông xác định: việc thay thế quân đội của nhà nước bóc lột bằng vũ trang cho nhân dân là việc làm trước hết, để giai cấp vô sản tiến đến xây dựng một quân đội riêng của mình; tổ chức quân sự của giai cấp vô sản phải mang tính chất giai cấp rõ rệt, phải bao gồm những công nhân và nông dân lao động được giác ngộ về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu. Những luận điểm đó có tính nguyên tắc để xây dựng quân đội của nhà nước vô sản.
Từ kinh nghiệm của Công xã Pa-ri, Ph. Ăng-ghen chỉ ra: sở dĩ Công xã Pa-ri không thể bảo vệ được thành quả cách mạng là do trước hết, không có sự lãnh đạo tập trung thống nhất đối với việc “phòng thủ”, thiếu một đảng cách mạng mác-xít duy nhất lãnh đạo. Từ đó, Ông cho rằng: giai cấp vô sản phải xây dựng một cơ quan lãnh đạo quân sự thống nhất để lãnh đạo lực lượng vũ trang. Ông nêu ra những vấn đề có tính nguyên tắc về tính chất, nhiệm vụ của tổ chức quân sự của giai cấp vô sản. Theo đó: quân đội có nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Ph. Ăng-ghen khẳng định: quân đội của giai cấp vô sản có ưu thế tuyệt đối về phẩm chất chính trị, tinh thần chiến đấu; trong trường hợp xảy ra chiến tranh, thì quân đội ấy sẽ chiến đấu với niềm tin, lòng dũng cảm, sự gan dạ và chắc chắn sẽ giành thắng lợi. Đồng thời, để xây dựng quân đội vững mạnh, giai cấp vô sản cần phải quan tâm xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cần thiết cho việc sản xuất và trang bị vũ khí cho quân đội; tổ chức giáo dục chủ nghĩa cộng sản cho toàn dân và cho mọi quân nhân.
Khi bàn về tài năng quân sự của Ph. Ăng-ghen, C. Mác coi ông là “người có uy tín về quân sự bậc nhất” thời bấy giờ. V.I. Lê-nin gọi Ph. Ăng-ghen là nhà tư tưởng lỗi lạc của giai cấp vô sản, là nhà am hiểu quân sự vĩ đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam thấm nhuần sâu sắc tư tưởng quân sự của Ph. Ăng-ghen, đã vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam; thực hiện thắng lợi công cuộc kháng chiến, giải phóng đất nước khỏi ách xâm lược của thực dân, đế quốc; đồng thời, không ngừng phát triển và hoàn thiện lý luận về chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự và xây dựng Quân đội nhân dân để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tư tưởng, lý luận quân sự của Ph. Ăng-ghen là cơ sở lý luận để Đảng, Nhà nước, nhân dân, quân đội ta nhận thức đúng bản chất, quy luật của chiến tranh nhân dân giải phóng dân tộc; xác định đúng đắn mục tiêu, lực lượng, sức mạnh, phương thức bảo vệ Tổ quốc; giải quyết sáng tạo những vấn đề của nghệ thuật quân sự Việt Nam về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, chiến đấu, phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc; từ đó, trang bị cho cán bộ, chiến sĩ những kiến thức về các nguyên tắc tiến hành đấu tranh vũ trang thắng lợi. Những tư tưởng, lý luận của Ph. Ăng-ghen về chiến tranh và quân đội còn là cơ sở khoa học để Đảng ta đề ra đường lối quân sự, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, đường lối chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân độc lập, tự chủ, đúng đắn sáng tạo.
Những luận điểm căn bản của Ph. Ăng-ghen về nguyên tắc xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản là cơ sở lý luận khoa học cho việc tổ chức sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; xây dựng quân đội ta vững mạnh về chính trị; xây dựng bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của quân đội ta; xác lập cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; xây dựng tổ chức và huấn luyện giáo dục quân đội theo quan điểm, lập trường của giai cấp công nhân; nâng cao ý chí chiến đấu, rèn luyện tâm lý, năng lực và trình độ sẵn sàng chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời, đó còn là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, nhân dân và quân đội ta trong đấu tranh chống lại học thuyết quân sự tư sản xuyên tạc, phá hoại bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của quân đội ta.
Những di sản tư tưởng, lý luận quân sự của Ph. Ăng-ghen là tài sản vô giá trong kho tàng khoa học quân sự của nhân loại. Ngày nay, do sự xuất hiện của các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật ngày càng hiện đại đã dẫn đến những biến đổi về tổ chức quân đội và phương pháp tác chiến mới. Nhưng điều đó không làm thay đổi bản chất chính trị - xã hội của chiến tranh, của quân đội, vai trò của nhân tố chính trị - tinh thần, mối quan hệ giữa con người và vũ khí như Ph. Ăng-ghen đã chỉ ra. Vì thế, tư tưởng quân sự của Ph. Ăng-ghen vẫn còn nguyên giá trị; vẫn là cơ sở lý luận khoa học để chúng ta nhận rõ bản chất chính trị - xã hội của các cuộc chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao, núp dưới chiêu bài chống khủng bố do các thế lực hiếu chiến phát động chống lại các quốc gia, dân tộc có chủ quyền trong thời đại ngày nay. Tính chất ác liệt của chiến tranh do sự phát triển của vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại càng đòi hỏi chúng ta phải chăm lo xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao bản lĩnh chính trị, phát triển khoa học kỹ thuật, tài năng, trí tuệ của cán bộ, chiến sĩ; phát huy có hiệu quả các loại trang bị, vũ khí nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Quá trình xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam hơn 65 năm qua là minh chứng hùng hồn cho sức sống của những luận điểm mà Ph. Ăng-ghen đã nêu về xây dựng quân đội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Những di sản lý luận quân sự của Ph. Ăng-ghen sẽ giúp cho chúng ta nâng cao kiến thức lý luận quân sự, góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu, quán triệt tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Đại tá, TS. TRẦN NGỌC TUỆ
___________________
1- C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, Nxb CTQG, H. 1994, Tập14, tr.11.
2, 3, 4- Sđd,Tập 20, tr.240, 235, 241
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011