QPTD -Thứ Ba, 26/07/2011, 16:18 (GMT+7)
Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2009 - sự thể hiện nhất quán chính sách quốc phòng tự vệ vì hoà bình, hợp tác và phát triển

Ngày 8-12-2009, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Ngoại giao  tổ chức họp báo công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam lần thứ 31. Đây là tài liệu chính thức của Nhà nước Việt Nam nêu rõ những quan điểm cơ bản của chính sách quốc phòng Việt Nam; qua đó thể hiện sự cởi mở, minh bạch về quốc phòng của Việt Nam, nhằm tăng cường sự hiểu biết,  xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

  

Với bố cục chặt chẽ, khoa học, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2009 (sau đây gọi là Sách trắng Quốc phòng 2009) đã trình bày khá toàn diện quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam về vấn đề an ninh của khu vực và thế giới; về chủ trương, chính sách quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân, Quân đội nhân dân (QĐND); qua đó, thể hiện rõ và sâu sắc quan điểm quốc phòng vì hoà bình, tự vệ, nhằm giữ vững môi trường hoà bình, ổn định cho công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Sách trắng Quốc phòng 2009 gồm 3 phần. Phần thứ nhất: Tình hình an ninh và chính sách quốc phòng; phần thứ hai: Xây dựng nền quốc phòng; phần thứ ba: Xây dựng QĐND và dân quân tự vệ. Ngoài 3 phần chính, Sách trắng còn đăng 11 phụ lục kèm theo.

Trong phần thứ nhất, Sách trắng Quốc phòng 2009 đã trình bày nhận định của Việt Nam về xu hướng chung của tình hình an ninh khu vực và thế giới, những nhân tố tích cực, tiêu cực và sự tác động của chúng đến xu thế hoà bình và hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực và toàn cầu. Sách trắng cũng nêu rõ các mối quan tâm về an ninh của Việt Nam, những thuận lợi, khó khăn của Việt Nam trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Việt Nam xác định giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), thực hiện CNH,HĐH là lợi ích cao nhất của đất nước, là mục tiêu xuyên suốt của chính sách quốc phòng Việt Nam. Để đạt được mục tiêu đó trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, thời cơ và thách thức đan xen, Việt Nam kiên định thực hiện chính sách quốc phòng mang tính chất hoà bình, tự vệ, thể hiện ở việc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; không tham gia liên minh quân sự và không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại nước khác; giải quyết các bất đồng và tranh chấp với các quốc gia khác bằng biện pháp hoà bình. Việt Nam phản đối các hành động chạy đua vũ trang, nhưng luôn coi trọng từng bước hiện đại hoá quân đội, tăng cường tiềm lực quốc phòng nhằm duy trì sức mạnh quân sự ở mức cần thiết để tự vệ. Là quốc gia đã phải chịu nhiều hy sinh, mất mát trong các cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, nên Việt Nam luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của các quốc gia, trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ); đồng thời, cũng đòi hỏi các quốc gia khác phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và các quyền lợi quốc gia của Việt Nam. Việt Nam chủ trương không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, nhưng sẵn sàng và kiên quyết giáng trả mọi hành động xâm lược để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, các quyền và lợi ích của quốc gia.

Việt Nam xây dựng sức mạnh quốc phòng dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quán triệt phương châm phòng thủ toàn diện, chủ động, bảo vệ Tổ quốc từ xa, Việt Nam thực hiện chiến lược quốc phòng tối ưu, bằng sử dụng các biện pháp tổng hợp về chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hoá-xã hội, nhằm giữ ổn định bên trong, ngăn ngừa các nguy cơ can thiệp từ bên ngoài. Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, theo phương châm "Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế", Việt Nam tăng cường mở rộng hợp tác quốc phòng với các nước, coi đây là một nội dung quan trọng có tầm chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ quốc phòng với 65 nước, trong đó có các cường quốc; đã thiết lập tuỳ viên quốc phòng tại 31 nước và đã có 42 nước thiết lập tùy viên quốc phòng tại Việt Nam. Thời gian tới, Việt Nam tăng cường hơn nữa công tác đối ngoại quốc phòng; mở rộng và củng cố quan hệ hợp tác với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước trong khu vực và các đối tác quan trọng khác..., đưa các mối quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu, hiệu quả, ổn định, bền vững, tin cậy lẫn nhau. Cùng với đó, Việt Nam chủ động tham gia và phát huy vai trò tích cực, uy tín và vị thế của mình trong các hoạt động hợp tác quốc phòng, an ninh đa phương của khu vực và các tổ chức quốc tế, đứng đầu là LHQ, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng luật pháp quốc tế, phù hợp khả năng, điều kiện thực tiễn của đất nước, nhằm góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng LLVT, củng cố quốc phòng-an ninh (QP-AN), bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, góp phần giữ vững hoà bình và an ninh ở khu vực và trên thế giới. Sách trắng cũng đề cập đến chính sách của Việt Nam trên một số lĩnh vực quan trọng, như: hợp tác ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ, cứu hộ, cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai...

Phần thứ hai của Sách trắng khẳng định chủ trương của Việt Nam xây dựng nền QPTD theo phương hướng: toàn dân, toàn diện, tự chủ, tự lực, tự cường và ngày càng hiện đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; trong đó, sức mạnh quân sự là đặc trưng, LLVT là nòng cốt. Trong phần này, Sách trắng có khái quát rõ những nội dung cơ bản nhất của nền quốc phòng, là xây dựng tiềm lực quốc phòng, xây dựng lực lượng quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng và quản lý nhà nước về quốc phòng.

Tiềm lực quốc phòng của Việt Nam bao gồm tiềm lực chính trị-tinh thần, tiềm lực kinh tế, tiềm lực khoa học- công nghệ (KH-CN), tiềm lực quân sự. Mỗi tiềm lực có vị trí, vai trò riêng trong mối quan hệ biện chứng tương tác, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển. Trong đó, tiềm lực chính trị-tinh thần là thành tố cơ bản của tiềm lực quốc phòng, chứa đựng trong tố chất con người, trong truyền thống lịch sử-văn hóa dân tộc và trong hệ thống chính trị. Tiềm lực kinh tế là cơ sở vật chất của các tiềm lực khác, được tạo ra qua quá trình phát triển KT-XH của đất nước, nhằm bảo đảm sức mạnh vật chất của nền quốc phòng. Để xây dựng tiềm lực kinh tế của nền QPTD, một trong những chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước ta là kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN, bảo vệ Tổ quốc; phát triển KT-XH gắn liền với xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) theo quy hoạch, kế hoạch đã xác định của cả nước, của từng ngành, từng địa phương; xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng, quốc phòng-kinh tế tại các hướng chiến lược trọng điểm. Sách trắng cũng nêu rõ, trong những năm gần đây, cùng với sự tăng trưởng kinh tế, Nhà nước Việt Nam cũng chăm lo dành một phần cần thiết ngân sách quốc gia cho các nhu cầu quốc phòng nói chung và đảm bảo vũ khí, trang bị cho LLVT nói riêng2. Tiềm lực KH-CN là thành tố có vai trò ngày càng quan trọng trong tiềm lực quốc phòng, biểu hiện ở trình độ và khả năng phát triển khoa học; nguồn nhân lực KH-CN, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác nghiên cứu, phổ biến và ứng dụng KH-CN vào lĩnh vực quốc phòng. Tiềm lực quân sự là bộ phận nòng cốt của tiềm lực quốc phòng, được xây dựng trên nền tảng của tiềm lực chính trị-tinh thần, tiềm lực kinh tế, tiềm lực KH-CN. Tiềm lực quân sự bao gồm con người và vũ khí, trang bị; trong đó, con người có giác ngộ chính trị, có tri thức toàn diện, nhất là tri thức KH-CN là hết sức quan trọng, quyết định.

Cùng với đó, Nhà nước đẩy mạnh xây dựng thế trận QPTD và tăng cường quản lý nhà nước về quốc phòng. Thế trận QPTD là thế bố trí lực lượng và tiềm lực quốc phòng trên toàn bộ lãnh thổ theo ý định chiến lược thống nhất, bảo đảm đối phó thắng lợi với mọi mưu toan và hoạt động của các thế lực thù địch xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của đất nước. Thế trận QPTD được xây dựng theo hướng kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; được chuyển hoá thành thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc nếu chiến tranh xảy ra. Sách trắng cũng nêu rõ những thay đổi lớn trong công tác quản lý nhà nước về quốc phòng trong 5 năm qua, như thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính uỷ, chính trị viên trong QĐND; Luật Sĩ quan sửa đổi năm 2008; thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự 18 tháng...

Trong phần thứ ba, Sách trắng nêu rõ chủ trương của Việt Nam xây dựng LLVT nhân dân bao gồm QĐND, dân quân, tự vệ và công an nhân dân (CAND), có nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. QĐND là nòng cốt của LLVT, được xây dựng theo hướng "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại", bao gồm bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương (quân số khoảng 450.000 người), có lực lượng thường trực và lực lượng dự bị. Việt Nam xây dựng lực lượng thường trực có cơ cấu tổ chức cân đối, số lượng hợp lý theo hướng tinh gọn, được trang bị các loại vũ khí, khí tài hiện đại cần thiết và lực lượng dự bị hùng hậu (quân số khoảng 5 triệu người). Bộ đội chủ lực gồm các quân chủng, quân đoàn, binh chủng, có khả năng cơ động cao, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ trong mọi tình huống. Bộ đội địa phương gắn bó chặt chẽ với khu vực phòng thủ, hoạt động chiến đấu trong thế trận phòng thủ chung của quân khu và của cả nước. Dân quân, tự vệ là LLVT quần chúng không thoát ly sản xuất, được xây dựng theo hướng "vững mạnh, rộng khắp", có chất lượng tổng hợp cao, trước hết là chất lượng chính trị; quân số, tổ chức hợp lý; có trách nhiệm bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước ở cấp xã, cơ quan, tổ chức; cùng với bộ đội địa phương làm nòng cốt của chiến tranh nhân dân tại địa phương. QĐND cùng CAND là lực lượng nòng cốt xây dựng nền QPTD, nền an ninh nhân dân. Từ khi thành lập đến nay, QĐND Việt Nam luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân, phát huy truyền thống, bản chất tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ", luôn thực hiện tốt chức năng của một đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ:"Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".

Trong phần cuối, Sách trắng quốc phòng 2009 đăng 11 phụ lục về các vấn đề quốc phòng, quân sự quan trọng, như: sơ đồ tổ chức Bộ Quốc phòng Việt Nam; cơ quan Tuỳ viên Quốc phòng Việt Nam tại nước ngoài; hệ thống học viện, nhà trường, viện nghiên cứu chủ yếu của quân đội; các khu kinh tế-quốc phòng, các tổng công ty lớn của quân đội; danh sách các hiệp định liên quan đến biên giới đã được Nhà nước Việt Nam ký kết; quân kỳ, quân hiệu, phù hiệu và quân phục của QĐND Việt Nam...

Sách trắng Quốc phòng 2009 với những nội dung cơ bản được nêu trên đã thể hiện sâu sắc chính sách quốc phòng vì hoà bình, tự vệ, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc của Nhà nước Việt Nam; qua đó, góp phần tích cực xây dựng, củng cố lòng tin, tăng cường đoàn kết với các nước, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới.

ĐỒNG VĂN

_______

1- Lần thứ nhất công bố vào năm 1998; lần thứ hai công bố vào năm 2004.

2- Ngân sách dành cho quốc phòng năm 2006 là 20.577 tỷ đồng, tương đương 2,194% GDP; năm 2007 là 28.922 tỷ đồng, tương đương 2,529% GDP; năm 2008 là 27.024 tỷ đồng, tương đương 1,813% GDP.

 

Ý kiến bạn đọc (0)