QPTD -Chủ Nhật, 20/11/2011, 22:59 (GMT+7)
Rèn luyện nhân cách người cán bộ lãnh đạo, quản lý theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhân cách của người cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay là sự tổng hòa các yếu tố về phẩm chất và năng lực, trong đó nổi lên là vấn đề đạo đức. Việc rèn luyện nhân cách người cán bộ lãnh đạo, quản lý là một nhiệm vụ then chốt, thường xuyên của công tác cán bộ. Trong điều kiện hiện nay, tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là cơ sở để xây dựng nhân cách người cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng.

Theo Hồ Chí Minh, nhân cách của người cán bộ lãnh đạo, quản lý trước hết biểu hiện ở lòng "trung với nước, hiếu với dân". Người coi trung với nước, hiếu với dân là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất của đạo đức cách mạng và là một yếu tố cơ bản của nhân cách người cán bộ, đảng viên. Trong điều kiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, trung với nước là dám xả thân vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, dẫu biết rằng đi làm cách mạng thì có thể bị tù đày, lên máy chém, ra pháp trường. Ngày nay, trong hòa bình xây dựng, những điều kiện ấy không còn, nhưng những thử thách không kém phần nghiệt ngã vẫn còn đó đối với người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Một số người không hy sinh bởi mũi tên, hòn đạn trong cuộc chiến đấu khốc liệt để bảo vệ Tổ quốc, nhưng trong hòa bình xây dựng lại bị "chết" bởi những “viên đạn bọc đường”, sa vào tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu - những căn bệnh mà Hồ Chí Minh coi là "giặc nội xâm", thứ giặc ở trong lòng, nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, trung với nước là phải đặt quyền lợi của Tổ quốc, của Đảng lên trên hết, trước hết. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý là người giữ trọng trách trong bộ máy của hệ thống chính trị càng cần có đức tính hy sinh cho lợi ích của Đảng, của Tổ quốc. Điều này càng đặc biệt quan trọng trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khi các lợi ích đặt ra cho mọi người, trong đó có lợi ích cá nhân trong mối quan hệ với lợi ích của tập thể và lợi ích của Tổ quốc. Hồ Chí Minh cho rằng, không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý đến lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa; rằng những cán bộ, đảng viên cũng như bao con người khác, cũng có những nhu cầu chính đáng về cuộc sống vật chất và tinh thần, nhưng có khác là ở chỗ khi cần, sẵn sàng hy sinh quyền lợi của cá nhân mình, của gia đình mình cho lợi ích tối thượng của Đảng, của Tổ quốc. Trong lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, có lợi ích của cá nhân mình. Hồ Chí Minh còn nói rằng, vào Đảng là tự nguyện; nếu vào Đảng mà sợ hy sinh thì đừng vào Đảng hoặc khoan hẵng vào, để khi nào rèn được đức tính hy sinh rồi hãy vào. Mọi người, kể cả những cán bộ lãnh đạo, quản lý được khuyến khích làm giàu, nhưng đó là làm giàu chính đáng, chứ không phải làm giàu với bất cứ giá nào, làm giàu bất chấp đạo lý, làm giàu bằng tham nhũng, dùng mọi biện pháp, lúc trắng trợn, lúc tinh vi, chiếm đoạt của công làm của riêng.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý càng phải gần dân, hiểu dân, vì dân, thực hiện đúng quan điểm của Hồ Chí Minh: Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên là công bộc của dân, vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Sức mạnh của Đảng, của cả hệ thống chính trị; trí tuệ và xung lực của người cán bộ lãnh đạo, quản lý là lấy từ nơi dân, cho nên dân luôn luôn là gốc của cách mạng, đúng như Hồ Chí Minh đã nêu và sau này, Đại hội VI của Đảng năm 1986 đã tổng kết. Chúng ta không thể chấp nhận tình trạng hiện nay ở không ít nơi, không ít người trong bộ máy của hệ thống chính trị xa dân, không tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, mị dân, theo đuôi quần chúng. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải luôn thấm nhuần quan điểm của Hồ Chí Minh: việc gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng cố làm; việc gì có hại cho dân dù nhỏ cũng cố tránh; phải làm cho dân giác ngộ; chớ có "vác mặt quan cách mạng" để "đè đầu cưỡi cổ nhân dân"; đừng có tưởng cứ "dán lên trán hai chữ cộng sản" là dân tin, dân yêu, dân kính, dân phục mà phải thực sự yêu dân, kính dân.
Hồ Chí Minh cho rằng, hiếu với dân còn bao hàm cả hiếu với cha mẹ, có tình yêu thương trong gia đình, nghĩa là có một “đời tư trong sáng”. Trong khái niệm "nhân cách" của một con người, thường người ta hiểu có điểm nhấn về mặt này nhiều hơn. Đứng trước dân, đang ở vị trí lãnh đạo, quản lý mà người cán bộ, đảng viên nêu gương xấu, gương mờ trong đời tư (chẳng hạn như tư cách đạo đức, lối sống không tốt; tác phong, phong cách xấu; con cái hư; bản thân mình đối xử không tốt với vợ (chồng) con, với ông bà, cha mẹ, với anh em, với xóm giềng, v.v.) thì tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng không lãnh đạo, quản lý được ai một cách thực chất; nói không ai nghe, làm không ai theo, là đạo đức giả, gây phản cảm. Đúng như Hồ Chí Minh quan niệm: ở phương Đông và ở Việt Nam, một tấm gương sáng còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Hiếu với dân không ở đâu xa, mà trước hết chính ngay ở trong gia đình, họ tộc, xóm giềng của bản thân người cán bộ lãnh đạo, quản lý đó.
Thứ hai, nhân cách của người cán bộ lãnh đạo, quản lý còn biểu hiện ở đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư - điều mà Hồ Chí Minh rất coi trọng trong việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.
Cần, theo quan điểm của Hồ Chí Minh có hai nội dung cơ bản: ngoài việc đòi hỏi người cán bộ phải cần cù, siêng năng, chịu khó, biết vượt qua khó khăn, gian khổ để làm việc, còn là yêu cầu tăng năng suất lao động (Lâu nay, không ít người chỉ nhấn mạnh tới nội dung thứ nhất). Đây là một quan điểm hợp với nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin khi coi năng suất lao động chính là một điều kiện cốt yếu để chủ nghĩa xã hội chiến thắng chủ nghĩa tư bản. Năng suất lao động của mỗi cá nhân là điều kiện để tạo thành năng suất lao động xã hội (Hiện nay, sự tăng trưởng nhanh GDP hằng năm của Việt Nam tuy đứng thứ hai ở châu á (sau Trung Quốc), nhưng mới chỉ nói lên phần nào sự phát triển kinh tế, chứ chưa phản ánh được nhiều tăng năng suất lao động xã hội). Đức tính "cần" của người cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay là phải chú ý tới hiệu quả, chất lượng công tác, không có gì là trừu tượng, mà phải đo được bằng kết quả cụ thể của từng người, từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị.
Kiệm, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, đó là tiết kiệm. Đáng chú ý là tình trạng lãng phí ở nước ta hiện nay diễn ra khá nặng và đang có chiều hướng nghiêm trọng hơn. Đại hội X của Đảng chỉ ra một điều nghịch lý rằng, nước ta còn nghèo nhưng còn lãng phí, do đó không dành được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển. Hồ Chí Minh chỉ rõ: cần phải đi đôi với kiệm; cần mà không kiệm thì tiền như “gió vào nhà trống”. Hiện nay, lãng phí biểu hiện ở nhiều mặt: lãng phí tiền của trong đầu tư; lãng phí trong chi tiêu (cả ở phạm vi cá nhân, tập thể và ngân sách Nhà nước); lãng phí thì giờ, v.v. Điều đáng chú ý nhất, đáng nhấn mạnh nhất trong quan điểm này của Hồ Chí Minh là ở chỗ, kiệm không có nghĩa là bủn xỉn, mà là việc gì đáng chi thì phải chi, việc gì chưa đáng chi thì khoan hẵng chi, việc gì không đáng chi thì dứt khoát không chi. Đây chính là bài học cơ bản nhất, lâu dài nhất, cần phải học cả đời người, đối với mọi đối tượng, từ con người bình thường và càng đặc biệt hơn đối với người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đành rằng tiết kiệm ngày nay khác với sinh thời của Hồ Chí Minh; lúc đó đời sống còn rất nhiều khó khăn. Ngày nay, đời sống đã được cải thiện đáng kể so với trước đây, nhưng những nội dung cơ bản mà Hồ Chí Minh nêu ra trên đây còn nguyên giá trị, kể cả sau này khi nước ta đã trở nên giàu có, mỗi người, mỗi gia đình đều khá giả hơn. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý là những người nắm quyền, nắm tiền (có người vừa nắm tiền vừa nắm quyền), nếu không chịu rèn luyện đức tính tiết kiệm theo quan điểm và tấm gương của Hồ Chí Minh thì rất dễ bị tha hoá về nhân cách.
Liêm, Hồ Chí Minh coi đức "liêm" của con người ta là điểm để phân biệt con người với con vật. Liêm là liêm khiết, là trong sạch, không tham ô, tham lam (cả tiền bạc, địa vị,v.v.). Rõ ràng, đức tính liêm khiết là một biểu hiện rất rõ của nhân cách con người. Trong hoàn cảnh hiện nay, người cán bộ lãnh đạo, quản lý không những cần rèn cho mình đức tính không tham lam, không tham nhũng mà còn phải đấu tranh không khoan nhượng chống lại những biểu hiện tham nhũng. Hồ Chí Minh gọi tham ô, lãng phí, quan liêu với đúng nghĩa của nó là "giặc nội xâm" (nay thường gọi nhiều hơn là tham nhũng). ở đây, chúng ta cần chú ý cách gọi của Người; nếu coi tham nhũng là "nạn" hay mạnh hơn là "quốc nạn", thì phải dùng phương pháp chống nạn, quốc nạn; còn đã gọi đó là giặc thì phải dùng phương pháp chống giặc. Điều đáng chú ý nữa trong vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về vấn đề này là phải đề phòng và khắc phục bệnh tham danh vọng, địa vị. Trong thực tế, đã có không ít người tìm mọi cách "hạ bệ" nhau, nói xấu nhau, kèn cựa, níu kéo nhau, nịnh bợ, cơ hội,... trong công tác cán bộ, công tác nhân sự để kiếm chác chức vụ. Nếu có chí tiến thủ, bằng tài năng và đức độ phấn đấu đạt được chức vụ cao một cách chính đáng để phục vụ Đảng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân thì đó là điều đáng mừng, nó tô đẹp thêm cho nhân cách của con người. Còn ngược lại, bằng những biện pháp, thủ đoạn không chính đáng để có được chức vụ này nọ (trong Nghị quyết Đại hội X viết là "chạy chức, chạy quyền"), thì đó là điều đáng báo động về nhân cách.
Chính, theo quan điểm của Hồ Chí Minh là không tà, là thẳng thắn; việc thiện dù nhỏ cũng cố làm, việc ác dù nhỏ cũng cố tránh. Rèn luyện đức tính "chính" theo quan điểm của Hồ Chí Minh cũng có nghĩa là người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có thái độ rõ ràng, trong cuộc sống và công tác luôn yêu cái thiện, ghét cái ác; luôn hành động, làm gương cho mọi người. Điều này đúng như Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: "Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý".
Chí công vô tư là một đức tính nữa của nhân cách người cán bộ, đảng viên mà Hồ Chí Minh đề cập. Chí công vô tư là chống chủ nghĩa cá nhân - một thứ bệnh mà Hồ Chí Minh cho đó là "bệnh mẹ" đẻ ra muôn vàn "bệnh con". Người chỉ ra tác hại của chủ nghĩa cá nhân, như: việc gì cũng nghĩ đến cá nhân trước; ngại gian khổ, khó khăn; tham ô, lãng phí, xa hoa; tham danh, trục lợi; thích địa vị, quyền hành; tự cao, tự đại; coi khinh quần chúng; độc đoán, chuyên quyền, coi thường tập thể; quan liêu, mệnh lệnh; kém tinh thần trách nhiệm; không chấp hành chính sách của Đảng và Nhà nước;v.v. Rèn đức tính này theo gương Hồ Chí Minh, cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay phải luôn có ý thức và hành động chăm lo đến lợi ích của Đảng, của Tổ quốc; phải "dĩ công vi thượng"; phải coi chức vụ, quyền hạn của mình trong bộ máy của hệ thống chính trị là do dân trao cho và phải luôn luôn phục vụ nhân dân... Bản thân Hồ Chí Minh coi chức Chủ tịch nước của mình là do dân uỷ thác và mình phải có bổn phận làm tròn cái sự uỷ thác đó. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là giày xéo lên lợi ích cá nhân. Và, trong điều kiện hiện nay, người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải vừa tôn trọng tập thể, bảo đảm dân chủ trong công việc, vừa dám làm, dám chịu trách nhiệm, có tính quyết đoán vì công việc hơn lúc nào hết.
Thứ ba, nhân cách người cán bộ lãnh đạo, quản lý đòi hỏi phải thường xuyên nói đi đôi với làm, trở thành tấm gương sáng cho những người xung quanh noi theo. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng không phải cứ tự nhiên có được, mà phải là kết quả của sự rèn luyện tự giác, thường xuyên, suốt đời, như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Tự giác, tự nguyện, tự tu dưỡng, bồi dưỡng nhân cách phải trở thành nếp sống hằng ngày của người cán bộ. Đã đành, người cán bộ sống trong môi trường giáo dục của tập thể, nhưng cái chính vẫn là tự mình, như Hồ Chí Minh thường hay đề cập, người cán bộ phải thường xuyên xử lý ba mối quan hệ: đối với người, đối với việc và đối với bản thân mình, trong đó tự mình xử lý với chính mình là điều quan trọng nhất và khó nhất. Hồ Chí Minh quan niệm: một con người hôm qua là vĩ đại, được mọi người yêu mến thì hôm nay không còn là vĩ đại nữa, nếu lòng mình không trong sáng. Trong Phật giáo, người ta gọi những người đi tu thành công là người đắc đạo, tu đã thành chính quả, chứ không phải "giữa chừng đứt gánh", phá giới. Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng, cái giá trị bền lâu cho quốc thái dân an chính là trông chờ vào nhân cách nhất quán, xuyên suốt cả cuộc đời của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị nước ta.
Nhân cách của người cán bộ lãnh đạo, quản lý còn biểu hiện ở mối quan hệ thống nhất giữa nói và làm, điều mà trong tác phẩm Đường cách mệnh xuất bản từ năm 1927, ở điều thứ 10, phần Tư cách của một người cách mệnh, Hồ Chí Minh đã nêu rõ: "Nói thì phải làm". Hiện nay, có không ít người chỉ nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo. Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về nói và làm đi đôi với nhau; có khi Người còn làm nhiều hơn nói. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý mà nói không đi đôi với làm thì sẽ bị sa vào lối đạo đức giả, tạo ra sự phản cảm ghê gớm, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị...
Cũng như mọi người cán bộ lãnh đạo, quản lý trong toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước, người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng – lĩnh vực luôn đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc, quy định, chế độ hoạt động, “quân lệnh như sơn”; lĩnh vực bao gồm những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ tiêu biểu trên mặt trận củng cố quốc phòng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân, thì càng phải thể hiện đầy đủ những phẩm chất nhân cách cần thiết đó. Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng còn phải thể hiện là những người tiêu biểu cho “nhân, trí, dũng, tín, liêm, trung”; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tư cách của người cầm quân; coi trọng giữ gìn, phát huy bản chất, truyền thống của quân đội cách mạng; tránh để rơi vào vòng xoáy của danh lợi, chức quyền. 
Hiện nay, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII đang đến gần, sự nghiệp đổi mới đất nước ta đang cần lắm những tấm gương mẫu mực, theo đúng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không chút bụi mờ, có tác dụng nhân lên sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhằm thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người giữ chức vụ càng cao, trọng trách càng lớn thì càng đòi hỏi tấm gương phải trong hơn, sáng hơn. Tự mình không là tấm gương trong sáng thì không thể nào lãnh đạo được quần chúng, đó là điều hiển nhiên, sơ đẳng trong tiến trình cách mạng nước ta theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
GS,TS. Mạch Quang Thắng
Học viện CTQG Hồ Chí Minh

 
Ý kiến bạn đọc (0)