QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 23:01 (GMT+7)
Quyền dân chủ thực sự của nhân dân với việc lợi dụng dân chủ kích động chống phá sự bình yên của nhân dân

Thực hiện quyền dân chủ của nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đảng, Nhà nước ta luôn chủ trương xây dựng một xã hội dân chủ, trong đó cán bộ, đảng viên và công chức phải thật sự là công bộc của dân, đặt mình dưới sự kiểm tra giám sát của nhân dân. Như vậy bản chất nền dân chủ của chế độ ta chính là lấy nhân dân làm chủ, nhưng nhân dân làm chủ không có nghĩa là dựa vào ý chí của mỗi một người dân để quản lý các công việc của quốc gia và xã hội, mà phải dựa vào ý chí của đại đa số nhân dân có tổ chức để quyết định các vấn đề trọng đại của quốc gia và cuộc sống xã hội.

Nhà nước là tổ chức đại diện cho ý chí, quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối chính trị của Đảng. Mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều phản ánh lợi ích của đại đa số nhân dân. Nhân dân không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định và thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vì thế dân chủ là quyền lực của nhân dân; nước ta là nước dân chủ và Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Nhìn lại qua 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, quyền dân chủ của nhân dân được phát huy trên nhiều lĩnh vực và được thể chế hóa trong nhiều văn bản pháp luật. Trước hết là trên lĩnh vực kinh tế, những cơ chế, chính sách phát triển kinh tế thị trường, định hướng XHCN, bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của kinh tế tư nhân; đảm bảo quyền sử dụng ruộng đất lâu dài của các hộ nông dân, với nội dung và các quyền sử dụng được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng bảo vệ quyền lợi của người lao động và bảo vệ lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động trong kinh tế thị trường... Dân chủ hóa trong lĩnh vực kinh tế là một bước tiến lớn, có ý nghĩa giải pháp đối với hàng chục triệu người, nó đem lại cho nhân dân không phải những giá trị dân chủ trừu tượng, mà bằng những kết quả cụ thể trên nhiều lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội. Đó là việc xóa bỏ cấm chợ ngăn sông, mở cửa hội nhập, hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới, đẩy mạnh phát triển sản xuất, hàng hóa dồi dào, chất lượng ngày càng cao. Bộ mặt nông thôn và các đô thị khởi sắc, quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc,v.v.
Cùng với sự cải thiện về dân sinh, sự phát triển về dân trí, đời sống dân chủ ở địa phương cũng có nhiều tiến bộ. Đa số nhân dân đã tích cực tham gia bàn bạc, thảo luận nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để thực hiện và qua tổ chức thực hiện mà phát hiện, đóng góp với Đảng, Nhà nước điều chỉnh, bổ sung những vấn đề cần thiết cho sát với cuộc sống. Điều đó chẳng những là nấc thang cao hơn của quá trình nhận thức, mà còn là bước tiến quan trọng của quá trình thực hiện quyền dân chủ của nhân dân. Mọi tầng lớp nhân dân đã tích cực tham gia thảo luận, đóng góp khá nhiều ý kiến bổ sung vào những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày của họ, như xóa đói, giảm nghèo, khuyến khích làm giàu chính đáng, chính sách cho hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; giao quyền sử dụng đất lâu dài đến hộ nông dân; vấn đề thuế nông nghiệp và các khoản thu; về chống tệ nạn xã hội, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí,v.v.
Trong đời sống hằng ngày, nhu cầu về thông tin, về tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân rất đa dạng và đòi hỏi ngày càng cao. Thực tế những năm qua cho thấy việc mở rộng và phát huy dân chủ trong lĩnh vực thông tin, báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lắng nghe những ý kiến đóng góp của nhân dân, chẳng những đã góp phần tăng tính tích cực trong lao động sản xuất, mà còn tạo ra sự phong phú trong tư duy sáng tạo thực hiện quyền dân chủ của mỗi người ngày một tốt hơn. Có thể nói quá trình thực hiện dân chủ hóa các lĩnh vực đời sống chính trị, xã hội của nhân dân theo đường lối đổi mới của Đảng, dù còn nhiều điều chưa đáp ứng lòng mong muốn của nhân dân, nhưng những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử đạt được qua 20 năm đổi mới đã làm thay đổi rõ rệt bộ mặt của đất nước, cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta, đó là điều không ai có thể phủ nhận được.
ở đây cần làm rõ ràng, minh bạch giữa nhu cầu dân chủ chân chính, lành mạnh trong đời sống chính trị, kinh tế- xã hội của nhân dân với những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng dân chủ, xuyên tạc, kích động gây rối, làm mất ổn định đời sống chính trị của nhân dân, vì những mưu toan thâm độc, mờ ám. Đây là vấn đề vừa có tính lý luận, đồng thời có ý nghĩa thực tiễn to lớn, nhất là trong chính trị, trong quá trình thực hiện cuộc vận động dân chủ hóa và đổi mới hệ thống chính trị. Vừa qua không ít người đã phê phán, thậm chí gay gắt trước những hiện tượng tiêu cực mà Đảng, Nhà nước ta để xảy ra trong một thời gian dài, đến nay vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, như các tệ nạn tham nhũng, quan liêu, lãng phí, cửa quyền, ức hiếp dân, làm khó cho dân bằng những thủ tục rườm rà, xử lý nhiều việc oan sai, dân đi khiếu nại đến đâu cũng vấp phải "sự im lặng đáng sợ"... Những ý kiến phê phán đó tuy gay gắt nhưng đầy tình nghĩa sâu sắc với Đảng, Nhà nước trong ý thức xây dựng chân thành, trung thực, tâm huyết bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ. Với họ, phê phán là để nhìn thẳng vào sự thật, để kiến tạo một quy chế thực hiện quyền dân chủ của nhân dân ngày càng tốt đẹp hơn. Trong khi đó, những người cơ hội về chính trị lại hằn học, thâm thù với chế độ, móc nối với bọn phản động ở nước ngoài lợi dụng dân chủ để kích động, gây rối, gieo rắc sự phân tâm và hoài nghi, xuyên tạc sự thật, cố ý làm lẫn lộn giữa hiện tượng với bản chất vì những mưu toan cá nhân được che đậy dưới những hình thức tỏ ra "khách quan, hợp lý, chính đáng, vì đất nước, vì dân tộc". Gần đây, một số người trong số họ đã móc nối với bọn phản động ở nước ngoài hình thành những cái gọi là đảng dân chủ này, đảng dân chủ nọ, tuyên ngôn dân chủ này, tuyên ngôn dân chủ kia. Họ đưa ra những luận điệu phủ nhận lịch sử, phủ nhận truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, phủ định những thành quả cách mạng, xuyên tạc, bôi xấu chế độ, bôi xấu Đảng, Nhà nước. Họ nhai lại những luận điệu của giai cấp tư sản châu Âu trước đây phê phán chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa cộng sản như một "bóng ma" ám ảnh châu Âu. Nay họ nói, "bóng ma" của CNCS đã luôn đè ám lên đầu, lên cổ toàn dân Việt Nam; chính cái bóng ma ấy chứ không phải là cái gì khác đã triệt tiêu hầu hết những quyền con người của nhân dân Việt Nam". Rằng "có bao giờ nhân dân Việt Nam lại sống trong cảnh tủi nhục, đau thương như hiện nay không? Có bao giờ dân tộc Việt Nam lại chia rẽ, nghi kỵ nhau, hận thù nhau sau những năm tháng cai trị của một chế độ như bây giờ không"? Rồi họ trích Công ước quốc tế về các quyền Dân sự chính trị của Liên hợp quốc để phê phán ta vi phạm dân chủ. Rằng, Điều 19.2 ghi "Mọi người có quyền tự do ngôn luận, quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức truyền miệng, bằng bản viết, bản in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông nào khác tuỳ theo sự lựa chọn của mình". Điều đó đúng, thế nhưng để cho mọi người không hiểu sai, rơi vào những hành động cá nhân tuỳ tiện vô chính phủ gây rối trật tự xã hội thì Công ước có Điều 19.3 ghi rõ "Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 của điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể dẫn tới một hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo đảm an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng". Vì thế dân chủ bao giờ cũng gắn với kỷ cương pháp luật của một nhà nước. Trích dẫn cắt xén, phê phán một cách ác ý, có chủ tâm, dùng các thủ thuật và thuật ngụy biện, suy diễn chủ quan, phi lịch sử, phi thực tiễn... đánh lừa những người nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết và kinh nghiệm... đó là thủ đoạn của những kẻ cơ hội về chính trị, bất mãn, thâm thù với chế độ, giả mạo là những người có trách nhiệm trước nhân dân, trước dân tộc đứng lên tổ chức đấu tranh đòi quyền "dân chủ" cho nhân dân.
Chúng ta đều biết rằng dưới bất cứ một chế độ xã hội nào, dân chủ bao giờ cũng gắn liền với chuyên chính, với kỷ cương pháp luật. Trong chế độ ta, đó là dân chủ với nhân dân, chuyên chính với những hành vi vi phạm lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của dân tộc. Và do đó không thể có một nền dân chủ trừu tượng thuần túy. Điều này V.I.Lê-nin đã khẳng định rằng: Nếu không khinh thường lẽ phải và không khinh thường lịch sử, thì ai cũng thấy rõ ràng chừng nào mà còn có những giai cấp khác nhau, thì không thể nói đến "dân chủ thuần túy" được, mà chỉ có thể nói đến dân chủ có tính giai cấp. Người nhấn mạnh "dân chủ thuần túy" không những là một công thức của kẻ ngu dốt không hiểu một tí gì về bản chất của Nhà nước, mà còn là một công thức hết sức rỗng tuyếch nữa... Thực tế lịch sử nhân loại đã từng biết đến nền dân chủ Công xã mà những tàn dư của nó tồn tại dai dẳng trong những đêm dài của chế độ chuyên chế phong kiến; nền dân chủ của chủ nô, đặc biệt là hình thức La Mã của nó mà ngay nền dân chủ tư sản phương Tây sau này còn học hỏi nhiều điều; nền dân chủ tư sản ra đời gần 300 năm và ngày nay đang tồn tại và nền dân chủ XHCN bắt đầu từ chế độ xô-viết, đang phát triển trong các nhà nước XHCN hiện nay, nền dân chủ này tuy có những bước thăng trầm nhưng tương lai sẽ thuộc về nó.
Như vậy, đã có những chế độ dân chủ khác nhau và ngày nay đang nổi trội trên thế giới là hai nền dân chủ khác nhau: dân chủ tư sản và dân chủ XHCN. Dù người ta muốn hay không thì hai nền dân chủ vẫn tồn tại dưới những hình thức biểu hiện và bản chất khác nhau. So với lịch sử khoảng 300 năm của dân chủ tư sản thì lịch sử dân chủ XHCN chỉ mới tồn tại hơn 80 năm. Dù cho chế độ xô-viết có nhiều khuyết tật đến đâu đi nữa thì người ta vẫn không thể phủ nhận được rằng sau công xã Pa-ri, chế độ đó đã là hình thức tồn tại hiện thực của một nền dân chủ kiểu mới - dân chủ của đông đảo nhân dân lao động. Không có nền dân chủ đó thì đã không có những thắng lợi vĩ đại trong xây dựng kinh tế và văn hóa; không có thắng lợi của loài người trước chủ nghĩa phát-xít, thắng lợi mà nhân loại tiến bộ trên thế giới và ngay cả thế giới phương Tây cũng phải chào mừng và cảm ơn những con người đại diện cho nền dân chủ đó.
Thế nhưng các học giả phương Tây với một thiên kiến giai cấp rõ ràng thường phủ nhận nền dân chủ XHCN. Họ cho rằng không có nền dân chủ XHCN. Cả chế độ xô-viết trước đây cũng như chế độ của các nước XHCN ngày nay, trong đó có Việt Nam, đều không phải là chế độ dân chủ, mà là "chủ nghĩa cực quyền", "chế độ toàn trị độc đảng". Từ đó họ cho rằng chỉ có nền dân chủ phương Tây mới là nền dân chủ duy nhất và đích thực; rằng nền dân chủ đó đã trở thành những giá trị chung, vĩnh hằng của con người mà tất cả các nước phải noi theo. Các nhà tư tưởng tư sản phương Tây coi thể chế nền dân chủ của họ như là một tiêu chuẩn hình mẫu chung để xét đoán các nước khác, đặc biệt là các nước XHCN. Họ coi tất cả những nước không thực hiện mô thức dân chủ của họ là không dân chủ, là vi phạm nhân quyền. Những thiên kiến đượm mùi tư sản, đế quốc đó qua sách báo, phát thanh, truyền hình, in-tơ-nét... của các tổ chức chống đối hòng chuyển hóa, lung lạc nhận thức của nhân dân. Và nó đã trở thành một công cụ chủ yếu cho những người cơ hội chính trị, chống đối chế độ, bất mãn... họ tự xưng là những "nhà dân chủ" là lực lượng xung kích để đấu tranh thực hiện cái "dân chủ" đó. Chúng ta thừa nhận rằng, dân chủ tư sản là một bước tiến vĩ đại của loài người so với chế độ chuyên chế phong kiến. Tuy nhiên, về bản chất vẫn là sự thống trị chính trị của giai cấp tư sản, của những  nhà tỷ phú. Nhưng trong nền dân chủ đó đã chứa đựng nhiều yếu tố dân chủ và nhân văn do cuộc đấu tranh hàng mấy trăm năm của nhân dân mới có được. Do đó nền dân chủ XHCN có thể kế thừa những thành tựu tiến bộ của nền dân chủ tư sản, những thành tựu mà theo một ý nghĩa nào đó nó là sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại. Thế nhưng nền dân chủ XHCN khác về chất so với nền dân chủ tư sản, bởi lẽ đó là nền dân chủ trong một chế độ mà nhân dân lao động đích thực là người làm chủ.
ở nước ta vấn đề Nhà nước, nền dân chủ, nội dung giai cấp, nhân dân, dân tộc không mâu thuẫn nhau mà hòa quyện, thống nhất với nhau dưới sự lãnh đạo của Đảng. Điều đó cho phép nền dân chủ XHCN có khả năng khắc phục được những khuyết tật của những hình thức dân chủ đã từng tồn tại trước đây, mở ra triển vọng đổi mới nền chính trị XHCN, nền dân chủ XHCN.
Tuy nhiên, trong một thế giới toàn cầu hóa về kinh tế, mà CNTB thế giới chi phối không chỉ về kinh tế mà cả về chính trị, văn hóa, truyền thống... thì nền dân chủ XHCN của chúng ta chịu sức ép thường trực của môi trường dân chủ tư sản bao quanh; môi trường này luôn luôn có xu hướng tác động ảnh hưởng sẽ gây không ít khó khăn cho việc củng cố, xây dựng nền dân chủ XHCN. Kinh nghiệm thực tiễn ở các nước XHCN cho thấy, mở cửa về kinh tế thì không thể khước từ tiếp xúc, giao lưu về chính trị, văn hóa... nhưng trong khi tiếp xúc, giao lưu phải luôn có ý thức bảo vệ bản sắc dân tộc, bản chất của chế độ; không mơ hồ và nhượng bộ trên những vấn đề nguyên tắc, những vấn đề thuộc về bản chất của chế độ. Trên thực tế ở đâu mà thỏa hiệp vô nguyên tắc, thực thi những cải cách chính trị không cân nhắc, ngây thơ về chính trị thì sẽ rơi vào những tình thế hiểm nghèo, sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chế độ. Chúng ta không rơi vào một thái độ cực đoan, biệt phái, khước từ sự tiếp xúc, giao lưu; tiếp thụ những yếu tố tích cực từ nền dân chủ tư sản, nhưng không ảo tưởng.
Song có thể nói rằng điều cơ bản và thách thức lớn nhất hiện nay mà chúng ta nhất thiết phải vượt qua để phát huy nền dân chủ XHCN là lề thói cá nhân chủ nghĩa, quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu dân mà Bác Hồ đã sớm nhận diện ngay từ sau cách mạng tháng Tám, coi đó là lũ giặc "nội xâm". Lề thói này là tàn dư của xã hội cũ, nhưng tiếc thay nó còn tồn tại dai dẳng đến ngày nay và đang phát triển với những sắc thái mới trong một nền kinh tế thị trường tuy có định hướng XHCN nhưng chưa vượt qua giai đoạn sơ khai.
Chống bọn cơ hội chính trị, phản động, chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, đó là một nhiệm vụ trọng yếu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, xuất phát từ lợi ích và quyền lợi của nhân dân, từ việc phát huy quyền dân chủ chân chính thực sự của nhân dân. Đây là cuộc đấu tranh chống giặc "nội xâm" - một kẻ thù nguy hiểm, độc ác của CNXH, của nền dân chủ XHCN, vì sự thành bại của cách mạng. Đảng, Nhà nước cần đẩy mạnh việc giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức, bản lĩnh chính trị trong Đảng, trong dân, phát huy dân chủ, đồng thời đẩy mạnh cuộc vận động thực hành dân chủ, thực hành đạo đức cách mạng, chú trọng tăng cường luật pháp, dùng sức mạnh pháp quyền dân chủ XHCN với các chế tài chặt chẽ để một mặt tạo môi trường xã hội lành mạnh cho sự phát triển; mặt khác, đấu tranh không khoan nhượng với những kẻ đội lốt đấu tranh cho dân chủ để xuyên tạc, gây rối, chống đối, gây tổn hại đến lợi ích của xã hội và nhân dân. Đó là vấn đề cơ bản để bảo vệ quyền dân chủ thực sự của nhân dân trong tình hình hiện nay.
 
Trần Duy
 

Ý kiến bạn đọc (0)