QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 02:58 (GMT+7)
Quyền con người trong thời kỳ đổi mới ở nước ta
Quyền con người (QCN) là giá trị tiến bộ chung của nhân loại; là khát vọng của loài người, phản ánh quá trình nhân loại đấu tranh tự giải phóng khỏi tình trạng nô dịch, bóc lột và phụ thuộc, vươn tới cuộc sống xứng đáng với danh dự và phẩm giá con người. QCN được khẳng định trong Hiến chương Liên hợp quốc, Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền, các công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá và nhiều văn kiện quốc tế khác.

Ở nước ta, sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Đảng và Nhà nước ta đã sớm bắt tay vào việc xóa bỏ những tàn dư của chế độ thực dân, phong kiến, thiết lập chế độ dân chủ nhân dân, tạo điều kiện để người dân từng bước làm chủ vận mệnh của mình. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cả nước tập trung sức người, sức của để thực hiện mục tiêu cao cả, thiêng liêng nhất của QCN, đó là quyền được sống trong độc lập, tự do. Trong điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh, chúng ta chưa có nhiều điều kiện bảo đảm tốt đời sống, quyền lợi của mọi người dân; thậm chí một số quyền cá nhân còn phải hy sinh, gác lại. Chỉ đến khi giang sơn đã thu về một mối, mọi điều kiện để thực hiện QCN đã được mở ra và từng bước được bảo đảm ngày một tốt hơn. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (1991) đã đề ra mục tiêu: xây dựng một xã hội do nhân dân lao động làm chủ; con người được giải phóng khỏi áp bức bóc lột, bất công; có điều kiện phát triển toàn diên cá nhân. Nhận thức và quan điểm về QCN đã được Đảng, Nhà nước ta phát triển và hoàn thiện dần trong tiến trình đổi mới. Đại hội IX (năm 2001) của Đảng khẳng định: “Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người; tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về QCN mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia”. Trong Hiến pháp (sửa đổi) năm 1992, lần đầu tiên, QCN trở thành nguyên tắc hiến định của Nhà nước Việt Nam. Điều 50 của Hiến pháp ghi rõ: ở nước Cộng hoà XHCN Việt Nam các QCN về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quy định trong Hiến pháp và Luật.  Thực hiện các quan điểm này, Việt Nam đã và đang đạt được những thành tựu, tiến bộ to lớn không thể phủ nhận trong việc bảo đảm các QCN.

 Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, cùng với những thành tựu to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, Việt Nam đã có những bước tiến nổi bật trên lĩnh vực QCN. Chúng ta đã tiến hành bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật, bao gồm Hiến pháp năm 1992, các bộ luật, đạo luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác hướng vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Đến nay, trong khoảng 20 năm, một khối lượng đồ sộ với 13.000 văn bản pháp luật đã được ban hành, trong đó có hơn 140 bộ luật và luật quan trọng như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Khiếu nại, tố cáo…; hơn 150 pháp lệnh, 4.000 quy định của Chính phủ và các cơ quan thuộc Chính phủ… Trong các văn bản đó, các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá của công dân theo các công ước cơ bản về QCN được nội luật hoá, thể hiện đầy đủ hơn trong các điều luật cụ thể. Hoạt động lập pháp của Quốc hội đang đổi mới mạnh mẽ theo hướng dân chủ và thực quyền, tăng tính cụ thể, tính khả thi của pháp luật, giảm bớt tính quan liêu và phiền hà cho người dân. Hệ thống tư pháp đang cải cách  theo hướng trong sạch, vững mạnh, dân chủ, bảo vệ công lý và QCN. Vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội được nâng cao. Nhiều nguyên tắc cơ bản bảo đảm QCN đã được thể chế hoá: nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ trong các lĩnh vực dân sự-chính trị; nguyên tắc bình đẳng giới; nguyên tắc cấm hồi tố trong luật hình sự;v.v.
Các QCN cơ bản đã được ghi nhận đầy đủ hơn trong pháp luật và được bảo đảm trong thực tiễn. Quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể và tôn trọng về nhân phẩm được ghi rõ trong Hiến pháp và được cụ thể hoá trong nhiều văn bản pháp luật. Hiến pháp nước ta quy định công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam đều được pháp luật bảo hộ về tính mạng; mọi hành vi xâm phạm đến quyền sống của con người bị coi là hành vi phạm tội nghiêm trọng nhất và bị nghiêm trị. Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm tra tấn, nhục hình và đối xử vô nhân đạo, bảo đảm quyền tự do và bất khả xâm phạm về thân thể, nhà ở, thư tín của tất cả mọi người, kể cả những người phạm tội. Do yêu cầu của cuộc đấu tranh chống tội phạm nguy hiểm,Việt Nam vẫn duy trì hình phạt tử hình, song phạm vi áp dụng thu hẹp dần (từ 44 tội danh xuống còn 29 tội danh), tiến tới xoá bỏ hình phạt này trong tương lai. Xuất phát từ chính sách khoan hồng và truyền thống nhân đạo, hằng năm, Chính phủ Việt Nam đều tiến hành các đợt đặc xá phạm nhân vào các ngày lễ lớn của đất nước, tạo điều kiện cho hàng chục nghìn người sớm trở về cuộc sống lương thiện.
Các quyền bầu cử, ứng cử, tham gia quản lý nhà nước và xã hội được bảo đảm. Mọi công dân Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng…, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Nhà nước luôn luôn phấn đấu để bảo đảm và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện các quyền  tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Hoạt động và vai trò của Quốc hội được tăng cường. Công tác lập pháp và giám sát phát triển mạnh mẽ. Những khóa gần đây, Quốc hội đều có chương trình chất vấn các thành viên Chính phủ và được truyền hình trực tiếp cho công chúng. Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành hai Nghị định số 29 và 71 về Quy chế thực hiện dân chủ ở cấp xã, phường và cơ quan, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực vào xây dựng, hoạch định và giám sát việc thực hiện chính sách của Nhà nước ở cơ sở. Quyền khiếu nại, tố cáo của nhân dân được tôn trọng và bảo vệ. Nghị định Chính phủ số 51/2002 đã quy định trong thời hạn 15 ngày, các cơ quan Nhà nước phải trả lời các khiếu nại, phê bình, tố cáo của nhân dân và báo chí. Pháp luật Việt Nam cũng quy định về đền bù thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người bị oan sai.
Về quyền tự do ngôn luận, thông tin và báo chí. Hiến pháp năm 1992 và Luật Báo chí đều khẳng định: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng. Mọi công dân đều được thông tin và phát biểu ý kiến trên báo chí, quyền được tiếp xúc, cung cấp tin, bài, đóng góp ý kiến, phê bình, khiếu nại, tố cáo trên báo chí… Hội nghị Trung ương 3 (khoá X) ra nghị quyết về nghiên cứu ban hành Luật về quyền được thông tin của công dân.
Thực tiễn đã chứng minh, các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Nếu năm 1990 chỉ có 258 báo và tạp chí, thì năm 2004 có trên 560 cơ quan báo chí (hơn 2 lần); số ấn phẩm gần 700 (gấp 3 lần) và đặc biệt có tới 200 báo điện tử và hệ thống báo chí trên mạng internet. Hệ thống phát thanh, truyền hình phát triển, phủ sóng rộng khắp cả nước. Tại các thành phố, nhiều chương trình truyền hình của nước ngoài được chiếu rộng rãi như CNN, BBC, TV5, RAI, OPT, DW,... Mạng internet cũng phát triển nhanh chóng với hơn 18% dân số sử dụng dịch vụ này. Các phương tiện thông tin đại chúng có vai trò rất quan trọng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu và xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, lành mạnh.
Quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng được tôn trọng. Số lượng tín đồ các tôn giáo và các cơ sở thờ tự tăng nhanh. Từ 1997 đến nay đã tăng thêm khoảng 5 triệu tín đồ các tôn giáo, đưa số người theo đạo lên hơn 20 triệu người. Số lượng các nơi thờ tự, chức sắc tôn giáo, cơ sở đào tạo; số lượng kinh, sách in ấn; số các chức sắc tôn giáo được xuất, nhập cảnh; số các chức sắc, chức việc tôn giáo tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội ngày càng tăng. Giáo hoàng Benedict XVI và nhiều tổ chức tôn giáo đều thừa nhận thành tựu to lớn của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Quyền tự do hội họp và lập hội được thực hiện tốt; hiện có hàng chục nghìn hiệp hội, câu lạc bộ, tổ chức xã hội, nghề nghiệp hoạt động trong mọi lĩnh vực xã hội. Quyền tự do đi lại và cư trú của công dân được tôn trọng và bảo đảm nghiêm chỉnh. Các thủ tục hành chính gây phiền hà cho sự đi lại, cư trú của công dân đã bị bãi bỏ. Nhà nước ta đã ban hành quyền tự do xuất, nhập cảnh của công dân, ký kết Hiệp định lãnh sự với 17 nước; Hiệp định tương trợ tư pháp với 15 nước; Hiệp định Kiều dân, Hiệp định miễn thị thực với 41 nước và đơn phương miễn thị thực cho công dân một số nước để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và các nước. Việt Nam thực hiện tốt các chương trình hồi hương tự nguyện(CPA), chương trình ra đi có trật tự (ODP), chương trình con lai Mỹ(AC), chương trình HO dành cho các sĩ quan chính quyền cũ, chương trình tái định cư nhân đạo cho hàng trăm nghìn người…
Bảo đảm quyền phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất của người dân. Với đường lối xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam quy định cụ thể nhiều quyền kinh tế của công dân: quyền sở hữu, quyền thừa kế, quyền tự do trong sản xuất, kinh doanh,... Sau khi ban hành Luật Doanh nghiệp (năm 2000), hàng chục nghìn doanh nghiệp tư nhân mới được thành lập; nhiều triệu việc làm mới được tạo ra. Nền kinh tế Việt Nam trong 20 năm qua đã phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn, cải thiện ngày một tốt hơn mức sống của người dân. Tốc độ tăng GDP từ năm 1986 đến năm 2000 tăng 6,8%; từ 2001 đến 2005 tăng 7,51%; năm 2007 tăng 8,5%. Trước đổi mới, thu nhập bình quân theo đầu người hằng năm khoảng 180 USD. Dự tính đến 2008, thu nhập theo đầu người khoảng 960 USD (tăng hơn 5 lần). Từ năm 2000, Việt Nam đã chuyển từ khu vực các nước kém phát triển sang khu vực các nước đang phát triển. Trên cơ sở đó, việc xoá đói, giảm nghèo, phát triển con người và chất lượng cuộc sống của nhân dân có tiến bộ vượt bậc. Tỷ lệ đói nghèo liên tục giảm mạnh: từ khoảng 70% hộ nghèo (theo tiêu chuẩn Việt Nam) năm1986, đến 2005 chỉ còn khoảng 7%. Khoảng 30 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói. Theo đánh giá của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, Việt Nam là một trong những nước xoá đói, giảm nghèo nhanh nhất, hoàn thành trước thời hạn 10 năm mục tiêu số 1 của Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Đây là thành tựu lớn được quốc tế thừa nhận.
Các quyền về xã hội được đảm bảo tốt hơn. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam (HDI) bao gồm các chỉ số về thu nhập theo đầu người, về tuổi thọ, về giáo dục cũng tăng đáng kể và ngày một tốt hơn. Năm 1995, chỉ số này là 0,560 (xếp thứ 122/201 nước trên thế giới); đến năm 2003, vươn lên 0,704 (xếp thứ 108/201). Gần đây nhất, ngày27-11-2007, Liên hợp quốc đã công bố Việt Nam đứng thứ 105/2001 về chỉ số HDI. Chỉ số thu nhập bình quân theo đầu người của Việt Nam tuy còn đứng ở hàng cuối các nước đang phát triển, nhưng chỉ số HDI lại đứng ở mức trên trung bình trong nhóm các nước đang phát triển. Điều này chứng tỏ tính nhân văn, sự coi trọng nhân tố con người trong phát triển xã hội của Việt Nam.
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục tăng đáng kể (năm 2005, ngân sách giáo dục là 18%). Nếu năm 1945 ở Việt Nam có tới 90% dân số mù chữ, thì đến năm 2000, toàn bộ các tỉnh, thành trong cả nước hoàn thành phổ cập tiểu học. Đến 2005 có 31/64 tỉnh, thành đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Quy mô giáo dục mở rộng chưa từng thấy (năm học 2004-2005 có hơn 520 nghìn lớp học phổ thông với 17,3 triệu học sinh, 214 trường đại học và cao đẳng với 1,131 triệu sinh viên, 268 trường kỹ thuật với hơn 360 nghìn học sinh).
Quyền được chăm sóc sức khoẻ cũng được Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Ngân sách dành cho ngành Y tế tăng khá trong thời gian gần đây (năm 1996 là 3610 tỷ; năm 2001 đạt 6.190 tỷ và đến năm 2003 đạt 7.751 tỷ VNĐ). Số lượng các cơ sở y tế  tính đến 2004 là 13.149 (so với năm 1986, tăng khoảng 10%); số lượng bác sĩ, y sĩ là 99.300 người (tăng trên 30%); nữ hộ sinh là 17.500 người (tăng gần 15%); dược sĩ trung cao cấp là 14700 người (tăng khoảng 18%). Mạng lưới trạm y tế có ở hầu hết các xã, phường , trong đó 65% các trạm có bác sĩ. Trên 90% dân cư đã được tiếp cận các dịch vụ y tế. Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam tăng từ 67,8 (năm 2000) lên 71,5 (năm 2005). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng và tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi đều giảm mạnh. Hoạt động y tế dự phòng được đẩy mạnh; một số bệnh dịch nguy hiểm mới được ngăn chặn; Chiến lược phòng, chống HIV- AIDS ở Việt Nam cho đến năm 2010 và phương hướng tới năm 2020 đã được thông qua và đi vào thực hiện. Chế độ khám, chữa bệnh cho người nghèo và chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi đang được triển khai trong toàn quốc.
Quyền của phụ nữ được ghi nhận trong Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình. Các văn bản pháp lý đã cụ thể hoá quyền bình đẳng của phụ nữ với nhiều cơ hội tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Phụ nữ được bảo đảm quyền làm việc và trả lương ngang với nam giới. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ thấp hơn so với nam giới. Vai trò của phụ nữ trong đời sống chính trị đất nước ngày càng tăng. Tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ tăng từ 17% (khoá 1987-1992)  lên 27,31% (khoá 2002-2007); đứng thứ 2 trong khu vực châu á-Thái Bình Dương và thứ 9/135 nước trên thế giới.
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu á và thứ 2 trên thế giới ký và phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em, hai nghị định thư bổ sung cho Công ước. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam có nhiều điều khoản quy định về bảo vệ quyền của trẻ em. Tỷ trọng ngân sách nhà nước chi cho trẻ em ngày càng tăng. Tích cực thực hiện các cam kết hợp tác với quốc tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ em, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Hầu hết các chỉ tiêu về chăm sóc sức khoẻ trẻ em đã được hoàn thành. Trong lĩnh vực giáo dục, nhiều chỉ tiêu đã đạt hoặc vượt các mục tiêu đề ra trong chương trình hành động quốc gia vì trẻ em, giai đoạn 1991-2000 và giai đoạn 2001-2010.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, việc bảo đảm QCN vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa theo kịp yêu cầu phát triển; năng lực và phẩm chất của nhiều cán bộ, công chức còn yếu, một bộ phận không nhỏ thoái hoá biến chất; dân chủ ở nhiều nơi bị vi phạm, kỷ cương, phép nước chưa nghiêm, quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng; bộ máy chính quyền cơ sở nhiều nơi yếu kém;… Nhiều quan chức các cấp, các ngành chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng và chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề QCN. Hệ thống pháp luật và các cơ quan bảo vệ pháp luật còn nhiều yếu kém, thiếu toàn diện, chưa đồng bộ, chưa thống nhất, đôi khi còn mâu thuẫn, và chưa tương thích với luật pháp quốc tế. Trình độ phát triển kinh tế - xã hội và văn hoá còn thấp, làm ảnh hưởng đến mức hưởng thụ các quyền mà người dân được hưởng. 
Để khắc phục những yếu kém trên và bảo đảm tốt hơn các QCN, cần thực hiện một hệ thống giải pháp liên quan đến vấn đề nhận thức, tổ chức thực hiện, xây dựng và hoàn thiện các thể chế, chính sách kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội…. Đại hội X của Đảng đã chỉ ra con đường đi lên CNXH; đồng thời, chỉ rõ phương thức bảo đảm tốt hơn các QCN ở Việt Nam. Đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, hội nhập quốc tế; bảo đảm an ninh, quốc phòng; phát huy dân chủ, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Đại hội đã vạch ra kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2006-2010) nhằm mục tiêu cải thiện cơ bản đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân: tăng GDP theo đầu người từ 640USD năm 2005 lên 1050-1100 USD vào năm 2010, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Phấn đấu phổ cập trung học cơ sở tại 100% tỉnh, thành trong cả nước. Phát triển hệ thống chăm sóc y tế để tuổi thọ trung bình của người dân đạt 72 năm… Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng hệ thống pháp luật; hoàn chỉnh, đi đôi với kiện toàn bộ máy bảo vệ pháp luật. Nhiều văn bản pháp luật liên quan đến QCN sẽ được nghiên cứu, bổ sung và sửa đổi cho phù hợp với tình hình cụ thể, truyền thống tốt đẹp của đất nước, thông lệ quốc tế và bản chất nhân đạo, dân chủ của chế độ XHCN. Các QCN sẽ ngày càng được bảo đảm tốt hơn trong tiến trình đổi mới của Việt Nam.
TS. Nguyễn Đức thùy
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người,
Học viện CT-HC Quốc gia Hồ Chí Minh
 

Ý kiến bạn đọc (0)