QPTD -Thứ Tư, 30/11/2011, 00:11 (GMT+7)
Quốc hội khóa XII với nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược trong tình hình mới
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII diễn ra ngày 20 tháng 5 năm 2007 là một minh chứng mới về thành tựu của công cuộc đổi mới và quá trình phát triển nền dân chủ ở nước ta. Ngày bầu cử thực sự là ngày hội chính trị của toàn dân; cử tri cả nước đã phát huy quyền làm chủ và ý thức, trách nhiệm công dân của mình, tích cực, tự giác tham gia bầu cử. Cuộc bầu cử đã diễn ra dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm. Trong số 875 người ứng cử và tự ứng cử, cử tri cả nước đã lựa chọn, bầu được 493 vị đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các dân tộc trong cả nước. Thắng lợi của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tin của nhân dân vào đường lối đổi mới, vào sự lãnh đạo của Đảng, mở ra thời kỳ phát triển mới của Quốc hội nước ta.

Khởi nguồn từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1946), Quốc hội nước ta do toàn dân trực tiếp bầu ra và có cơ cấu thành phần rộng rãi, là hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền lực của nhân dân, kết hợp chặt chẽ hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Quốc hội ta là tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết của toàn dân, cho chí khí quật cường của dân tộc, cho quyết tâm độc lập, thống nhất của toàn thể đồng bào ta từ Bắc đến Nam”. Trong các cuộc kháng chiến gian khổ để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, Quốc hội đã góp phần quan trọng vào việc phát huy sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại để đánh thắng các thế lực đế quốc xâm lược, giành lại toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước. Qua 11 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội ngày càng khẳng định vai trò là cơ quan đại diện dân cử cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; đã có những đóng góp to lớn vào việc thiết lập nền tảng chính trị, pháp lý của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Trong các khóa gần đây, nhất là trong nhiệm kỳ khóa XI, Quốc hội đã thực hiện ngày càng hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình, không ngừng đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, xác lập cơ chế vận hành của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Cụ thể là, Quốc hội đã chuyển dần sang cơ chế hoạt động thường xuyên hơn, thời gian mỗi kỳ họp nhiều hơn, không khí thảo luận, đối thoại thẳng thắn trong các phiên họp, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách tăng lên đáng kể (nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI có 121 đại biểu chuyên trách, chiếm gần 25% tổng số đại biểu Quốc hội). Trên cả ba lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, hiệu quả và hiệu lực hoạt động của Quốc hội không ngừng được nâng cao.
Quốc hội đã có những nỗ lực tích cực trong công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Số lượng văn bản pháp luật được ban hành trong hơn 20 năm đổi mới lớn hơn nhiều lần so với 40 năm trước đó, bao quát khá toàn diện các lĩnh vực quản lý đất nước. Qua 11 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội đã thông qua 220 bộ luật, luật và 200 pháp lệnh. Chỉ riêng trong nhiệm kỳ khóa XI, Quốc hội đã thông qua được 84 luật, bộ luật, 15 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật; ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua được 31 pháp lệnh. Nội dung của các luật, bộ luật đã cơ bản điều chỉnh tất cả các lĩnh vực của đời sống, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ, tổ chức bộ máy Nhà nước, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đến các vấn đề về quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Riêng trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, hàng loạt văn bản pháp luật đã được ban hành, như Luật Quốc phòng, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Công an, Luật Biên giới quốc gia, Pháp lệnh Dân quân tự vệ, Pháp lệnh Dự bị động viên, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, Pháp lệnh Tình báo, Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu vực quân sự… Các văn bản này đã tạo hành lang pháp lý cần thiết cho việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng Quân đội nhân dân và tăng cường quản lý nhà nước đối với lĩnh vực quan trọng này.
Cùng với hoạt động lập pháp, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng, hiệu quả ngày càng cao. Nội dung giám sát tập trung vào nhiều vấn đề quan trọng, bức xúc, bao quát hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Riêng lĩnh vực quốc phòng, an ninh, Quốc hội đã tập trung giám sát việc nâng cao chất lượng và sức chiến đấu của Quân đội và Công an, công tác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, việc cải thiện đời sống và điều kiện hoạt động của lực lượng vũ trang. Cách thức tổ chức giám sát ngày càng được cải tiến theo hướng tăng cường hoạt động giám sát tối cao, xem xét báo cáo của Chính phủ kết hợp với giám sát thực tế tại địa phương; vừa thực hiện giám sát thường xuyên, vừa giám sát theo chuyên đề. Đặc biệt, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội đã trở thành sinh hoạt thường xuyên, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm theo dõi, hoan nghênh.
Thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội đã bàn bạc và quyết định các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm; xem xét và quyết định ngân sách nhà nước, các dự án, công trình quan trọng quốc gia, điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh, các vấn đề về bảo đảm quốc phòng, an ninh, phê chuẩn các điều ước quốc tế… Từ năm 2003, sau khi Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) có hiệu lực, Quốc hội đã thực hiện quyết định về ngân sách nhà nước một cách đầy đủ và thực chất hơn, bao gồm dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm. Lĩnh vực quốc phòng luôn được Quốc hội xếp vào nhóm ưu tiên hàng đầu về phân bổ ngân sách và xác định những nhiệm vụ quốc phòng trọng tâm trong Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội hằng năm, nhằm bảo đảm xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vừa bảo đảm đời sống của cán bộ, chiến sĩ, vừa duy trì và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Quốc hội cũng đã ban hành nhiều quyết định quan trọng về củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị với các nước, như Nghị quyết về việc phê chuẩn “Hiệp định giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong vùng vịnh Bắc Bộ”; Hiệp ước giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Vương quốc Căm-pu-chia bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985; phê chuẩn Nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO)…
Hoạt động đối ngoại của Quốc hội tiếp tục được mở rộng, không ngừng nâng cao vai trò và vị thế của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần vào việc thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế. Quốc hội Việt Nam đã trực tiếp tham gia đối thoại trên nhiều vấn đề nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, những xung đột về quan hệ thương mại và đã thu được kết quả tích cực.
Tóm lại, những thành tựu đạt được của Quốc hội qua 11 nhiệm kỳ hoạt động đã tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý xã hội, phát triển đất nước, điều hành có hiệu quả nền kinh tế quốc dân, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường hội nhập quốc tế. Đồng thời, đây chính là tiền đề quan trọng, là nguồn kinh nghiệm phong phú cho các nhiệm kỳ Quốc hội tiếp theo không ngừng đổi mới và phát triển.
Quốc hội khóa XII là Quốc hội của thời kỳ tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đưa sự nghiệp CNH, HĐH đi vào chiều sâu, nhằm sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta có những thuận lợi và cơ hội lớn, đồng thời cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Nền kinh tế nước ta vẫn đang ở trình độ phát triển thấp, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại. Lĩnh vực văn hóa, xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc chậm được giải quyết. Tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn liền với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng. Các thế lực thù địch đang ráo riết thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài nhằm làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Trước tình hình đó, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị của đất nước, ngăn ngừa và làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải không ngừng nâng cao cảnh giác, kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Quốc hội cũng phải phát huy hơn nữa hiệu quả và hiệu lực hoạt động của mình để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Thành công của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XII, với việc Quốc hội xem xét, kiện toàn tổ chức và nhân sự của các cơ quan Nhà nước ở Trung ương là tiền đề quan trọng để tiếp tục đổi mới bộ máy Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Yêu cầu chung đặt ra hiện nay là phấn đấu để Quốc hội thực thi đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, xứng đáng với vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII này, tổ chức của Quốc hội đã có sự đổi mới đáng kể với việc thành lập thêm hai ủy ban mới là ủy ban Tư pháp và ủy ban Tài chính, ngân sách, đưa tổng số các ủy ban của Quốc hội lên 10 cơ quan; số đại biểu Quốc hội chuyên trách tăng lên khoảng 30%; số ủy viên ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tăng từ 13 lên 18. Đây là những nhân tố mới để Quốc hội khóa XII có thể làm tốt hơn nữa trách nhiệm của mình. Quốc hội sẽ đổi mới hoạt động theo hướng tăng cường làm việc ở Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội. Các cơ quan này phải chịu trách nhiệm chính về việc thảo luận và xem xét những vấn đề quan trọng trước khi trình Quốc hội thảo luận và biểu quyết.
Cùng với việc kiện toàn tổ chức bộ máy, Quốc hội sẽ đổi mới mạnh hơn phương thức hoạt động, từ quy trình lập pháp, cách thức giám sát đến việc nâng cao chất lượng các kỳ họp; bảo đảm vừa tăng số lượng, vừa bảo đảm chất lượng các luật và pháp lệnh theo hướng luật, pháp lệnh có tính khả thi cao và nhanh chóng đi vào cuộc sống. Nghiên cứu, áp dụng việc xây dựng những dự án luật ngắn gọn, điều chỉnh những vấn đề cụ thể; áp dụng quy trình rút gọn trong xây dựng văn bản luật; ban hành một đạo luật mà có thể sửa đổi, bổ sung nhiều luật khác có liên quan; cải tiến việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân cho có hiệu quả và thiết thực hơn. Trong hoạt động giám sát, cố gắng sớm hoàn thiện cơ chế giám sát tối cao; có chế tài bảo đảm việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát; đề cao trách nhiệm việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân, thực hiện những cam kết khi trả lời chất vấn.
Một trong những nội dung quan trọng nữa trong việc đổi mới hoạt động của Quốc hội là cải tiến việc xem xét và thảo luận các vấn đề tại kỳ họp, phiên họp theo hướng mở rộng tranh luận, đối thoại để tạo sự thống nhất cao, tăng tính công khai trong sinh hoạt của Quốc hội; tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa đại biểu Quốc hội và cử tri, giữa Quốc hội với nhân dân; có các hình thức và cơ chế thích hợp để nhân dân theo dõi trực tiếp các kỳ họp Quốc hội, tăng cường các hình thức thông tin, tuyên truyền để nhân dân biết và giám sát hoạt động của các cơ quan và đại biểu Quốc hội.
Nhiệm vụ đặt ra đối với Quốc hội khóa XII thật là vẻ vang nhưng cũng hết sức nặng nề, đòi hỏi Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và mỗi đại biểu Quốc hội phải không ngừng nỗ lực phấn đấu; làm hết trách nhiệm của mình trước cử tri, có mối liên hệ chặt chẽ, gắn bó với cử tri để luôn xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri. Chúng ta có cơ sở để tin rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với tinh thần và khí thế mới, lại được sự ủng hộ của toàn dân, nhất định Quốc hội của chúng ta sẽ thực hiện có kết quả các chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thành công hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
GS,TS. Nguyễn Phú Trọng
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội
 

Ý kiến bạn đọc (0)