QPTD -Thứ Sáu, 16/09/2011, 23:47 (GMT+7)
Quảng Ninh thực hiện kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Kế thừa và vận dụng sáng tạo quy luật “Dựng nước đi đôi với giữ nước” của dân tộc vào điều kiện mới của đất nước, Đảng ta xác định: Xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, vừa mang tính cấp thiết, vừa cơ bản lâu dài. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang có nhiều biến động phức tạp; nước ta đang đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế, với thời cơ và thách thức đan xen; trong đó có thách thức gay gắt là các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình” thì việc thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Quảng Ninh là một tỉnh biên giới, ven biển, nằm ở địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc dài 132,8 km với 1 cửa khẩu quốc tế và 2 cửa khẩu quốc gia; có bờ biển dài 250 km, vùng biển rộng trên 6000 km2 với trên 2.000 đảo lớn nhỏ, có hệ thống cảng biển nước sâu quan trọng (Vạn Gia, Cửa Ông, Cái Lân). Tỉnh có số dân trên 1 triệu, gồm 22 dân tộc anh em, có 2 tôn giáo chính là Phật giáo và Thiên chúa giáo. Quảng Ninh là một trong năm tỉnh của Việt Nam trong khu hợp tác “hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt-Trung, là một bộ phận và nhịp cầu quan trọng của khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc. Cũng vì thế, Quảng Ninh đã được Chính phủ xác định: “Xây dựng Quảng Ninh trở thành một địa bàn động lực, một trong những cửa ngõ giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đối với khu vực và quốc tế, một khu vực phát triển năng động của kinh tế biển và ven biển, có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững; có thế và lực ngày càng lớn thúc đẩy sự phát triển và cạnh tranh”1. Qua đó cho thấy, Quảng Ninh có vị trí hết sức quan trọng về kinh tế, quốc phòng-an ninh (QP-AN) và đối ngoại đối với Quân khu 3 và cả nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhận thức rõ điều đó, trên cơ sở thấu suốt quan điểm của Đảng về hai nhiệm vụ chiến lược trong thời kỳ mới, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang (LLVT) trong Tỉnh đã và đang phát huy truyền thống cách mạng quật cường của giai cấp công nhân vùng mỏ, sức mạnh tổng hợp, đoàn kết, nỗ lực triển khai hai nhiệm vụ chiến lược sát với đặc điểm, tình hình địa phương. Nhờ đó, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; kinh tế phát triển nhanh, đạt mức tăng trưởng cao; văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; QP-AN không ngừng được tăng cường; chủ quyền quốc gia trên tuyến biên giới và biển, đảo được quản lý và bảo vệ vững chắc.

Biểu hiện tập trung của việc cụ thể hóa hai nhiệm vụ chiến lược ở Quảng Ninh trong tiến trình CNH, HĐH là: gắn chặt xây dựng với bảo vệ, kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) với tăng cường QP-AN; trong khi đặt trọng tâm vào phát triển KT-XH, coi đó  là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, không một chút lơi lỏng nhiệm vụ QP-AN. Trong quá trình thực hiện, luôn chú trọng khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về các mặt và tận dụng triệt để những thành tựu của sự nghiệp CNH, HĐH phục vụ cho mục tiêu KT-XH và QP-AN, bảo đảm cho sự kết hợp hai nhiệm vụ ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Phấn đấu mỗi bước phát triển KT-XH là một bước tăng cường tiềm lực QP-AN, và QP-AN được tăng cường lại tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho KT-XH phát triển. Với quan điểm định hướng trên, những năm qua, nhất là trong hơn hai năm gần đây, Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Nền kinh tế của Tỉnh phát triển tương đối ổn định, tốc độ tăng trưởng cao. GDP năm 2007 tăng 13,11% (thu nhập bình quân 1063 USD/người) và 6 tháng đầu năm 2008, mặc dù có sự tác động tiêu cực của tình hình lạm phát nhưng vẫn đạt mức tăng 12,5%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỉ trọng nông nghiệp, tăng tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Các ngành kinh tế trọng điểm phát triển nhanh, quy mô được mở rộng. Năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17,47%, trong đó ngành than chiếm tỉ trọng lớn, đã sản xuất và tiêu thụ 42,8 triệu tấn than; sản lượng lương thực đạt 230 ngàn tấn; du lịch tăng 16%, thu hút 3,6 triệu lượt khách quốc tế và trong nước; thương mại nội địa có bước phát triển về chất, được mở rộng ở các khu vực thành thị, nông thôn, miền núi, biên giới và hải đảo, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.321 triệu USD, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 29 triệu tấn. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2007 vượt chỉ tiêu đề ra; đạt 10.158 tỉ đồng, tăng 52%, trong đó thu nội địa đạt 3.871 tỉ, tăng 23%; tổng chi ngân sách là 3.769 tỉ, chi cho đầu tư phát triển chiếm tỉ lệ gần 50%.

Kinh tế phát triển đã tạo ra nguồn lực vật chất ngày càng lớn cho sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) trên địa bàn, đồng thời tạo thuận lợi cho Tỉnh đẩy mạnh chủ trương kết hợp KT-XH với QP-AN. Trên cơ sở “Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2006), các ngành trong Tỉnh đã chủ động triển khai xây dựng kế hoạch của ngành, trong đó xác định rõ mục tiêu phát triển ngành và giải pháp gắn với bảo đảm nhu cầu QP-AN. Những năm qua, một số ngành kinh tế trọng điểm, có lợi thế và khả năng cạnh tranh, phát triển, đồng thời cũng là ngành có tính lưỡng dụng, liên quan nhiều đến QP-AN như: cơ khí chế tạo, cảng biển, sửa chữa và đóng mới tàu biển, giao thông vận tải, bưu điện... được Tỉnh tập trung đầu tư lớn, áp dụng công nghệ hiện đại. Việc phân vùng kinh tế, quy hoạch khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị mới... đều được gắn với bố trí lực lượng, thế trận QP-AN, xây dựng khu vực phòng thủ. Hiện nay, Tỉnh đang tập trung nguồn lực để triển khai nhanh các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng không chỉ đối với sự phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN của Tỉnh, mà còn phục vụ các chương trình có tính chiến lược của Trung ương, như: đường cao tốc Hạ Long – Móng Cái (triển khai sau năm 2010) và tuyến đường ven biển Quảng Ninh đi các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình; khu kinh tế và sân bay quốc tế Vân Đồn, cảng Vạn Gia và khu kinh tế đảo Vĩnh Thực (Móng Cái), khu kinh tế-quốc phòng Cô Tô. Đồng thời, hỗ trợ vốn để hoàn thành các công trình: đường ra biên giới, đường vành đai biên giới đến các mốc biên giới và công tác rà phá bom mìn để đưa dân ra định cư tại các xã vùng biên (theo Quyết định 120/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Đáng chú ý là, trong sự kết hợp KT-XH với QP-AN thông qua các dự án đã, đang và sẽ triển khai, có những việc được đầu tư nhằm phục vụ trước hết cho phát triển KT-XH, đồng thời gắn với QP-AN, nhưng cũng có việc lại nhằm phục vụ cho QP-AN là chính, tiếp đó kết hợp phục vụ dân sinh (nhất là các công trình trên tuyến biên giới, biển đảo...). Tựu trung, có thể khẳng định: sự kết hợp KT-XH với QP-AN và QP-AN với KT-XH ở Quảng Ninh được thực hiện ngày càng chặt chẽ, trên mọi lĩnh vực; nội dung kết hợp phong phú, đa dạng, phương pháp linh hoạt, sáng tạo. Mục tiêu cao nhất của sự kết hợp đó là bảo đảm cho Quảng Ninh không ngừng phát triển toàn diện trong thời kỳ mới; đồng thời, chủ động trước diễn biến phức tạp của tình hình, phòng chống hiệu quả âm mưu "Diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch trên địa bàn và sẵn sàng chuyển hoạt động của địa phương từ thời bình sang thời chiến khi có tình huống chiến tranh.

Kinh tế phát triển còn tạo cơ sở cho Tỉnh thúc đẩy phát triển văn hóa, nhất là giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, của địa phương; đẩy mạnh sự nghiệp y tế, giáo dục-đào tạo; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm công bằng xã hội, khắc phục dần sự chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các vùng. Cùng với việc thực hiện chính sách ưu tiên đầu tư phát triển cho các vùng khó khăn thuộc địa bàn biên giới, hải đảo, Tỉnh đã huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia công tác “xóa đói, giảm nghèo”; giúp người nghèo, hộ nghèo về nhà, đất và phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Với sự nỗ lực đó, Tỉnh đã giảm được tỷ lệ hộ nghèo từ 10,62% năm 2005 xuống còn 7,97% năm 2007 và 5,76% năm 2008 (tính đến hết tháng 6 năm 2008); qua đó, góp phần tăng cường "thế trận lòng dân", củng cố lòng tin của nhân dân các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước và LLVT.

Quán triệt sâu sắc quan điểm, tư duy mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, được thể hiện thông qua các nghị quyết, chỉ thị, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X), Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Tỉnh đã thường xuyên coi trọng xây dựng nền QPTD, xây dựng thế trận QPTD gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ và LLVT địa phương vững mạnh toàn diện, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong thời bình và thời chiến. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết Về công tác quốc phòng địa phương, Về công tác đảm bảo an ninh, trật tự giai đoạn 2006-2010; Chỉ thị số 06/CT-TU Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục QP-AN trong tình hình mới. Hằng năm, Uỷ ban nhân dân Tỉnh đều có chỉ thị về công tác quốc phòng địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện toàn diện nhiệm vụ QP-AN.

Công tác giáo dục QP-AN toàn dân, nhất là bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ các cấp được thực hiện nền nếp, triển khai tới mọi đối tượng, bảo đảm chất lượng, số lượng và có nhiều đổi mới về cách làm. Trong 7 năm qua (2001-2007), Quảng Ninh đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN được 173 lớp cho 10.629 lượt cán bộ thuộc các đối tượng. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2008, Tỉnh đã tổ chức 16 lớp cho đối tượng 4 và 5 với 1.568 cán bộ; 01 lớp với 48 cán bộ là giám đốc các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và 01 lớp với 250 công nhân trong các doanh nghiệp thuộc khu vực này; 01 lớp với 200 người là chủ hộ các tàu thuyền trên biển; 01 lớp với 80 người là cán bộ công chức các ngành liên quan đến hoạt động quản lý biên giới, biển đảo. Kết quả trên phản ánh sự nỗ lực của Tỉnh và cũng là cách làm mới, sáng tạo, sát hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn của một tỉnh có biên giới, biển đảo; vì thế, nó rất thiết thực. Thông qua giáo dục QP-AN, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong Tỉnh đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, trực tiếp là nhiệm vụ kết hợp KT-XH với QP-AN và QP-AN với KT-XH trên địa bàn Tỉnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ.

 Công tác xây dựng LLVT (bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ, dự bị động viên, công an, biên phòng) được Tỉnh luôn coi trọng, bởi đây là lực lượng nòng cốt bảo đảm cho việc hoàn thành nhiệm vụ QP-AN ở địa phương, cơ sở. Những năm gần đây, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, LLVT của Tỉnh được quan tâm xây dựng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, nên chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu ngày càng được nâng lên. Lực lượng dân quân, tự vệ được xây dựng theo phương châm: "vững mạnh, rộng khắp", tổ chức chặt chẽ, có số lượng hợp lý, cơ cấu thành phần phù hợp, có lực lượng cơ động và lực lượng tại chỗ. Nét nổi bật là, dân quân, tự vệ được tổ chức gắn chặt với tổ chức sản xuất ở cơ sở và trong các doanh nghiệp trên khắp địa bàn: nội địa, biên giới, biển đảo. Đến nay, 100% thôn bản, khu phố và một số đảo đã tổ chức được tiểu đội dân quân; ở một số khu vực trọng điểm về QP-AN và trên tuyến biên giới đã tổ chức đơn vị dân quân tập trung, thường trực 24/24giờ. Lực lượng tự vệ được chú trọng xây dựng, phát triển mạnh ở các doanh nghiệp quốc doanh và bước đầu thành lập một số đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh (Công ty cổ phần quốc tế Hoàng gia, Công ty Âu Lạc). Quảng Ninh là một trong những tỉnh của Quân khu 3 và cả nước triển khai sớm, đạt kết quả tốt về công tác đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn gắn với đào tạo cán bộ cơ sở. Đến nay, Tỉnh đã hoàn thành 3 khóa đào tạo (chương trình đào tạo 14 tháng) cho 201 đồng chí; và đang triển khai khóa 4, với số lượng 78 đồng chí. Lực lượng dự bị động viên được Tỉnh thường xuyên quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp. Trong quá trình thực hiện luôn gắn chặt với công tác tuyển quân; bảo đảm tốt các khâu: tạo nguồn, đăng ký, quản lý, phúc tra, huấn luyện và chế độ chính sách... Hiện nay, Tỉnh bảo đảm được đủ nguồn động viên, chất lượng tốt cho các đơn vị của Bộ, Quân khu và địa phương theo chỉ tiêu được giao.

Đi đôi với xây dựng LLVT, Tỉnh thường xuyên quan tâm xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ và thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về QP-AN. Trong quá trình xây dựng thế trận, Tỉnh chú trọng triển khai rộng khắp, trong đó tập trung vào các địa bàn, khu vực xung yếu, quan trọng trên tuyến biên giới, biển, đảo, nhằm bảo đảm sự vững chắc của từng khu vực và sự liên hoàn giữa các khu vực trên địa bàn toàn Tỉnh trong hoạt động tác chiến phòng thủ. Hằng năm, Tỉnh chú trọng đầu tư kinh phí để cải tạo, nâng cấp các hang động, củng cố và xây dựng mới công trình quốc phòng, khu vực phòng thủ then chốt, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần - kỹ thuật của khu vực phòng thủ (có công trình được đầu tư hàng chục tỉ đồng); thực hiện điều chỉnh, bố trí lực lượng phù hợp với kế hoạch, phương án tác chiến, nhất là trên tuyến biển, đảo. Đồng thời, tăng cường diễn tập khu vực phòng thủ các cấp, nhằm vận hành tốt Cơ chế Đảng lãnh đạo, ban ngành đoàn thể làm tham mưu theo chức năng, chỉ huy trưởng cơ quan quân sự chỉ huy thống nhất LLVT thuộc quyền. Thời gian tới, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, nhân dân và LLVT Quảng Ninh sẽ hoàn thành thắng lợi mục tiêu xây dựng Tỉnh: ổn định về chính trị, giàu về kinh tế, tiến bộ về văn hóa-xã hội, vững mạnh về QP-AN; cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Nguyễn Duy Hưng

Bí thư Tỉnh ủy

_____________

1- Quyết định số 269/2006/QP-TTg ngày 24-11-2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: "Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020".

 

Ý kiến bạn đọc (0)