QPTD -Thứ Bảy, 13/08/2011, 22:13 (GMT+7)
Quảng Ngãi thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng - an ninh toàn dân

Quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ, những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giáo dục quốc phòng- an ninh (GDQP-AN) toàn dân và đạt được một số kết quả quan trọng. Tỉnh đã thường xuyên kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng GDQP-AN các cấp để làm tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quan trọng này. Đến nay, 100% Hội đồng GDQP-AN đã xây dựng quy chế làm việc, kế hoạch hoạt động; các thành viên Hội đồng GDQP-AN đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động tổ chức triển khai công tác GDQP-AN ở cấp mình, tạo sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, nhà trường và địa phương. Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) Tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tham mưu giúp Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh, Hội đồng GDQP-AN Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác GDQP-AN với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng, sát với từng địa bàn; kết hợp giáo dục thường xuyên với giáo dục tập trung có trọng tâm, trọng điểm, nhất là giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ GDQP-AN, Tỉnh quan tâm tới mọi đối tượng; trong đó, tập trung ưu tiên bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Bởi lẽ, đây là những cán bộ nòng cốt trong hệ thống chính trị, những người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ QP-AN ở địa phương; đồng thời, họ cũng là lực lượng tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng còn lại. Hằng năm, với sự tham mưu, tư vấn của Hội đồng GDQP-AN, Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, phân loại từng đối tượng để mở lớp bồi dưỡng theo kế hoạch, bảo đảm đúng thành phần, đối tượng, phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ của từng ngành và mỗi cá nhân, tạo điều kiện để mọi cán bộ đều được tham gia bồi dưỡng. Do làm tốt ngay từ khâu quy hoạch, phân loại, nên số cán bộ đối tượng 1 và 2 (do cấp trên bồi dưỡng) được triệu tập luôn đạt và vượt chỉ tiêu. Cán bộ thuộc các đối tượng 3, 4, 5 do Tỉnh và các huyện trực tiếp bồi dưỡng. Căn cứ vào tình hình cụ thể của từng ngành, địa phương, Tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng tập trung cho đối tượng 3 tại Trường Quân sự Tỉnh; cấp huyện tổ chức bồi dưỡng cho đối tượng 4 và 5 tại Trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện (tổ chức theo cụm xã). Với cách làm đó, đến nay cơ bản đội ngũ cán bộ, đảng viên của Tỉnh đã được bồi dưỡng kiến thức QP-AN, kể cả ở những địa bàn khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa hay huyện đảo Lý Sơn.

Ngoài các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng theo quy định, Tỉnh đã chủ động mở rộng diện bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng khác, như: chức sắc, chức việc các tôn giáo, lãnh đạo các doanh nghiệp,… được Quân khu 5 đánh giá cao và tổ chức rút kinh nghiệm để chỉ đạo các địa phương trên địa bàn. Hiện nay, Quảng Ngãi có 4 tôn giáo chính (Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin lành và Cao Đài), với tổng số 246.053 tín đồ, chiếm 18,95% dân số của Tỉnh. Bên cạnh việc đại đa số đồng bào tôn giáo chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, vẫn còn một bộ phận giáo dân bị các phần tử phản động lợi dụng, lôi kéo, kích động, khiếu kiện, tranh chấp đất đai… Do vậy, việc tuyên truyền, giáo dục cho đồng bào có đạo nói chung, tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các chức sắc, chức việc tôn giáo nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng. Sau khi thí điểm mở 2 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo của huyện Tư Nghĩa và thành phố Quảng Ngãi đạt kết quả thiết thực, Hội đồng GDQP-AN Tỉnh chỉ đạo các huyện Nghĩa Hành, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi tiếp tục mở 8 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 480/740 vị chức sắc, chức việc tôn giáo. Kết thúc các lớp bồi dưỡng, thông qua việc trưng cầu ý kiến, các vị chức sắc, chức việc tôn giáo đã hiểu rõ hơn quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn giáo và cho rằng: việc tổ chức học tập là cần thiết và hữu ích, giúp họ hiểu sâu hơn về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc; về chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc; âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” đối với cách mạng Việt Nam; trách nhiệm, nghĩa vụ của các tôn giáo trong củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, Tỉnh cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm quý trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, như: việc quán triệt các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác GDQP-AN nói chung, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc tôn giáo nói riêng; công tác quản lý của chính quyền và các cơ quan chức năng đối với hoạt động của các tôn giáo; công tác tổ chức lớp học (nội dung, giáo viên, phương pháp truyền đạt) để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các chức sắc, chức việc tôn giáo trên địa bàn.

GDQP-AN cho sinh viên, học sinh được Tỉnh thường xuyên quan tâm. Quảng Ngãi hiện đã có 6 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề (trong đó có 2 trường: Đại học Phạm Văn Đồng và Đại học Công Nghiệp 4), 37 trường trung học phổ thông với số lượng gần  60 nghìn sinh viên, học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với BCHQS Tỉnh tổ chức GDQP-AN cho sinh viên, học sinh theo đúng chương trình, nội dung, thời gian quy định. Những trường chưa có giáo viên giảng dạy môn GDQP-AN đều được BCHQS Tỉnh cử cán bộ giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất cả về giáo viên và vật chất huấn luyện. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các nhà trường, Hội đồng GDQP-AN Tỉnh đã chỉ đạo các trường cử giáo viên dự khóa đào tạo 6 tháng tại Trường Đại học Quy Nhơn (Bình Định) và Trường Quân sự Tỉnh. Ngoài ra, BCHQS Tỉnh cũng chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự các huyện (thành phố) phối hợp, giúp đỡ các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề trong việc giảng dạy và bảo đảm vũ khí, trang bị cho học sinh, sinh viên học tập theo quy định.

Công tác GDQP-AN cho các tầng lớp nhân dân có sự chuyển biến tích cực. Quảng Ngãi có đặc điểm tự nhiên rất đa dạng, được phân bố thành 6 huyện miền núi, 6 huyện đồng bằng ven biển, trung du, 1 thành phố và 1 huyện đảo, với 184 xã, phường, thị trấn, nên việc tổ chức GDQP-AN cho nhân dân không hề đơn giản. Vì vậy, BCHQS Tỉnh đã tham mưu cho Hội đồng GDQP-AN phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các đoàn thể (Công an, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ,…) tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, để làm công tác tuyên truyền ở cơ sở, nhất là đối với các huyện miền núi và huyện đảo. Công tác tuyên truyền, GDQP-AN đã được các cấp, các ngành tiến hành bằng nhiều hình thức, như: tìm hiểu truyền thống lực lượng vũ trang (LLVT), tổ chức họp nhân dân trong khu dân cư, tổ dân phố, tổ tàu thuyền tự quản ở khu vực ven biển và lồng ghép các hoạt động, các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… Thông qua đó, giáo dục truyền thống quê hương, ý thức cách mạng; phòng chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, về xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân, khu vực phòng thủ địa phương. Hội Cựu Chiến binh đã tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền cho hàng vạn lượt đoàn viên, thanh niên thuộc lực lượng dự bị động viên và dân quân, tự vệ; xây dựng mới 70 Câu lạc bộ cựu quân nhân, thu hút 9.874 quân nhân dự bị động viên vào sinh hoạt trong Câu lạc bộ. Tỉnh hết sức coi trọng việc sử dụng các phương tiện truyền thông để tuyên truyền, phản ánh kết quả hoạt động QP-AN của địa phương. Chuyên mục QPTD, An ninh nhân dân được thường xuyên phát sóng trên Đài Phát thanh- Truyền hình của Tỉnh, các chuyên mục “Quốc phòng toàn dân”, “Vì an ninh Tổ quốc” được phát sóng đều đặn hằng tuần. Từ tháng 6 năm 2008, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh- Truyền hình Tỉnh mở chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới biển, đảo”, nhằm phản ánh kịp thời các hoạt động của LLVT và kết quả thực hiện nhiệm vụ QP-AN sát với tình hình thực tế ở từng địa phương, cơ sở. Các tài liệu về công tác GDQP-AN được kịp thời tuyên truyền đến các tổ chức cơ sở đảng và nhân dân ở các tổ dân phố… Việc tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân còn được thực hiện thông qua hoạt động dân vận của LLVT Tỉnh. Các đợt hoạt động giúp nhân dân “xóa đói, giảm nghèo”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, giúp đỡ gia đình chính sách, người có công, chương trình quân- dân y kết hợp, khắc phục hậu quả, giảm nhẹ thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống lụt, bão,… đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tin tưởng; đồng thời, đó cũng là một hình thức giáo dục hiệu quả nhất, góp phần vào nhiệm vụ củng cố QP-AN ở địa phương. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ LLVT Tỉnh và các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn dầm mình trong mưa lũ cứu tính mạng, tài sản của nhân dân qua các đợt mưa lũ ở Quảng Ngãi và khu vực miền Trung vừa qua là biểu hiện sinh động về “Bộ đội Cụ Hồ”, bộ đội “của dân, do dân và vì dân”.

Những kết quả đạt được trong thực hiện công tác GDQP-AN tuy là bước đầu nhưng rất quan trọng, tạo cơ sở cho Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, củng cố QP-AN của Tỉnh.

Đại tá NGUYỄN NGỌC ÂN

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)