QPTD -Thứ Năm, 25/08/2011, 22:39 (GMT+7)
Quảng Nam thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho cán bộ, công chức và đảng viên

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ, công chức và đảng viên đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, cùng với công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng đội ngũ này, Quảng Nam đã thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (QP-AN) cho cán bộ, công chức và đảng viên; coi đó là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên và cấp thiết của Tỉnh.

Quảng Nam thực hiện nhiệm vụ giáo dục QP-AN cho các đối tượng nói chung và bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, công chức và đảng viên nói riêng, trong điều kiện có nhiều khó khăn: địa bàn rộng, đối tượng giáo dục có số lượng lớn, đa dạng, trình độ không đồng đều; cơ sở vật chất bảo đảm còn thiếu thốn; trình độ, năng lực đội ngũ giáo viên còn hạn chế; hoạt động của Hội đồng giáo dục QP-AN ở một số địa phương chưa thành nền nếp... Trong khi đó, nhận thức của cấp ủy và cán bộ chủ trì một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp về tầm quan trọng và yêu cầu đặt ra đối với công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN chưa thật sự thống nhất. Bởi vậy, để công tác này đạt hiệu quả cao, Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ; trước hết, tập trung quán triệt và chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ thị của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ (Chỉ thị số 62-CT/BCT, Chỉ thị số 12-CT/BCT; Nghị định số 15/2001/NĐ-CP, Nghị định số 116/2007/ NĐ-CP) về công tác giáo dục QP-AN. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo này, Tỉnh ủy đã ra Chỉ thị số 30-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đối với công tác giáo dục QP-AN trong tình hình mới; tổ chức hội nghị quán triệt cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp thống nhất thực hiện. Đồng thời, Tỉnh chủ trương lấy kết quả bồi dưỡng kiến thức QP-AN làm một tiêu chí để đánh giá, nhận xét, bổ nhiệm cán bộ các cấp.

Nhằm khắc phục những hạn chế ở một số hội đồng giáo dục QP-AN các địa phương và để nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, công chức và đảng viên, Hội đồng giáo dục QP-AN Tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) Tỉnh, tham mưu, đề xuất cho Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, công chức và đảng viên; củng cố, kiện toàn lại các ban chỉ đạo và Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp, nhất là cấp huyện và cơ sở. Đến nay, Hội đồng giáo dục QP-AN Tỉnh, 18 hội đồng cấp huyện (thành phố) và 241 hội đồng Nghĩa vụ quân sự cấp xã kiêm nhiệm giáo dục QP-AN đã được thành lập (do chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp làm chủ tịch); bảo đảm đúng cơ cấu, thành phần, đủ số lượng, có quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên. Hằng năm, Hội đồng giáo dục QP-AN đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự các cấp và các cơ quan có liên quan tổ chức khảo sát, nắm chắc số lượng cán bộ trong diện bồi dưỡng kiến thức QP-AN: xây dựng kế hoạch và tiến hành bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, công chức và đảng viên theo quy định.

Để công tác này đạt chất lượng và hiệu quả cao, Tỉnh đã thực hiện việc phân cấp bồi dưỡng, đi đôi với đổi mới nội dung, chương trình bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng. Hằng năm, Tỉnh bố trí, sắp xếp, tạo điều kiện cho cán bộ đối tượng 1 và 2 tham gia các lớp do Trung ương và Quân khu 5 tổ chức; đồng thời, tiến hành bồi dưỡng cho cán bộ đối tượng 3, 4 và 5 theo phân cấp. Với đối tượng 3, Tỉnh tổ chức bồi dưỡng tại Trường Quân sự Tỉnh, do BCHQS Tỉnh trực tiếp quản lý; đối tượng 4, do cấp huyện tổ chức, bồi dưỡng tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện (thành phố), do Ban Tổ chức Huyện ủy và Ban CHQS cấp huyện chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan; đối tượng 5, do cấp xã tổ chức bồi dưỡng. Các lớp học đều tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc; có Ban chỉ đạo quản lý, điều hành mọi hoạt động của lớp. Trong quá trình thực hiện, căn cứ vào số lượng học viên và tình hình của từng địa phương, cơ sở, Tỉnh chỉ đạo cụ thể các địa phương tổ chức bồi dưỡng ở cấp huyện hoặc cụm xã. Cách làm này vừa tiết kiệm được thời gian, kinh phí đi lại, vừa tạo điều kiện cho cán bộ hoàn thành được chức trách, nhiệm vụ mà vẫn đảm bảo chất lượng học tập theo quy định.

Về nội dung; trên cơ sở chương trình quy định của Bộ, Quảng Nam hết sức chú trọng đặc điểm, nhiệm vụ của địa phương; tình hình QP-AN trên địa bàn; truyền thống của nhân dân trong Tỉnh để bổ sung các nội dung bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho sát hợp với từng đối tượng. Trong đó, Tỉnh tập trung bồi dưỡng các quan điểm của Đảng về quốc phòng, quân sự (QP,QS), kinh tế-xã hội (KT-XH) và đối ngoại; về thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý đối với nhiệm vụ QP-AN trong sự nghiệp CNH,HĐH đất nước; những âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; lịch sử, truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, của quân đội, của lực lượng vũ trang Quân khu 5 và của nhân dân Quảng Nam; những văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp tới công tác QP,QS địa phương, như: Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Quốc phòng, Luật Đất đai, Luật Dân quân tự vệ, Pháp lệnh về lực lượng Dự bị động viên,... Tỉnh cũng tích cực đổi mới phương pháp bồi dưỡng kiến thức QP-AN, tăng cường hướng dẫn học viên nghiên cứu, tổ chức trao đổi trên lớp và ở tổ, tạo điều kiện để từng người liên hệ, so sánh giữa lý luận và thực tiễn, phát hiện, đề xuất những vấn đề chưa hợp lý, hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung nội dung, chương trình và phương pháp dạy-học. Các lớp học đều bố trí, sắp xếp cán bộ, giáo viên theo dõi từng tổ, hướng dẫn học viên nghiên cứu, thảo luận; xây dựng kế hoạch và sử dụng giờ ngoại khóa, giờ cơ động hợp lý, hiệu quả (tổ chức cho học viên tham quan các mô hình, điển hình về xây dựng khu vực phòng thủ, kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN ở địa phương, cơ sở; mời cán bộ, chuyên gia nói chuyện chuyên đề bổ trợ). Trong quá trình học tập, nhiều lớp đã chọn những địa phương có cách làm hay, những kinh nghiệm tốt trên các mặt công tác để trao đổi, phổ biến cho học viên, nhất là về kết hợp KT-XH với tăng cường QP-AN, về xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giải quyết những vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, ngăn chặn để không trở thành “điểm nóng”... Kết thúc các lớp bồi dưỡng, học viên viết thu hoạch; Ban chỉ đạo đánh giá, nhận xét về tinh thần, trách nhiệm và kết quả học tập của học viên; tổng hợp các ý kiến tham gia của học viên, nhất là những kiến nghị sửa đổi, bổ sung về nội dung, chương trình và phương pháp tổ chức dạy-học để rút kinh nghiệm cho các khóa sau. 

Cùng với đó, Tỉnh coi trọng xây dựng, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên, báo cáo viên và quan tâm đảm bảo cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Đội ngũ giáo viên chủ yếu được huy động từ Trường Quân sự, Trường Chính trị Tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị của các huyện (thành phố); ngoài ra, còn mời cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh, các địa phương, cơ sở và cán bộ cơ quan quân sự, công an, các ban, ngành, các chuyên gia trên các lĩnh vực trực tiếp giới thiệu cho lớp học. Nhìn chung, đội ngũ giáo viên của các trường và trung tâm đều có trình độ đại học và có kinh nghiệm giảng dạy. Tuy nhiên, bồi dưỡng kiến thức QP-AN là môn học có tính đặc thù cao, đòi hỏi giáo viên phải am hiểu sâu sắc về lĩnh vực QP,QS và an ninh. Do đó, hằng năm Tỉnh chủ động mở lớp tập huấn bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên; đồng thời, lựa chọn cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ ở các học viện, nhà trường trong cả nước. Trong tập huấn bồi dưỡng, Tỉnh tập trung phổ biến kế hoạch tổ chức các lớp học và giao chuyên đề giảng dạy cho từng giáo viên; thống nhất về tổ chức, phương pháp giảng dạy phù hợp với các đối tượng. Trên cơ sở đó, từng giáo viên nghiên cứu, chuẩn bị giáo án, bài giảng, tiến hành thục luyện và thông qua Ban chỉ đạo lớp học.

Công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN là môn học cần nhiều vật chất chuyên dùng, phương tiện giảng dạy (mô hình học cụ, tranh ảnh, biểu đồ, sơ đồ, bản đồ, vũ khí cắt bổ, các phương tiện nghe nhìn, máy bắn, máy chiếu...); hệ thống thao trường, bãi tập đòi hỏi phải sát với công tác, sinh hoạt của bộ đội và thực tế chiến đấu. Để đảm bảo đầy đủ, đồng bộ, đúng chủng loại cơ sở vật chất cho các lớp học, Tỉnh đã đầu tư kinh phí mua sắm trang, thiết bị, mô hình học cụ cần thiết để trang bị; đồng thời, đảm bảo đúng, đủ chế độ, chính sách cho cán bộ, giáo viên và học viên; cơ quan quân sự đảm bảo vũ khí, trang bị theo đúng quy định của Bộ.

Cùng với những việc làm trên, Tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra. Công tác này được cấp ủy, chính quyền, Hội đồng giáo dục QP-AN thực hiện nghiêm túc từ Tỉnh tới các địa phương; nhằm đánh giá đúng thực chất kết quả bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng; đồng thời, qua đó phát hiện những mặt còn hạn chế để có biện pháp khắc phục kịp thời. Chế độ báo cáo được thực hiện theo đúng quy định; trong đó, sơ kết 6 tháng đầu năm và tổng kết hằng năm được báo cáo bằng văn bản đến các cấp có thẩm quyền.

 Nhờ quán triệt sâu sắc Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị định của Chính phủ, hướng dẫn của cơ quan cấp trên và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tích cực, công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, công chức và đảng viên của Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Về quân số: đối tượng 1 tham gia đạt trên 80%, đối tượng 2 đạt 100%, đối tượng 3, 4 và 5 đạt gần 100%; kết quả kiểm tra: 100% đạt yêu cầu trở lên; trong đó, tỷ lệ khá, giỏi trên 75%. Các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và đảng viên trong Tỉnh về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực QP-AN; nhất là, những vấn đề về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, kết hợp KT-XH với tăng cường QP-AN, về những âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch trong thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Đây là cơ sở quan trọng để cán bộ, công chức và đảng viên vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn Tỉnh.

LÊ MINH ÁNH

Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng GDQP-AN Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)