QPTD -Thứ Tư, 30/11/2011, 23:49 (GMT+7)
Quân và dân Quân khu 2 khắc phục khó khăn, xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn vững mạnh
Địa bàn Quân khu 2 bao gồm 9 tỉnh (5 tỉnh biên giới), có 1.394,5 km đường biên giới quốc gia với hai nước bạn Trung Quốc và Lào; có 34 dân tộc cùng sinh sống. Hiện tại, ở một số nơi, nhất là trên tuyến biên giới phía Tây, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội còn nhiều phức tạp; trong nội địa, các hoạt động truyền đạo trái pháp luật, di dịch cư tự do, tệ nạn xã hội vẫn còn diễn ra. Các địa phương trên địa bàn Quân khu có tiềm năng lớn về lâm sản, khoáng sản, thủy năng, du lịch, dịch vụ... nhưng chưa khai thác được nhiều; kinh tế còn nghèo, cơ sở hạ tầng phát triển chậm; trình độ dân trí nhiều nơi còn thấp, nhất là ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao xa xôi hẻo lánh. Tình hình khí hậu, thủy văn diễn biến bất thường, hằng năm bão lốc, lũ ống, lũ quét xảy ra ở nhiều nơi, gây thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân... Với những đặc điểm và điều kiện khó khăn như vậy, liệu Quân khu 2 có thể xây dựng được nền quốc phòng toàn dân (QPTD) trên địa bàn vững mạnh, từng bước hiện đại, tương xứng với yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và vị trí chiến lược của Quân khu không? Và để thực hiện được, Quân khu cùng các địa phương phải tập trung giải quyết vấn đề gì? Đây là những vấn đề mà lãnh đạo Quân khu cũng như các tỉnh trên địa bàn luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi trong nhiều năm qua.

Nắm vững quan điểm của Đảng và từ thực tiễn xây dựng nền QPTD trong những năm đổi mới, nhất là mấy năm gần đây, Quân khu đã dần giải đáp được những băn khoăn về nhận thức và có bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên. Dưới đây, xin nêu một số vấn đề cơ bản, cũng là những giải pháp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng nền QPTD trên địa bàn Quân khu.

Tạo sự nhất trí cao giữa Quân khu với các tỉnh; xây dựng, kiện toàn và nâng cao hiệu quả của cơ chế lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ quốc phòng thống nhất trong toàn Quân khu. Quân khu 2 bước vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền QPTD trên địa bàn một cách cơ bản, toàn diện trong điều kiện có nhiều khó khăn hơn so với một số quân khu bạn. Thế nhưng, với những cố gắng vượt bậc của Quân khu cũng như của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh trên địa bàn, đến nay việc xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân đã đạt được kết quả quan trọng trên nhiều mặt; chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu và sức mạnh chiến đấu của các LLVT (cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng và dân quân, tự vệ) được nâng lên toàn diện và vững chắc hơn; tạo thế và lực mới về quốc phòng-an ninh (QP-AN), góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Có được kết quả đó là do Quân khu và các tỉnh đã có sự nhất trí cao đối với nhiệm vụ; đồng thời, phát huy được hiệu quả của cơ chế lãnh đạo, quản lý quốc phòng thống nhất trong toàn Quân khu. Việc các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đều là ủy viên Đảng ủy Quân khu; các Bí thư Tỉnh ủy, Huyện ủy đều là Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh, Đảng ủy Quân sự huyện càng có điều kiện phát huy tốt hiệu lực lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng nền QPTD. Những năm qua, chế độ sinh hoạt định kỳ của Đảng ủy Quân khu, Đảng ủy Quân sự cấp tỉnh, huyện; các hội nghị triển khai công tác quốc phòng giữa chỉ huy Quân khu với chính quyền và các ngành của các tỉnh và tiếp theo là Chủ tịch tỉnh tổ chức hội nghị triển khai công tác quốc phòng trong toàn tỉnh đã đi vào nền nếp. Mối quan hệ giữa lãnh đạo, chỉ huy Quân khu với Tỉnh ủy và ủy ban nhân dân các tỉnh, giữa các cơ quan quân sự tỉnh, huyện với cấp ủy đảng, chính quyền cùng cấp đều rất mật thiết. Cấp ủy, chính quyền các cấp đều xác định nhiệm vụ quốc phòng là một trọng tâm công tác, được tập trung lãnh đạo, được các cấp, các ngành đầu tư nhân lực, vật lực và tổ chức thực hiện chủ động, sáng tạo. Tuy kinh tế còn nhiều khó khăn, lại bị ảnh hưởng bởi thiên tai thường xuyên, luôn phải đề nghị Trung ương hỗ trợ ngân sách, nhưng các tỉnh vẫn chủ động cân đối, đầu tư đáp ứng nhu cầu của quốc phòng. Thực tế cho thấy, giữ vững mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ giữa Quân khu với các tỉnh và duy trì các hoạt động của cơ chế lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng ngày càng có chất lượng là một đảm bảo chắc chắn cho việc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, xây dựng nền QPTD trên địa bàn Quân khu.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân các dân tộc thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, xây dựng nền QPTD. Xây dựng nền QPTD vững mạnh toàn diện là một nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của Quân khu cũng như các địa phương trong thời bình. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này, đòi hỏi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền QPTD phải được cụ thể hóa phù hợp với đặc điểm của Quân khu, từng tỉnh, huyện, xã và từng dân tộc. Cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể và nhân dân các dân tộc ở từng địa phương, cơ sở phải được tham gia bàn bạc về chủ trương, phương hướng nhiệm vụ, biện pháp và là người chủ thực sự trong quá trình thực hiện, với sự gắn bó về lợi ích và trách nhiệm của từng tổ chức, từng người. Với tinh thần đó, lãnh đạo Quân khu đã cùng với lãnh đạo các tỉnh rất coi trọng chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân các dân tộc thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ tăng cường QP-AN, xây dựng nền QPTD trong tình hình mới. Đặc biệt chú trọng chỉ đạo thực hiện nghiêm và có hiệu quả Chỉ thị 62-CT/TƯ của Bộ Chính trị và Nghị định số 15/2001/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về giáo dục quốc phòng. Chỉ trong năm 2006, Quân khu và các tỉnh đã tổ chức 609 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 46.624 cán bộ (đối tượng 3, 4, 5); tổ chức 3 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 124 chức sắc, chức việc tôn giáo; chỉ đạo hệ thống các nhà trường trên địa bàn Quân khu tổ chức tốt môn học giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên (đạt trên 95% tổng số học sinh, sinh viên). Trong 6 tháng đầu năm 2007, Quân khu và các tỉnh tiếp tục tổ chức 89 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 6.078 cán bộ (đối tượng 3, 4, 5); 1 lớp cho 60 giám đốc các doanh nghiệp; 2 lớp cho 103 chức sắc, chức việc tôn giáo; 1 lớp cho 51 già làng và người có uy tín trong dòng họ các dân tộc thiểu số; giáo dục quốc phòng cho toàn dân được tiến hành bằng nhiều hình thức, thông qua hệ thống thông tin đại chúng, các lễ hội, các cuộc giao lưu văn hóa... Nhờ thực hiện tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng, nhiều công việc cụ thể tưởng chừng rất khó giải quyết đối với các địa phương miền núi, kinh tế còn nghèo (như bảo đảm kinh phí cho diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập chiến đấu trị an; huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân, tự vệ, lực lượng dự bị động viên; xây dựng trụ sở làm việc cho các cơ quan quân sự, xây dựng hệ thống kho tàng bảo quản, cất giữ vũ khí; thực hiện chính sách hậu phương quân đội...) đều triển khai thuận lợi, với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân. Điều đó cho thấy, không phải chỉ chờ đến khi KT-XH phát triển mới xây dựng được nền QPTD, mà một khi các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân nhận thức rõ đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, thì chính họ tìm ra các biện pháp linh hoạt, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ.
Tập trung xây dựng cơ sở, nhất là các cơ sở vùng sâu, vùng xa vững mạnh toàn diện. Quân khu 2 có 1.502 xã, phường, thị trấn, trong đó một phần quan trọng các cơ sở nằm ở vùng sâu, vùng xa chỉ có các dân tộc thiểu số sinh sống. Nhìn chung, đời sống vật chất, tinh thần, trình độ dân trí, cơ sở hạ tầng, hệ thống chính trị... ở các cơ sở vùng này còn nhiều khó khăn và hạn chế. Thực trạng đó đòi hỏi muốn xây dựng nền QPTD vững mạnh, phải bắt đầu từ cơ sở. Nhận thức đúng điều đó, Quân khu đã chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lập kế hoạch củng cố, xây dựng cơ sở một cách toàn diện; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương tiến hành xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, trước hết tập trung vào các xã trọng điểm về QP-AN ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Trong quá trình thực hiện, hết sức coi trọng xây dựng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, trước nhất là các tổ chức đảng, chính quyền. Cùng với đó, các chủ trương, chính sách về phát triển KT-XH và củng cố QP-AN phải được cụ thể hóa sát với nhu cầu, nguyện vọng và mang lại lợi ích thiết thực cho từng cơ sở, dân tộc; các biện pháp tổ chức thực hiện phải hết sức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với phong tục, tập quán và truyền thống của từng dân tộc. Do trình độ văn hóa của không ít cán bộ chủ chốt ở xã, thôn, bản còn thấp, nên việc triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển KT-XH, củng cố QP-AN phải ngắn gọn, dễ hiểu, tránh dùng nhiều văn kiện; phải trên cơ sở xây dựng các mô hình xã, thôn, bản vững mạnh toàn diện hoặc vững mạnh về QP-AN rồi tổ chức tham quan, giới thiệu kinh nghiệm cụ thể. Thực tiễn của Quân khu đã chứng minh đây là cách làm đạt hiệu quả nhất.
Đi đôi với các biện pháp đó, phải đẩy mạnh việc giáo dục, vận động, thuyết phục quần chúng; cử các tổ, đội công tác liên ngành của địa phương, các đội công tác xây dựng cơ sở của LLVT xuống giúp cơ sở. Trong mấy năm qua, Quân khu và các địa phương, nhất là các tỉnh vùng cao, biên giới làm khá tốt vấn đề này. Riêng LLVT Quân khu, trong 6 tháng đầu năm 2007 đã tổ chức 162 đội công tác liên ngành và chuyên ngành với 496  lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở 198 xã trọng điểm; 15 đại đội kết hợp huấn luyện hành quân dã ngoại với làm công tác dân vận ở 24 xã (có 5 đại đội ở lại thôn, bản ăn Tết với đồng bào). Những việc làm này luôn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao, cần được rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Tích cực củng cố, tăng cường thế trận QP-AN vững chắc ở từng địa phương và trên toàn Quân khu. LLVT Quân khu và các địa phương trên địa bàn phải tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị Quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và những định hướng cơ bản về xây dựng nền QPTD được xác định trong Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Coi trọng công tác bảo vệ nội bộ, có biện pháp phòng ngừa, chống cài cắm, móc nối của địch, nâng cao cảnh giác cách mạng cho LLVT, cán bộ và nhân dân các dân tộc. Tổ chức theo dõi, nắm chắc tình hình biên giới, nội địa, nắm chắc dân, quản lý chặt chẽ địa bàn, chủ động, nhạy bén, xử lý đúng, có hiệu quả mọi tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ, không mắc mưu “tạo cớ” của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc, của hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng xây dựng thế trận QP-AN ngày càng vững chắc ở địa phương, cơ sở. Tập trung giải quyết có hiệu quả tình hình tuyên truyền, phát triển đạo trái pháp luật, dân di cư tự do, tranh chấp đất đai và những mâu thuẫn trong nhân dân, không để lây lan, kéo dài, phát triển thành “điểm nóng”. Chủ động nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quyết tâm tác chiến phòng thủ, các kế hoạch sẵn sàng chiến đấu, kế hoạch phòng chống khủng bố, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, chống cháy nổ, cháy rừng và tăng cường luyện tập, diễn tập theo phương án tác chiến, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ, bảo vệ vững chắc các mục tiêu quan trọng. Tiếp tục triển khai xây dựng các công trình chiến đấu, các tuyến đường cơ động, đường tuần tra biên giới, quản lý cải tạo một số hang động tự nhiên bảo đảm bí mật, an toàn; xây dựng công trình đường hầm sở chỉ huy và căn cứ chiến đấu ở một số tỉnh trọng điểm. Phối hợp chặt chẽ các lực lượng thực hiện di dãn dân vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La, Tuyên Quang, Lai Châu; gắn quy hoạch khu dân cư với điều chỉnh bố trí LLVT phù hợp yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ địa bàn. Các đơn vị kinh tế-quốc phòng của Quân khu, nhất là Đoàn 326 (Sốp Cộp-Sơn La) và Đoàn 379 (Mường Nhé-Điện Biên) thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng KT-XH kết hợp với QP-AN; phối hợp với địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo, sắp xếp, bố trí lại dân cư, tạo điều kiện cho nhân dân ở các điểm định cư mới trên tuyến biên giới ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Trung tướng Đỗ Bá Tỵ
Ủy viên BCHTƯ Đảng, Tư lệnh Quân khu
 

Ý kiến bạn đọc (0)