Thứ Năm, 24/04/2025, 11:57 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP) trong thời kỳ mới, ngày 26-01-2008, Pháp lệnh Công nghiệp Quốc phòng - văn bản pháp luật cao nhất trong lĩnh vực CNQP đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua và được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký Lệnh số 02/2008/L-CTN ngày 05-02-2008 về việc công bố Pháp lệnh. Theo đó, Pháp lệnh có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-7-2008.
Việc ban hành Pháp lệnh CNQP có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng, hoàn thiện và đồng bộ hóa hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh (QP-AN). Pháp lệnh thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong chỉ đạo, định hướng đối với nhiệm vụ chiến lược xây dựng và phát triển tiềm lực CNQP của đất nước. Pháp lệnh này cũng đặt nền móng cơ bản cho việc hình thành và từng bước đồng bộ hệ thống các văn bản pháp quy, xác định các khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi mặt hoạt động của một ngành kinh tế-kỹ thuật đặc thù của quốc gia có nhiệm vụ trực tiếp tham gia bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Việc ban hành Pháp lệnh còn là kết quả việc triển khai thực hiện các quy định của Luật Quốc phòng đã được Quốc hội thông qua ngày 14-6-2005; trong đó, quy định về vị trí, nhiệm vụ của CNQP; xác định cơ sở CNQP và trách nhiệm quản lý CNQP. Đồng thời, Pháp lệnh còn kế thừa và nâng tầm các căn cứ pháp lý đã được xác định trong nội dung của Nghị định số 42/2006/NĐ-CP ngày 24-4-2006 của Chính phủ về việc thi hành một số điều của Luật Quốc phòng về CNQP.
Sự ra đời của Pháp lệnh góp phần giải quyết và tháo gỡ những bất cập trong hệ thống các văn bản pháp quy của Nhà nước liên quan tới CNQP. Pháp lệnh đã cụ thể hóa các quy định về nhiệm vụ, tổ chức hoạt động, xây dựng quy hoạch, kế hoạch cũng như nguồn lực, chính sách của Nhà nước và cơ chế quản lý theo yêu cầu mới đối với CNQP. Pháp lệnh còn đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách, lâu dài của thực tiễn là phải thống nhất, đồng bộ các cơ sở pháp lý, phù hợp với định hướng chiến lược và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển CNQP; giúp chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về CNQP; đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp tham gia xây dựng CNQP thành một bộ phận của công nghiệp quốc gia, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Pháp lệnh gồm 7 chương, 27 điều với các nội dung chính như sau:
Chương I. Những quy định chung: quy định phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; vị trí, nhiệm vụ của CNQP; nguyên tắc xây dựng và phát triển; hợp tác quốc tế về CNQP và các hành vi bị nghiêm cấm. So với một số pháp lệnh đã ban hành, Pháp lệnh CNQP đã mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng; không chỉ có các doanh nghiệp, tổ chức nhà nước, mà còn bao gồm các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả tổ chức và cá nhân nước ngoài, được tham gia hoạt động CNQP. Đây là vấn đề được xây dựng trên cơ sở quán triệt tinh thần Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị: xây dựng và phát triển CNQP trên cơ sở tự lực, tự cường kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế, nhất là trong bối cảnh nước ta đã là thành viên của WTO, nhằm góp phần đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, phục vụ xây dựng và phát triển CNQP trong thời kỳ mới.
Chương II. Tổ chức và hoạt động CNQP: quy định cơ sở CNQP; hoạt động của các cơ sở CNQP nòng cốt, cơ sở CNQP động viên, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động CNQP và đặt hàng CNQP. So với các văn bản pháp quy trước đây, điểm mới quan trọng cần lưu ý là Pháp lệnh quy định có 2 loại hình: cơ sở CNQP nòng cốt (do quân đội trực tiếp quản lý) và cơ sở CNQP động viên (cơ sở công nghiệp ngoài quân đội). Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân khác khi có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ thì đều được tham gia hoạt động CNQP. Đây là cơ chế tổ chức bảo đảm cho mở rộng phạm vi huy động sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế quốc dân để xây dựng và phát triển CNQP.
Chương III. Quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển CNQP: quy định các nguyên tắc xây dựng quy hoạch, kế hoạch; thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển CNQP; xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án đầu tư về CNQP; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chương trình, dự án đầu tư về CNQP.
Chương IV. Nguồn lực xây dựng và phát triển CNQP: quy định về nguồn vốn đầu tư, phát triển; nhân lực phục vụ CNQP; nhập khẩu, dự trữ vật tư kỹ thuật; đất phục vụ quốc phòng và nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ phục vụ CNQP.
Chương V. Chính sách đối với CNQP: quy định chính sách của Nhà nước đối với cơ sở CNQP nòng cốt, cơ sở CNQP động viên và đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động CNQP. Điều quan trọng trong nội dung của chương này là Pháp lệnh đã quy định về cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong các lĩnh vực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn lực, các ngành, nghề mang tính đặc thù của CNQP và chính sách ưu đãi đối với người lao động tham gia hoạt động CNQP hoặc trực tiếp thực hiện nhiệm vụ sản xuất hàng quốc phòng, nhằm khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động CNQP.
Chương VI. Quản lý nhà nước về CNQP: Pháp lệnh quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về CNQP, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan thực hiện. Trên cơ sở những quy định này, Chính phủ xác định lộ trình đổi mới tổ chức, quản lý cơ sở CNQP để từng bước thực hiện hội nhập lực lượng CNQP nòng cốt thành một bộ phận cấu thành của công nghiệp quốc gia cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ QP-AN và thực tiễn chung của nền kinh tế quốc dân.
Chương VII. Điều khoản thi hành.
Với những nội dung cơ bản nêu trên, Pháp lệnh đã khẳng định vị trí pháp lý của CNQP: vừa là một bộ phận cấu thành tiềm lực quốc phòng, quân sự của đất nước; vừa là một bộ phận không thể tách biệt của nền kinh tế quốc dân. Đồng thời, tạo ra những khuôn khổ pháp lý cần thiết để điều chỉnh mọi hoạt động xây dựng và phát triển CNQP trong thời gian tới; thúc đẩy các bước hội nhập lực lượng CNQP nòng cốt vào cơ cấu chung của công nghiệp quốc gia.
Để triển khai thực hiện những định hướng này trong cuộc sống, cần có bước đi và giải pháp hợp lý, khả thi. Theo đó, cần tập trung giải quyết các vấn đề chủ yếu sau đây:
1. Trong điều kiện mới, hội nhập CNQP với công nghiệp quốc gia phải tiếp tục củng cố, tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, về mọi mặt của Đảng, mà trực tiếp là của Đảng uỷ Quân sự Trung ương đối với CNQP. Cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền và phổ biến kịp thời các nội dung cơ bản của Pháp lệnh CNQP cho các đối tượng có liên quan để thống nhất nhận thức và tổ chức thực hiện. Để chuyển hoá những nguyên tắc chủ yếu của Pháp lệnh thành những quy định cụ thể, một trong những việc cần làm là phải tiếp tục sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong công tác nghiên cứu và triển khai trong thực tiễn để đạt được sự thống nhất chung trong quan điểm, nhận thức về vấn đề hội nhập lực lượng CNQP nòng cốt với công nghiệp quốc gia. Đặc biệt là, thống nhất nhận thức, quan điểm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp; không nên đồng nhất một cách đơn giản việc hội nhập CNQP vào công nghiệp quốc gia với việc đưa các cơ sở CNQP nòng cốt ra bên ngoài tổ chức của Bộ Quốc phòng. Phạm vi, nội dung của quá trình hội nhập này rộng lớn hơn nhiều, không phải chỉ có vấn đề tổ chức mà còn nhiều vấn đề khác phải tiến hành một cách đồng bộ, như: môi trường pháp luật, cơ chế quản lý, phân công chuyên môn hoá, quy hoạch thế bố trí trên các địa bàn lãnh thổ, liên thông về chế độ, chính sách đối với người lao động, đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư phát triển… Quá trình hội nhập phải được thực hiện từ cả 2 phía: CNQP phải chủ động thích ứng với cơ chế quản lý chung của nền kinh tế quốc dân và tham gia sâu sắc hơn vào phân công chuyên môn hoá chung của công nghiệp quốc gia. Mặt khác, mọi thành phần trong nền kinh tế quốc dân cũng phải tăng cường trách nhiệm, tham gia trực tiếp hơn vào việc bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho QP-AN.
2. Xuất phát từ đặc điểm lịch sử, CNQP nước ta được hình thành và phát triển trong điều kiện chiến tranh, nên tổ chức, quản lý CNQP gắn bó chặt chẽ trong đội hình của lực lượng vũ trang. Vì vậy, hội nhập CNQP trong thời gian tới phải làm thận trọng từng bước, bảo đảm duy trì, phát triển tiềm lực và khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ QP-AN của đất nước. Các cơ sở nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa vũ khí với các chức năng, nhiệm vụ đặc thù quân sự không thể tách khỏi sự quản lý nhà nước về quốc phòng do Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện, nhất là những nội dung quản lý, như: quy hoạch phát triển, kế hoạch đặt hàng quốc phòng, cấp giấy phép, quản trị nhân sự chủ chốt, bảo đảm an ninh…
3. Hội nhập CNQP không chỉ để khắc phục những bất cập của mô hình khép kín, biệt lập mà còn phải phù hợp với định hướng chung của quá trình đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, cải cách hành chính và đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Vì thế, sẽ là bất hợp lý nếu thay thế tổ chức quản lý của Bộ Quốc phòng đối với các doanh nghiệp CNQP hiện nay bằng chế độ bộ chủ quản của một bộ, ngành nào đó. Phải coi đây là một quá trình tất yếu, khách quan với những bước đi hợp lý, lâu dài để quản lý nhà nước về CNQP, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, sự tham gia "đồng quản lý" của các bộ, ngành liên quan, để CNQP vừa chịu sự quản lý nhà nước về quốc phòng, vừa chịu sự quản lý nhà nước về công nghiệp, khoa học - công nghệ, tài chính, kế hoạch - đầu tư, bảo vệ môi trường… của các bộ liên quan như đối với các ngành công nghiệp khác. Thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục xây dựng và ban hành các văn bản phụ trợ để hoạt động của các đơn vị CNQP chịu sự điều chỉnh ngày càng trực tiếp hơn bởi cơ chế liên thông giữa các bộ, ngành, chứ không chỉ bởi các văn bản do Bộ Quốc phòng ban hành.
4. Trước khi thực hiện hội nhập CNQP với công nghiệp quốc gia, phải thực hiện tổ chức, sắp xếp lại và quy tụ các đơn vị CNQP đủ mạnh, được tổ chức thành một lực lượng gắn kết, phân công chuyên môn hoá xung quanh nhiệm vụ quân sự và nhiệm vụ kinh tế. Từng bước điều chỉnh và chuyển đổi cơ chế quản lý hoạt động của các cơ sở CNQP để thích ứng với điều kiện kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, phải tiếp tục thực hiện các biện pháp ngăn ngừa tác động tiêu cực của môi trường khách quan tới việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất quốc phòng và sẵn sàng chuyển trạng thái của CNQP. Bảo đảm nguyên tắc kết hợp QP-AN với kinh tế và kinh tế với QP-AN trong xây dựng và phát triển CNQP.
Pháp lệnh CNQP có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức trong bộ máy Nhà nước. Do vậy, để Pháp lệnh đi vào cuộc sống, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc ban hành cơ chế, chính sách chung phù hợp với định hướng chiến lược quy hoạch xây dựng và phát triển CNQP, các cơ quan, tổ chức có liên quan cần tiếp tục rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách để sửa đổi, bổ sung, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển CNQP. Đồng thời, nghiên cứu kỹ nội dung có liên quan đến trách nhiệm của mình để phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện Pháp lệnh cũng như đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Trung tướng Trương Quang Khánh
Ủy viên BCHTƯ Đảng
Chủ nhiệm Tổng cục CNQP
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011