QPTD -Thứ Năm, 24/11/2011, 23:37 (GMT+7)
Quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết 86 của Đảng ủy Quân sự Trung ương về công tác giáo dục-đào tạo

Thực hiện Nghị quyết 93/NQ - ĐUQSTW và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy Quân sự Trung ương (ĐUQSTƯ), Bộ Quốc phòng, công tác giáo dục-đào tạo (GD - ĐT) và xây dựng nhà trường quân đội đã phát triển đúng đường lối, chủ trương của Đảng, phù hợp với tính đặc thù của hoạt động quân sự, quốc phòng (QS - QP) có tiến bộ về nhiều mặt; cơ bản đạt mục tiêu, yêu cầu về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ, hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội ta...

Bên cạnh những mặt mạnh là cơ bản,  công tác GD - ĐT và xây dựng nhà trường quân đội còn một số thiếu sót. Đó là: quy hoạch tổ chức hệ thống nhà trường chưa ổn định; tổ chức biên chế một số trường chậm được kiện toàn và chưa bảo đảm tính thống nhất; quy trình, chương trình đào tạo chưa thật hợp lý và cân đối giữa lý thuyết và thực hành; thời gian đào tạo còn dài; một số nội dung bất cập với đòi hỏi của sự phát triển cả về lý luận và thực tiễn đang đặt ra hiện nay; trùng lặp và thiếu liên thông giữa các bậc học; phương pháp dạy học chưa được đổi mới cơ bản, chủ yếu vẫn mang tính truyền thụ một chiều “thầy giảng, trò nghe”, không phát huy đầy đủ tính độc lập của người học, chưa đáp ứng quan điểm “biến quá trình đào tạo, thành quá trình tự đào tạo”... Cùng với đó, năng lực thực hiện nhiệm vụ của một số cán bộ và tay nghề của một số nhân viên chuyên môn, kỹ thuật khi ra trường chưa đáp ứng yêu cầu chức trách, nhiệm vụ. Việc phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ chưa được quan tâm đúng mức. Đội ngũ nhà giáo còn thiếu về số lượng và tỷ lệ đạt tiêu chuẩn về chất lượng còn thấp; nhiều nhà giáo chưa qua đảm nhiệm thực tế theo chức vụ đào tạo. Chưa có sự quan tâm đầu tư chiều sâu, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới GD - ĐT và chưa huy động được các nguồn kinh phí khác phục vụ yêu cầu phát triển của các nhà trường. Đầu tư xây dựng cơ bản cho các nhà trường còn ở mức thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi. Hợp tác quốc tế về đào tạo còn ít và công tác quản lý nhà nước về GD - ĐT chưa chặt chẽ; phân cấp quản lý và công tác bảo đảm cho các trường còn chồng chéo, phân tán. Thêm vào đó, vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ cho nhiệm vụ đào tạo của các nhà trường còn lạc hậu so với đơn vị... 
Để phát huy kết quả đã đạt được và khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót trên, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN), ngày 29-3-2007 ĐUQSTƯ đã ra Nghị quyết số 86/ NQ- ĐUQSTƯ về công tác GD - ĐT trong tình hình mới. Trong đó, xác định phương hướng, nhiệm vụ công tác GD - ĐT, xây dựng nhà trường quân đội trong thời gian tới. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về GD - ĐT, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ VIII, Nghị quyết 51- NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong QĐNDVN, tiếp tục đổi mới toàn diện công tác GD- ĐT và xây dựng nhà trường quân đội theo hướng "chuẩn hóa, hiện đại hóa", tạo sự chuyển biến cơ bản và vững chắc về chất lượng GD-ĐT, nghiên cứu khoa học; đào tạo đội ngũ giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý GD-ĐT có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; tập trung đào tạo theo chức vụ có trình độ học vấn tương đương; trong đó, đào tạo cán bộ cấp phân đội có trình độ đại học làm cơ bản; đào tạo đội ngũ nhân viên kỹ thuật theo các nhóm ngành của các quân chủng, binh chủng, ngành, có mặt bằng kiến thức chung của Nhà nước, có tay nghề vững vàng, tinh nhuệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của quân đội, QS-QP mang tính đặc thù, nâng cao hiệu quả đào tạo hạ sĩ quan và các đối tượng khác; hoàn thiện hệ thống nhà trường, ổn định về tổ chức biên chế, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp xây dựng QĐNDVN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Với mục tiêu chung là đào tạo được đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, có kiến thức, năng lực, khả năng chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, tin học, phù hợp với bậc học và trình độ đào tạo, bảo đảm sau khi tốt nghiệp ra trường, có khả năng hoàn thành nhiệm vụ theo chức trách ban đầu và có khả năng phát triển tiếp theo; đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ QS - QP và góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và BVTQ trong điều kiện nước ta đã là thành viên chính thức của WTO, cần bám sát mục tiêu đào tạo cụ thể cho từng đối tượng. Trong đó, đào tạo cán bộ cấp phân đội phải đảm bảo vừa có phẩm chất đạo đức tốt vừa có mặt bằng kiến thức trình độ bậc đại học theo các nhóm ngành tương ứng của Nhà nước; có kiến thức QS - QP chuyên ngành, ngoại ngữ, tin học, năng lực tư duy và thực hành nhiệm vụ theo chức trách ban đầu và có khả năng phát triển. Đào tạo dài hạn trung đội trưởng bộ binh đạt trên 60%; quân chủng, binh chủng, ngành trên 80%. Đào tạo dài hạn cán bộ quân sự, chính trị theo chức vụ, có trình độ bậc đại học, cao đẳng gắn với chức danh. Đào tạo ngắn hạn theo chức vụ, có trình độ phù hợp với từng đối tượng. Tập trung đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội và chuyển loại cán bộ chính trị các cấp, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện cơ chế chính ủy, chính trị viên, phấn đấu từ năm 2008 có đủ cán bộ chính trị đại đội, đến năm 2010 xếp đủ các chức danh Chính ủy, Chính trị viên.
Trên cơ sở nắm vững 4 quan điểm chỉ đạo nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cần làm tốt ba khâu đột phá từ nay đến 2010:
Thứ nhất, hoàn thiện quy hoạch hệ thống nhà trường quân đội.
 Bám sát việc thực hiện đề án tổ chức QĐNDVN đến năm 2010, tầm nhìn 2020, tập trung chấn chỉnh, hoàn thiện hệ thống nhà trường quân đội theo hướng: ổn định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, ngành nghề, lưu lượng đào tạo, bậc học, trình độ đào tạo; bảo đảm vững chắc khả năng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật và lấy các nhà trường làm nơi dự trữ cán bộ, sẵn sàng bổ sung theo yêu cầu của mọi tình huống.
 Hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng đối với công tác GD- ĐT và xây dựng nhà trường đúng Luật Giáo dục và những quy định của Bộ Quốc phòng. Hoàn thiện hệ thống văn bằng của các bậc học, trình độ đào tạo và công tác quản lý, cấp phát văn bằng trong toàn quân. Nghiên cứu bổ sung, sửa đổi các quy chế, quy định GD-ĐT, xây dựng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng nhà trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra GD - ĐT, quản lý cơ sở vật chất, tài chính, tài sản công. Tích cực tham gia các hoạt động diễn tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của toàn quân và các hoạt động của ngành GD - ĐT toàn quốc. Thực hiện nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu.
Hai là, tập trung đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo và phương pháp dạy học.
Việc đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo cần quán triệt sâu sắc quan điểm: tinh giản nội dung, rút ngắn thời gian đào tạo cán bộ các cấp, các ngành, phù hợp với mặt bằng chung của hệ thống giáo dục quốc gia. Theo  đó, tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật các cấp trong quân đội”; trong đó, quy trình đào tạo sĩ quan chỉ huy - tham mưu với thời gian 7 năm, gồm: đào tạo sĩ quan cấp phân đội trình độ bậc đại học (4 năm); đào tạo theo chức vụ tiểu đoàn trưởng (0,5 năm); trung đoàn trưởng (1 năm); sư đoàn trưởng (0,5 năm); cấp chiến dịch, chiến lược (1 năm). Đối với các chuyên ngành, bậc học, trình độ đào tạo còn lại, Bộ tiếp tục chỉ đạo các nhà trường và cơ quan chức năng nghiên cứu hoàn thiện theo quy trình, chương trình, nội dung phù hợp với đặc điểm ngành, nghề và thực tiễn của quân đội.
 Tập trung chỉ đạo, đầu tư cho bậc đào tạo cơ bản, trang bị kiến thức tiềm năng theo mặt bằng chung của Nhà nước, đi đôi với rèn luyện năng lực thực hành theo chức vụ, trọng tâm là chức vụ ban đầu. Kết hợp đào tạo tại trường với bồi dưỡng cán bộ trong thực tiễn.
 Chương trình đào tạo phải theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa”, gắn với thực tiễn quân đội ta, phù hợp với sự phát triển của nghệ thuật quân sự, khoa học, kỹ thuật quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự; đổi mới nội dung GD-ĐT phải sát đối tượng tác chiến, với địa bàn, chiến trường, với khả năng và cách đánh của ta, với sự phát triển của nghệ thuật quân sự và vũ khí, trang bị của ta. Chương trình, nội dung GD-ĐT phải bảo đảm tính kế thừa, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo, tránh trùng lặp. Đẩy mạnh vận dụng phương pháp dạy học hiện đại, sát thực tế, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và bồi dưỡng năng lực tư duy, rèn luyện năng lực thực tiễn cho người học. Đổi mới cách đánh giá kết quả học tập, rèn luyện, bảo đảm tính khách quan, phản ánh đúng thực chất trình độ người học.
Ba là, kiên quyết thực hiện các biện pháp chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục tại các cơ sở đào tạo trong quân đội, xây dựng nhà trường quân đội chính quy, mẫu mực, vững mạnh toàn diện.
Quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về “Chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục” và Chỉ thị 60/CT-TM của Tổng Tham mưu trưởng về “Chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục tại các cơ sở đào tạo trong quân đội”, lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các ngành, các học viện, nhà trường, cần có những biện pháp cụ thể, toàn diện để thực hiện nghiêm túc các chỉ thị nói trên và hướng dẫn của các cơ quan chức năng; phấn đấu trong năm học 2007 - 2008, từng bước dứt điểm các hiện tượng tiêu cực trong quá trình GD-ĐT, thực hiện nghiêm việc rèn luyện theo điều lệnh, xây dựng đơn vị chính quy; giữ vững bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”; đồng thời, tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
 Để thực hiện tốt Nghị quyết 86 của ĐUQSTƯ,  lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, nhà trường cần cụ thể hóa một cách sáng tạo những quan điểm cơ bản của Nghị quyết này thành nghị quyết và chương trình hành động của cấp mình với những biện pháp đồng bộ. Các cơ quan liên quan của Bộ Quốc phòng theo chức năng, nhiệm vụ cần phối hợp chặt chẽ trong giúp ĐUQSTƯ, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý công tác GD-ĐT và xây dựng nhà trường chính quy, mẫu mực, từng bước hiện đại; đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường trong triển khai nhiệm vụ. Theo định kỳ 5 năm, 10 năm phải tổ chức tổng kết rút ra những bài học kinh nghiệm để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ GD - ĐT, xây dựng nhà trường, góp phần nâng cao vị thế nhà trường quân đội và phấn đấu để các trường quân đội trở thành nhà trường mẫu mực trong hệ thống giáo dục quốc gia.
Thiếu tướng, TS. Nguyễn Trọng Thắng
Cục trưởng cục Nhà trường - Bộ Tổng tham mưu
 
Ý kiến bạn đọc (0)