QPTD -Chủ Nhật, 14/08/2011, 00:41 (GMT+7)
Quân tình nguyện Việt Nam - biểu tượng sáng ngời của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào

Việt Nam và Lào là hai quốc gia láng giềng. Trải qua hai cuộc chiến tranh giải phóng đất nước đầy gian khổ và hy sinh, hai dân tộc đã thể hiện sự đoàn kết, liên minh chiến đấu cao độ của mình trong chống kẻ thù chung, giành độc lập dân tộc. Quan hệ giữa hai nước, vì vậy, đã trở nên đặc biệt toàn diện, đặc biệt sâu sắc và trở thành mối quan hệ mẫu mực, có một không hai trong lịch sử cách mạng thế giới. Để viết nên kỳ tích ấy, là công lao xây dựng, vun đắp của cả hai dân tộc, trong đó, Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào là những người trực tiếp góp phần tạo nên sức mạnh của liên minh chiến đấu Việt – Lào trong suốt hai cuộc kháng chiến.

Năm 1945, thắng lợi của Hồng quân Liên Xô và phe đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã mở ra một cục diện mới cho thế giới, trong đó có các nước trên bán đảo Đông Dương. Ở Việt Nam, sau Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa- nhà nước công – nông đầu tiên ở Đông Nam Á - ra đời. Còn ở Lào, Chính phủ lâm thời Lào Ít-xa-la (Lào yêu nước) được thành lập tại Thủ đô Viêng Chăn. Chỉ hai ngày sau, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là chính phủ đầu tiên trên thế giới tuyên bố công nhận chính phủ mới ở Lào. Ngày 30-10-1945, Chính phủ Lào Ít-xa-la và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức ký kết bản “Hiệp định hợp tác tương trợ Việt – Lào” và quyết định thành lập “Liên quân Lào – Việt” nhằm bảo vệ nền độc lập ở mỗi nước mà hai dân tộc vừa giành được.

Hiệp định và quyết định trên là cơ sở pháp lý đầu tiên về mối quan hệ liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc với tư cách hai nhà nước. Từ khi có Hiệp định, nhất là từ khi hai nước bị thực dân Pháp trở lại xâm lược, sự liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc có bước chuyển mạnh. Thực hiện Chỉ thị 110/TCU của Bộ Tổng chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam: “Chúng ta đứng trên lập trường giúp nhân dân Lào và Miên giải phóng khỏi ách thực dân Pháp, cho nên: về chính trị, công việc vận động dân tộc Lào, Miên phải đi đến chỗ để cho anh em cán bộ Lào, Miên tự phụ trách. Về quân sự nên đi đến chỗ thành lập đội quân Lào – Việt, hay Miên – Việt; cán bộ ta sẽ hết sức giúp đỡ các đội quân ấy”1, đầu năm 1948, Liên khu 3, 4, 5, 10 đã cử nhiều cán bộ sang giúp Lào xây dựng cơ sở, tổ chức quần chúng và huấn luyện tác chiến. Gần 2 năm sau, ngày 30-10-1949, các lực lượng vũ trang Việt Nam hoạt động tại Lào được Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định tổ chức thành một lực lượng thống nhất, lấy tên là “Bộ đội tình nguyện Việt Nam” (còn gọi là Quân tình nguyện Việt Nam-QTNVN). Đây là một quyết định hết sức sáng suốt, bởi từ đó, QTNVN có sự lãnh đạo, chỉ đạo một cách thống nhất và trực tiếp, làm cho việc giúp Bạn hiệu quả hơn, tạo sức mạnh lớn hơn trong Liên quân Lào – Việt. Thật vậy, ngay sau khi lực lượng QTNVN được thành lập và tổ chức lại, Liên quân Lào – Việt liên tục giành được thắng lợi trên chiến trường, đặc biệt là ở Bắc Lào, làm cho hậu phương ở Bắc Lào được mở rộng, tuyến biên giới Lào – Việt ở phía Bắc được mở thông, căn cứ địa của Trung ương cách mạng Lào có điều kiện để củng cố. Nhờ có sự giúp đỡ của QTNVN, các đơn vị chủ lực và lực lượng dân quân, du kích của Lào có sự lớn mạnh không ngừng. Đó là cơ sở để Lào phối hợp với QTNVN mở chiến dịch Thượng Lào (trung tuần tháng 4-1953) - chiến dịch quy mô lớn đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân Lào. Chiến dịch Thượng Lào thắng lợi, toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, tỉnh Phong Xa Lỳ và một phần tỉnh Xiêng Khoảng được giải phóng. Không những thế, kết quả của chiến dịch sau đó còn thúc đẩy hàng loạt chiến dịch khác nổ ra và giành thắng lợi ở Trung Lào, Hạ Lào và kể cả ở Tây Lào. Đông Xuân 1953 – 1954,  Liên quân Lào – Việt cùng với nhân dân các bộ tộc Lào loại khỏi vòng chiến đấu 8.000 tên địch trên chiến trường Lào, giải phóng 10 vạn km2 (chưa kể tỉnh Hủa Phăn), góp phần tạo điều kiện cho quân và dân Việt Nam đánh bại quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Bị thất bại nặng nề cả về quân sự lẫn chính trị, Chính phủ Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, công nhận nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Căm-pu-chia.

Tuy nhiên, Hiệp định trên chưa kịp thi hành thì Mỹ ráo riết can thiệp vào Đông Dương, đặt Lào, miền Nam Việt Nam và Căm-pu-chia vào “khu vực bảo hộ” (khối SEATO) của Mỹ. Tại Lào, Mỹ lập ra chính quyền phái hữu Viêng Chăn với quân đội riêng, nhằm thực hiện chủ nghĩa thực dân kiểu mới ở Lào. Ngày 22-3-1955, Đảng Nhân dân Lào ra đời, kế tục sự nghiệp quang vinh của Đảng Cộng sản Đông Dương, lãnh đạo nhân dân các bộ tộc Lào đoàn kết xung quanh Neo Lào Hắc Xạt (Mặt trận Lào yêu nước). Dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào, bộ đội Pa-thét đã cùng nhân dân Lào đánh bại nhiều cuộc tiến công của lực lượng phái hữu Viêng Chăn, buộc Mỹ và tay sai phải ký Hiệp định Viêng Chăn, ngày 20-10-1957, lập ra Chính phủ Liên hiệp lần thứ nhất, có sự tham gia của Neo Lào Hắc Xạt. Song, với bản chất hiếu chiến xâm lược, Mỹ và tay sai cố tình phá hoại Hiệp định. Tháng 8-1958, với mưu toan thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở Lào, Mỹ lật đổ Chính phủ Liên hiệp, dựng lên chính phủ cực hữu thân Mỹ, gạt các thành viên Pa-thét ra khỏi chính quyền mới, tước vũ khí của bộ đội Pa-thét và trắng trợn bắt giam các nhà lãnh đạo Neo Lào Hắc Xạt.

Trước tình hình đó, theo yêu cầu của Bạn, QTNVN (đã rút về nước theo tinh thần của Hiệp định), một lần nữa lại sát cánh cùng với quân và dân Lào trong cuộc chiến đấu mới. Giai đoạn này, ta tổ chức các đoàn chuyên gia quân sự (Đoàn 100, Đoàn 959) sang giúp các cơ quan ở Trung ương, cơ quan Bộ Chỉ huy tối cao và ở các tỉnh, các tiểu đoàn của Bạn. Chấp hành chủ trương chuyển hướng đấu tranh, kết hợp đấu tranh chính trị với quân sự của Đảng Nhân dân Lào, các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam đã tích cực giúp Bạn vừa đấu tranh trên các mặt trận, vừa tranh thủ củng cố lực lượng, huấn luyện và sẵn sàng tiến công địch. Đặc biệt, đầu năm 1962, Liên quân Lào – Việt đã mở chiến dịch Luông Nậm Thà, loại khỏi vòng chiến đấu 1.600 tên địch, giải phóng gần 8.000 km2 với trên 7 vạn dân. Thắng lợi này khiến Mỹ và tay sai buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về Lào, ngày 23-7-1962, chấp nhận thành lập chính phủ ba phái (Chính phủ Liên hiệp lần thứ hai với ưu thế thuộc về Neo Lào Hắc Xạt và lực lượng trung lập yêu nước). Nhưng cũng giống như trước, Mỹ phá bỏ Hiệp định, dựng lên chính quyền tay sai thân Mỹ và dùng không quân đánh phá ác liệt trên khắp chiến trường Lào. Đối phó với hành động của địch, Quân giải phóng nhân dân Lào (ngày 20-1-1966, bộ đội Pa-thét Lào đổi tên thành Quân giải phóng nhân dân Lào) đã tập trung củng cố về lực lượng, phương tiện và trình độ tác chiến. Thời gian này, QTNVN cũng liên tục được tăng cường. Nhờ có sự lớn mạnh của quân, dân Lào và QTNVN, từ năm 1964 đến năm 1973, Liên quân Lào – Việt đã giành được nhiều thắng lợi trên hầu khắp các chiến trường, nhất là thắng lợi ở mặt trận Nam Lào, từ chiến dịch Nậm Bạc, chiến dịch Đường 9-Nam Lào..., đến chiến dịch Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng. Những thắng lợi đó cùng với thắng lợi to lớn của quân và dân Việt Nam, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973) và Hiệp định Viêng Chăn về Lào (21-2-1973). Đặc biệt, Đại thắng Mùa Xuân 1975 của dân tộc Việt Nam đã cổ vũ và tạo thời cơ lịch sử đối với cách mạng Lào. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào (tháng 2-1972, Đảng Nhân dân Lào đổi tên thành Đảng Nhân dân cách mạng Lào), ngày 5-5-1975, Quân giải phóng nhân dân Lào phối hợp với QTNVN cùng với nhân dân các bộ tộc Lào trên cả nước đồng loạt nổi dậy và tiến công toàn diện, đập tan chính quyền phản cách mạng, thành lập chính quyền cách mạng ở hầu hết các vùng bị địch chiếm đóng. Ngày 2-12-1975, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào chính thức ra đời, đánh dấu một chương mới trong lịch sử đương đại Lào, mở ra thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên “đất nước triệu voi”.

Như vậy, từ những ngày đầu cách mạng cho đến khi cách mạng thành công, QTNVN luôn sát cánh cùng quân, dân Lào. Bằng cách cùng “cưa răng căng tai”, “bát cơm sẻ nửa, hạt muối cắn đôi”, QTNVN đã trở thành những người con ưu tú của nhân dân Lào. Bằng sự khiêm tốn, luôn tôn trọng mọi quyết định của Bạn; một lòng một dạ phục vụ cách mạng Lào, nhân dân Lào, QTNVN đã được Đảng, Bộ Chỉ huy tối cao và nhân dân Lào tin cậy, giao cho nhiều trọng trách. Bằng kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với nghĩa vụ quốc tế cao cả, luôn ghi nhớ lời Bác Hồ dạy: “giúp bạn là tự giúp mình”, sẵn sàng nhận khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho Bạn, Liên quân Lào – Việt đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một liên minh quân sự thông thường. Đó là một khối liên minh toàn diện và triệt để cả về chính trị-tinh thần, kinh tế, quân sự. Vì vậy, có thể nói, “Bộ đội Cụ Hồ” cùng với cán bộ, chiến sĩ Quân giải phóng nhân dân Lào trong Liên quân Lào – Việt đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do hai Đảng, hai Chính phủ giao phó, trở thành biểu tượng sáng ngời về một liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc Việt – Lào trong 30 năm chiến tranh giải phóng. Nói về tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc Việt – Lào, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã khẳng định: “Trong mọi sự thành công của cách mạng Lào, đều có sự đóng góp trực tiếp của cách mạng Việt Nam; trên mỗi chiến trường của Tổ quốc thân yêu của chúng tôi, đều có xương máu của các chiến sĩ quốc tế Việt Nam hòa lẫn với xương máu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các bộ tộc Lào chúng tôi”2.

Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy tình đoàn kết, liên minh chiến đấu Việt – Lào trở thành một quy luật sống còn của hai dân tộc. Từ chỗ cùng chống kẻ thù chung, cùng khát khao giành độc lập, hai dân tộc Việt – Lào đã liên kết lại. Đó là sự liên kết từ tự phát đến tự giác, dựa trên tầm nhìn chiến lược của một đảng cách mạng chân chính, về sau là mong muốn của hai đảng, nguyện vọng tự thân của hai dân tộc. Việt Nam và Lào cần và phải đoàn kết, liên minh chiến đấu còn vì Đông Dương là một chiến trường, trong đó miền Nam Việt Nam là chiến trường chính, Lào (cùng với Căm-pu-chia) là chiến trường phối hợp quan trọng, miền Bắc Việt Nam là hậu phương của toàn chiến trường Đông Dương. Trên thực tế, mỗi chiến thắng của Việt Nam là một chiến thắng của Bạn, và ngược lại. Nói cách khác, sự liên kết, liên minh chiến đấu đã nhân sức mạnh của hai dân tộc lên gấp bội, làm cho hai dân tộc, từ chỗ yếu trở thành mạnh và ngày càng mạnh thêm, để cuối cùng, cùng nhau chiến thắng kẻ thù, giành độc lập dân tộc. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh như vậy. Đó là ý nghĩa lớn nhất và bao trùm nhất về sự đoàn kết, liên minh giữa hai dân tộc khi mà cả hai dân tộc đều bị các thế lực đế quốc xâm lược.

Vậy sau khi hai nước giành được độc lập hoàn toàn, thì sự đoàn kết, liên minh có còn cần nữa không? Thực tiễn đã trả lời câu hỏi này. Không có “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác” (ngày 18-7-1977), không có “Hiệp định liên minh quân sự 1977 – 1988” và nhiều hoạt động hợp tác đặc biệt giữa hai nước, thì Việt Nam và Lào không thể đấu tranh thắng lợi với các thế lực thù địch, không thể bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình trong 34 năm qua. Thực tiễn ấy còn trả lời cho câu hỏi vì sao sự đoàn kết, liên minh chiến đấu Việt – Lào lại trở thành quy luật để hai dân tộc tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, để giá trị của sự đoàn kết, liên minh chiến đấu Việt – Lào được phát huy trong điều kiện mới, vấn đề quan trọng nhất vẫn là nhận thức, bởi nhận thức đúng là cơ sở để hành động đúng. Ngày nay, vẫn còn đó không phải một mà là nhiều thế lực chống Lào, chống Việt Nam. Chúng lo ngại về sự đoàn kết đặc biệt Việt – Lào sẽ tạo nên sức mạnh khiến chúng không thể thực hiện được ý định, nên chúng tìm mọi cách chia rẽ hai đảng, hai dân tộc. Mặt khác, để nhân dân hai nước thực sự được sống trong hòa bình, ổn định, phồn vinh, hai đảng, hai nhà nước, hai dân tộc cần phải đẩy mạnh hợp tác cả về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại, đảm bảo bình đẳng, cùng phát triển, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và phát huy truyền thống ưu tiên, ưu đãi nhau hợp lý. Đó là điều kiện tiên quyết để hai nước phát triển bền vững, thích nghi với môi trường quốc tế và khu vực đang có nhiều biến động hiện nay. Có làm được như vậy, sự đoàn kết, liên minh giữa hai dân tộc mới thể hiện sinh động trên thực tế, đúng như Lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi tiễn vua Lào ngày 13-3-1963:

"Thương nhau mấy núi cũng trèo,

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.

Việt – Lào hai nước chúng ta,

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”3.

Thiếu tướng HUỲNH ĐẮC HƯƠNG

Nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện

và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào

_________

1- Lịch sử Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), Ban Tổng kết Bộ Tổng Tham mưu xuất bản, 1991, tr. 244, 245.

2- Cay-xỏn Phôm-vi-hản – Xây dựng một nước Lào hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, Nxb ST, H.1978, tr.183, 184.

3- Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H. 1996, tr 44.

 

Ý kiến bạn đọc (1)

y kiên ban đọc
31/05/2017 10:13
Muôn xin xác nhan doan 959 la doan chuyên gia quan su giúp nước ban Lào thi phải lam gi
vu trong huong