QPTD -Thứ Sáu, 19/08/2011, 23:11 (GMT+7)
Quan tâm phát triển địa bàn dân tộc miền núi - một yêu cầu cơ bản, quan trọng hiện nay

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc (CTDT) và đoàn kết các dân tộc có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng. Hiện nay, việc giải quyết đúng đắn những vấn đề trên, nhất là xây dựng địa bàn dân tộc miền núi (DTMN) vững mạnh là vấn đề rất hệ trọng, đòi hỏi các cấp, các ngành phải có sự quan tâm thực hiện tốt hơn nữa.


 Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Các dân tộc thiểu số (DTTS) cư trú chủ yếu ở vùng núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa - những địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái.

Trải qua các thời kỳ cách mạng, với quan điểm và nguyên tắc cơ bản “bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển”, CTDT của Đảng đã góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, vận động quần chúng, tập hợp lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết (ĐĐK) toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi mục tiêu giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Thực tế cho thấy, ĐĐK toàn dân tộc là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam; thực hiện tốt CTDT, thường xuyên chăm lo phát triển địa bàn DTMN là một trong những vấn đề cơ bản, bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Điều đó càng làm sáng tỏ, phong phú thêm quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na… đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”1; “Giang sơn và Chính phủ là giang sơn, Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta”2.

Bước vào thời kỳ đổi mới, quán triệt sâu sắc tư tưởng “lấy dân làm gốc”, “cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân”; nhận thức đúng đắn vai trò, tầm quan trọng chiến lược của vấn đề dân tộc, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng về CTDT, như: Nghị quyết 22-NQ/TW, ngày 27-11-1989 của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) miền núi, tình hình miền núi và các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)"; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khoá IX) “Về phát huy sức mạnh ĐĐK toàn dân tộc vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, “Về công tác dân tộc”, “Về công tác tôn giáo”. Các nghị quyết của Đảng đã chỉ rõ mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, phương châm, phương pháp tiến hành CTDT; đồng thời, xác định CTDT và thực hiện chính sách dân tộc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; của các cấp, các ngành và toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các Nghị quyết cũng khẳng định, yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm cho chủ trương, chính sách về dân tộc của Đảng đi vào cuộc sống là: CTDT phải hướng tới việc xây dựng quyền bình đẳng, gìn giữ bản sắc văn hoá, chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng và kết hợp hài hoà các lợi ích, thống nhất quyền lợi, nghĩa vụ của đồng bào DTTS; đẩy mạnh phát triển toàn diện KT-XH, củng cố quốc phòng - an ninh (QP - AN) trên các địa bàn DTMN; thường xuyên chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng của bộ máy trong hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ làm CTDT; tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp vận động đồng bào các DTTS.

Những năm qua, nắm vững quan điểm của Đảng, CTDT của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong cả nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS nắm và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước được chú trọng đúng mức; nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống tổ chức làm CTDT được đổi mới. Với phương châm: bám sát cơ sở, đi vào thực tiễn, bám sát đặc điểm, bản sắc văn hoá của từng địa bàn DTMN, cơ quan và đội ngũ cán bộ, đảng viên làm CTDT các cấp đã có nhiều cách làm hay, góp phần quan trọng vào việc xây dựng tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc; động viên, lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các nhân sĩ, trí thức, già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo, nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tham gia thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phát triển KT-XH, xoá đói, giảm nghèo, củng cố QP-AN trên các địa bàn DTMN. Đến nay, quyền bình đẳng giữa các dân tộc được Hiến pháp xác định đã thể hiện sống động trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc không ngừng được củng cố; đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị ở các địa bàn DTMN ngày càng vững mạnh; tình hình chính trị, trật tự xã hội cơ bản ổn định; an ninh, quốc phòng được giữ vững. Chỉ tính riêng năm 2009, CTDT của Đảng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương huy động được gần 4.000 tỷ đồng (theo giai đoạn II của chương trình 135) để đầu tư cho 1.799 xã đặc biệt khó khăn, 3.149 thôn (bản) đặc biệt khó khăn; xây dựng và đưa vào sử dụng 12.377 công trình cơ sở hạ tầng; tập huấn về ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật cho 18.400 lượt người dân; hỗ trợ cho 65.000 hộ về giống, vật tư, phân bón, máy móc, thiết bị công cụ sản xuất… Cùng với đó, các cấp đã đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho 200.000 lượt cán bộ xã, thôn (bản) về quản lý KT-XH; nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế hộ gia đình cho 260.000 lượt người dân; trợ giúp pháp lý, phổ biến giáo dục pháp luật cho trên 30.000 lượt người; cấp phát kinh phí cho trên 200.000 học sinh. Cũng trong năm 2009, các địa phương đã giải quyết đất ở cho 87.822 hộ, với 1.897 ha; giải quyết đất sản xuất cho 237.715 hộ, với 81.656 ha; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 337.592 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 280.353 hộ; xây dựng 6.040 công trình nước tập trung, góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt cho hàng trăm nghìn hộ dân ở vùng khó khăn;… Đặc biệt, các đơn vị lực lượng vũ trang đã tích cực tham gia CTDT, nhất là trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới; thực sự  “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” với bà con; phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố được gần 4 ngàn xã, phường, 11 ngàn tổ chức chính trị - xã hội và gần 200 tổ chức đảng vững mạnh; tổ chức gần 30.000 buổi tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước; tổ chức 1.237 tổ, đội công tác, với 65. 650 lượt cán bộ, chiến sĩ đến công tác tại 391 xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, tăng cường 224 đội công tác tại 299 xã trọng điểm, giúp đồng bào các dân tộc lao động sản xuất, xây dựng quê hương giàu mạnh… Những việc làm trên đây đã góp phần xây dựng cơ sở chính trị-xã hội, tạo bầu không khí đoàn kết phấn khởi trong đồng bào các DTTS; đưa kinh tế phát triển nhanh, tỷ lệ hộ nghèo giảm; văn hoá, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; QP - AN địa bàn DTMN được tăng cường. Đến nay, bộ máy tổ chức làm CTDT các cấp đã được xây dựng đồng bộ, thường xuyên được củng cố, kiện toàn; đội ngũ cán bộ được tăng cường cả về số lượng và chất lượng; hoạt động CTDT từ Trung ương đến địa phương đã đi vào nền nếp, có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu chăm lo phát triển KT-XH, củng cố QP-AN địa bàn DTMN trong thời kỳ mới.

Qua thực tiễn hoạt động CTDT của Đảng, chúng ta đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu; đó là: CTDT phải bám chắc vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; thường xuyên chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đồng bào các DTTS, nhất là quyền bình đẳng, tình đoàn kết giữa các dân tộc; động viên nhân dân các DTTS thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Bên cạnh đó, những người làm CTDT phải tin vào lực lượng và sức mạnh của đồng bào; thực hiện tốt chính sách dân tộc và chính sách ĐĐK toàn dân tộc của Đảng; luôn phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể nhân dân, nhất là vai trò của tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc các cấp; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp CTDT phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, đối tượng và từng lĩnh vực công tác. Cùng với đó, phải hết sức chú ý gắn chặt CTDT với công tác xây dựng đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh; chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ làm CTDT.

Hiện nay, nước ta đang hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới; thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, đất nước vẫn đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào trên các địa bàn DTMN chưa được cải thiện nhiều; tình hình an ninh chính trị trên các địa bàn trọng điểm vẫn tiềm ẩn những yếu tố mất ổn định; tội phạm, tệ nạn xã hội, hủ tục, mê tín dị đoan, di cư tự do, vượt biên, truyền đạo trái pháp luật,… còn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, triệt để lợi dụng các vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, những khó khăn trong đời sống của đồng bào và những hạn chế, yếu kém của cơ sở… để nói xấu Đảng, Nhà nước, hòng làm mất lòng tin của nhân dân vào đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chính vì vậy, các cấp, các ngành, các địa phương cần có những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, nhằm thực hiện tốt hơn nữa CTDT, tạo điều kiện cho địa bàn DTMN phát triển mạnh mẽ hơn. Trước mắt, cần thực hiện tốt những vấn đề cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền làm cho các tổ chức, mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò của CTDT và tích cực thực hiện thắng lợi CTDT của Đảng.

Hai là, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách phát triển KT-XH ở địa bàn DTMN; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh những chính sách đã có và nghiên cứu ban hành những chính sách mới, đáp ứng yêu cầu phát triển các vùng DTTS trong tình hình mới. Đảng và Nhà nước cần chú trọng huy động nhiều nguồn lực đầu tư, phát triển cho địa bàn DTMN; ưu tiên thực hiện tốt các mục tiêu, chương trình “xóa đói, giảm nghèo”, phát triển KT-XH; thực hiện nghiêm việc công khai các chính sách, chương trình, dự án, vốn đầu tư… để đồng bào biết và tham gia quản lý, giám sát; đồng thời, đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật cho đồng bào trên các địa bàn DTMN.

Ba là, thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ địa phương và cán bộ là người DTTS. Chú trọng kiện toàn, chăm lo xây dựng hệ thống tổ chức làm CTDT từ Trung ương đến địa phương; tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ làm CTDT để thực hiện có hiệu quả việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng.

Bốn là, tăng cường công tác vận động quần chúng; nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và lực lượng vũ trang trong tham gia triển khai, thực hiện CTDT. Các cấp cần có chính sách động viên, bồi dưỡng, hướng dẫn và phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào DTTS trên các địa bàn; thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp công tác dân vận phù hợp với đặc thù của từng địa bàn, với phương châm “chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc”. Đội ngũ cán bộ, đảng viên công tác ở các địa bàn DTMN phải quán triệt và thực hiện tốt phong cách công tác dân vận “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”.

Năm là, trước mắt cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2010; đó là: tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam (tháng 5-2010, tại Hà Nội) để Đại hội thật sự là biểu tượng của khối ĐĐK toàn dân tộc và khẳng định chính sách nhất quán, đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về CTDT; xây dựng chương trình hành động triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị số 57-KL/TW ngày 03-11-2009 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) về CTDT; tổ chức triển khai thực hiện Nghị định về CTDT của Chính phủ; tiến hành đánh giá kết quả, tổng kết Chương trình 135, Quyết định 134 một cách toàn diện về nội dung và phương thức tổ chức thực hiện; xây dựng chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng DTMN giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng 2020.

Thực hiện tốt CTDT của Đảng, tăng cường ĐĐK các dân tộc là một trong những vấn đề quan trọng, bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

GIÀNG SEO PHỬ

Ủy viên BCHTƯ Đảng, Bộ trưởng,

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ

_____________

1, 2 - Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4,  Nxb CTQG, H. 1995, tr. 217.

 

Ý kiến bạn đọc (0)