Thứ Bảy, 23/11/2024, 16:04 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Quản lý nhà nước về quốc phòng là một nội dung quan trọng của nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL)về quốc phòng; coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các VBQPPL về quốc phòng và đẩy mạnh công tác quy hoạch về quốc phòng là những vấn đề cần được quan tâm trong thời gian tới.
Sau khi lập nước, quốc phòng (giữ nước) là công việc hệ trọng bậc nhất của bất cứ quốc gia có chủ quyền nào. Để tạo ra sức mạnh bảo vệ đất nước một cách lớn nhất, bao giờ nhà nước cũng phải nắm lấy các mặt về quốc phòng. Đối với nước ta hiện nay, nội dung quản lý nhà nước về quốc phòng có thể khái quát là: Nhà nước thống nhất quản lý về quốc phòng bằng luật pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng, đảm bảo cho quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ đất nước của công dân được thực hiện đầy đủ trên thực tế. Để làm được điều đó, Nhà nước quản lý về quốc phòng trên cả 3 mặt: ban hành các VBQPPL, xây dựng các chính sách về quốc phòng; tổ chức thực hiện các VBQPPL và các chính sách về quốc phòng; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Nhờ thực hiện tốt và đồng thời cả 3 mặt trên, những năm qua, quốc phòng-an ninh (QP-AN) của đất nước không ngừng được tăng cường. Đó là cơ sở đảm bảo cho đất nước ổn định về chính trị, xã hội; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để đất nước phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, những biến đổi sâu sắc về KT-XH những năm qua đã tác động không nhỏ đến sự nghiệp quốc phòng và quản lý về quốc phòng của Nhà nước ta. Nhiều vấn đề như: đất quốc phòng, các công trình quốc phòng, quản lý quân Dự bị động viên, tổ chức lực lượng Dân quân, tự vệ, kết hợp phát triển KT-XH với củng cố QP-AN..., trong điều kiện mới đang đặt ra, cần phải được quan tâm giải quyết. Nói cách khác, thực tiễn đang đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng. Để đáp ứng đòi hỏi đó, việc quan tâm đến cả 3 mặt quản lý lớn trên đây là rất cần thiết. Bài viết này chỉ đề cập vào một số vấn đề cụ thể để trao đổi cùng bạn đọc.
1/ Tiếp tục hoàn thiện hệ thống VBQPPL về quốc phòng.
Nhà nước ta quản lý quốc phòng bằng pháp luật. Các VBQPPL càng được xây dựng mang tính chuẩn mực; tính hợp hiến, hợp pháp và tính dự báo cao (tức tuổi thọ của luật) thì việc quản lý nhà nước về quốc phòng càng thuận lợi và hiệu quả. Tuy nhiên, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống VBQPPL về quốc phòng là việc không đơn giản. Không phải bất cứ vấn đề nảy sinh nào cũng cần phải thể chế hóa thành luật hoặc đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung các VBQPPL. Trên thực tế, xây dựng và ban hành một luật hay pháp lệnh mới về quốc phòng là vấn đề không chỉ tác động đến đời sống xã hội của nước ta, mà còn liên quan đến khu vực và quốc tế. Vì vậy, để đảm bảo tính bền vững của luật và xây dựng các VBQPPL về quốc phòng thành một hệ thống vững chắc, trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Đảng không làm thay Nhà nước. Đảng thể hiện sự lãnh đạo không chỉ bằng đường lối, chủ trương và các nghị quyết của Đảng, mà còn trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc soạn thảo, ban hành luật và đưa văn bản luật đó vào cuộc sống. Còn đối với Nhà nước, đến lượt mình, Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa cơ quan ban hành luật (Quốc hội) với cơ quan tổ chức thực hiện luật (Chính phủ) và đối tượng thi hành luật (các tổ chức và công dân) để đảm bảo tính khả thi của luật. Bộ Quốc phòng phải tăng cường công tác tham mưu cho Nhà nước về việc soạn thảo, ban hành luật. Một vấn đề nữa cần quan tâm, đó là việc thể hiện nội dung của luật và kỹ thuật soạn thảo. Hiện nay, nhiều khái niệm hay thuật ngữ của luật chưa có sự thống nhất, chưa mang tính phổ thông và không ít trong số đó không được định nghĩa hay giải thích rõ ràng. Có mục, điều, khoản của luật thay vì phải thể hiện đó là những quy định buộc mọi công dân phải tuân thủ, lại diễn đạt chung chung. Ngoài ra, một số VBQPPL tuy cùng nhóm nhưng lại chưa có sự thống nhất về chức năng, quyền hạn của một tổ chức, cá nhân. Những lỗi này, thoạt nhìn tưởng là nhỏ, song trên thực tế chúng gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện. Vì vậy, xây dựng đội ngũ soạn thảo các VBQPPL về quốc phòng có kiến thức rộng và chuyên sâu, ngang tầm nhiệm vụ cũng là một vấn đề cần quan tâm, nhằm góp phần nâng cao chất lượng của hệ thống VBQPPL về quốc phòng.
2/ Coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các VBQPPL về quốc phòng.
Nhận thức là cơ sở của hành động. Vì vậy, tuyên truyền, phổ biến các VBQPPL về quốc phòng, làm cho mọi công dân hiểu rõ, tin tưởng và tự giác chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về quốc phòng, là một nội dung rất quan trọng. Để làm tốt nội dung này, trên cơ sở có sự tham mưu của cơ quan quân sự cùng cấp, chính quyền các cấp cần chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các VBQPPL về quốc phòng. Về nội dung tuyên truyền, ngoài các luật cơ bản mà địa phương nào cũng cần phải chú ý, như: Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia, Luật Dân quân tự vệ, Luật Nghĩa vụ quân sự, Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước..., từng địa phương còn phải bám sát đặc điểm, nhiệm vụ, yêu cầu về QP-AN của địa phương mình để xây dựng nội dung tuyên truyền cho phù hợp. Chẳng hạn, với các tỉnh biên giới, bên cạnh các luật trên, phải đặc biệt chú trọng Luật Biên giới và Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng; các địa phương có đông đồng bào theo đạo cần tập trung tuyên truyền Pháp lệnh Tôn giáo; các tỉnh ven biển và các đơn vị, tổ chức thường xuyên hoạt động trên biển thì nội dung tuyên truyền phải tập trung vào Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982, v.v.
Đi đôi với xây dựng nội dung, chương trình thì việc kết hợp nhiều phương thức tuyên truyền, phổ biến các VBQPPL về quốc phòng là rất cần thiết. Phương thức tuyên truyền, phổ biến các VBQPPL về quốc phòng chủ yếu là thông qua các phương tiện truyền thông. Do đó, báo chí cần dành dung lượng (với báo viết), thời lượng (với đài phát thanh và truyền hình) đủ ở mức cần thiết, với cách biểu hiện sinh động để tuyên truyền, phổ biến các VBQPPL về quốc phòng. Tất nhiên, bên cạnh phương thức đó, thì việc vận dụng các phương thức khác, như: thi tìm hiểu (tốt nhất là bằng phương pháp trắc nghiệm), mở diễn đàn, thi kể chuyện, in “tờ rơi”, lập tủ sách pháp luật..., cũng mang lại hiệu quả tốt. Xung quanh việc tuyên truyền, phổ biến các VBQPPL về quốc phòng, trên thực tế, nhiều địa phương đã làm tốt công tác này bằng cách gắn với nhiệm vụ và thời điểm cụ thể, nhất là vào trước các thời điểm: gọi thanh niên nhập ngũ, diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập trị an, diễn tập chuyên ngành, diễn tập phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Nhờ coi trọng tuyên truyền và biết chọn tuyên truyền đúng thời điểm, nên kết quả của việc tuyên truyền đã góp phần rất quan trọng vào thành công của các cuộc diễn tập. Đó cũng là những kinh nghiệm cần được chúng ta tăng cường trao đổi, học tập để việc tuyên truyền, phổ biến các VBQPPL về quốc phòng đạt hiệu quả thiết thực, tránh phô trương, hình thức, hoặc tổ chức cồng kềnh, tốn kém.
3/ Đẩy mạnh công tác quy hoạch về quốc phòng.
Sự phát triển “nóng” về kinh tế (điều khó tránh khỏi của những quốc gia đang phát triển) đang có những tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực QP-AN. Vì vậy, đẩy mạnh công tác quy hoạch về quốc phòng cần phải được coi là một trong những nội dung trọng tâm của quản lý nhà nước về quốc phòng hiện nay. Đề cập đến vấn đề quan trọng này, trước hết, chúng ta cần rà soát, đánh giá một cách nghiêm túc, khách quan và đầy đủ về các yếu tố vật chất của nền quốc phòng. Trên cơ sở đó, cần lập “Bản đồ quy hoạch tổng thể về quốc phòng”. Mục tiêu của việc lập bản đồ này là nhằm đảm bảo cho các vấn đề căn cốt của QP-AN không bị chi phối, suy chuyển, bất luận trong trường hợp nào. Tờ bản đồ này còn cần được xem như một VBQPPL và được phổ biến rộng rãi tới tất cả các bộ, ngành, địa phương và các thành phần kinh tế để tạo sự thống nhất cho việc thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng. Cùng với xác định mục tiêu thì yêu cầu của việc lập quy hoạch cũng phải rõ nội dung. Các yêu cầu chủ yếu xung quanh vấn đề này là: đạt được tính tổng thể, đáp ứng với tình hình cả trước mắt lẫn lâu dài; hài hòa giữa KT-XH với QP-AN; về thế trận, việc quy hoạch phải đảm bảo cho cả nước thành một thế trận chung, liên hoàn, khó bị chia cắt cả về chiến lược và bộ phận, phù hợp với yêu cầu chống chiến tranh xâm lược, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao.
Từ mục tiêu, yêu cầu trên, có thể thấy nội dung mà chúng ta phải quy hoạch là rất nhiều. Thời gian trước mắt, việc cần phải làm ngay là quy hoạch đất quốc phòng, trong đó đặc biệt chú ý đến quỹ đất quốc phòng (đây là vấn đề được nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm). Loại đất thuộc nhóm quỹ đất quốc phòng (loại đất hiện tại tạm thời chưa sử dụng vào nhiệm vụ quốc phòng) cần được quy hoạch cụ thể và có kế hoạch khai thác, sử dụng, đảm bảo hiệu quả về KT-XH nhưng cũng đảm bảo không gây ra bất cứ trở ngại nào khi Nhà nước sử dụng phần quỹ đất này vào nhiệm vụ quốc phòng. Còn về phát triển hạ tầng, thì việc quy hoạch những công trình lớn, như: hệ thống bưu chính-viễn thông, đường giao thông, nhà máy thủy điện, nhiệt điện, khu công nghiệp, khu trồng và quản lý rừng..., nhất thiết phải có sự đánh giá đầy đủ giữa các yếu tố KT-XH và QP-AN; trong đó, đối với một số công trình thì những yêu cầu về QP-AN phải là yếu tố mang tính ràng buộc. Một vấn đề còn phải chú ý là quy hoạch về nguồn nhân lực. Trên thực tế, ở đâu có công trình, dự án, có sản xuất, kinh doanh thì ở đó có tập trung lao động, nhưng nếu thiếu sự quy hoạch thì nó sẽ làm trầm trọng thêm sự mất cân đối về mật độ dân cư. Điều đáng chú ý là, quy hoạch nguồn nhân lực không chỉ làm giảm các vấn đề nảy sinh về mặt xã hội mà còn tạo ra lực lượng tại chỗ cần thiết cho thế trận QP-AN.
Lập quy hoạch về quốc phòng liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội, đến mọi địa phương trong cả nước và đương nhiên liên quan đến lợi ích của tất cả các thành phần kinh tế. Nhưng, lợi ích dân tộc là lợi ích cao nhất. Để tạo sự đồng thuận thì công tác giáo dục QP-AN và việc tuyên truyền, phổ biến các VBQPPL về quốc phòng phải là nội dung được chú trọng cả trước và trong quá trình quy hoạch. Đương nhiên, quá trình quy hoạch cũng cần tránh sự căng cứng, tức là phải “vừa nhìn thấy cây, vừa nhìn thấy rừng”, không để mặt này chi phối quá lớn đến mặt kia, và ngược lại.
NGUYỄN HỮU PHÚC – LÊ ĐỨC CƯỜNG
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011