QPTD -Thứ Năm, 01/12/2011, 22:09 (GMT+7)
Quân khu Thủ đô thực hiện đồng bộ các biện pháp kiềm chế, đẩy lùi tai nạn giao thông đường bộ
Địa bàn Quân khu (QK) Thủ đô (gồm Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hà Tây) không rộng, nhưng có mật độ giao thông cao nhất cả nước. Những năm gần đây, do tốc độ đô thị hóa nhanh nên lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông gia tăng đáng kể. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập; hệ thống đường sá trong và ngoài đô thị chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của xã hội, thậm chí nhiều tuyến đường bị xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống biển báo, tín hiệu không đồng bộ; việc tổ chức và điều khiển giao thông của các lực lượng chức năng còn nhiều lúng túng; ùn tắc và tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra. Đáng chú ý là, ý thức tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện còn kém, nhất là số lao động ngoại tỉnh, lao động tự do và học sinh, sinh viên. 

Đối với lực lượng vũ trang (LLVT) QK, để giải quyết công việc, hằng ngày các đơn vị phải sử dụng lượng ô tô, xe máy quân sự tham gia giao thông với tần suất khá lớn; trong khi đội ngũ lái xe quân sự của QK tuy được đào tạo cơ bản, huấn luyện, bổ túc thường xuyên, nhưng do đặc thù của lái xe tác chiến nên ít tham gia giao thông, kinh nghiệm lái xe chưa nhiều. Cùng với đó, phần lớn cán bộ, công nhân viên chức quốc phòng (CNVCQP) của QK hằng ngày đi, về nơi làm việc hoặc tranh thủ thăm gia đình cũng chủ yếu bằng mô tô cá nhân. Do đó, áp lực về an toàn giao thông (ATGT) và nguy cơ mất ATGT đối với LLVT QK là rất lớn. Đó là chưa kể đến việc các cơ quan chức năng của QK còn phải phối hợp trách nhiệm trong việc đảm bảo ATGT cho các cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn (riêng tỉnh Hà Tây có tới 145 đầu mối các học viện, nhà trường của quân đội đóng quân) cùng với số quân nhân và phương tiện quân sự từ các đơn vị, địa phương trên phạm vi cả nước thường xuyên đến làm việc hoặc qua lại Thủ đô.

Thực trạng trên đặt ra yêu cầu: để LLVT QK làm tốt công tác ATGT, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ TNGT xảy ra trong toàn lực lượng, góp phần cùng với địa phương bảo đảm ATGT đường bộ trên địa bàn, lãnh đạo, chỉ huy và các cơ quan chức năng của QK phải có quan điểm và cách nhìn tổng thể, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng và các mặt công tác; kết hợp giữa bảo đảm ATGT của LLVT QK với công tác ATGT của toàn địa bàn.
Nhận rõ điều đó, những năm qua, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh QK Thủ đô đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ các cơ quan, đơn vị triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm kiềm chế, đẩy lùi TNGT trong LLVT QK. Ban Chỉ đạo 50 của QK đã làm tốt chức năng tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh QK những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác ATGT sát với sự phát triển của tình hình. Các ngành Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Kỹ thuật và Cơ quan Điều tra hình sự của QK phối hợp chặt chẽ trong triển khai các hoạt động, cùng hướng tới mục tiêu kiềm chế, đẩy lùi TNGT, hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất không đáng có đối với quân nhân, góp phần để QK hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Biện pháp hàng đầu được QK quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ là: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong LLVT QK, làm cho mọi đảng viên, cán bộ, chiến sĩ, CNVCQP nắm chắc Luật Giao thông đường bộ, có ý thức tham gia giao thông và điều khiển phương tiện giao thông một cách tự giác, đúng Luật. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của QK đã làm tốt chức năng tham mưu và chỉ đạo các đơn vị  tổ chức quán triệt sâu sắc các nghị định, chỉ thị của Chính phủ, quy định của Bộ Quốc phòng, kế hoạch, hướng dẫn của cơ quan chức năng về bảo đảm ATGT, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của mọi cán bộ, chiến sĩ. Từng cơ quan, đơn vị trong QK đã tổ chức cho bộ đội nghiên cứu, học tập Luật Giao thông đường bộ một cách nghiêm túc; chủ động sáng tạo ra nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục sinh động, đưa kiến thức về ATGT thấm sâu vào nhận thức, ý thức của các đối tượng. Các cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, những buổi diễn đàn thanh niên, giao lưu văn hóa, văn nghệ có nội dung sát với thực tế tham gia giao thông của cán bộ, chiến sĩ, được chuyển tải qua những hình tượng văn hóa, văn nghệ, tạo cảm xúc mạnh mẽ trong ý thức về ATGT của mọi người. Việc tuyên truyền về ATGT của QK trên các phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện thành nền nếp. Đáng chú ý, nội dung về ATGT của QK được lồng ghép vào nội dung của phong trào Thi đua quyết thắng; kết quả ATGT được xem là một trong những tiêu chí quan trọng để bình xét thành tích tập thể và cá nhân (nếu để xảy ra mất ATGT, dù thành tích thế nào cũng hạ 1 cấp khi bình xét). Hằng năm, hưởng ứng các chương trình hành động của Nhà nước, quân đội, các “Tháng An toàn giao thông quốc gia”, “Tuần lễ An toàn giao thông toàn cầu”, QK đều phát động các phong trào thi đua đột kích từ cấp QK đến cấp cơ sở; phối hợp với các cấp, các ngành, các đơn vị trên địa bàn, cùng triển khai các biện pháp duy trì trật tự, ATGT.
Kết hợp với công tác tuyên truyền, giáo dục, từ năm 2003, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cục Quản lý xe máy (nay là Cục Xe máy - Tổng cục Kỹ thuật), QK Thủ đô đã triển khai cho Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) tỉnh Hà Tây thực hiện kế hoạch xây dựng địa bàn điểm về ATGT. Chấp hành Quyết định của Tư lệnh QK, BCHQS tỉnh Hà Tây đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng địa bàn điểm về ATGT và tổ chức thành các cụm ATGT ở cấp huyện, trong đó các đồng chí chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện, thị trực tiếp được chỉ định làm cụm trưởng. Để xây dựng quyết tâm và thống nhất hành động, BCHQS Hà Tây đã tổ chức thành công Hội nghị xây dựng địa bàn điểm về ATGT; qua đó đề xuất nhiều biện pháp phối hợp giữa LLVT Tỉnh với các lực lượng liên quan của địa phương và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn. Trong Hội nghị, đã tổ chức ký kết, giao ước thi đua giữa các đơn vị cùng thực hiện các mục tiêu của công tác ATGT đề ra. Kết thúc Hội nghị, khoảng 100 đầu mối các đơn vị lớn đóng quân trên địa bàn Tỉnh đã phối hợp diễu hành, biểu dương lực lượng, tạo khí thế sôi nổi, sự đồng thuận xã hội cao giữa LLVT với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương về các mục tiêu đảm bảo ATGT. Quá trình triển khai kế hoạch, từng cụm ATGT duy trì chặt chẽ nền nếp giao ban cụm, tổ chức rút kinh nghiệm và bàn biện pháp phối hợp hoạt động, khắc phục những “điểm nóng” về ATGT; tổ chức kiểm tra chéo, phát hiện những khâu yếu, mặt yếu để cùng nhau rút kinh nghiệm. Qua hơn 4 năm triển khai kế hoạch xây dựng địa bàn điểm về ATGT ở Hà Tây, đã chứng tỏ đây là một cách làm hay, phù hợp với đặc điểm của QK; đồng thời, có thể được xem là một mô hình tốt để các địa phương khác tham khảo, rút kinh nghiệm. Thực tế đã chứng minh, việc xây dựng địa bàn ATGT ở Hà Tây đã đem lại hiệu quả rất thiết thực. Đến cuối năm 2003, số vụ mất ATGT của LLVT Hà Tây đã giảm 40%; từ năm 2003 đến 2005, không có vụ việc nghiêm trọng xảy ra. Hiện nay, mô hình này đã và đang được nhân rộng sang các quận, huyện của Hà Nội và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng trong công tác giáo dục, tuyên truyền, song có thể khẳng định rằng, từ nhận thức đến hành vi chấp hành Luật Giao thông đường bộ của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trong QK còn có khoảng cách so với yêu cầu. Theo phản ánh của các đơn vị, tình trạng chấp hành Luật Giao thông đường bộ và các quy định về ATGT trong QK vẫn còn biểu hiện thiếu tự giác; đối tượng hạ sĩ quan, chiến sĩ gây ra TNGT vẫn chiếm tỷ lệ nhiều hơn số cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; tai nạn xe mô tô do quân nhân gây ra trong thời gian nghỉ phép, tranh thủ nhiều hơn trong thời gian làm nhiệm vụ; tình trạng quân nhân sử dụng xe không đủ các điều kiện cần thiết (bằng lái, mũ bảo hiểm...) hoặc uống rượu, bia quá nồng độ cho phép còn khá phổ biến;v.v. Để khắc phục điều đó, cùng với công tác tư tưởng, QK đã triển khai nhiều biện pháp về mặt tổ chức, trong đó nổi bật là công tác quản lý hành chính. Các cơ quan, đơn vị, đơn vị đã tăng cường các biện pháp quản lý quân nhân và phương tiện tham gia giao thông; xây dựng các khu để xe tập trung; tăng cường công tác kiểm tra quân nhân và phương tiện ra, vào doanh trại. Lực lượng Kiểm soát quân sự được tăng cường, kiên quyết nhắc nhở, xử lý những trường hợp quân nhân sai phạm trong chấp hành các quy định về ATGT. Một số đơn vị còn yêu cầu hạ sĩ quan, chiến sĩ phải viết cam kết khi về phép không được sử dụng xe máy; khi trả phép lấy xác nhận của địa phương. Kinh nghiệm của QK mấy năm gần đây cho thấy, thời điểm nào công tác ATGT thiếu quyết liệt, các biện pháp giáo dục, quản lý thiếu thường xuyên hoặc dễ dãi, TNGT tất yếu sẽ gia tăng (năm 2006, có tình trạng như vậy).
Để góp phần thực hiện tốt công tác ATGT, ngành Xe máy của QK đã khắc phục mọi khó khăn, đề cao trách nhiệm trong việc bảo đảm các phương tiện xe máy quân sự ở trạng thái cho phép lưu hành làm nhiệm vụ tốt nhất; đồng thời, chăm lo xây dựng đội ngũ lái xe đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Khó khăn lớn nhất là, phần lớn số ô tô, mô tô quân sự của QK đã cũ, trong khi kinh phí bảo đảm chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Biện pháp khắc phục tạm thời của Ngành là, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí của trên, đồng thời phát huy mọi nguồn lực (trong đó có trách nhiệm cá nhân của mỗi lái xe); thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, tăng cường kiểm tra kỹ thuật an toàn xe, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo xe tham gia giao thông sẵn sàng thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Liên quan đến điều đó, Ngành duy trì chặt chẽ hoạt động của Trạm Kiểm định, quy trách nhiệm rõ ràng đối với người phụ trách Trạm về việc xe đã kiểm định và cấp phép lưu hành nhưng mất ATGT do lỗi kỹ thuật. Đối với đội ngũ lái xe của QK, nhất là lái xe tác chiến, xe kéo pháo, lái xe mới ra trường, đều được Ngành quan tâm, tổ chức bổ túc tay lái, nâng cao trình độ, kỹ thuật lái và trình độ vận dụng Luật Giao thông đường bộ trong các tình huống trên đường. Hằng năm, ngành Kỹ thuật QK còn tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy QK tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, có chất lượng các kỳ thi nâng bậc cho lái xe các đơn vị và tổ chức kỳ thi lái xe giỏi. Tiêu chuẩn lái xe mà Ngành tham mưu cho cấp trên là lái xe giỏi phải đi đôi với lái xe an toàn. Nhờ đặt ra yêu cầu cao như vậy, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý xe máy và lái xe của QK không ngừng được nâng lên; hai năm (2005, 2006), trong số khoảng 300 lái xe toàn QK, mỗi năm chỉ có 1 trường hợp lái xe để xảy ra mất ATGT.
Với việc triển khai đồng bộ các biện pháp trên đây, công tác ATGT của QK Thủ đô những năm qua đã có sự chuyển biến đáng khích lệ. Nhận thức và ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ có sự chuyển biến mạnh mẽ; phần lớn cán bộ, sĩ quan, CNVCQP trong QK đã thấy rõ trách nhiệm cá nhân khi tham gia giao thông, có kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông an toàn. Từ khi thực hiện kế hoạch điểm về ATGT (năm 2003) đến nay (trừ năm 2006), số vụ mất ATGT của LLVT QK năm sau đều giảm hơn năm trước. Riêng 6 tháng đầu năm 2007, QK không có vụ mất ATGT ô tô quân sự; số vụ mất ATGT mô tô do quân nhân điều khiển giảm một cách rõ rệt (giảm 75% so với cùng kỳ năm 2006).
Tuy nhiên, cần thấy rằng, những chuyển biến đó sẽ chỉ mang tính tạm thời, nếu như công tác ATGT của QK không thường xuyên được chấn chỉnh, nhắc nhở. Bởi lẽ, bài toán ATGT của QK còn đang chứa nhiều ẩn số; hiểm họa mất ATGT đối với QK sẽ càng cao, khi tốc độ đô thị hóa của Thủ đô và các vùng lân cận ngày càng gia tăng; số lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn ngày càng lớn; trong khi ý thức của người dân tham gia giao thông đô thị còn kém. Để chủ động trước tình hình, tiếp tục thực hiện tốt công tác ATGT, trước mắt, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trong QK cần tổ chức quán triệt một cách sâu, rộng Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách kiềm chế TNGT và ùn tắc giao thông; Chỉ thị số 128/2007/CT-BQP ngày 25/8/ 2007 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Công điện số 2200/CĐ-BTL ngày 31/8/ 2007 của Tư lệnh QK Thủ đô về việc thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ, mà nội dung trọng tâm là thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện mô tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường (đối với QK, bắt đầu thực hiện từ ngày 01/9/2007). Kinh nghiệm cho thấy, bài toán ATGT của QK Thủ đô không thể có lời giải thỏa đáng khi LLVT QK không phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, đặc biệt là trách nhiệm, sự kiên quyết của người chỉ huy và vai trò tham mưu của cơ quan chức năng; đồng thời, phải tăng cường sự phối hợp chặt chẽ cùng các ngành chức năng của địa phương, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân đối với các biện pháp kiềm chế, đẩy lùi TNGT mà QK triển khai. 
Đại tá Phạm Văn Sinh
Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân khu
 

Ý kiến bạn đọc (0)