QPTD -Thứ Tư, 24/08/2011, 01:00 (GMT+7)
Quân khu IV nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên

Quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 62-CT/TW, số 12-CT/TW của Bộ Chính trị và  Nghị định số 15/2001/NĐ-CP, số 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ về công tác giáo dục quốc phòng-an ninh (QP-AN) trong tình hình mới, trực tiếp là các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS,QP), trong đó có công tác giáo dục QP-AN, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu IV đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quan trọng này.

Cùng với việc lãnh đạo, tổ chức quán triệt tới cấp ủy, chính quyền, chỉ huy các cấp, các ngành, các đoàn thể trong hệ thống chính trị địa phương, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã chỉ đạo thành lập Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp, từ quân khu đến tỉnh, huyện và cấp xã. Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp thường xuyên được kiện toàn, hoạt động có nền nếp, thực hiện tốt vai trò tham mưu và chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác giáo dục QP-AN, trước hết là bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng. Hội đồng giáo dục QP-AN Quân khu đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Hội đồng giáo dục QP-AN, cơ quan quân sự các tỉnh chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tổ chức khảo sát, phân loại các đối tượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN, xây dựng quy hoạch 5 năm và kế hoạch bồi dưỡng kiến thức QP-AN từng năm cho đối tượng 2, 3, 4, 5 theo đúng chỉ tiêu, thời gian, nội dung, chương trình quy định, phù hợp với đặc điểm, tình hình nhiệm vụ của từng địa phương; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng được giao. Các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chủ động khắc phục khó khăn, làm tốt công tác chuẩn bị các mặt bảo đảm, xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, tiến hành mở các lớp bồi dưỡng theo phân cấp, bảo đảm nội dung, thời gian, chất lượng. Qua 10 năm triển khai thực hiện, đến nay (hết quý I năm 2010), Quân khu đã cử cán bộ đối tượng 1 tham gia bồi dưỡng tại Học viện Quốc phòng theo đúng chỉ tiêu, quy định của Ban Tổ chức Trung ương; tổ chức 35 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ đối tượng 2 tại Trường Quân sự Quân khu và tại các trường Quân sự tỉnh (đạt 92,1% kế hoạch). Các tỉnh cũng đã tổ chức tốt việc bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành và đội ngũ cán bộ, đảng viên đối tượng 3, 4, 5. Do số lượng phải bồi dưỡng lớn, nhưng khả năng của Trường Quân sự tỉnh có hạn, nhiều tỉnh đã vận dụng linh hoạt các hình thức, như: giao cho cấp huyện đăng cai mở các lớp bồi dưỡng cho đối tượng 3 tại huyện, vừa giải quyết được yêu cầu về số lượng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ trong thời gian học tập; đồng thời, vận dụng giáo trình bồi dưỡng của đối tượng 3 để biên soạn giáo án bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 4 và 5... Nhờ vậy, số lượng cán bộ được bồi dưỡng kiến thức QP-AN tăng nhanh cả về số lớp và số người tham gia; đã tổ chức 473 lớp bồi dưỡng cho đối tượng 3... (đạt 86,6% kế hoạch) mở 846 lớp bồi dưỡng cho đối tượng 4 (đạt 91,6% kế hoạch) và 3.133 lớp bồi dưỡng cho đối tượng 5 (đạt 91,7% kế hoạch). Ngoài ra, Hội đồng giáo dục QP-AN các tỉnh cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng, như: Ban Tuyên giáo, Ban Tôn giáo, Ban Tổ chức, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, tổ chức 72 lớp  bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 4.829 vị chức sắc, nhà tu hành, chức việc tôn giáo; già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ; thanh niên nông thôn và các đối tượng khác...

Thông qua bồi dưỡng kiến thức QP-AN, nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên một bước, nhất là đã nắm vững những quan điểm cơ bản về đường lối QS,QP, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới của Đảng; nội dung, yêu cầu quản lý nhà nước về QP-AN; đồng thời, thấy rõ hơn bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch... Từ đó, giúp cho cán bộ các cấp, các ngành, các đoàn thể trong hệ thống chính trị vận dụng có hiệu quả kiến thức QP-AN được bồi dưỡng vào lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ QS,QP địa phương, nhất là trong kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với xây dựng tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội các địa phương.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng còn những mặt hạn chế nhất định. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quán triệt đầy đủ và việc thực hiện công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng chưa sát với tình hình cụ thể; chưa phát huy đầy đủ vai trò tham mưu của các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện công tác này. Nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên đối với việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN còn hạn chế, chưa thấy hết vị trí, tầm quan trọng của công tác này đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số thành viên Hội đồng giáo dục QP-AN cấp tỉnh, cấp huyện  chưa được như mong muốn. Việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 2, 3, 4, 5 theo phân cấp chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đã xác định...

Phát huy kết quả, kinh nghiệm 10 năm qua và để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng, thời gian tới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt những vấn đề chủ yếu sau.

1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của cấp trên về công tác giáo dục QP-AN, mà trọng tâm là bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng. Trên cơ sở đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền các cấp, vai trò tham mưu của các ban, ngành, tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị đối với công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng. Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường quán triệt, giáo dục sâu rộng đến các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể về vị trí, vai trò, yêu cầu, nhiệm vụ của công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN trong tình hình mới cho các đối tượng; chú trọng quán triệt, phổ biến Quy định 07 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN, coi đây là một trong những tiêu chuẩn bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên và là một trong những tiêu chí để xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành, các tổ chức trong hệ thống chính trị của địa phương; đưa kết quả bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng thành một trong những tiêu chuẩn thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, ngành trong bình xét khen thưởng hằng năm và từng giai đoạn.

2. Thường xuyên kiện toàn Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp, bảo đảm đủ số lượng, đúng cơ cấu, thành phần và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng và các thành viên, nhằm thực hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo mở các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng theo kế hoạch được giao, phù hợp với tình hình địa phương, cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra của Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp; hằng năm, tổ chức kiểm tra từ 25-30% cơ sở của cấp mình; thực hiện tốt sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời phát hiện những mô hình mới, nhân tố mới để nhân rộng và kịp thời phát hiện, có biện pháp khắc phục những khâu yếu, mặt yếu để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng.

3. Hội đồng giáo dục QP-AN Quân khu tăng cường chỉ đạo mở rộng phân cấp bồi dưỡng kiến thức QP-AN các đối tượng một cách hợp lý, theo hướng: vừa tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 2 tại Trường Quân sự Quân khu, vừa giao cho các địa phương có đủ điều kiện tổ chức bồi dưỡng cho đối tượng 2 tại tỉnh theo chỉ tiêu kế hoạch được giao (nội dung chương trình do Trường Quân sự Quân khu đảm nhiệm); tiếp tục mở rộng phân cấp đối tượng 3, 4, 5 cho cấp huyện, cấp xã. Cùng với đó, chỉ đạo Hội đồng giáo dục QP-AN các tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể tiến hành rà soát, phân loại đối tượng được bồi dưỡng để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành từ tỉnh, đến cấp huyện, cấp xã, thôn, bản và cán bộ, đảng viên; chú trọng tổ chức bồi dưỡng cho các đối tượng ở địa bàn biên giới, miền núi, vùng có nhiều đồng bào tôn giáo, vùng trọng điểm về QP-AN. Phấn đấu trong nhiệm kỳ công tác, 100% cán bộ các đối tượng được bồi dưỡng kiến thức QP-AN; đặc biệt, năm 2010, tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng cho các đối tượng (ưu tiên cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành), để  trước khi bước vào đại hội đảng các cấp, cán bộ có đủ tiêu chuẩn bắt buộc về bồi dưỡng kiến thức QP-AN, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bố trí, sắp xếp cán bộ theo quy định hiện hành. Ngoài ra, tham mưu và chỉ đạo tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các vị chức sắc, nhà tu hành, chức việc các tôn giáo theo chương trình, giáo trình mới ban hành; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho một số lực lượng có vai trò quan trọng đối với thực hiện nhiệm vụ QP-AN mà không thuộc các đối tượng quy định hiện hành, như: thanh niên nông thôn, thanh niên đường phố, già làng, người có uy tín trong dòng họ, cán bộ, công chức trong các sở, ban, ngành, nhà trường, các đơn vị sự nghiệp hành chính, các doanh nghiệp...

4. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo cơ sở nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng. Trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm những năm qua, Hội đồng giáo dục QP-AN Quân khu cần tăng cường chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức bồi dưỡng cho các đối tượng theo quy định của cấp trên, phù hợp với tình hình thực tế của địa bàn. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương vận dụng chương trình bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 3 để biên soạn, hoàn thiện giáo án, bài giảng bồi dưỡng cho đối tượng 4, 5 ở cấp huyện, cấp xã. Quan tâm chăm lo kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao trình độ toàn diện của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục QP-AN các cấp. Tăng cường phối hợp với cơ quan công an các cấp tham gia giảng dạy các chuyên đề về an ninh cho các đối tượng 2, 3, 4 ,5. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy-học, tạo điều kiện nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với nhiệm vụ QS,QP địa phương, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các địa phương.

Thiếu tướng HỒ NGỌC TỴ

Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu

 

Ý kiến bạn đọc (0)