QPTD -Thứ Năm, 24/11/2011, 00:35 (GMT+7)
Quân khu I đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trong thời kỳ mới
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ yêu cầu “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện”. 

Quán triệt sâu sắc quan điểm đó, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) với nội dung toàn diện, bằng các giải pháp đồng bộ, phù hợp với đặc điểm tình hình địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn Quân khu có 25 dân tộc anh em với dân số trên 5 triệu người; có 3 tôn giáo chính là Thiên chúa giáo, Phật giáo và đạo Tin lành. Nhân dân vốn có truyền thống cách mạng, đoàn kết, một lòng theo Đảng. Tuy nhiên, do đặc điểm địa lý, chủ yếu là địa hình miền núi, giao thông không thuận tiện nên đời sống kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn; khoảng cách giàu, nghèo giữa các vùng có sự chênh lệch đáng kể. Lợi dụng khó khăn đó, các thế lực thù địch vẫn thường xuyên tiến hành các hoạt động chống phá, như: truyền đạo trái pháp luật ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, buôn lậu hàng hóa qua biên giới... Đặc điểm, tình hình đó đòi hỏi Quân khu phải quan tâm trước hết đến việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, làm nền tảng xây dựng nền QPTD vững mạnh. Theo đó, Quân khu đã đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng (GDQP) một cách đồng bộ, bao gồm cả bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (QP-AN) cho cán bộ chủ chốt các cấp, GDQP cho học sinh, sinh viên cũng như GDQP cho toàn dân. Năm 2006, toàn quân khu đã tổ chức 593 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 48.874 người. Trong đó, đối tượng 2: 11 lớp cho 540 học viên; đối tượng 3: 6 lớp cho 3.713 học viên; đối tượng 4: 69 lớp cho 5.201 học viên; đối tượng 5: 452 lớp cho 39.302 học viên và tổ chức 01 lớp cho 118 chức sắc, chức việc các tôn giáo. GDQP cho học sinh, sinh viên được tổ chức ở 232 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và trung học phổ thông với 286.042 người tham gia, đạt bình quân  99,06%. Trung tâm GDQP Thái Nguyên được Quân khu trực tiếp chỉ đạo cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Do đặc điểm địa bàn miền núi rộng, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao nên Quân khu đã chỉ đạo các địa phương vận dụng các hình thức tuyên truyền phù hợp với trình độ nhận thức của đồng bào; thực hiện lồng ghép nội dung GDQP trong các lễ hội ở địa phương. Trong đó, đặc biệt coi trọng hình thức tuyên truyền miệng trực tiếp đối với đồng bào. Hằng năm, ngoài việc tổ chức các tổ, đội công tác xuống cơ sở, nhất là các xã trọng điểm để thực hiện công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị, Quân khu còn chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác dân vận trong các đợt hành quân, huấn luyện dã ngoại với các hình thức phong phú, phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn. Qua đó, góp phần củng cố “thế trận lòng dân”, tăng cường tiềm lực chính trị, tinh thần, bảo đảm xây dựng nền QPTD ngày càng vững mạnh. Để công tác này đạt hiệu quả thiết thực, Quân khu cho tổ chức biên soạn nhiều tài liệu bổ trợ về truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng của các dân tộc Việt Bắc, về bản sắc văn hóa, các phong tục, tập quán của mỗi dân tộc, cung cấp cho các tổ đội công tác, các đơn vị trong LLVT Quân khu làm “cẩm nang” nâng cao nhận thức, thống nhất nội dung tuyên truyền trong nhân dân. Bên cạnh đó, cơ quan quân sự các tỉnh trên địa bàn Quân khu còn thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực triển khai thực hiện đúng đắn, sáng tạo mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Đối với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên có nguồn nhân lực dồi dào, kinh tế khá phát triển, giao thông thuận lợi, Quân khu chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp coi trọng nghiên cứu, thực hiện giải pháp huy động các tiềm lực, biến tiềm lực quốc phòng thành thực lực quốc phòng, quân sự khi cần thiết. Đối với các tỉnh còn nhiều khó khăn về kinh tế, trình độ dân trí chưa cao, không đều như Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Quân khu chỉ đạo cơ quan quân sự chú trọng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức xây dựng các tiềm lực, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với giáo dục nâng cao trình độ nhận thức, giác ngộ chính trị của nhân dân, đấu tranh kiên quyết với các luận điệu tuyên truyền lừa gạt của kẻ xấu, tích cực xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong đời sống sinh hoạt; đồng thời, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, nhất là ở vùng căn cứ cách mạng, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, các xã đặc biệt khó khăn.
Để bảo đảm cho LLVT phát huy tốt vai trò nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng nền QPTD, Quân khu chú trọng xây dựng LLVT vững mạnh toàn diện; trong đó, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở, bảo đảm cho LLVT Quân khu luôn trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Từng bước đổi mới tổ chức, sắp xếp, bảo đảm cơ cấu hợp lý; duy trì nghiêm túc chế độ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu theo quy định của Bộ Quốc phòng; huấn luyện sát với địa bàn Quân khu theo yêu cầu nhiệm vụ, phương án tác chiến; tập trung huấn luyện đồng bộ cả chỉ huy, cơ quan và phân đội. Hiện nay, tỷ lệ cán bộ trung đội khá, giỏi trong huấn luyện đạt 80,9%, cán bộ đại đội đạt 88,5% và cán bộ tiểu đoàn đạt 96,5%. Quân khu đặc biệt quan tâm chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác Đảng, công tác chính trị trong huấn luyện, tổ chức tốt các phong trào thi đua xây dựng đơn vị huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu tốt. Đối với lực lượng dự bị động viên, Quân khu tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc các bước, từ tạo nguồn, đăng ký, quản lý và tổ chức huấn luyện, đến động viên sẵn sàng chiến đấu. Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tạo nguồn, nhất là đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số. Mặt khác, coi trọng việc phát huy vai trò của lực lượng dự bị động viên trong công tác vận động quần chúng và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn.
Bộ đội địa phương trên địa bàn Quân khu được tổ chức theo đúng quy định biên chế, phù hợp với nhiệm vụ. Quân khu có nhiều biện pháp tập trung nâng cao chất lượng cơ quan quân sự, bảo đảm đủ năng lực làm tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quân sự, quốc phòng ở địa phương; đồng thời, đủ khả năng giải quyết các tình huống trong thời bình và hoàn thành tốt nhiệm vụ khi chiến tranh xảy ra. Cùng với tổ chức huấn luyện, các địa phương còn coi trọng việc kết hợp giữa diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) với tổ chức động viên quân dự bị, góp phần rèn luyện, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng này.
Dân quân, tự vệ (DQTV) của Quân khu được xây dựng theo phương hướng “vững mạnh, rộng khắp”. Hiện nay, tỷ lệ DQTV của Quân khu đạt 1,9% so với dân số; 23/ 65 xã biên giới tổ chức lực lượng dân quân thường trực; đảng viên trong DQTV đạt 14,9%, đoàn viên là 59,2%. DQTV được tổ chức huấn luyện chặt chẽ và bảo đảm chế độ, chính sách đúng quy định. Công tác đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn đạt kết quả tốt; đến nay các tỉnh đã đào tạo được 456 đồng chí. Tuy nhiên, trên địa bàn hiện nay vẫn còn 0,74% chỉ huy trưởng, 13,7% chỉ huy phó quân sự xã, phường, thị trấn chưa phải đảng viên. Trên cơ sở Pháp lệnh về Dân quân tự vệ, Quân khu đang tập trung chỉ đạo các tỉnh rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ DQTV; gắn công tác xây dựng cán bộ quân sự xã, phường, thị trấn với công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, tiếp tục nâng cao chất lượng chính trị của DQTV. Đặc biệt là, tích cực triển khai công tác xây dựng lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo công tác diễn tập chiến đấu, trị an xã, phường theo yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Quân khu 1 có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả nước, cả trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Hiện nay, Quân khu gồm các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Kạn với diện tích trên 28 ngàn km2; trong đó miền núi chiếm 90,23%, đường biên giới với Trung Quốc dài 564,8 km, có cửa khẩu quốc tế và nhiều cửa khẩu buôn bán tiểu ngạch. Đặc điểm địa lý đó đòi hỏi cùng với xây dựng lực lượng quốc phòng, trọng tâm là LLVT, Quân khu phải tập trung xây dựng thế trận QPTD vững mạnh; gắn xây dựng thế trận QPTD với thế trận an ninh nhân dân. 
Trên cơ sở phương án, kế hoạch tổng thể trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Quân khu triển khai xây dựng KVPT các tỉnh một cách toàn diện, bảo đảm sự liên kết chặt chẽ, có chiều sâu, đồng thời, tập trung ở các địa bàn trọng điểm. Từng khu vực căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần, kỹ thuật, công trình quốc phòng của các địa phương, đơn vị đều được tính toán, kỹ lưỡng trong thế trận chung. Công tác diễn tập KVPT ở các địa phương được tiến hành thường xuyên và tích cực đổi mới. Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, Quân khu đã chỉ đạo làm điểm diễn tập chiến đấu trị an xã, phường theo cụm xã; việc giải quyết các tình huống không chỉ theo địa bàn hành chính như trước đây, mà còn chú trọng các “khoảng trống” giáp ranh giữa các xã, huyện, tỉnh.
Các đơn vị chủ lực của Quân khu được bố trí hình thành thế trận vững chắc có khả năng cơ động cao, đáp ứng yêu cầu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, đáp ứng yêu cầu xử lý các tình huống trong thời bình. Thế trận QPTD trên địa bàn Quân khu còn thể hiện ở sự kết hợp chặt chẽ giữa QP-AN với kinh tế. Bộ Tư lệnh Quân khu cùng Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh đã phối hợp với các địa phương quy hoạch, cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông, phấn đấu có đường ô tô vào đến trung tâm các xã vùng sâu, biên giới, nhằm vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa tạo sự liên kết chặt chẽ các khu vực, các lực lượng trong thế trận QPTD. Hiện nay, Quân khu đang duy trì 2 mô hình kết hợp kinh tế với QP-AN là các đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh độc lập và đơn vị thực hiện dự án kinh tế - quốc phòng. Các đơn vị đó được bố trí ở các địa bàn chiến lược quan trọng của Quân khu; hoạt động trên nhiều lĩnh vực, như: xây lắp công trình, rà phá, xử lý bom mìn, vật liệu nổ trên tuyến biên giới; xây dựng khu kinh tế-quốc phòng ở Lạng Sơn, Cao Bằng... Bên cạnh đó, Quân khu còn phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trong tổ chức quy hoạch, phân bố dân cư ở nơi biên giới, bảo đảm vừa phát triển kinh tế-xã hội vừa tăng cường QP-AN.
Thực hiện Quyết định số 107/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới" và "Hướng dẫn công tác phối hợp bảo vệ an ninh, trật tự giữa lực lượng công an xã, phường, thị trấn, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp với lực lượng DQTV”, ngày 15-06-2005 Tư lệnh Quân khu đã ra Chỉ thị số 832/CT-QK về tổ chức thực hiện Quyết định 107/QĐ-TTg trên địa bàn. Đến nay, 100% các tỉnh, thành phố, huyện trong Quân khu đã xây dựng quy chế phối hợp giữa bộ đội và công an; 1.071 xã, phường, thị trấn xây dựng qui chế phối hợp giữa DQTV và công an. Hằng năm, Quân khu đều tổ chức hội nghị sơ kết việc thực hiện Quyết định 107 với sự tham gia của Giám đốc Công an các tỉnh. Trên tuyến biên giới, các đơn vị bộ đội biên phòng, bộ đội địa phương, DQTV đã phối hợp với công an địa phương thực hiện tốt công tác quản lý biên giới, nhất là các hoạt động liên quan đến an ninh, trật tự biên giới. Đã phối hợp phát hiện, ngăn chặn nhiều hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh thổ, xâm canh, xâm táng..., điều tra, bắt giữ nhiều đối tượng hoạt động trái pháp luật trên tuyến biên giới.
Kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử của quê hương Việt Bắc cách mạng và những thành tích đã đạt được, các cấp ủy Đảng, LLVT và nhân dân các dân tộc trên địa bàn Quân khu 1 tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền QPTD lên một bước mới; góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng quê hương Việt Bắc ngày càng giàu mạnh.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ
Tư lệnh Quân khu
 
Ý kiến bạn đọc (0)