QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 23:24 (GMT+7)
Quân khu 9 đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ, tạo lập thế trận quốc phòng vững chắc trên địa bàn

Xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh (thành phố) vững chắc là một chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ trương đó đã được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 cùng cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn quán triệt và nhất trí cao về nhận thức, quan điểm, coi đó là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của Quân khu và các địa phương trong giai đoạn mới của cách mạng. Đến nay, gần 20 năm triển khai thực hiện chủ trương này, các địa phương trên địa bàn Quân khu đã đạt được nhiều kết quả trên các mặt chính trị, kinh tế-xã hội (KT-XH) và quân sự-quốc phòng, an ninh, đồng thời rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu, tạo cơ sở để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng KVPT vững chắc về chiều sâu.

Về chính trị, Quân khu và các địa phương đã coi trọng giáo dục cho toàn dân, đặc biệt là đối tượng cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành từ tỉnh (thành phố) đến cơ sở về đường lối, quan điểm, tư duy mới của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng-an ninh (QP-AN), bảo vệ Tổ quốc, tạo sự chuyến biến về nhận thức và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng tỉnh (thành phố) thành KVPT vững chắc. Thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cấp cơ sở trên địa bàn biên giới Tây Nam, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp công tác tư tưởng, tổ chức, chính sách, dân vận trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong cộng đồng các dân tộc, tôn giáo trên địa bàn. Tích cực giải quyết những vụ việc tiêu cực có ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ địa phương. Kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cảnh giác, phòng chống có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn phá hoại trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, nhất là các luận điệu tuyên truyền, kích động, chia rẽ tình đoàn kết giữa các dân tộc, các tôn giáo của bọn phản động và các thế lực thù địch.
Phát triển KT-XH kết hợp với tăng cường quốc phòng-an ninh là một nội dung quan trọng của KVPT, được Quân khu và các địa phương thường xuyên quan tâm. Chương trình phát triển KT-XH của các địa phương đều được gắn với bố trí thế trận QP-AN theo tư tưởng chỉ đạo “mỗi bước phát triển kinh tế là một bước tăng cường tiềm lực QP-AN”. Trên cơ sở kế hoạch, chương trình phát triển KT-XH hằng năm, 5 năm và dài hạn được Chính phủ phê duyệt, các địa phương đã tập trung phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn vốn trong và ngoài nước để phát triển kinh tế một cách toàn diện. Đặc biệt, trên địa bàn trọng điểm biên giới, ven biển, hải đảo, các địa phương đã tích cực huy động mọi nguồn lực, từng bước triển khai các chương trình xây dựng kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng, an ninh một cách cơ bản, đồng bộ; có chủ trương, chính sách hợp lý khuyến khích nhân dân định cư làm ăn lâu dài ở các địa bàn này, tạo nên những điểm dân cư mới, tăng khả năng phòng thủ của các địa phương và Quân khu. Cùng với phát triển kinh tế, các địa phương đã tích cực thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như xây dựng hệ thống thủy lợi chống lũ, hệ thống đường giao thông, thông tin, y tế..., trong đó nổi bật là hệ thống đường giao thông huyết mạch như quốc lộ 1A (xây dựng xong cầu Mỹ Thuận, đang triển khai xây dựng cầu Cần Thơ) và 10 quốc lộ quan trọng khác: 30, 50, 53, 54, 57, 60, 61, 63, 80, 91 được nâng cấp, mở rộng; hệ thống giao thông tỉnh lộ, giao thông nông thôn phát triển và được mở rộng..., đã khắc phục được sự cô lập, tạo sự giao lưu thuận lợi cho phát triển KT-XH, tạo lập thế trận phòng thủ liên hoàn trong các KVPT địa phương và địa bàn toàn Quân khu. Các khu công nghiệp, chế xuất, xí nghiệp liên doanh, liên kết trong và ngoài nước được xây dựng ở các tỉnh, thành phố với nhiều lĩnh vực sản xuất đa dạng, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và tăng cường tiềm lực quốc phòng trên địa bàn.
Xây dựng về quân sự-quốc phòng và an ninh là một nội dung trọng tâm của KVPT được Quân khu và các địa phương đặc biệt coi trọng. Xuất phát từ nhiệm vụ tác chiến phòng thủ và bảo vệ an ninh ở từng địa phương, từ đặc điểm kinh tế, văn hóa-xã hội, địa hình, từ phán đoán âm mưu, thủ đoạn của địch và ý định của cấp trên, Quân khu và các địa phương đã tích cực triển khai xây dựng hệ thống văn kiện tác chiến phòng thủ, phê duyệt và quản lý theo phân cấp. Triển khai tổ chức diễn tập KVPT với nhiều quy mô, hình thức để luyện tập, rút kinh nghiệm và nâng cao hiệu quả của cơ chế lãnh đạo, qua đó nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn kiện tác chiến phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ QP-AN trong tình hình mới. Các công trình phòng thủ trọng điểm của Quân khu và các địa phương, nhất là trên tuyến biên giới Tây Nam, ven biển, đảo Phú Quốc, Thổ Chu... từng bước được xây dựng theo yêu cầu tác chiến phòng thủ trong điều kiện mới. Quân khu đã chỉ đạo các địa phương khảo sát, cải tạo, đưa vào quản lý hệ thống hang động thiên nhiên phục vụ cho nhiệm vụ quân sự khi cần thiết. Triển khai, tổ chức thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới” đạt kết quả và có nhiều chuyển biến tích cực. Lực lượng bộ đội thường trực của Quân khu thường xuyên được chấn chỉnh, kiện toàn cả về tổ chức, biên chế, trang bị, chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu được nâng lên. Lực lượng bộ đội biên phòng và hệ thống đồn, trạm biên phòng được củng cố, xây dựng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới, ven biển, hải đảo. Lực lượng dự bị động viên được chú trọng xây dựng, dần đi vào nền nếp, bảo đảm đủ số lượng đầu mối đơn vị trên giao, chất lượng ngày càng được nâng cao, tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự đạt 68,06%, gần đúng 14,07%. Việc đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân để sẵn sàng động viên được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc và có chất lượng tốt. Lực lượng dân quân, tự vệ được củng cố, xây dựng theo hướng “vững mạnh, rộng khắp, lấy chất lượng làm cơ bản”, coi trọng độ tin cậy về chính trị, tỷ lệ đạt 1,91% so với dân số; ở hầu hết các cơ sở, lực lượng này đã phát huy tốt vai trò làm nòng cốt và phối hợp với các lực lượng trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) ở địa phương.
Những kết quả đạt được trong xây dựng KVPT thời gian qua đã tạo ra thế và lực mới trong thế trận phòng thủ trên địa bàn Quân khu. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ này đã bộc lộ một số khuyết điểm, tồn tại cả về nhận thức và sự phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành cần phải khắc phục. Trong thời gian tới, nhiệm vụ quân sự-quốc phòng và an ninh của Quân khu cũng như các địa phương rất nặng nề, đòi hỏi các cấp, các ngành, toàn dân và LLVT trên địa bàn phải phấn đấu nỗ lực hơn nữa, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng KVPT vững chắc, trước mắt góp phần đánh bại âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đang diễn ra hằng ngày hằng giờ ở biên giới cũng như nội địa; về lâu dài tạo lập thế trận QPTD và chiến tranh nhân dân vững chắc, sẵn sàng cùng quân dân cả nước đánh thắng mọi cuộc chiến tranh xâm lược trên các quy mô, nếu kẻ thù liều lĩnh gây ra. Để thực hiện điều đó, phải có những giải pháp đồng bộ, trong đó cần chú trọng mấy vấn đề sau:
Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và LLVT Quân khu đối với nhiệm vụ xây dựng tỉnh (thành phố) thành KVPT vững chắc. Trong điều kiện đất nước hòa bình hiện nay, ở các địa phương trên địa bàn Quân khu cũng như cả nước, còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa quán triệt, nhận thức đầy đủ, thậm chí coi nhẹ nhiệm vụ quân sự-quốc phòng, xây dựng tỉnh (thành phố) thành KVPT vững chắc, nên khi triển khai thực hiện nhiệm vụ này còn những khó khăn, bất cập. Vì vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục, nhất là giáo dục quốc phòng cần được tiếp tục triển khai sâu rộng trong các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, trong hệ thống nhà trường, cho mọi đối tượng. Nội dung giáo dục tập trung vào quán triệt và vận dụng các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ quân sự-quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chú trọng phân tích để mọi người, mọi tổ chức nhận rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc xây dựng tỉnh (thành phố) thành KVPT vững chắc trong thời kỳ mới. Đây là sự phát triển mới trong đường lối quân sự của Đảng và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; nó phù hợp với quy luật, truyền thống đánh giặc của dân tộc ta là dựa vào sức mạnh của dân, “trăm họ là binh”, “cả nước đánh địch”. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vừa qua, Đảng ta đã thực sự phát động toàn dân đánh giặc, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng phố là một pháo đài, ở đâu cũng có lực lượng tiêu diệt địch, vừa đánh địch vừa bồi dưỡng lực lượng ta, tạo nên sức mạnh to lớn chiến thắng quân thù. Ngày nay, Tổ quốc đã được độc lập, thống nhất, đang trên con đường đổi mới xây dựng CNXH. Đường lối cách mạng nói chung và đường lối bảo vệ Tổ quốc nói riêng của Đảng ta kế thừa và phát huy truyền thống đó; mọi việc đều “lấy dân làm gốc”, thực hiện “toàn dân xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, toàn dân bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước” là quan điểm xuyên suốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ trương xây dựng tỉnh (thành phố) thành KVPT vững chắc chính là để đạt mục đích ấy. Trong thời bình phát huy được sức mạnh tại chỗ, tinh thần năng động, sáng tạo, ý thức tự lực, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi người, mỗi cấp, mỗi ngành, tại địa phương, kịp thời huy động sức mạnh tại chỗ giải quyết có hiệu quả những tình huống phức tạp về an ninh trật tự, gây rối, bạo loạn, xung đột vũ trang. Trong thời chiến nhanh chóng triển khai lực lượng, phát hiện địch sớm, giành thế chủ động, đánh trả kịp thời, sát thương, ngăn chặn làm giảm tốc độ tiến công của địch, tạo thế xen kẽ, căng kéo địch tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực Quân khu và Bộ tập trung vào trọng điểm, thời cơ có lợi, tiến công, phản công đánh bại tiến công xâm lược của địch. Trên cơ sở đó nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm của mỗi người, mỗi tổ chức trong việc xây dựng KVPT vững chắc ở địa phương.
Tăng cường sự phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự-quốc phòng, xây dựng KVPT tỉnh (thành phố) vững chắc của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu với cấp ủy, chính quyền các địa phương. Quân khu là một cấp chỉ huy quân sự trên một hướng chiến trường theo kế hoạch phòng thủ quốc gia, đồng thời có cả chức năng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức xây dựng nền QPTD và công tác quân sự-quốc phòng địa phương trên địa bàn. Nhưng xét về mặt tổ chức hành chính nhà nước thì quân khu không phải là cơ quan trong tổ chức hành chính Nhà nước nên không có chức năng pháp lý quản lý nhà nước về quốc phòng đối với các địa phương trên địa bàn. Vì vậy, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quân sự-quốc phòng, xây dựng KVPT tỉnh (thành phố) vững chắc, một yêu cầu tất yếu đặt ra là phải thường xuyên củng cố mối quan hệ, phối hợp chặt chẽ giữa Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu với cấp ủy, chính quyền các địa phương. Mối quan hệ đó được biểu hiện cụ thể ở việc tăng cường, củng cố sự lãnh đạo của Đảng ủy Quân sự quân khu (có các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy tham gia) thông qua việc ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự-quốc phòng theo định kỳ. Hằng năm, những vấn đề lớn về xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD, xây dựng KVPT, kết hợp kinh tế với quốc phòng, thực hiện công tác tuyển quân, các chế độ chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội, xây dựng LLVT địa phương,... đều cần có sự bàn bạc thống nhất giữa Bộ Tư lệnh Quân khu với ủy ban nhân dân các địa phương. Cơ quan Quân khu phải thường xuyên bám sát địa phương, nắm tình hình, hướng dẫn, đôn đốc để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quân sự-quốc phòng, xây dựng KVPT và các công tác khác theo kế hoạch đã được Tư lệnh quân khu phê duyệt. Về phía các địa phương, các Tỉnh (Thành) ủy có trách nhiệm lãnh đạo Đảng bộ, nhân dân và LLVT địa phương thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, nghị quyết của Đảng ủy Quân sự quân khu về nhiệm vụ quân sự-quốc phòng, xây dựng KVPT địa phương. Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh (thành phố) hằng năm thông báo cho Bộ Tư lệnh quân khu kế hoạch KT-XH có liên quan đến quốc phòng, đồng thời có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương thực hiện các mệnh lệnh của Tư lệnh quân khu về công tác quân sự-quốc phòng, xây dựng KVPT. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là vai trò nòng cốt, trung tâm của cơ quan quân sự địa phương phải làm tốt công tác tham mưu, kiến nghị được những chủ trương, biện pháp tổ chức thực hiện thiết thực, bảo đảm cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự-quốc phòng, xây dựng KVPT đạt hiệu quả cao.
 
Trung tướng Huỳnh Tiền Phong
Tư lệnh Quân khu

 

Ý kiến bạn đọc (0)