QPTD -Thứ Sáu, 26/08/2011, 21:25 (GMT+7)
Quân khu 7 tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng

Phát huy truyền thống “Trung thành vô hạn, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, đoàn kết, quyết thắng”,  lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 7 đang nỗ lực cùng với cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS,QP) địa phương, nâng cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Ngày 10-12-1945, nhằm thống nhất chỉ đạo, chỉ huy quân và dân miền Đông Nam Bộ tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, Hội nghị Quân sự Nam Bộ do Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức đã ra Quyết định thành lập Quân khu 7. Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, LLVT Quân khu đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, vừa xây dựng, vừa chiến đấu giữ chính quyền, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chủ quyền quốc gia; lập nên những chiến công lẫy lừng trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế.

Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện có hiệu quả công tác QS,QP, xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, nâng cao sức mạnh và khả năng SSCĐ trên cả 3 tuyến biển-đảo, nội địa, biên giới. Nhiệm vụ xây dựng tỉnh (thành phố), huyện (quận, thị xã) thành khu vực phòng (KVPT) thủ vững chắc luôn được coi trọng và ngày càng đạt được kết quả toàn diện; Cơ chế 02 (nay có sự phát triển theo tinh thần Nghị quyết 28) của Bộ Chính trị được vận hành đồng bộ từ Quân khu đến cơ sở (xã, phường, thị trấn), tạo điều kiện thực hiện tốt công tác quốc phòng-an ninh (QP-AN) ở địa phương. Tổng kết 10 năm thực hiện công tác giáo dục QP-AN (2001-2010) theo các chỉ thị, nghị định của Đảng và Chính phủ cho thấy, các cấp, các ngành trên địa bàn Quân khu đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương trong thực hiện công tác này đối với các tầng lớp nhân dân. Từ kết quả đạt được, Quân khu sẽ tiếp tục tăng cường các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ đầu ngành cấp tỉnh (thành phố), cán bộ chủ chốt cấp huyện (quận) và tương đương; đồng thời, chỉ đạo các địa phương theo phân cấp, tăng cường chất lượng các lớp bồi dưỡng cho cán bộ chủ chốt  cấp xã (phường, thị trấn), bí thư chi bộ, trưởng thôn (ấp, khu phố); tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục QP-AN cho học sinh, sinh viên, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và hành động của toàn xã hội đối với nhiệm vụ QP-AN.

Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo LLVT Quân khu nâng cao tinh thần cảnh giác, SSCĐ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc địa bàn, bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân và chế độ XHCN. Hiện nay, trên địa bàn Quân khu, các thế lực phản động, thù địch đang ra sức lợi dụng những sơ hở, khó khăn của ta trong quá trình đổi mới và triệt để sử dụng chiêu bài “dân tộc, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo” để tuyên truyền, kích động, kết hợp với “hỗ trợ vật chất” hòng lừa dụ, mua chuộc nhân dân, cài cắm, câu móc, gây dựng cơ sở, từng bước hình thành các đảng phái, phe nhóm đối lập, kết hợp với lực lượng bên ngoài nhằm gây mất ổn định chính trị-xã hội, tạo cớ can thiệp dưới các hình thức. Trên tuyến biên giới tuy ổn định, nhưng cũng còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp; bọn phản động cực đoan nước ngoài đang tìm mọi cách xâm nhập, công khai hỗ trợ các phần tử phản động trong nước đẩy mạnh các hoạt động vượt biên, tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước ta vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hòng tạo dư luận quốc tế gây bất lợi cho ta. Bên cạnh đó, tình hình khiếu kiện, nhất là về vấn đề đền bù đất đai, đình công đòi cải thiện chế độ làm việc, tiền lương ở các doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cũng đang diễn biến phức tạp; tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội chưa giảm ở một số địa phương. Tình hình đó đã tác động xấu đến việc củng cố QP-AN; đồng thời, cũng đặt ra yêu cầu mới đối với nhiệm vụ QS,QP. Do đó, LLVT Quân khu phải luôn đề cao cảnh giác, nâng cao tính chủ động, khả năng SSCĐ, trước mắt làm thất bại chiến lược “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch ngay từ địa phương, cơ sở và sẵn sàng xử lý các tình huống theo yêu cầu nhiệm vụ mới.

Để nâng cao tinh thần cảnh giác, không để bị bất ngờ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, Quân khu đã chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương các cấp và các đơn vị LLVT thực hiện nghiêm túc quy định về SSCĐ; nắm chắc tình hình, âm mưu và các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; chủ động phối hợp với Công an, Bộ đội Biên phòng và các lực lượng liên quan giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn, nhất là trong các thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và địa phương. Hằng năm, Quân khu và các địa phương đã tổ chức nhiều cuộc diễn tập, qua đó rút kinh nghiệm, bổ sung các quyết tâm và kế hoạch; đồng thời, triển khai xây dựng các công trình chiến đấu, hệ thống công sự trận địa, chốt dân quân biên giới, hải đảo, đồn, trạm biên phòng. Trên cơ sở các quyết tâm, kế hoạch đã được phê duyệt, Quân khu tiếp tục chỉ đạo các cấp, các đơn vị, địa phương triển khai từng bước theo yêu cầu, chỉ tiêu cụ thể; thường xuyên rà soát, bổ sung và điều chỉnh phương án tác chiến-trị an của xã (phường, thị trấn); phương án phòng chống cháy nổ, cháy rừng, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn,… cho phù hợp với tình hình. Đồng thời, Quân khu chú trọng chỉ đạo thực hiện nghiêm Quy chế 736 về hiệp đồng, phối hợp trong chỉ huy, chỉ đạo hoạt động của Bộ đội Biên phòng trong KVPT; Quy định 986 về bảo đảm vũ khí, trang bị và công cụ cầm tay cho Bộ đội Biên phòng trên địa bàn Quân khu; bảo đảm cho hoạt động SSCĐ và công tác hiệp đồng, phối hợp giữa lực lượng Bộ đội Biên phòng và LLVT Quân khu trong thực hiện nhiệm vụ tác chiến phòng thủ và bảo vệ an ninh biên giới, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải và quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Quân khu luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ QS,QP và kết hợp chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ QS,QP với các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) ở địa phương. Đây là nội dung có ý nghĩa vừa mang tính cấp thiết, vừa cơ bản lâu dài; đặc biệt, đối với Quân khu 7 là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Những năm qua, Quân khu đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương rà soát, thẩm định các quy hoạch, dự án phát triển KT-XH trên địa bàn, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng kinh tế, văn hoá, xã hội với thực hiện nhiệm vụ QP-AN, tăng cường tiềm lực quốc phòng của từng địa phương và của Quân khu. Căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của các tỉnh (thành phố) trên địa bàn, Quân khu chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương khảo sát, đánh giá tình hình phát triển KT-XH kết hợp với tăng cường củng cố QP-AN, nhất là việc quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống giao thông thuỷ, bộ và dự án trồng cây gây rừng, cải tạo địa hình; khảo sát hệ thống dây chuyền sản xuất công nghiệp để sẵn sàng chuyển sang sản xuất phục vụ nhu cầu quốc phòng khi cần thiết.

Trong xây dựng tiềm lực quân sự, cơ quan quân sự các cấp đã tham mưu đề xuất xây dựng nhiều công trình quốc phòng, công trình chiến đấu trong KVPT tỉnh và các huyện (thành phố, thị xã); xây dựng, nâng cấp các trụ sở cơ quan quân sự huyện, xã, Đồn Biên phòng; phối hợp chặt chẽ với các ngành thực hiện tốt nhiệm vụ QP-AN và phát triển KT-XH ở từng địa phương, cơ sở... Hệ thống giao thông trên địa bàn ngày càng phát triển, nhất là sau khi đưa vào khai thác, sử dụng tuyến đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương, đại lộ Đông-Tây, cầu Thủ Thiêm, Tỉnh lộ 25, cụm cảng Cát Lái và các trục đường liên huyện, liên xã, giao thông nông thôn (kể cả vùng sâu, vùng xa) cũng được quan tâm đầu tư, tạo sự cơ động, liên hoàn trong thế trận phòng thủ của địa phương và Quân khu. Trên tuyến biên giới và ven biển, trong đó có tuyến đường tuần tra dọc biên giới trên địa bàn, Quân khu đang chú trọng đầu tư, xây dựng, vừa bảo đảm cho phát triển KT-XH, vừa bảo đảm cơ động lực lượng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng. Hiện tại, Quân khu đang triển khai thực hiện Chỉ thị số 5445 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển KT-XH trên địa bàn toàn quốc, giai đoạn 2011 đến 2012”. Theo đó, Quân khu chỉ đạo bổ sung kế hoạch xây dựng KVPT các huyện đảo (Phú Quý, Côn Đảo); kế hoạch điều chỉnh, nâng cấp, bố trí công trình chiến đấu phòng thủ của Quân khu phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH và những thay đổi về mặt địa hình do sự tác động của quá trình CNH,HĐH trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Thuận; phối hợp chỉ đạo tiến độ cắm mốc biên giới và xây dựng khu vực phòng thủ trên tuyến biên giới Tây Nam…

Tập trung xây dựng LLVT Quân khu vững mạnh, nâng cao chất lượng tổng hợp, trước hết là chất lượng chính trị, sức mạnh chiến đấu, thực sự là nòng cốt trong việc thực hiện nhiệm vụ QS,QP. Căn cứ vào sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về thực hiện Đề án tổ chức lực lượng quân đội trong tình tình mới và xuất phát từ điều kiện, tình hình cụ thể của địa bàn, Quân khu tiếp tục chấn chỉnh tổ chức, biên chế cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, bảo đảm tính hợp lý, đồng bộ và cân đối giữa các lực lượng, các nhiệm vụ. Trong đó, Quân khu tập trung xây dựng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp làm then chốt; đẩy mạnh xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh  về chính trị và nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy, năng lực thực hành của đội ngũ chỉ huy các cấp, nắm vững chức trách, nhiệm vụ chuyên môn đáp ứng yêu cầu SSCĐ, huấn luyện, công tác; làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác QS,QP. Trong huấn luyện quân sự, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp sát với đặc điểm địa bàn, nhiệm vụ chiến đấu; bảo đảm cho bộ đội giỏi tác chiến bằng vũ khí, trang bị hiện có trong biên chế và khi được tăng cường binh khí, kỹ thuật; coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu cho các lực lượng theo yêu cầu, nhiệm vụ; kết hợp tổ chức huấn luyện với thực hành diễn tập của các cấp; nâng cao khả năng phối hợp tác chiến giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, tự vệ; phối hợp hoạt động có hiệu quả với lực lượng công an, biên phòng trong khu vực phòng thủ.

Lực lượng dân quân tự vệ được Quân khu xây dựng theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”; duy trì tỷ lệ khoảng 1,5% so với dân số, trong đó đảng viên đạt 16% trở lên; bảo đảm cơ cấu cân đối giữa lực lượng nòng cốt và lực lượng khác; ưu tiên cho các địa bàn trọng điểm (các xã biên giới, ven biển-đảo); tăng cường công tác giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, nâng cao chất lượng tổng hợp cho lực lượng dân quân tự vệ, bảo đảm đủ sức làm nòng cốt trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng, quản lý, huấn luyện lực lượng dự bị động viên có trình độ SSCĐ cao, khả năng huy động nhanh, kịp thời bổ sung cho đơn vị khi có yêu cầu.

Kế thừa và phát huy thành quả đã đạt được trong 65 năm qua, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trong LLVT Quân khu đang nỗ lực khắc phục khó khăn, đoàn kết, gắn bó với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ QS,QP, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.

Trung tướng TRIỆU XUÂN HÒA

Tư lệnh Quân khu

 

Ý kiến bạn đọc (0)