QPTD -Thứ Ba, 26/07/2011, 16:11 (GMT+7)
Quân khu 7 đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn

Quân khu 7 là một địa bàn chiến lược quan trọng của cả nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm về quốc phòng, quân sự của Đảng, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và các Tỉnh (Thành ủy) trên địa bàn Quân khu đã đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân (ANND), không ngừng tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh (QP-AN), bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nhanh, bền vững; đồng thời, sẵn sàng đánh thắng địch trong mọi tình huống, trước mắt tập trung đánh bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Trong xây dựng nền QPTD, Quân khu đặc biệt chú trọngcông tác giáo dục QP-AN cho toàn dân, trước hết là bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, nhằm tạo sự thống nhất về quan điểm, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ quốc phòng, quân sự. Đây là vấn đề hết sức quan trọng của cấp uỷ, chính quyền các cấp, của các cơ quan, ban, ngành tham mưu, là một nhiệm vụ vừa mang tính thường xuyên, vừa cơ bản lâu dài. Đặc biệt, trên địa bàn Quân khu 7, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng vấn đề “dân tộc, dân chủ, nhân quyền”, lợi dụng những khuyết điểm, tồn tại của ta trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới… để chống phá bằng nhiều thủ đoạn thâm độc, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền. Do đó, tăng cường giáo dục chính trị - tư tưởng, giáo dục QP-AN cho toàn dân, nhất là thế hệ trẻ, là yêu cầu bức thiết hiện nay, nhằm giúp mọi người nhận thức đúng đắn tình hình nhiệm vụ của địa phương, của đất nước; nâng cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Trong công tác giáo dục QP-AN, Quân khu chỉ đạo thực hiện theo phân cấp cho đối tượng cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên, chức sắc, chức việc tôn giáo và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Quân khu đã có nhiều giải pháp thực hiện đồng bộ, thích hợp, với tinh thần chủ động cao, tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quân sự, quốc phòng cho các đối tượng, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động đối với công tác QP-AN ở địa phương. Hầu hết cán bộ ban, ngành, sở, bí thư, chủ tịch quận, huyện, phường, xã đều đã qua các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN của Quân khu và địa phương. Những kết quả đạt được trong công tác giáo dục QP-AN có ý nghĩa quan trọng, góp phần thiết thực vào việc xây dựng, củng cố nền QPTD, thế trận QPTD gắn với thế trận ANND, xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn Quân khu. Qua đó, tạo được niềm tin vững chắc của các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao khả năng tự bảo vệ của các tổ chức, cá nhân. Hiện tại, Quân khu đang chỉ đạo Đồng Nai thí điểm, sau đó nhân rộng nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục QP-AN cho đối tượng là công nhân trong các khu công nghiệp. Đây là một thành công lớn trong xây dựng sức mạnh về tiềm lực chính trị - tinh thần của nền QPTD trên địa bàn Quân khu.

Cùng với tăng cường công tác giáo dục QP-AN, Quân khu và cấp ủy, chính quyền các cấp luôn chăm lo xây dựng “thế trận lòng dân”. Nội dung và phương thức xây dựng luôn được đổi mới, phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Nhà tình nghĩa”, “Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, “Chăm sóc sức khỏe cộng đồng”... Quân khu đã hoàn thành việc giải quyết chính sách cho các đối tượng theo các Quyết định: 290, 188 và 142 của Thủ tướng Chính phủ. Hằng năm, Quân khu tổ chức các đoàn, đội quân y khám bệnh, chữa bệnh, cấp thuốc cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa và nhân dân Cam-pu-chia. Không những thế, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang (LLVT) luôn có mặt kịp thời tại những nơi xung yếu để giúp nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống. Các việc làm trên đã tăng cường đoàn kết quân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ XHCN, góp phần làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Để xây dựng nền QPTD trên địa bàn ngày càng vững mạnh, Quân khu và các địa phương hết sức coi trọng việc kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với tăng cường tiềm lực QP-AN. Địa bàn Quân khu 7 có 9 tỉnh (thành phố), với tổng diện tích hơn 45 ngàn km2; có chiều dài bờ biển 332 km, vùng biển rộng khoảng 112 ngàn km2; có 2 huyện đảo (Phú Quý và Côn Đảo); có 615 km đường biên giới với Vương quốc Cam-pu-chia. Trong đó, có 7/9 tỉnh (thành phố) nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo thành tứ giác kinh tế (thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương); có 83 khu công nghiệp, 4 khu chế xuất, 2 khu công nghệ cao, 6 khu kinh tế mở và một công viên phần mềm,... Vùng kinh tế trọng điểm này thu hút tỷ lệ lớn đầu tư trong nước và nước ngoài, chiếm tỷ lệ 50% GDP của cả nước. Đó là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế; đồng thời, cũng tạo ra tiềm lực, sức mạnh quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH.

Xuất phát từ vị trí, tiềm năng và kinh nghiệm của những năm đổi mới, các tỉnh (thành phố) trên địa bàn Quân khu đang tập trung phát triển KT-XH, kết hợp kinh tế với quốc phòng, QP-AN với kinh tế, xây dựng nền QPTD, ANND vững chắc, thực sự là trung tâm động lực phát triển của phía Nam và cả nước. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân và các LLVT trên địa bàn tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển KT-XH với tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng. Cơ quan Quân khu và cơ quan Quân sự các tỉnh (thành phố) đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo việc phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình giao thông vận tải, bến cảng, sân bay, xây dựng cơ bản, bưu chính viễn thông, đầu tư phát triển du lịch... đều phải gắn với bảo đảm QP-AN ngay từ khâu quy hoạch. Trong quy hoạch xây dựng đô thị, phát triển sản xuất, nhất là các dự án lớn (hệ thống giao thông, các khu công nghiệp, khu chế xuất, bến cảng, sân bay, tầng hầm của các nhà cao tầng, quy hoạch tĩnh không,...) đều được thẩm định kỹ, nhằm cả mục tiêu KT-XH và QP-AN, bảo đảm có thể chuyển từ sản xuất thời bình sang thời chiến và sẵn sàng động viên phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn Quân khu đã được đưa vào quy hoạch trước mắt và lâu dài, sản xuất theo kế hoạch phát triển kinh tế ngành; đồng thời, cũng là cơ sở tiềm lực quốc phòng, có thể huy động phục vụ nhu cầu quốc phòng, trực tiếp là hoạt động tác chiến trong các khu vực phòng thủ khi có tình huống chiến tranh. Hiện tại, Quân khu đã chỉ đạo một số cơ sở sản xuất, công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp tư nhân xây dựng, phát triển lực lượng tự vệ, lực lượng dự bị động viên, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương, cơ sở và sẽ trở thành lực lượng chiến đấu khi cần thiết.

Ngoài việc xây dựng các công trình phục vụ sẵn sàng chiến đấu, Quân khu đang chỉ đạo các địa phương điều chỉnh cụm, tuyến dân cư vùng sâu, vùng xa ở tuyến biên giới, nhằm tổ chức, xây dựng lực lượng và thế trận QP-AN tại chỗ. Trong đó, tập trung xây dựng và phát triển các khu kinh tế - quốc phòng trên các hướng chiến lược, các địa bàn trọng điểm, gắn với phát triển KT-XH vùng biên giới, biển đảo. Riêng các doanh nghiệp quốc phòng thuộc Quân khu được sắp xếp lại, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng hướng, hiệu quả, chất lượng sản phẩm cao, đáp ứng yêu cầu quốc phòng và tham gia thị trường; gắn lao động sản xuất với sẵn sàng chiến đấu và bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, bão lụt. Đồng thời, Quân khu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện kế hoạch chỉ đạo các địa phương chuyển địa phương từ thời bình sang thời chiến; trong đó, có kế hoạch chuyển các nhà máy, xí nghiệp sản xuất phục vụ dân sinh sang sản xuất hàng quốc phòng phục vụ cho chiến tranh khi cần thiết.

Cùng với đó, Quân khu chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp của các LLVT, để thực sự đóng vai trò là lực lượng nòng cốt trong xây dựng, củng cố nền QPTD, thế trận QPTD trên địa bàn. Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã tập trung xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng tổng hợp, trước hết là chất lượng chính trị, trình độ chính quy, khả năng sẵn sàng chiến đấu của các LLVT. Quân khu chỉ đạo các địa phương, các cơ quan, đơn vị thường xuyên quan tâm, làm tốt công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả trước âm mưu “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, có lập trường kiên định, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm giữ vững trận địa chính trị - tư tưởng. Đồng thời, gắn giáo dục chính trị với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong LLVT Quân khu. Đối với lực lượng thường trực, được chấn chỉnh tổ chức, biên chế theo yêu cầu thời bình, sẵn sàng mở rộng khi có tình huống chiến tranh. Hiện nay, tổ chức, biên chế của các đơn vị LLVT Quân khu đạt 98% so với quy định của Bộ, trong đó khối bộ đội chủ lực đạt 97%, khối địa phương đạt 99%. Quân khu đang chỉ đạo tập trung xây dựng các đơn vị vững mạnh toàn diện; trong đó, tập trung xây dựng Đoàn S.5 là đơn vị “điểm” cho toàn quân về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có sức chiến đấu cao, khả năng cơ động nhanh, thực sự đóng vai trò là lực lượng chủ lực của LLVT ba thứ quân.

 Đối với nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên và công tác chuẩn bị động viên, Quân khu chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ đăng ký, quản lý chặt chẽ quân nhân dự bị. Hằng năm, các địa phương, đơn vị đều tổ chức phúc tra, khảo sát, bổ sung và giải ngạch; tổ chức chi trả phụ cấp,… theo Pháp lệnh về lực lượng Dự bị động viên; đồng thời, tổ chức huấn luyện và báo động, động viên thử, đạt kết quả khá tốt, đảm bảo về  quân số và thời gian quy định. Việc sắp xếp quân nhân dự bị đạt 97%; trong đó, hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật đạt 95,9%, tăng 9% so với năm 2008.

Lực lượng dân quân, tự vệ trên địa bàn Quân khu được xây dựng theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, bảo đảm độ tin cậy về chính trị và hiệu quả hoạt động. Đến nay, 100% xã (phường, thị trấn) đều tổ chức lực lượng dân quân, tự vệ; tỉ lệ chung toàn Quân khu đạt 1,68% so với số dân, trên hướng biên giới đạt 2,39%, hướng biển 1,49%; tỉ lệ đảng viên trong dân quân, tự vệ đạt 15,64%. Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân, từ năm 1996, Quân khu đã chỉ đạo xây dựng chi bộ quân sự ở xã (phường, thị trấn). Đến nay, toàn Quân khu đã xây dựng được 1.268 chi bộ quân sự xã (phường, thị trấn) và 52 tổ đảng, đạt 100%.

Hằng năm, Quân khu chỉ đạo các đơn vị, địa phương thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, huấn luyện cho các LLVT. Trong huấn luyện, tập trung nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu sát với thực tế, phương án tác chiến chống chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao của địch; đồng thời, coi trọng huấn luyện nâng cao khả năng phòng chống “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, tác chiến bảo vệ trị an, khắc phục thiên tai, cứu hộ, cứu nạn... Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các địa phương tổ chức diễn tập theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan quân sự, công an và các cơ quan chức năng làm tham mưu” trong hoạt động tác chiến của các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), nhằm xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD gắn với thế trận ANND trên từng địa phương của Quân khu ngày càng vững chắc.

Trung tướng TRIỆU XUÂN HÒA

Tư lệnh Quân khu

 

Ý kiến bạn đọc (0)