QPTD -Thứ Năm, 01/12/2011, 22:01 (GMT+7)
Quân khu 4 với nhiệm vụ xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Quân khu 4 được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ triển khai xây dựng 4 khu kinh tế- quốc phòng (KT-QP) trên địa bàn, gồm: khu KT-QP Mường Lát- Thanh Hoá, khu KT-QP Kỳ Sơn- Nghệ An, khu KT-QP Khe Sanh- Quảng Trị, khu KT-QP ASo, ALưới- Thừa Thiên Huế với tổng diện tích 182.772 ha. Các khu KT-QP trên địa bàn có quy mô xây dựng không giống nhau nhưng có đặc điểm chung đều là những khu vực xung yếu về quốc phòng- an ninh (QP-AN), nằm trên vành đai biên giới phía Tây, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt; dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số; kinh tế chậm phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là một số bản, xã thuộc phía Tây tỉnh Nghệ An và phía Tây tỉnh Thanh Hoá; trình độ của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở còn nhiều hạn chế. Trong các vùng dự án, tình hình an ninh diễn biến phức tạp, các hoạt động xâm nhập trái phép qua biên giới, móc nối, buôn bán ma tuý, di dịch cư tự do, lén lút truyền đạo trái pháp luật diễn ra thường xuyên, khó kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả. Đặc điểm tình hình trên đã tác động không nhỏ đến nhiệm vụ xây dựng và hoạt động của các đoàn KT-QP trên địa bàn.

Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng giao và xuất phát từ thực tế địa bàn, Đảng uỷ Quân khu đã ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo xây dựng các khu KT-QP; Bộ Tư lệnh Quân khu đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương tiến hành điều tra, khảo sát, lập quy hoạch và kế hoạch phát triển các vùng dự án. Mục tiêu cơ bản, xuyên suốt mà Quân khu xác định là, tập trung phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) các vùng dự án, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, kết hợp củng cố, tăng cường QP-AN ở các vùng dự án, trên cơ sở bố trí lại dân cư theo quy hoạch của sản xuất và mục tiêu lâu dài của QP-AN, hình thành các cụm làng, xã trên vành đai biên giới trong thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD) bảo vệ Tổ quốc. Để thực hiện được mục tiêu trên, Quân khu thành lập 4 đoàn KT-QP làm lực lượng nòng cốt xây dựng các khu KT-QP, từng bước kiện toàn tổ chức, biên chế, quy chế hoạt động; chỉ đạo các đoàn KT-QP lập kế hoạch phát triển từng thời kỳ, hằng năm theo các mục tiêu, chương trình dự án; đồng thời, phối hợp với cấp uỷ, chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức thực hiện sát với đặc điểm, tình hình của từng vùng dự án. Qua hơn 8 năm, việc xây dựng các khu KT-QP đã đạt kết quả toàn diện cả về KT-XH và QP-AN, tạo diện mạo mới trên tuyến biên giới, vùng sâu, vùng xa của địa bàn.
Kết quả nổi bật là các khu KT-QP đã tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH, trọng tâm là xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện cao thế 35 KV, trạm xá, nhà văn hóa, doanh trại và nhiều công trình khác. Đã mở mới một số tuyến đường nối thông ra vành đai biên giới như tuyến Khe Kiền-Na Ngoi (Kỳ Sơn), đường AĐới - Biên phòng (ASO ALưới), Hướng Phùng - Hướng Sơn (Khe Sanh), cùng với hàng chục ki-lô-mét đường liên bản, liên xã trong vùng dự án và vùng phụ cận, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển KT-XH, củng cố QP-AN. Trong đó, đã chú trọng đầu tư phát triển các hạng mục mà người dân được hưởng lợi trực tiếp như: cung cấp nước sạch, làm đập thuỷ lợi nhỏ, đường liên thôn, liên bản, hệ thống điện sinh hoạt. Ngoài các đập thủy lợi, hệ thống cung cấp nước sạch đã hoàn thành, các khu KT-QP đang triển khai xây dựng hệ thống điện ở bản Xa Ry, điểm dân cư mới Hướng Độ 2, đập thuỷ lợi Làng Cát, đường Hướng Phùng-Mã Lai (khu KT-QP Khe Sanh); đường Phù Khả-Phù Quặc, đập thuỷ lợi Trắc Nọi, hệ thống điện sinh hoạt giai đoạn 2, trại cây- con giống (khu KT-QP Kỳ Sơn); hệ thống nước sinh hoạt La Tinh, Con Tơm, đập thuỷ lợi Đông Sơn (khu KT-QP ASo, ALưới); đập thuỷ lợi Cà Tớp, Đập Bàn, cầu treo Phiềng Mòn (khu KT-QP Mường Lát), tạo cơ sở hạ tầng cho thực hiện chương trình cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân các vùng dự án. 
Đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với quy hoạch, bố trí, ổn định dân cư, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện ăn, ở, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của các khu KT-QP. Phát huy tối đa tiềm năng về đất đai, các khu KT-QP đã đẩy mạnh thực hiện các chương trình khai hoang đồng ruộng, khuyến nông, khuyến lâm, trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, các khu KT-QP đã đầu tư cải tạo hơn 100 ha đồng ruộng, xây dựng hệ thống thủy lợi nhỏ đảm bảo tưới tiêu, chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng phù hợp với điều kiện của mỗi vùng (tại khu KT-QP ASo, ALưới trước đây đồng bào chỉ biết chọc tỉa, nay biết làm lúa nước). Đặc biệt, mô hình trồng, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm cây dong riềng của đoàn KT-QP Kỳ Sơn đã mang lại hiệu quả thiết thực, thực sự giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, không trồng cây thuốc phiện (mô hình này hiện đang được nhân rộng tại 3 khu KT-QP còn lại). Quân khu đang tăng cường chỉ đạo các đoàn KT-QP mở rộng diện tích canh tác, gắn với nâng cao sản lượng, đảm bảo an ninh lương thực trong vùng, từng bước chuyển dần sang kinh tế hàng hóa với những loại cây công nghiệp, cây đặc sản, cây ăn quả, chăn nuôi, tập trung vào những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Những khu KT-QP có lợi thế về các sản phẩm cây công nghiệp, có thể phát triển thành hàng hóa, được tập trung đầu tư hỗ trợ để tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân. Trong đó, khu KT-QP Khe Sanh đầu tư chế biến, tiêu thụ cà phê, chè, dứa; khu KT-QP Kỳ Sơn mở rộng xưởng chế biến dong riềng, tinh bột sắn và chế biến, tiêu thụ gừng; khu KT-QP ASo, ALưới mở rộng chăn nuôi bò tập trung…
Thông qua các mục tiêu của dự án, chương trình trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, các đoàn KT-QP đã hợp đồng và giao đất, giao rừng đến từng hộ dân, tạo điều kiện cho nhân dân trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Đến nay, các khu KT-QP đã giao đất trồng rừng được 2.846 ha, khoanh nuôi tái sinh 2.400 ha, bảo vệ 16.500 ha rừng, kết hợp bảo vệ môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái, bảo vệ tài nguyên. Phấn đấu từ nay đến năm 2010,  mỗi năm trồng mới 350 ha rừng, chăm sóc 920 ha, khoanh nuôi tái sinh 1.500 ha và bảo vệ 16.500 ha rừng.
Thực hiện chương trình quy hoạch, bố trí, ổn định dân cư được coi là một trong những mục tiêu rất quan trọng, nhằm bố trí lại các điểm, cụm dân cư theo quy hoạch để phát triển sản xuất, gắn với xây dựng tiềm lực và thế trận QPTD trong vùng dự án. Các khu KT-QP đã hình thành các cụm, điểm dân cư; lồng ghép giữa kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng với tổ chức lại dân cư, hình thành các cụm thôn, bản, xã ngày càng khởi sắc trên vành đai biên giới. Đồng thời, các đoàn KT-QP đã phối hợp với chính quyền các cấp và các cơ quan có liên quan trong vùng thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ, ổn định dân cư, nhất là việc tiếp nhận dân từ nơi khác đến, di dân ra biên giới. Chỉ tính trong 3 năm (2005-2007), các khu KT-QP đã hỗ trợ, ổn định 2.069 hộ dân (mô hình làng thanh niên lập nghiệp Hướng Độ 2, khu KT-QP Khe Sanh, điểm dân cư Nậm Càn, khu KT-QP Kỳ Sơn; bản Phiềng Mòn xã Tén Tằn, khu KT-QP Mường Lát, là lực lượng tại chỗ vừa phát triển kinh tế hộ gia đình, hạn chế di cư tự do, vừa bảo vệ trật tự trị an nơi biên giới), góp phần quan trọng vào phong trào “xóa đói, giảm nghèo” của cả nước. Cùng với đó, các khu KT-QP đã đẩy mạnh thực hiện Chương trình 12 (quân-dân y kết hợp), các đoàn KT-QP đã xây dựng được 4 trạm xá khu vực, cấp cứu được 150 lượt người, khám, điều trị, cấp thuốc và tiền ăn miễn phí cho 17.300 lượt người.
Cùng với phát triển kinh tế, các đoàn KT-QP chú trọng công tác vận động quần chúng, coi đây là khâu quan trọng bảo đảm cho thực hiện thắng lợi dự án, nhất là thời kỳ đầu triển khai dự án. Thông qua hệ thống phát thanh và trực tiếp cử cán bộ, chiến sỹ xuống tận các thôn, bản, hộ gia đình tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chính sách dân tộc, tôn giáo; vận động quần chúng nhân dân đấu tranh với các phần tử phản động truyền đạo trái pháp luật, đấu tranh với các tệ nạn xã hội như buôn bán, sử dụng chất ma tuý, tái trồng cây thuốc phiện; giúp đồng bào các dân tộc xoá bỏ những tập tục lạc hậu, xây dựng thôn, bản văn hoá. Đồng thời, mỗi đoàn KT-QP trên địa bàn phấn đấu là “điểm sáng văn hóa” trong vùng. Bên cạnh đó, các đoàn còn kết hợp chặt chẽ với các lực lượng tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở địa phương, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, khả năng tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền cơ sở ở các vùng dự án. Phối hợp với các cấp, các ngành vận động nhân dân phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là phòng chống sốt rét, vệ sinh môi trường, phòng chống các tệ nạn xã hội, kết hợp tuyên truyền thực hiện kế hoạch hoá gia đình.
Đi đôi với phát triển KT-XH, các đoàn KT-QP rất chú trọng củng cố, tăng cường tiềm lực, thế trận QPTD, thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong vùng dự án. Các đoàn KT-QP phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế từ trong quy hoạch, kế hoạch phát triển dự án, làm cho mỗi bước tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội là một bước tăng cường QP-AN, xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân. Lực lượng dân quân, tự vệ, lực lượng dự bị động viên trong vùng dự án được xây dựng theo hướng chất lượng, hiệu quả. Đến nay, các xã trong các khu KT-QP đều tổ chức thành lập trung đội dân quân cơ động, hoạt động có nền nếp và đạt hiệu quả thiết thực. Các đoàn KT-QP thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng dân quân, tự vệ nắm chắc tình hình, tuần tra, canh gác bảo đảm trị an, tham gia phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống cháy rừng; đồng thời, tăng cường xây dựng, huấn luyện lực lượng dự bị động viên đúng nội dung, chương trình, sát với tình hình nhiệm vụ của từng đơn vị, góp phần tích cực trong việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng biên giới. 
Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, quá trình triển khai xây dựng các khu KT-QP còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là, tiến độ thực hiện các mục tiêu dự án chậm, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất; nguồn vốn đầu tư mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn còn rất thấp so với yêu cầu (chỉ đạt 30% kế hoạch); cơ cấu, nội dung đầu tư và đơn giá một số hạng mục công trình các dự án không phù hợp với thực tế hiện nay; một số quy định về tổ chức, biên chế và quy chế hoạt động của đoàn KT-QP chưa phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ trên địa bàn...
Phát huy kết quả, kinh nghiệm của những năm qua và để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu KT-QP trên địa bàn, Quân khu tăng cường chỉ đạo các đoàn KT-QP tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện các mục tiêu vùng dự án cả về kinh tế, văn hoá, xã hội, QP-AN. Chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành thực hiện các mục tiêu đã xác định của các đoàn KT-QP, cùng cấp ủy và chính quyền địa phương xây dựng các khu KT-QP phát triển về KT-XH, vững mạnh về QP-AN, góp phần bảo vệ vững chắc địa bàn.
Để tiếp tục thực hiện tốt chủ trương xây dựng các khu KT-QP, Quân khu đề xuất với Chính phủ, Bộ Quốc phòng, nghiên cứu mở thêm Dự án khu KT-QP trên tuyến biên giới Việt-Lào, tại huyện Quế Phong (Nghệ An), đây là vùng còn nhiều xã trong diện đặc biệt khó khăn, giao thông kém phát triển... Đồng thời, đề nghị Bộ Quốc phòng cho chủ trương điều chỉnh lại cơ cấu, nội dung đầu tư các dự án đã duyệt trước năm 2002, vì nhiều hạng mục thuộc dự án hiện nay không phù hợp với đơn giá mới; bố trí hợp lý các nguồn vốn đầu tư hằng năm đã được phê duyệt để hoàn thành dự án đúng kế hoạch và tiến độ; tạo hành lang pháp lý cho các đoàn KT-QP được ký kết các hợp đồng kinh tế, hợp đồng với người lao động để thực hiện những nội dung công việc khi đơn vị có nhu cầu. Mặt khác, nghiên cứu điều chỉnh biên chế, tổ chức, vũ khí, trang bị kỹ thuật của các Đoàn KT-QP phù hợp với đặc điểm, tính chất, nhiệm vụ, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. 
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cường
Phó Tư lệnh Quân khu
 

Ý kiến bạn đọc (0)