QPTD -Thứ Năm, 25/08/2011, 22:16 (GMT+7)
Quân khu 4 đẩy mạnh tăng gia sản xuất, góp phần giữ ổn định đời sống bộ đội

Địa bàn Quân khu 4 là nơi có địa hình phức tạp, đất đai khô cằn, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, hay xảy ra bão, lũ, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; nguồn cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ ăn uống của bộ đội có hạn, nhất là rau quả, thực phẩm. Những năm gần đây, do tác động của cơ chế thị trường, nên giá cả các mặt hàng này liên tục tăng cao, gây nhiều khó khăn cho công tác bảo đảm hậu cần, đặc biệt là bảo đảm đời sống, trực tiếp ảnh hưởng đến bữa ăn hằng ngày của bộ đội.

Trước bối cảnh đó, để tạo nguồn bảo đảm thực phẩm tại chỗ vững chắc, lâu dài, nhằm giữ ổn định và từng bước cải thiện đời sống bộ đội, Cục Hậu cần Quân khu đã chủ động tham mưu cho Đảng uỷ Quân khu ra Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác tăng gia sản xuất (TGSX); Bộ Tư lệnh (BTL) Quân khu ra Chỉ thị số 700/CT-TLQK về TGSX; trong đó, xác định rõ nội dung, phương hướng TGSX và xem đây là một khâu đột phá trong phong trào Thi đua Quyết thắng của Quân khu, một nội dung trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, với mục tiêu cụ thể là: phấn đấu tự túc đủ nhu cầu rau xanh, thịt, cá, đậu phụ, nước mắm; thực hiện “3 không” (không mua rau, không mua nước mắm, không mua đậu phụ ngoài thị trường), “3 xanh” (xanh vườn, xanh giàn, xanh trong kho)... Trên cơ sở đó, Cục Hậu cần đã xây dựng kế hoạch TGSX dài hạn và kế hoạch hằng năm; trong đó, nội dung, chỉ tiêu TGSX được xác định sát với từng loại hình đơn vị (đơn vị bộ binh đủ quân, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương...) và đặc điểm địa bàn (vùng núi, vùng đồng bằng ven biển, các đảo); đồng thời, tăng cường chỉ đạo cơ quan hậu cần các đơn vị chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chỉ huy cùng cấp biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác TGSX, phù hợp điều kiện của đơn vị mình. Việc chuẩn bị các yếu tố cần thiết cho TGSX, đặc biệt là nguồn nhân lực và nguồn vốn được Cục đặc biệt quan tâm. Theo đó, Cục đã chú trọng chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên nòng cốt, chuyên trách về công tác TGSX ở đơn vị, bằng các hình thức, như: cử đi học các lớp về trồng trọt, chăn nuôi; tổ chức các lớp tập huấn, tham quan các mô hình, cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất tốt trên địa bàn...; đồng thời, chỉ đạo tổ chức phổ biến rộng rãi kinh nghiệm, kỹ thuật TGSX cho bộ đội. Cùng với tổ chức phân bổ, chỉ đạo các đơn vị quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của Bộ Quốc phòng ứng cấp, Cục đã chủ động phối hợp với ngành Tài chính và khuyến khích các đơn vị huy động thêm các nguồn vốn khác để đầu tư, mở rộng TGSX; chỉ đạo hạch toán TGXS chặt chẽ, quy định thống nhất việc quản lý, phân phối, sử dụng và cách tính giá của các sản phẩm TGSX, bảo đảm đúng mục đích vừa thiết thực cải thiện đời sống bộ đội, vừa khuyến khích được người lao động và có tích lũy tái sản xuất.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ TGSX, các đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, yêu cầu của công tác TGSX tới từng cán bộ, chiến sĩ; các nội dung, chỉ tiêu TGSX được đưa vào nghị quyết lãnh đạo thường kỳ, chuyên đề và kế hoạch công tác của cấp uỷ, chỉ huy các cấp; kết quả TGSX được các đơn vị xác định là một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét thi đua khen thưởng hằng năm của các tập thể, cá nhân; do đó, đã tạo được sự thống nhất về nhận thức, ý thức trách nhiệm từ cơ quan đến đơn vị, xây dựng cho bộ đội quyết tâm khắc phục khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này.

Trước tình trạng hoạt động TGSX của các đơn vị mang tính manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu quanh bếp, quanh nhà, hiệu quả thấp, Cục Hậu cần đã tham mưu cho BTL Quân khu chỉ đạo các đơn vị quy hoạch lại TGSX gắn với quy hoạch tổng thể mặt bằng khu vực doanh trại, với quy mô tập trung hợp lý, theo hướng bền vững, khép kín, cơ bản, lâu dài, có trọng tâm, trọng điểm. Trên cơ sở đó, các đơn vị đã triệt để tận dụng điều kiện đất đai, mặt nước và không gian trong khu vực doanh trại, phát huy nội lực, huy động hàng ngàn ngày công của cán bộ, chiến sĩ tổ chức san lấp, cải tạo đất đai làm vườn, làm giàn, đào ao, đắp đập để nuôi cá và chủ động tưới tiêu, tổ chức TGSX phù hợp với điều kiện cụ thể của mình. Một số đơn vị đóng quân ở thị trấn, thị xã, quỹ đất có hạn đã chủ động thuê, mượn đất của địa phương để tổ chức sản xuất. Các đơn vị đã thực hiện tốt phong trào “Biến suối cạn thành suối rau, ao thả cá”, “Biến đất cằn sỏi đá thành khu TGSX, chăn nuôi tập trung, liên hoàn” và các cuộc thi “Xây dựng đơn vị TGSX giỏi” do Quân khu phát động, góp phần tạo bước chuyển mạnh mẽ và không khí thi đua sôi nổi trong TGSX. Mô hình TGSX “vườn, ao, chuồng, giàn” được các đơn vị đầu tư xây dựng phù hợp với từng cấp: cấp đại đội, tiểu đoàn tổ chức TGSX quanh bếp, quanh doanh trại gắn với bếp ăn tập trung; cấp sư đoàn, trung đoàn bộ binh và tương đương có vườn rau chuyên canh, trại chăn nuôi, trạm chế biến, khu giết mổ gia súc tập trung; cơ quan quân sự địa phương có các điểm TGSX gắn với căn cứ hậu cần khu vực phòng thủ. Để giúp các đơn vị tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện, Cục Hậu cần đã cử cán bộ xuống trực tiếp chỉ đạo, giúp đỡ đơn vị; đồng thời, lựa chọn và chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm về TGSX cho các loại hình đơn vị, địa bàn để tổ chức tham quan, trao đổi kinh nghiệm làm cơ sở nhân rộng. Do vậy, đến nay, hầu hết các đơn vị trong Quân khu đã xây dựng được hệ thống vườn, ao, chuồng, giàn cơ bản, đạt hiệu quả cao, tạo cảnh quan môi trường đơn vị “chính quy, xanh, sạch, đẹp”, với tổng diện tích lên tới gần 700.000 m2 vườn; 120.000 m2 giàn bê tông kiên cố; hơn 650.000 m2 hồ, ao nuôi, thả cá và hàng ngàn m2 chuồng trại.

Cùng với quy hoạch xây dựng cơ sở TGSX, công táctổ chức sản xuất được các đơn vị tiến hành chặt chẽ, thực hiện đồng bộ các biện pháp để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả TGSX; trong đó, chú trọng việc lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, ưu tiên các loại cây có khả năng chịu nắng hạn cao; chủ động lập kế hoạch và tổ chức gieo trồng theo mùa vụ, tích cực đa dạng hoá chủng loại rau màu, thực hiện xen canh, gối vụ, kết hợp rau ngắn ngày với rau dài ngày, luân canh để tăng sản lượng và trồng rải vụ để kéo dài thời gian thu hoạch, giải quyết khó khăn trong thời điểm giáp vụ. Các vườn chuyên canh được ưu tiên trồng các loại rau cao cấp, các loại củ, quả để dự trữ dài ngày; việc đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào TGSX, sử dụng cây, con giống mới, chất lượng cao và sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đơn vị quan tâm.

Về chăn nuôi, các đơn vị đã đẩy mạnh phát triển các điểm chăn nuôi tập trung theo hình thức nuôi công nghiệp kết hợp chăn nuôi phân tán; tập trung nuôi lợn, nuôi gia cầm lấy thịt, lấy trứng (hiện ở các đơn vị chủ lực bình quân cứ 3 người có một đầu lợn, các đơn vị khác 4 người có một đầu lợn; mỗi người thu hoạch 2 con gia cầm/ năm), nuôi cá thâm canh trên toàn bộ diện tích ao, hồ. Ngoài ra, các đơn vị còn phát huy lợi thế để chăn nuôi bò, dê, thỏ, lợn rừng, lợn nít, nhím, hải sản... Để chủ động nguồn con giống, chủ động điều chỉnh cơ cấu đàn, thực hiện mô hình chăn nuôi khép kín, nâng cao hiệu quả kinh tế, các đơn vị đã đầu tư phát triển mạnh đàn lợn nái sinh sản. Đến nay, toàn Quân khu đã có gần 400 con lợn nái sinh sản chất lượng cao, đáp ứng phần lớn nhu cầu con giống cho các đơn vị. Trong chăn nuôi, các quy trình kỹ thuật, nhất là phòng trừ dịch bệnh, kết hợp giữa nuôi lợn, nuôi gia cầm với nuôi cá, tận thu sản phẩm phụ chăn nuôi để trồng trọt, tạo nguồn chất đốt biogas luôn được thực hiện tốt.

Mặt khác, các đơn vị đã tăng cường đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động của các cơ sở sản xuất, trạm chế biến, giết mổ tập trung để cân đối, điều hoà sản phẩm TGSX trong đơn vị; tổ chức xay xát, giết mổ, chế biến giò chả, tích cực muối nén rau, củ, quả, làm đậu phụ, nước mắm... cung cấp cho các bếp ăn. Hiện nay ở các trung đoàn bộ binh đủ quân và đơn vị tương đương, cơ quan quân sự các tỉnh đều có trạm chế biến, giết mổ tập trung, hoạt động ổn định, có hiệu quả.

Bằng việc chủ động tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, biện pháp về lãnh đạo, chỉ đạo và chuyên môn nghiệp vụ; phát huy nội lực của các cơ quan, đơn vị, sức mạnh tổng hợp của mọi cán bộ, chiến sĩ, công tác TGSX của Quân khu đã có sự phát triển toàn diện, đồng đều ở cả các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương; đã và đang trở thành một phong trào sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ giúp ổn định, cải thiện đời sống bộ đội mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Công tác TGSX của Quân khu luôn được Bộ Quốc phòng đánh giá là điển hình tiêu biểu trong toàn quân. Tính riêng năm 2009, Quân khu thu hoạch bình quân 144,2 kg rau, củ, quả /người; 50,7 tấn lạc, vừng; 48,6 kg thịt xô lọc /người; 15,9 kg cá tươi /người; tổ chức xay xát được trên 7 trăm nghìn tấn gạo; chế biến hơn 440 tấn đậu phụ; làm gần 230.000 lít nước mắm; trồng mới 230 ha rừng với 122.570 cây các loại, trong đó có 15.850 cây ăn quả. Giá trị lãi từ TGSX bình quân đạt trên 700.000 đồng/ người; các đơn vị đã trích đưa vào ăn thêm thường xuyên từ 500-1.000 đồng/người/ngày. Hiện nay Quân khu đã tự túc được 100% nhu cầu rau xanh, kể cả lúc giáp vụ; 80% nhu cầu thịt, cá; 100% nhu cầu đậu phụ, nước mắm; đã chủ động được nguồn thực phẩm tươi, ngon, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giá rẻ hơn thị trường cùng thời điểm từ 5-10% đưa vào bữa ăn, hạn chế được tác động của việc giá cả tăng cao. Nhờ vậy, chất lượng bữa ăn của bộ đội được giữ ổn định và cải thiện rõ nét; kết quả bảo đảm về định lượng, nhiệt lượng luôn đạt và vượt quy định, góp phần quan trọng vào giữ vững sức khoẻ bộ đội, nâng cao chất lượng tổng hợp của các đơn vị, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Từ thực tiễn tiến hành công tác TGSX, ngành Hậu cần Quân khu rút ra một số kinh nghiệm, tạo cơ sở để tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác TGSX trong thời gian tới. Đó là:

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chỉ huy các cấp, phát huy vai trò nòng cốt của ngành hậu cần đối với công tác TGSX; coi đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan, đơn vị.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi cán bộ, chiến sĩ đối với công tác TGSX.

3. Làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng các mô hình TGSX, lựa chọn hình thức tổ chức TGSX, cơ cấu cây, con phù hợp đặc thù đơn vị, đặc điểm địa bàn; chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ-thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt.

4. Đầu tư xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về TGSX, tập trung đột phá vào các nội dung, các khâu còn yếu để kịp thời rút kinh nghiệm .

5. Chủ động đảm bảo đủ nguồn vốn cho TGSX; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên trách về TGSX ở các đơn vị.

6. Quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích các sản phẩm TGSX; giải quyết tốt mối quan hệ giữa trách nhiệm và lợi ích của người lao động.

Đại tá NGUYỄN DUY CẦN

Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu

 

Ý kiến bạn đọc (0)