QPTD -Thứ Sáu, 25/11/2011, 00:28 (GMT+7)
Quân khu 4 đẩy mạnh giáo dục quốc phòng, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Địa bàn Quân khu 4 có vị trí chiến lược trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh (BTL) Quân khu, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp luôn coi trọng công tác giáo dục quốc phòng (GDQP) toàn dân, coi đó là một giải pháp quan trọng góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) vững mạnh.

Quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, Chỉ thị số 62-CT/TƯ ngày 12- 2- 2001 của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác GDQP toàn dân trước tình hình mới", Nghị định số 15/2001/NĐ-CP ngày 01/5/2001 của Chính phủ về GDQP, Đảng ủy, BTL Quân khu đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai toàn diện công tác GDQP. Hằng năm, Quân khu đã tổ chức hội nghị liên tịch giữa Thường vụ Đảng ủy- BTL Quân khu với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của 6 tỉnh, ký kết văn bản về phối hợp thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng mà Nghị quyết Đảng ủy Quân khu đã xác định, trong đó có công tác GDQP. Tiếp đó, công tác này được triển khai thực hiện trong hội nghị quân chính các cấp. Nhờ vậy, công tác GDQP của Quân khu từ năm 2001 đến nay đã đạt được những kết quả tương đối toàn diện. Hội đồng GDQP các cấp, từ Quân khu đến tỉnh, huyện được thành lập, hoạt động theo quy chế, phát huy tốt vai trò tham mưu đối với cấp ủy, chính quyền cùng cấp. Công tác GDQP toàn dân được triển khai tới các đối tượng cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên (HS,SV) và nhân dân với nhiều hình thức phong phú, ngày càng mang tính xã hội hóa, đạt hiệu quả thiết thực. Trong đó, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (BDKTQP-AN) cho cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành được Quân khu và các địa phương coi trọng. Bởi lẽ, cán bộ là người giữ trọng trách trong bộ máy hành chính, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ QP-AN trong ngành, địa phương, cơ sở. Để thực hiện tốt công tác này, Hội đồng GDQP các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, chủ động mở được nhiều lớp BDKT QP-AN cho các đối tượng theo phân cấp. Năm 2006, toàn Quân khu đã mở được 1.082 lớp BDKT QP-AN cho 145.154 cán bộ (từ đối tượng 2 đến đối tượng 5), chất lượng bảo đảm. Qua đó, đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, đoàn thể đối với nhiệm vụ QP-AN, xây dựng nền QPTD trên địa bàn. Điểm nổi bật là, Quân khu đã chỉ đạo Bộ chỉ huy Quân sự các tỉnh phối hợp với các ban, ngành chức năng làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, mở được 15 lớp BDKT QP-AN cho 880 vị chức sắc, chức việc các tôn giáo. Sau khi được BDKT QP-AN, phần lớn số chức sắc, chức việc các tôn giáo đã nắm vững quan điểm và chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước; đồng thời, thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc nêu cao tinh thần đoàn kết lương - giáo, đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, sống “tốt đời, đẹp đạo”.
Công tác GDQP cho HS,SV được quan tâm đúng mức. Mục tiêu của GDQP cho HS,SV là nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, tạo điều kiện cho các em hướng nghiệp quân sự và tham gia các hoạt động quốc phòng ở nhà trường và địa phương. Cấp uỷ, chính quyền địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo các sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với các ban, ngành chức năng tổ chức GDQP cho HS,SV theo chương trình, nội dung, thời gian quy định. Riêng năm học 2006-2007, đã có 166/338 trường trung học phổ thông, 21/43 trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề tổ chức học rải môn GDQP. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên GDQP và từng bước chuẩn hóa đội ngũ này, các tỉnh đã cử nhiều giáo viên đi đào tạo tại các trường đại học và tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng giáo viên GDQP. Trung tâm GDQP đại học Huế đã tiến hành GDQP được 64 khóa cho 27.858 SV; ngoài ra, còn tham gia GDQP cho 7.793 HS,SV các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đối với trường đại học Vinh và đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), mặc dù có nhiều khó khăn do đang trong quá trình hình thành trung tâm GDQP, nhưng hằng năm cũng đã GDQP cho hàng nghìn sinh viên.
Công tác GDQP cho toàn dân có sự chuyển biến tích cực. Hội đồng GDQP Quân khu đã tham mưu cho Đảng ủy, BTL Quân khu chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng các chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền về hoạt động của LLVT, xây dựng nền QPTD trên địa bàn. Hội đồng GDQP các địa phương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan quân sự phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng thống nhất kế hoạch, tổ chức GDQP cho toàn dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: thông qua sóng phát thanh, truyền hình, báo địa phương, báo Quân khu và báo Quân đội nhân dân, vào dịp các ngày lễ lớn; thông qua các hoạt động tại địa phương, các hội nghị để lồng ghép tuyên truyền, giáo dục về nhiệm vụ QP-AN. Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền đã bám sát cơ sở, đưa tin, phản ánh kịp thời các hoạt động của LLVT và kết quả thực hiện nhiệm vụ QP-AN của từng địa phương; các gương điển hình, nguyên nhân và kinh nghiệm giải quyết các mâu thuẫn xảy ra ở cơ sở...
Kết quả đạt được trong công tác GDQP toàn dân có ý nghĩa quan trọng, trực tiếp góp phần vào sự nghiệp xây dựng nền QPTD, xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng LLVT, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng  của Quân khu và các địa phương trên địa bàn.
Thời gian tới, việc triển khai công tác GDQP toàn dân của Quân khu, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, cũng còn không ít khó khăn. Yêu cầu đặt ra đối với công tác GDQP là phải quán triệt nhiệm vụ QP-AN của Quân khu và các tỉnh (thành phố), phải bám sát tình hình thực tiễn, đặc điểm địa bàn...Quân khu 4 là một trong những địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch tăng cường chống phá thông qua chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ; là địa bàn còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, nhất là việc di dịch cư tự do, buôn bán, vận chuyển, ma túy qua biên giới, tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, tình hình tôn giáo ở một số địa bàn trong Quân khu còn phức tạp...Thêm vào đó, công tác GDQP trên địa bàn Quân khu những năm qua vẫn còn nhiều hạn chế. Tình hình đó đặt ra cho Đảng ủy, BTL Quân khu, cấp ủy, chính quyền các địa phương, Hội đồng GDQP các cấp phải tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GDQP. Theo đó, cần tập trung giải quyết một số vấn đề chủ yếu sau:
Một là, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nghị định của Chính phủ về công tác GDQP-AN đã được ban hành. Bám sát sự chỉ đạo của Hội đồng GDQP Trung ương, các bộ, ngành về công tác GDQP, vận dụng phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của Quân khu và các tỉnh trên địa bàn. Quá trình thực hiện, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các địa phương, tiếp tục làm chuyển biến nhận thức trong đội ngũ cán bộ và các tầng lớp nhân dân về công tác quân sự, quốc phòng nói chung, công tác GDQP nói riêng.
Hai là, thường xuyên kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng GDQP các cấp; tập trung chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, đề ra nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác GDQP. Hội đồng GDQP cấp trên tăng cường công tác kiểm tra đối với Hội đồng GDQP cấp dưới; kiên quyết khắc phục tình trạng nhận thức đơn giản, trách nhiệm chưa cao của một số thành viên trong Hội đồng. Hội đồng GDQP các địa phương cần tham mưu đề xuất với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên GDQP theo Thông tư liên tịch giữa các Bộ Giáo dục - Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Quốc phòng. Tiến hành khảo sát, nắm chắc đối tượng cán bộ trong diện BDKT QP-AN để phân cấp, mở lớp bồi dưỡng cho phù hợp; đặc biệt, chú trọng đội ngũ cán bộ, giáo viên trong ngành Giáo dục - Đào tạo, cán bộ trong các cơ quan, doanh nghiệp.
Ba là, đẩy mạnh thực hiện GDQP cho các đối tượng, trong đó tập trung BDKT QP-AN cho cán bộ theo phân cấp. Với cán bộ thuộc đối tượng 1, Quân khu chỉ đạo các địa phương cử cán bộ tham gia đúng thành phần, bảo đảm chỉ tiêu, thời gian theo kế hoạch triệu tập của cấp trên. Với đối tượng 2, thực hiện linh hoạt bằng hai phương thức kết hợp: Quân khu mở lớp và trường Quân sự Quân khu phối hợp với tỉnh tổ chức lớp tại các tỉnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế), trong đó trường Quân sự Quân khu đảm nhiệm về giáo viên và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho học viên sau khi hoàn thành khóa học. Đối tượng 3, phương thức thực hiện tương tự như đối tượng 2. Đối với các tỉnh có số lượng lớn cán bộ, ngoài việc mở các lớp tại trường Quân sự tỉnh, có thể giao cho cấp huyện mở một số lớp. Đối tượng 4 và 5, kiên quyết chỉ đạo 100% các huyện mở các lớp BDKT QP-AN cho đối tượng 4 và các xã mở lớp cho đối tượng 5. Phấn đấu 100% cán bộ thuộc các đối tượng trong nhiệm kỳ công tác đều hoàn thành chương trình BDKT QP-AN. Tiếp tục mở các lớp BDKT QP-AN cho các chức sắc, chức việc tôn giáo; phân loại đối tượng, phân cấp để mở lớp bồi dưỡng cho chức sắc tại tỉnh, chức việc tại huyện.
Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp để nâng cao chất lượng GDQP cho HS,SV; chỉ đạo các trường trung học phổ thông tổ chức học rải môn GDQP, phấn đấu năm 2007 có 60% số trường trung học phổ thông, 100% các trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề được học rải môn GDQP; đồng thời, chỉ đạo các trường tổ chức hội thao, hội thi môn GDQP. Cùng với đó, Quân khu chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan triển khai xây dựng các trung tâm GDQP, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của SV các trường đại học. Trước mắt, tập trung cải tạo và nâng cấp trung tâm GDQP đại học Huế, chủ động triển khai xây dựng trung tâm GDQP đại học Vinh và đại học Hồng Đức - Thanh Hóa theo Quyết định 104/2005/QĐ-TTg ngày 13-5-2005 của Thủ tướng Chính phủ.
Đẩy mạnh tuyên truyền GDQP toàn dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao nhận thức, xây dựng nền QPTD vững mạnh, góp phần giữ ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội  trên địa bàn Quân khu.
Phát huy kết quả đã đạt được trong những năm qua, Quân khu 4 tiếp tục phấn đấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GDQP toàn dân, đáp ứng yêu cầu tăng cường QP-AN, xây dựng nền QPTD vững mạnh, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Thiếu tướng Nguyễn Đình Giang
Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu
 

Ý kiến bạn đọc (0)