QPTD -Chủ Nhật, 21/08/2011, 00:04 (GMT+7)
Quân khu 3 quan tâm xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) trên địa bàn vững mạnh

Xây dựng các tỉnh (thành phố) thành khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc là một chủ trương chiến lược của Đảng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong đó, xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ (HCKVPT) là một nội dung quan trọng, nhằm tạo tiềm lực hậu cần vững mạnh, thế trận hậu cần liên hoàn, vững chắc, đảm bảo cho các lực lượng của KVPT, nòng cốt là lượng vũ trang (LLVT) hoạt động có hiệu quả trong thời bình và thời chiến.

Quán triệt sâu sắc Nghị quyết 02 của Bộ chính trị (khoá VI), các nghị quyết, chỉ thị của Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng KVPT và HCKVPT, Cục Hậu cần Quân khu 3 đã chủ động làm tham mưu cho Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu những chủ trương, biện pháp khả thi để phối hợp với cấp ủy, chính quyền các tỉnh (thành phố) trên địa bàn lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng HCKVPT đạt được kết quả quan trọng. Cùng với việc hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, điều hành theo tinh thần Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị, tổ chức HCKVPT các tỉnh được xây dựng ngày càng vững mạnh, bao gồm hậu cần các LLVT (quân sự, công an, biên phòng), kết hợp chặt chẽ với hậu cần nhân dân (HCND) theo kế hoạch thống nhất. Các tỉnh đã thành lập và thường xuyên kiện toàn Ban HCND các cấp (tỉnh, huyện, xã), phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo triển khai xây dựng HCKVPT theo các nội dung quy định. Ban HCND cấp tỉnh, cấp huyện đã xây dựng cơ chế phối hợp, kết hợp giữa HCND với hậu cần các LLVT; tiến hành khảo sát, lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng các căn cứ hậu phương (CCHP), căn cứ hậu cần (CCHC) trong KVPT; xây dựng kế hoạch động viên nền kinh tế địa phương, gắn phát triển kinh tế- xã hội với sản xuất tạo nguồn, dự trữ vật chất, xây dựng tiềm lực và thế trận hậu cần tại chỗ, nhất là đối với các tỉnh ven biển, biên giới (Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình). Hoạt động của HCND ở cơ sở (xã, phường, thị trấn) có bước chuyển biến tích cực; hầu hết ở các cơ sở đều thành lập quỹ quốc phòng- an ninh (QP-AN); hằng năm, các địa phương trích một tỷ lệ ngân sách của địa phương để duy trì hoạt động các đội QP-AN cơ sở; đồng thời, vận dụng hợp lý các chế độ, chính sách, động viên nhân dân đóng góp vật chất, công sức bảo đảm cho nhiệm vụ QP-AN, nhất là trong việc xử lý các tình huống khẩn cấp xảy ra ở cơ sở.  

 Cơ quan hậu cần Quân khu đã chủ động làm tham mưu cho Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu phối hợp với cấp uỷ, chính quyền các địa phương triển khai các dự án kết hợp kinh tế với quốc phòng (nội dung về xây dựng tiềm lực HCKVPT), nhất là trong các khu kinh tế- quốc phòng trên tuyến biên giới: Bình Liêu- Quảng Hà- Móng Cái. Cơ quan hậu cần quân sự các tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan rà soát, bổ sung hoàn chỉnh kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện vận tải, vật chất hậu cần trong các tình huống QP-AN và công tác phòng, chống bão, lụt, cứu hộ, cứu nạn.  Chương trình y tế quốc gia số 12 kết hợp quân- dân y được triển khai thực hiện có hiệu quả; mạng lưới y tế từ cấp tỉnh đến cơ sở được xây dựng tương đối khang trang, đồng bộ, từng bước bổ sung trang bị hiện đại, chất lượng đội ngũ thầy thuốc được nâng cao (100% trạm y tế các tỉnh đồng bằng, trung du đều có bác sĩ, y sĩ), không những tham gia có hiệu quả chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, mà còn góp phần tham gia thực hiện xoá đói, giảm nghèo, vận động quần chúng, nhất là tuyến biển đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Cơ quan hậu cần quân sự các địa phương cũng đã phát huy vai trò tham mưu nòng cốt trong xây dựng kế hoạch và tổ chức diễn tập KVPT có thực hành huy động lực lượng hậu cần dự bị động viên, huy động lực lượng, phương tiện, vật chất hậu cần cho các tình huống... Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tiềm lực và thế trận HCKVPT các tỉnh trên địa bàn Quân khu được tăng cường tương đối vững chắc; khả năng huy động nguồn nhân lực, vật chất, phương tiện hậu cần ở các cấp, các ngành được nâng cao; cơ chế vận hành hoạt động thông suốt; trình độ tổ chức, chỉ huy, điều hành xây dựng và hoạt động của HCKVPT được nâng lên một bước mới, góp phần xây dựng KVPT vững mạnh toàn diện, nâng cao khả năng bảo đảm hậu cần cho các LLVT thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và tham gia phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) các địa phương.  

Tuy vậy, công tác xây dựng HCKVPT các tỉnh trên địa bàn còn một số hạn chế. Nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, nhân dân địa phương về xây dựng HCKVPT chưa thật đầy đủ. Hiệu lực chỉ đạo, điều hành thực hiện chưa cao; hiệu quả hoạt động của Ban HCND các cấp còn hạn chế. Một số cơ quan hậu cần quân sự địa phương chưa phát huy đầy đủ vai trò tham mưu và phối hợp với các ngành của địa phương về xây dựng HCKVPT; tổ chức chỉ đạo thực hiện chưa thật sát với tình hình thực tiễn của ngành, địa phương. Ngân sách đầu tư cho xây dựng HCKVPT còn hạn hẹp. Khả năng HCKVPT mới chỉ bảo đảm được nhu cầu trước mắt, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu khi địch gây chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao...

Để tiếp tục xây dựng HCKVPT các tỉnh ngày càng vững mạnh, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu hậu cần cho các LLVT hoạt động và tác chiến trong KVPT và trên toàn địa bàn, thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau.

Trước hết, tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ về QP-AN, trực tiếp là Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới (nội dung về hậu cần), các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 về xây dựng KVPT và HCKVPT. Trên cơ sở đó, làm tốt công tác tham mưu cho Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, chủ doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, chủ hộ gia đình biên giới, chủ hộ tàu thuyền tuyến biển đảo... nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân về xây dựng HCKVPT trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập kinh tế quốc tế.

Hai là, phát huy tiềm năng, nguồn lực của các cấp, các ngành, các tổ chức KT-XH và toàn dân tham gia xây dựng tiềm lực hậu cần vững mạnh, thế trận HCKVPT liên hoàn, vững chắc. Theo đó, các KVPT địa phương cần tận dụng tối đa những thành tựu CNH, HĐH của địa phương và đất nước để đẩy mạnh xây dựng HCKVPT theo hướng hiện đại, vững chắc. Cơ quan hậu cần quân sự địa phương các cấp phát huy tốt vai trò nòng cốt của Ban HCND trong việc phối hợp, kết hợp với các ban, ngành địa phương tham gia xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH các lĩnh vực có liên quan, gắn với xây dựng, củng cố tiềm lực, thế trận HCKVPT, nhất là hệ thống giao thông (đường sắt, đường bộ, đường thủy); mạng lưới y tế; các cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ của các thành phần kinh tế. Cùng với việc thực hiện lồng ghép các dự án, chương trình phát triển KT-XH của Nhà nước trên địa bàn (nhất là tuyến biên giới, ven biển) với quy hoạch xây dựng các CCHP và CCHC trong KVPT, các địa phương cần tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến, thương mại, vận tải, dịch vụ kỹ thuật, cơ sở y tế...vừa phục vụ kinh tế dân sinh, vừa là nơi sản xuất, tạo nguồn, duy trì và nâng cao tiềm lực hậu cần phục vụ cho nhiệm vụ QP-AN trong thời bình và sẵn sàng cho thời chiến.

Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa công tác xây dựng, tạo nguồn thường xuyên với dự trữ HCKVPT (cả dự trữ vật chất và dự trữ tiềm năng) theo kế hoạch động viên nền kinh tế địa phương cho thời chiến. Trong điều kiện hiện nay, việc tổ chức dự trữ HCKVPT được thực hiện theo phân cấp, bao gồm: tại các chi cục dự trữ quốc gia ở địa phương, dự trữ của LLVT, dự trữ của các ngành kinh tế, dự trữ quốc phòng trong nhân dân. Do vậy, Ban HCND các cấp cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các lực lượng đứng chân trên địa bàn, xây dựng hoàn chỉnh cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực hậu cần phù hợp với các thành phần kinh tế, các lực lượng; đồng thời, tổ chức dự trữ, quản lý chặt chẽ cả về số lượng, chất lượng, chủng loại, nhằm duy trì đủ số lượng, chất lượng vật chất dự trữ theo quy định. Ngoài vị trí bố trí thường xuyên, triển khai xây dựng các CCHP, CCHC dự bị, xây dựng hệ thống hầm hào, cải tạo hang động, cải tạo địa hình che chắn, ngụy trang, bao gói bảo quản, nâng cao khả năng cơ động các lực lượng hậu cần, chủ động phòng tránh, bảo vệ hậu cần, duy trì tiềm lực và khả năng bảo đảm của HCKVPT.          

Bốn là, đẩy mạnh công tác huấn luyện, diễn tập, nâng cao trình độ tổ chức, điều hành và khả năng huy động, bảo đảm của HCKVPT trong mọi tình huống. Từ thực tiễn các cuộc diễn tập KVPT và thực hành huy động HCND các cấp cho thấy, giữa phương án bảo đảm và kế hoạch thực hiện đang còn có khoảng cách nhất định; đây cũng là vấn đề được các địa phương rất quan tâm. Vì vậy, cơ quan hậu cần quân sự địa phương các cấp cần chủ động làm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương tăng cường công tác huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức QP-AN và kiến thức chuyên ngành cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành của địa phương bằng các hình thức phù hợp. Bên cạnh đó, tăng cường và nâng cao hiệu quả các cuộc diễn tập HCKVPT, diễn tập chuyên ngành (kế hoạch-đầu tư, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông- vận tải, y tế, thông tin và truyền thông…), không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, trình độ quản lý, điều hành xây dựng và hoạt động của HCKVPT, góp phần nâng cao khả năng bảo đảm HCKVPT cho các LLVT đứng chân và hoạt động tác chiến trong các KVPT trên địa bàn Quân khu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong thời bình và sẵn sàng chuyển hóa thành thế trận hậu cần chiến tranh nhân dân khi có chiến tranh xảy ra, bảo vệ vững chắc địa bàn chiến lược trọng yếu của Tổ quốc trên hướng Đông Bắc.

Đại tá PHAN BÁ DÂN

Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu

         

 

Ý kiến bạn đọc (0)