QPTD -Thứ Ba, 16/08/2011, 00:12 (GMT+7)
Quân khu 3 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng-an ninh

Những năm qua, công tác giáo dục quốc phòng-an ninh (GDQP-AN) của các địa phương trên địa bàn Quân khu 3 đã đạt nhiều kết quả quan trọng, được Hội đồng GDQP-AN Trung ương đánh giá: triển khai công tác GDQP-AN tích cực, chủ động, đồng bộ, có nhiều đổi mới, sáng tạo, đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Điểm nổi bật là, công tác GDQP-AN của Quân khu luôn hướng về cơ sở, có sự phát triển về chiều sâu, đổi mới cả nội dung, phương pháp, nâng cao về chất lượng và số lượng, tạo sự chuyển biến đồng đều ở các địa phương. Đặc biệt, Hội đồng GDQP-AN Quân khu đã chỉ đạo các địa phương căn cứ vào đặc điểm, tình hình địa bàn, nhiệm vụ QP-AN để triển khai phù hợp; chú trọng triển khai ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều địa phương thuộc Quân khu đã chủ động, sáng tạo, đột phá trong việc mở rộng đối tượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN (đối tượng mà Hội đồng GDQP-AN Trung ương chưa quy định), tạo ra những mô hình mới, được nhiều địa phương trong cả nước tham quan, nghiên cứu học tập kinh nghiệm. Điển hình là, việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo, bắt đầu từ Thủy Nguyên (Hải Phòng), được tỉnh Thái Bình triển khai mở rộng trong toàn Tỉnh; GDQP-AN cho thanh niên đường phố, các chủ tàu, thuyền khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản và du lịch ở Hải Phòng, Quảng Ninh; mở rộng đối tượng là trưởng dòng họ, chủ các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Hòa Bình... Từ năm 2008 đến nay, các địa phương trong Quân khu đã tổ chức được 1.224 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 127.461 người thuộc các đối tượng. Đáng chú ý là, các địa phương trên địa bàn đã tổ chức được 153 lớp bồi dưỡng cho 20.336 người thuộc các đối tượng mới; trong đó, gồm: 23 lớp cho 2.076 vị chức sắc, nhà tu hành, chức việc các tôn giáo, chủ hộ gia đình Công giáo; 25 lớp cho 2.304 chủ tàu thuyền hoạt động du lịch, đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thủy, hải sản trên biển, chủ hộ trên tuyến biên giới, chủ hộ gia đình không có đảng viên, chủ hộ gia đình tiêu biểu dân tộc H’Mông; 3 lớp cho 221 phóng viên báo, đài phát thanh-truyền hình cấp tỉnh, huyện; 26 lớp cho 2.007 đoàn viên, thanh niên đủ điều kiện nhập ngũ sau sơ tuyển và 76 lớp cho 13.728 lượt người trong Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh cấp tỉnh, huyện, thành viên Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự cấp xã (phường, thị trấn) kiêm nhiệm công tác GDQP-AN. Trước sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều thành phần kinh tế, các địa phương trong Quân khu còn chủ động mở lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho giám đốc, phó giám đốc, cán bộ công đoàn các doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước; cán bộ, công nhân trong các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài...

Trước nhu cầu bức xúc về giáo viên GDQP-AN trên địa bàn, Quân khu đã tập trung chỉ đạo Trường Quân sự Quân khu và các địa phương đẩy mạnh đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên GDQP-AN. Trong hai năm qua đã đào tạo, bồi dưỡng được 536 giáo viên GDQP-AN cho các trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, cao đẳng, đại học trên địa bàn. Nhờ vậy, công tác GDQP-AN cho học sinh, sinh viên (HS,SV) đã được triển khai đồng đều trong các trường và đạt kết quả tích cực: có 316/378 trường tổ chức học rải theo quy định; hằng năm, trên 99% HS,SV hoàn thành môn học. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng Trung tâm GDQP Hải Phòng (trực thuộc Đại học Hải phòng) đã tổ chức GDQP-AN cho HS,SV của 6 trường đại học, như: Hàng hải, Điều dưỡng Nam Định, Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, Y khoa Thái Bình... và một số trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề trên địa bàn. Để tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần nâng cao chất lượng GDQP-AN cho HS,SV, Quân khu còn tăng cường chỉ đạo tổ chức hội thi, hội thao ở các cấp. Năm học 2007-2008, Quân khu đã tổ chức Hội thi GDQP-AN lần thứ 2 với sự tham gia của 26 trường thuộc 9 tỉnh trên địa bàn. Thực tiễn ở Quân khu cho thấy, môn học GDQP-AN đã mang lại hiệu quả thiết thực, được các nhà trường và HS,SV coi trọng, thực hiện nghiêm túc. Môn học không chỉ trang bị cho HS,SV ý thức, tri thức quốc phòng, kỹ năng quân sự cần thiết mà còn trực tiếp rèn luyện, xây dựng phong cách, nếp sống tập thể, tính kỷ luật trong sinh hoạt, học tập của HS,SV.

Cùng với đó, Quân khu và cấp ủy, chính quyền các địa phương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác tuyên truyền, GDQP-AN cho toàn dân. Từ năm 2008 đến nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có 5.954 tin, bài tuyên truyền, giáo dục về QP-AN của Quân khu. Trong đó, đã chú trọng tăng thời lượng, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức theo hướng tăng tính hấp dẫn để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Mặt khác, các địa phương còn thực hiện tốt chế độ tập huấn, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên, cộng tác viên làm công tác GDQP-AN ở cơ sở; tăng cường chỉ đạo lồng ghép tuyên truyền về QP-AN trong các ngày truyền thống, ngày lễ của dân tộc, ngày hội giao quân ở địa phương...

Có thể khẳng định công tác GDQP-AN trên địa bàn Quân khu 3 đã đi vào nền nếp, có chiều sâu, ngày càng vững chắc, đạt chất lượng, hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng xây dựng “thế trận lòng dân”, xây dựng tiềm lực chính trị -tinh thần của khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố). Từ thực tiễn thực hiện công tác GDQP-AN trên địa bàn Quân khu, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, để công tác GDQP-AN đạt hiệu quả cao, một yếu tố hết sức quan trọng là có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; nói cách khác, phải có sự “vào cuộc” của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đây là vấn đề đã được Chỉ thị số 12- CT/TW của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác GDQP-AN trong tình hình mới” quy định rõ: “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với nhiệm vụ GDQP-AN; công tác GDQP-AN phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền và vai trò tham mưu của các ban, ngành...”. Thực tiễn quá trình kiểm tra, thanh tra ở Quân khu cho thấy, địa phương nào mà cấp ủy, chính quyền quan tâm thì công tác GDQP-AN ở đó đạt chất lượng, hiệu quả và ngược lại. Một bài học sâu sắc ở Quân khu là, trước tình hình số lượng cán bộ thuộc đối tượng phải bồi dưỡng kiến thức QP-AN rất lớn, nếu chỉ tổ chức theo phân cấp đã quy định thì hết nhiệm kỳ đại hội đảng các cấp (2005), không thể hoàn thành chỉ tiêu. Vì vậy, năm 2003, Quân khu đã tổ chức hội nghị Đảng ủy mở rộng (mời cả chủ tịch các tỉnh về dự), đưa ra giải pháp sáng tạo là: kết hợp tổ chức bồi dưỡng cho đối tượng 2 tại Trường Quân sự Quân khu với bồi dưỡng tại Trường Quân sự các tỉnh; đối tượng 3 tại Trường Quân sự tỉnh kết hợp tổ chức bồi dưỡng tại các huyện (đây là mô hình mới, sau đó được nhân rộng trong cả nước). Sau hội nghị, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã thực sự “vào cuộc”, quan tâm chỉ đạo và đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp các trường quân sự... Do đó, đến hết năm 2004, Quân khu đã cơ bản hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho số cán bộ đối tượng 2 và 3 theo quy định.

Hai là, phải thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng GDQP-AN các cấp. Thực tiễn ở Quân khu 3 cho thấy, phần lớn các Hội đồng GDQP-AN hoạt động hiệu quả, song bên cạnh đó vẫn còn một số Hội đồng chất lượng hoạt động hạn chế, còn mang tính hiệp thương, hình thức; việc phân công, phân nhiệm cho từng thành viên Hội đồng chưa rõ ràng, nên có thành viên chưa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm. Để khắc phục những hạn chế đó, trước hết, cần tập trung nâng cao ý thức trách nhiệm của từng thành viên trong Hội đồng; giữ vững nguyên tắc và duy trì nền nếp, chế độ hoạt động của Hội đồng; bổ sung, kiện toàn kịp thời khi có sự biến động về mặt nhân sự, nhất là sau các kỳ đại hội đảng các cấp. Vấn đề hết sức quan trọng là, phải phát huy sự chủ động, sáng tạo của ban (bộ phận) thường trực trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung hoạt động của Hội đồng.

Ba là, bám sát chủ trương, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, tiếp tục mở rộng đối tượng, chủ động, sáng tạo đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp GDQP-AN. Việc đổi mới hình thức, phương pháp phải căn cứ vào đặc điểm từng đối tượng và đặc điểm dân cư, kể cả phong tục, tập quán của nhân dân trên địa bàn. Thực tiễn quá trình tổ chức thực hiện công tác GDQP-AN ở các địa phương trong Quân khu đã để lại nhiều bài học về sự chủ động, sáng tạo, đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức. Ví dụ: ở Nam Định, trong khóa bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc Tỉnh đã kết hợp tổ chức cho lớp học đi tham quan Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, về thăm quê Bác...; tỉnh Hòa Bình bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chủ hộ người dân tộc H’Mông kết hợp với tuyên truyền, vận động xóa bỏ cây thuốc phiện ở hai xã Hang Kia và Pà Cò, mang lại hiệu quả thiết thực.

Bốn là, tăng cường thực hiện chế độ kiểm tra, thanh tra. Đây là một biện pháp quan trọng, nhằm kịp thời phát hiện những nhân tố điển hình, cách làm hay để phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng điển hình; đồng thời, thấy rõ những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình tổ chức thực hiện, trên cơ sở đó giúp cấp dưới tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Hai năm qua, Quân khu và các tỉnh trên địa bàn đã tổ chức kiểm tra 33 Hội đồng cấp huyện, 262 Hội đồng cấp xã, 24 trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, cao đẳng, đại học và 7 doanh nghiệp trên địa bàn. Thông qua kiểm tra, Quân khu đã phát hiện và chỉ rõ những hạn chế của một số địa phương, cơ sở, như: phương pháp, hình thức tổ chức còn máy móc, nội dung giáo dục chưa sát với đối tượng; Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự cấp xã kiêm nhiệm nhiệm vụ GDQP-AN còn lúng túng về phương pháp triển khai, tổ chức thực hiện; công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước ở một số địa phương chưa tích cực, chưa kiên quyết... Cùng với đó, cần thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết đánh giá công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kết hợp với chủ động đề xuất giải pháp giúp địa phương, cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác GDQP - AN ở địa phương, cơ sở, nhất là đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ kết quả và những bài học kinh nghiệm trên, thời gian tới, Quân khu tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng về công tác GDQP-AN; thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng Hội đồng GDQP-AN các cấp, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng quy định từ 90% trở lên. Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, GDQP-AN gắn với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, góp phần bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, xây dựng ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Thiếu tướng TRỊNH DUY HUỲNH

Phó Tư lệnh Quân khu

 

Ý kiến bạn đọc (0)