Thứ Bảy, 23/11/2024, 15:46 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng (QS, QP) của Đảng, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương đề ra nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu cùng nhân dân các dân tộc trên địa bàn chủ động khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ QS, QP được giao. Nổi bật là, xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân (ANND) trên địa bàn ngày càng vững mạnh; công tác quản lý quốc phòng và giáo dục quốc phòng cho toàn dân được tổ chức chặt chẽ, có nền nếp, đạt hiệu quả thiết thực; chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của LLVT Quân khu không ngừng được nâng lên... Qua đó, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia; phòng chống có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH). Năm 2007, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của các tỉnh trên địa bàn Quân khu đạt 13,6%, tăng 1,03% so với năm 2006; các mục tiêu về phát triển KT-XH đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân địa phương được cải thiện, đồng bào phấn khởi, tin vào Đảng, chế độ và chính quyền, tích cực tham gia sản xuất, bảo vệ quê hương, đất nước.
Hiện nay và trong thời gian tới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN đứng trước cả thời cơ lẫn thách thức không nhỏ. Đặc biệt, các thế lực thù địch đã và đang triệt để lợi dụng việc ta hội nhập kinh tế quốc tế, lợi dụng các vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để chống phá ta trên các lĩnh vực. Trên địa bàn biên giới của Quân khu, nhất là trên tuyến biên giới phía Tây, chúng tăng cường hoạt động móc nối, kích động, chia rẽ các dân tộc, tổ chức vận chuyển, buôn bán vũ khí, chất nổ, ma túy qua biên giới, nhằm tạo ra các “điểm nóng”, hòng gây mất ổn định chính trị, tập hợp lực lượng chống đối... Trong nội địa, các hoạt động truyền đạo trái pháp luật, di, dịch cư tự do, tình trạng khiếu kiện đông người và các tệ nạn xã hội khác vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn ra bất thường, gây khó khăn cho sản xuất và công tác QS, QP của địa phương. Tình hình đó đòi hỏi quân và dân Quân khu 2 phải luôn nêu cao cảnh giác, đoàn kết thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp, đẩy mạnh xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD gắn với thế trận ANND vững chắc, trong đó cần tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ quốc phòng. Xây dựng nền QPTD là chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của Quân khu và các địa phương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này, cần huy động sự tham gia tích cực, tự giác của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các tổ chức, các lực lượng và toàn dân trên địa bàn, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, trong đó LLVT đóng vai trò nòng cốt. Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với LLVT Quân khu, nhất là cơ quan quân sự các cấp, là phải làm tốt vai trò tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ QS, QP và xây dựng nền QPTD. Trong đó, cần nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp lệnh và những văn bản pháp quy của Nhà nước về quốc phòng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Cơ chế 02 của Bộ Chính trị, để tham mưu, đề xuất các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, quản lý quốc phòng thống nhất trong toàn Quân khu. Chủ động tham mưu và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương chăm lo, củng cố, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp, nhất là năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, năng lực quản lý nhà nước của chính quyền, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn thể quần chúng, tổ chức chính trị-xã hội, đẩy mạnh phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng, an ninh (QP-AN), xây dựng đời sống văn hóa mới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, nhất là tại các xã trọng điểm về QP-AN, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng, an ninh (GDQP-AN), trọng tâm là lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 12-CT/TW ngày 3- 5- 2007 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác GDQP-AN trong tình hình mới”, trước hết tập trung nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp. Tiếp tục kiện toàn Hội đồng GDQP-AN các cấp; tổ chức rà soát, phân loại đối tượng, xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình GDQP-AN phù hợp cho từng đối tượng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc cả trong nhận thức, hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân và LLVT đối với nhiệm vụ QS, QP. Phấn đấu trong nhiệm kỳ của cấp ủy và Hội đồng nhân dân, 100% cán bộ chủ chốt các cấp được bồi dưỡng kiến thức QP-AN theo phân cấp. Cùng với đó, thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của Đảng ủy Quân sự các cấp; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sinh hoạt định kỳ của Đảng ủy Quân khu, Đảng ủy Quân sự cấp tỉnh, huyện và các hội nghị triển khai công tác quốc phòng từ Quân khu đến các địa phương. Xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp công tác giữa Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu với Tỉnh ủy, và Uỷ ban nhân dân các tỉnh; giữa cơ quan quân sự các cấp với cấp ủy, chính quyền cùng cấp, nhằm tạo sự thống nhất giữa Quân khu và các địa phương trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nhân lực, vật lực, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ QS, QP và xây dựng nền QPTD trên địa bàn Quân khu.
2. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, địa phương xây dựng thế trận QPTD vững chắc, gắn xây dựng thế trận QPTD với thế trận ANND. Quân khu 2 có 5/9 tỉnh biên giới, với 1.394,5 km đường biên giới quốc gia với Trung Quốc và Lào, có cửa khẩu quốc tế và nhiều cửa khẩu buôn bán tiểu ngạch. Địa bàn nơi đây đa dạng, phức tạp; cơ sở hạ tầng, KT-XH tuy đã có nhiều cải thiện, song vẫn thuộc diện chậm phát triển; đời sống vật chất, tinh thần, trình độ dân trí của đồng bào vùng núi, biên giới còn nhiều khó khăn, bất cập; nhiều tiềm năng, thế mạnh chưa được khai thác. Đặc điểm đó cho thấy, muốn xây dựng nền QPTD vững mạnh, Quân khu và các tỉnh phải có biện pháp đồng bộ, sát hợp, trong đó phải tập trung xây dựng thế trận QPTD, gắn với thế trận ANND vững chắc trên từng khu vực và toàn địa bàn, bảo đảm sự liên hoàn, liên kết vững chắc giữa các khu vực, mục tiêu, giữa tuyến trước với tuyến sau gắn với các đồn, trạm biên phòng, các lực lượng, đoàn thể địa phương, hình thành “thế trận lòng dân” gắn với thế phòng thủ chung của khu vực và cả nước. Để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, Quân khu cần chỉ đạo, hướng dẫn và cùng các cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh, huyện một cách toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu. Tập trung đầu tư xây dựng các công trình chiến đấu, căn cứ hậu cần-kỹ thuật, cải tạo và tổ chức quản lý chặt chẽ các hang động thiên nhiên có giá trị cho nhiệm vụ QS, QP; nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến đường cơ động, hệ thống thông tin liên lạc, các cơ sở bảo đảm y tế và các công trình kết hợp kinh tế với quốc phòng. Từ kết quả diễn tập KVPT tỉnh, huyện năm 2007 (diễn tập HN-07 của Quân khu do Bộ tổ chức và luyện tập chỉ huy-cơ quan Quân khu đạt kết quả tốt; tỉnh Lai Châu, Phú Thọ diễn tập KVPT đạt xuất sắc), tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng diễn tập KVPT tỉnh, huyện trong năm 2008, nhất là công tác chuẩn bị, xây dựng các kế hoạch, phương án tác chiến phòng thủ; nâng cao trình độ, khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa các đơn vị bộ đội chủ lực với lực lượng tại chỗ, giữa cơ quan Quân khu với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong xử lý các tình huống, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ diễn tập đề ra. Năm 2008, Quân khu chỉ đạo tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang tổ chức diễn tập KVPT, diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy nổ, cháy rừng và phối hợp với các tỉnh chỉ đạo xây dựng đường hầm sở chỉ huy, đường tuần tra biên giới, căn cứ hậu phương và một số hạng mục công trình quốc phòng trọng điểm khác. Phối hợp với các ban, ngành chức năng có liên quan, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH cho phù hợp, gắn quy hoạch ổn định và phát triển sản xuất với điều chỉnh bố trí lại dân cư, nhất là thực hiện di, dãn dân vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, Tuyên Quang và Lai Châu, từ đó điều chỉnh bố trí LLVT phù hợp với yêu cầu bảo vệ địa bàn. Chỉ đạo nâng cao hiệu quả phối hợp giữa lực lượng Quân đội, Công an và Bộ đội Biên phòng, nhất là phối hợp giữa lực lượng dân quân, tự vệ (DQTV), lực lượng công an xã và các đồn, trạm biên phòng trong việc quản lý chặt chẽ địa bàn, nắm chắc tình hình diễn biến ở cơ sở và chủ động xử lý kịp thời, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Đặc biệt, quán triệt Chỉ thị 14/CP ngày 14- 4- 2005 của Thủ tướng Chính phủ về củng cố, xây dựng vùng biên giới Việt Nam-Lào vững mạnh toàn diện, triển khai các dự án của Công ty Hợp tác Quốc tế, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển KT-XH kết hợp với xây dựng cơ sở chính trị vùng biên giới vững mạnh, quản lý chặt chẽ địa bàn, góp phần xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.
3. Tập trung nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và sức mạnh chiến đấu của LLVT Quân khu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trên cơ sở định hướng của Bộ Quốc phòng, tiếp tục rà soát, chấn chỉnh tổ chức biên chế LLVT Quân khu theo hướng ưu tiên bảo đảm quân số, vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các đơn vị làm nhiệm vụ SSCĐ, chống khủng bố, lực lượng chuyên trách phòng chống thiên tai, lực lượng làm nhiệm vụ trên các địa bàn trọng điểm, biên giới. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện bộ đội theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát với thực tế chiến đấu, đối tượng tác chiến, phù hợp với tổ chức biên chế, chức năng, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động và hình thái, phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân trong điều kiện mới. Tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì các cấp, coi đó là nhân tố quan trọng, quyết định đến chất lượng huấn luyện bộ đội. Phấn đấu 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp, trong đó có 60-70% cán bộ đại đội, 50-60% cán bộ trung đội đạt trình độ khá và giỏi. Tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động, phòng tránh, đánh trả tiến công đường không bằng vũ khí công nghệ cao của địch, huấn luyện đánh địch đổ bộ đường không, huấn luyện phương án chống bạo loạn, chống khủng bố, chiến đấu bảo vệ địa bàn, bảo vệ mục tiêu trong KVPT. Nâng cao chất lượng diễn tập chỉ huy-cơ quan, diễn tập chiến thuật tổng hợp, diễn tập phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống cháy nổ, cháy rừng; nâng cao khả năng, trình độ hiệp đồng tác chiến giữa các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, DQTV và các lực lượng khác, nhất là Công an, Biên phòng các địa phương. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự với đẩy mạnh xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật cho bộ đội. Phấn đấu chấm dứt vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, giảm tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường xuống dưới 0,4%, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.
Đối với lực lượng dự bị động viên, phải phấn đấu xây dựng theo quy định của Pháp lệnh, có số lượng cân đối, hợp lý, chất lượng tổng hợp ngày càng cao, nhất là chất lượng về chính trị. Thực hiện tốt việc đăng ký, quản lý, tạo nguồn và huấn luyện quân nhân dự bị; chú trọng công tác đào tạo sỹ quan dự bị và huấn luyện chuyển chuyên nghiệp quân sự, bảo đảm tỷ lệ đúng và gần đúng chuyên nghiệp quân sự, sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực khi có nhu cầu. Đối với lực lượng DQTV, tiếp tục triển khai xây dựng theo hướng “vững mạnh, rộng khắp”, bảo đảm quân số theo tỷ lệ quy định, có cơ cấu cân đối giữa lực lượng nòng cốt và lực lượng rộng khắp. Chú trọng nâng cao trình độ và khả năng SSCĐ của lực lượng DQTV cơ động, DQTV phòng không, đẩy mạnh xây dựng lực lượng tự vệ ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Phấn đấu đến năm 2010 có 100% chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn được đào tạo theo chương trình quy định, tỷ lệ đảng viên trong DQTV đạt 19%, góp phần nâng cao khả năng SSCĐ của LLVT Quân khu lên một bước mới, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trên địa bàn.
Trung tướng Đỗ Bá Tỵ
Ủy viên BCHTƯ Đảng, Tư lệnh Quân khu
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011