QPTD -Chủ Nhật, 14/08/2011, 00:09 (GMT+7)
Quan hệ giữa các nước lớn và an ninh toàn cầu hiện nay

Trước đây cũng như hiện nay, trên thế giới luôn diễn ra sự tranh giành quyền lực giữa các nước lớn. Nói một cách khác, với tiềm lực kinh tế, chính trị và quân sự hơn hẳn của mình, các nước lớn có một vị thế quan trọng; đặc biệt, mối quan hệ giữa họ có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình thế giới, nhất là đối với các vấn đề an ninh toàn cầu.

Trước những biến động phức tạp của khủng hoảng kinh tế, xung đột vũ trang, khủng bố, và trước những mối đe dọa của các vấn đề an ninh phi truyền thống, các nước lớn đều điều chỉnh chiến lược, điều chỉnh mối quan hệ với các nước khác, nhằm tạo lợi thế cho mình trong cuộc đua tranh quyền lực không có hồi kết. Xem xét quan hệ giữa các nước lớn và an ninh toàn cầu hiện nay, thấy nổi lên mấy điểm đáng chú ý:

Một là, ngày càng có nhiều nước muốn khẳng định vị thế “nước lớn” của mình trước thế giới và sự “trỗi dậy” của một số nền kinh tế đã làm cho cán cân quyền lực của thế giới thay đổi.

Đây là điều tưởng như mâu thuẫn với bối cảnh của thế giới ở thời điểm hiện tại. Bởi không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc khủng hoảng kinh tế mà loài người đang phải chứng kiến. Nhưng mức độ lún sâu vào cuộc khủng hoảng ở các quốc gia không giống nhau. Một số quốc gia giàu có, tuy phải chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cuộc khủng hoảng, nhưng nhờ tiềm lực vốn sẵn có từ trước, nên họ lại càng có điều kiện muốn thể hiện mình. Cùng với đó, xuất hiện nhiều nền kinh tế mới nổi, làm thay đổi bộ mặt của nền kinh tế thế giới. Những nền kinh tế này đã bổ sung một yếu tố hoàn toàn mới mẻ vào hệ thống quốc tế. Đó là nguyên nhân cơ bản khiến cho nhiều nền kinh tế lớn hiện nay muốn bước lên vũ đài quốc tế để khẳng định địa vị và gia tăng quyền lực của mình đối với phần còn lại của thế giới. Bằng chứng là, ngoài 5 nước lớn là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp) người ta dễ dàng nhận thấy Nhật Bản, Đức, Ấn Độ và một số nước khác đang nỗ lực (bằng nhiều cách khác nhau) để mong trở thành Ủy viên Thường trực của tổ chức quốc tế đầy quyền uy này. Một loạt các nước mà người ta tạm xếp là nước lớn vào loại hai, loại ba mới nổi lên, như Bra-xin, Ô-xtrây-li-a, Nam Phi, Mê-hi-cô, Hàn Quốc..., cũng đang xuất hiện trước “ánh sáng của sân khấu chính trường” thế giới. Để tăng thêm sức mạnh, khẳng định vị thế trung tâm của mình trong một trật tự thế giới mới theo hướng đa cực, đa trung tâm, nhiều nước lớn đã và đang tập hợp nhau lại, hoặc liên kết với nhau, hình thành nên các tổ chức, các khối, các trục trong khu vực và quốc tế. Sự tập hợp hoặc liên kết này có xu hướng ngày càng tăng. Bên cạnh Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Phong trào Không liên kết (NAM) còn có Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO)... Riêng các “G” (các nhóm nước), thì ngoài G-7, đến G-8, nay còn có G-14, G-20, nhóm ba nước trong “tam giác chiến lược” là Nga, Ấn Độ, Trung Quốc (RIC), nhóm các nền kinh tế mới nổi, gồm Bra-xin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, v.v.

Như vậy, cơn bĩ cực của nền kinh tế thế giới, nhìn ở một góc độ khác, lại là cơ hội vàng để nhiều nền kinh tế vượt lên và khẳng định địa vị quyền lực của mình. Đến đây, câu hỏi đặt ra là, an ninh toàn cầu sẽ ra sao, khi mà ngày càng có nhiều nước muốn tham gia vào cán cân quyền lực của thế giới? Thực tiễn sẽ có câu trả lời chính xác. Song, điều mà hầu hết các nước trên thế giới đều nhận thấy rằng, trật tự thế giới đơn cực được hình thành từ sau “chiến tranh lạnh” đã trở nên lỗi thời; thay vào đó, thế giới cần và phải xác lập một trật tự thế giới mới - một thế giới đa cực, đa trung tâm quyền lực. Đó là một đòi hỏi xuất phát từ thực tiễn đời sống xã hội quốc tế để đảm bảo rằng, trật tự thế giới mới có khả năng kiềm tỏa những hành động đơn phương của một siêu quyền lực; và thay vì bạo lực và đe dọa sử dụng bạo lực, phải hướng thế giới đến những điểm đồng, giải quyết xung đột, bất đồng bằng đối thoại, hợp tác. Đó còn là một trật tự thế giới mà trong đó ngày càng có nhiều quốc gia chia sẻ trách nhiệm của mình đối với các vấn đề mang tính toàn cầu, đặc biệt là vấn đề an ninh.

Hai là, quan hệ hợp tác (cả song phương và đa phương) giữa các nước lớn trở thành trào lưu mạnh mẽ. 

Tiêu biểu cho xu thế trên là quan hệ Mỹ – Nga. Đây vốn là mối quan hệ song phương quan trọng bậc nhất trên thế giới, xét trên tiềm lực sức mạnh chính trị-quân sự của hai nước và tầm ảnh hưởng của mối quan hệ giữa hai nước đến các vấn đề quốc tế. Tuy thế, trong những năm qua, quan hệ Mỹ – Nga chẳng mấy khi êm dịu, nhất là trong hai nhiệm kỳ của chính quyền G.W. Bu-sơ. Song, có vẻ khác với vị tiền nhiệm, người ta thấy, ngay sau khi trở thành ông chủ Nhà trắng, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã chủ động đối thoại, hợp tác nhằm cải thiện, “hạ nhiệt” quan hệ Mỹ – Nga. Ông nói: “Mỹ và Nga có nhiều điểm tương đồng hơn là sự khác biệt”. Tháng 3-2009, Mỹ – Nga tái khởi động đàm phán về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược. Tháng 6-2009, hai bên tiếp tục “đạt được tiến triển” trong vòng đàm phán thứ ba về hiệp ước mới thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn I (START-I). Đặc biệt, tháng 7-2009, trong chuyến thăm chính thức nước Nga, Tổng thống B.Ô-ba-ma và Tổng thống Đ.Mét-vê-đép đã tiến hành hội đàm trong bầu không khí được đánh giá là “thân thiện, cởi mở và chân thành”. Hai bên đã đưa vào chương trình nghị sự nhiều vấn đề quan trọng không chỉ đối với hai nước, mà còn đối với cả thế giới. Đó là các vấn đề: hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Âu, chương trình hạt nhân của I-ran và của Cộng hòa dân chủ nhân dân  Triều Tiên, Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới, việc mở rộng NATO sang phía Đông, cuộc xung đột ở Cáp-ca-dơ, ảnh hưởng trong không gian hậu Xô-viết, v.v. Trong các vấn đề đó, tuy hai bên còn tồn tại những bất đồng, nhưng kết thúc đàm phán, hai Tổng thống đã đặt bút ký một số văn kiện ghi nhận sự thoả thuận đối với một số vấn đề cụ thể trong quan hệ song phương. Đặc biệt, Nga đã thoả thuận cho Mỹ vận chuyển quá cảnh hàng hoá, binh sĩ và vũ khí qua lãnh thổ Nga trong cuộc chiến “chống khủng bố” mà Mỹ đang tiến hành tại Áp-ga-ni-xtan. Hai bên còn ra tuyên bố chung về hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu, về sự hợp tác Mỹ – Nga trong lĩnh vực hạt nhân và nhất trí thành lập Ủy ban của các Tổng thống để điều phối các vấn đề về phát triển, hợp tác.

Bên cạnh quan hệ Mỹ – Nga, quan hệ Mỹ–Trung gần đây cũng rất đáng quan tâm. Người ta bắt đầu nói đến khái niệm “cơ chế G-2”, và quan hệ Mỹ – Trung từ đầu năm 2009 đến nay đang được một số nhà phân tích nhắc đến như là một “cấu trúc quyền lực chính trị thế giới”. Không như quan hệ Mỹ – Nga, quan hệ Mỹ – Trung được coi là tương đối “ổn định và lành mạnh” từ thời chính quyền G.W. Bu-sơ. Trong thời gian qua, hai nước có đến 60 khuôn khổ đối thoại và nhóm làm việc song phương đã được thành lập, nổi bật nhất là đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ–Trung, đối thoại quan chức cấp cao Mỹ– Trung. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích quốc tế, mâu thuẫn về lợi ích chiến lược trong cuộc đua tranh giành ngôi vị giữa Mỹ và Trung Quốc là điều không dễ gì hóa giải, nên cái gọi là “cơ chế G-2” còn quá xa vời, thậm chí là ảo tưởng, chứ chưa nói đến một “cấu trúc quyền lực chính trị thế giới” trong thế kỷ 21.  

Cùng với các quan hệ song phương nêu trên, quan hệ Nga – NATO được khởi động trở lại từ sau cuộc chiến Nga – Gru-di-a; quan hệ Nga – Đức, Nga – Nhật và quan hệ Trung – Ấn có nhiều dấu hiệu tích cực, là yếu tố quan trọng, phản ánh nhu cầu đối thoại, hợp tác đang là một xu thế lớn hiện nay. Mặt khác, các quan hệ đa phương cũng có sự phát triển hơn lúc nào hết. Nổi bật về mối quan hệ đa phương trong thời gian qua là sự liên kết, hợp tác của nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRIC) và nhóm các nước SCO (gồm Trung Quốc, Nga, Ca-dắc-xtan, Cư-rơ-gư-xtan, Kiếc-ki-gi-xtan, U-dơ-bê-ki-xtan). Nhóm BRIC ra Thông cáo chung phản đối mạnh mẽ chủ nghĩa đơn phương, đơn cực, kêu gọi các quốc gia cùng góp sức xây dựng một hệ thống quan hệ quốc tế mới, dân chủ và đa phương hơn. Nhóm SCO ra Tuyên ngôn khẳng định tính chất không thể đảo ngược, hướng tới trật tự thế giới đa cực và vai trò ngày càng tăng của các tổ chức khu vực trong quá trình giải quyết các vấn đề toàn cầu. Hai tổ chức trên còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc củng cố cơ sở pháp lý của các quan hệ quốc tế, nâng cao vai trò điều phối của Liên hợp quốc trong các công việc quốc tế, tôn trọng nguyên tắc duy trì hoà bình, an ninh công bằng cho tất cả các quốc gia, giải quyết các xung đột quốc tế qua các biện pháp chính trị – ngoại giao và hoà bình.

Ba là, những thách thức đối với an ninh toàn cầu ngày nay đang có những diễn biến phức tạp và nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

Ai cũng biết, trong khi vẫn còn nguyên các thách thức đối với an ninh truyền thống (sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ; trong xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo và trong hoạt động khủng bố) thì loài người đang phải đối mặt gay gắt với những vấn đề an ninh phi truyền thống. Đó là những thách thức về an ninh xuất phát từ sự biến đổi khí hậu, nạn đói nghèo và dịch bệnh. Đặc biệt, sự nóng lên của khí hậu là tác nhân gây ra thảm họa toàn cầu về thiên nhiên, môi trường, dẫn đến nghèo đói, bệnh tật, làm bùng nổ các làn sóng di cư và xung đột; thậm chí, sự xung đột bắt nguồn từ biến đổi khí hậu có thể khiến chính phủ sụp đổ. Nhiều công trình nghiên cứu đều có chung cảnh báo rằng, trong vòng 20-30 năm tới, những khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp của sự biến đổi khí hậu sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực, khủng hoảng nước sạch, lụt lội và hạn hán ở mức độ nghiêm trọng. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những khu vực chịu tác động từ sự biến đổi khí hậu nhiều nhất là Tiểu sa mạc Xa-ha-ra (châu Phi), Trung Đông và khu vực Đông Nam Á. Đó là những vùng, khu vực vượt ngoài biên giới địa-chính trị, mà không một quốc gia nào, một khu vực nào có thể tự mình giải quyết được. Điều đó có nghĩa là, sự biến đổi khí hậu mặc nhiên lại trở thành những vấn đề an ninh truyền thống và nó không phải chỉ diễn ra cục bộ mà đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu.

Bởi vậy, dư luận chung cho rằng, trong khuôn khổ của các mối quan hệ giữa các nước lớn, thì đi đôi với lợi ích của mình, vấn đề an ninh toàn cầu phải được các bên quan tâm nhiều hơn, được thể hiện bằng những hành động cụ thể hơn. Chủ thể của các mối quan hệ này cần phải biết “cầu đồng tồn dị” để ngăn chặn xung đột, chiến tranh, loại bỏ chạy đua vũ trang; đồng thời, tăng cường chia sẻ trách nhiệm để đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống. Chỉ có đạt được những điều đó, mới có thể xóa đi những mối quan ngại cho rằng, quan hệ giữa các nước lớn không loại trừ chỉ là kiểu quan hệ “sớm nở tối tàn”, quan hệ “tay đôi, tay ba” để áp đặt, hay là quan hệ theo kiểu “bắt tay nhau trên lưng kẻ khác”, làm tổn hại đến lợi ích của nước thứ ba và cộng đồng quốc tế.

Đương nhiên, khi bàn về vị trí, vai trò quan trọng của quan hệ giữa các nước lớn đối với các vấn đề an ninh toàn cầu, không có nghĩa là địa vị của các nước còn lại và quan hệ, trách nhiệm của họ với thế giới bị xem nhẹ. Nói đúng hơn, quan hệ giữa các nước lớn giữ vai trò chủ đạo - là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo cho thế giới này an toàn hơn, nhưng chưa đủ. Hợp tác toàn cầu trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi mới là điều kiện tiên quyết để thế giới thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng và ngăn chặn nguy cơ xung đột, sự nóng lên của khí hậu, vấn đề an ninh lương thực và nạn đói nghèo trên thế giới hiện nay.

NGUYỄN TRUNG

 

Ý kiến bạn đọc (0)