QPTD -Thứ Sáu, 16/09/2011, 23:37 (GMT+7)
Quân đội tổ chức thực hiện có hiệu quả

Thực hiện chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Hội nghị Trung ương 4, khóa X của Đảng đã quyết định nhiều vấn đề kinh tế và chính trị quan trọng; trong đó có Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 05-02-2007 “Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)”. Tiếp đó, ngày 27-02-2007, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP về nội dung trên. Đây là sự thể hiện tư duy sắc sảo, nhạy bén của Đảng và Nhà nước ta trước yêu cầu mới của thực tiễn, khi nước ta trở thành thành viên WTO. 

Với tinh thần chủ động và trách nhiệm cao, Bộ Quốc phòng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP của Chính phủ. Mục tiêu hướng tới của Chương trình hành động là: xác định nhiệm vụ cụ thể của Bộ Quốc phòng trong giai đoạn 2008 - 2012 triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2007/ NQ-CP của Chính phủ; nhằm đảm bảo giữ vững quốc phòng-an ninh (QP-AN), ổn định chính trị-xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho nền kinh tế phát triển nhanh, thực hiện đúng các cam kết với WTO; đồng thời, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nâng cao sức mạnh chiến đấu để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

Để tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Bộ Quốc phòng, các cấp ủy, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tập trung thực hiện tốt những vấn đề chủ yếu sau.

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và thông tin tuyên truyền về các vấn đề liên quan đến việc Việt Nam gia nhập WTO. Cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, làm cho mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng và lực lượng dân quân, tự vệ (DQTV) quán triệt, nắm vững tinh thần, nội dung Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO và Chương trình hành động của Bộ Quốc phòng. Cùng với việc xây dựng chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền về chủ trương HNKTQT của Nhà nước và tham gia HNKTQT của các doanh nghiệp quân đội (DNQĐ), các đơn vị cần tổ chức cho bộ đội học tập các nội dung về hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) trong chương trình giáo dục chính trị hằng năm mà Bộ đã quy định. Qua đó, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội và lực lượng DQTV nhận thức rõ thời cơ, thách thức, nhất là những vấn đề tác động tới bảo đảm QP-AN. Phải thấy rằng, gia nhập WTO, bên cạnh những thuận lợi lớn để mở rộng quan hệ hợp tác, phát triển kinh tế, đổi mới công nghệ quân sự, phát triển công nghiệp quốc phòng, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, nâng cao tiềm lực quân sự và sức mạnh quốc phòng, dự báo: chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức gay gắt. Đó là, các thế lực thù địch có điều kiện áp sát, tiếp cận ta, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề mới, hình thành nhiều loại tội phạm phức tạp; chúng sẽ lợi dụng cơ hội để đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” (DBHB) chống phá ta trên mọi lĩnh vực. Nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ biên giới, đất liền, trên biển và trên không sẽ nặng nề và khó khăn hơn. Công tác xây dựng lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ khó khăn, phức tạp hơn. Đó là chưa kể đến nguy cơ “tự diễn biến” từ nội bộ, lơ là mất cảnh giác hoặc xem nhẹ bảo đảm QP-AN, một số cá nhân dễ bị tha hóa, biến chất; các tệ nạn xã hội cùng tình trạng đình công, biểu tình tự phát... dễ gây mất ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến QP-AN. 

Đi đôi với các vấn đề trên, các cơ quan chức năng cần kịp thời nghiên cứu, xây dựng và hướng dẫn các DNQĐ thực hiện quy định của các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, phù hợp với các nguyên tắc và quy định của WTO. Chú trọng tổng kết thực tiễn, phát hiện các điển hình, các DNQĐ tham gia HNKTQT đạt hiệu quả cao để tuyên truyền, nhân rộng mô hình; đồng thời, phát hiện những mặt hạn chế, sơ hở, mất cảnh giác trong quá trình HNKTQT để kịp thời khắc phục, giữ vững định hướng, thực hiện đúng cam kết với WTO.

Hai là, thực hiện đồng bộ các biện pháp, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế đất nước. Các cấp, các ngành có liên quan cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, thống nhất quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội kết hợp với tăng cường QP-AN, tránh chồng chéo, vướng mắc, cản trở việc thực hiện đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp trong tiến trình HNKTQT. Nghiên cứu, phân định rõ từng vùng, khu vực, ranh giới, vị trí được phép hay không được phép đầu tư nước ngoài ở từng địa phương để tham gia với chính quyền địa phương khi xem xét quyết định cấp phép đầu tư. Triển khai kế hoạch rà, phá bom mìn, vật cản, xử lý chất độc tồn lưu khu vực biên giới và các vùng có chiến tranh trước đây để bảo đảm an toàn cho phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương và cả nước. Hướng dẫn, giúp đỡ và bảo vệ an toàn, ổn định cho sản xuất, đầu tư, tạo lòng tin của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Xây dựng cơ chế và triển khai hợp tác việc phòng, chống cướp biển và hộ tống bảo vệ an toàn các tàu kinh tế thương mại lưu thông trên vùng biển nước ta. Triển khai các phương án bảo vệ an toàn cho các hoạt động kinh tế trên biển, nhất là các dự án hợp tác kinh tế quốc tế trên biển và thềm lục địa Việt Nam. Nâng cao khả năng phục vụ dịch vụ khai thác dầu khí, cứu hộ, cứu nạn trên không, trên biển và thềm lục địa; tham gia có hiệu quả vào việc khắc phục sự cố thiên tai, thảm họa. Đổi mới, tạo sự thông thoáng trong việc kiểm tra, giải quyết thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh qua biên giới, cảng biển, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế theo cam kết với WTO.        

Ba là, giữ vững và tăng cường sức mạnh quốc phòng trong quá trình HNKTQT.

Vấn đề quan trọng hàng đầu và xuyên suốt là giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, bảo đảm cho quân đội thực sự là lực lượng chiến đấu, lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) thời kỳ HNKTQT.  

Các cấp trong toàn quân và lực lượng DQTV cần có các biện pháp tăng cường đấu tranh phòng, chống chiến lược DBHB, nhằm vô hiệu hóa ý đồ, biện pháp của các thế lực thù địch trong xâm nhập, chuyển hóa tư tưởng, thúc đẩy “tự diễn biến” trong quân đội. Thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ban Chỉ đạo phòng, chống chiến lược DBHB; tích cực, chủ động chống âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch. Đồng thời, tăng cường huấn luyện cho các lực lượng trong quân đội và DQTV các phương án xử lý tình huống xấu có thể xảy ra.

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), thế trận QPTD, gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở các địa phương và trên cả nước, nhất là các địa bàn chiến lược trọng yếu về QP-AN. Tập trung đầu tư xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng (KT-QP) trên các địa bàn chiến lược. Đẩy mạnh xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động các khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện trong cả nước, nhất là trên các địa bàn chiến lược trọng yếu, biên giới, biển, đảo. Tiếp tục xây dựng, củng cố thế trận QPTD trên biển, đảo; thế trận phòng không 3 thứ quân bảo vệ bầu trời. 

Đẩy mạnh xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tăng cường khả năng và tiềm lực của quân đội, đáp ứng nhiệm vụ bảo đảm QP-AN trong tình hình mới. Cùng với việc xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tiếp tục điều chỉnh tổ chức lực lượng theo hướng giảm quân số, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện gắn với xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật trong toàn quân và công tác đào tạo trong các nhà trường quân đội. Từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm sức khỏe của bộ đội, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội. Bên cạnh xây dựng lực lượng thường trực, chú trọng xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh, sẵn sàng huy động khi cần thiết; xây dựng lực lượng DQTV theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp và hiệu quả hoạt động; nghiên cứu, xây dựng tổ chức lực lượng tự vệ ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho phù hợp với tình hình HNKTQT.

Tận dụng thời cơ hội nhập để mở rộng thị trường mua sắm vũ khí, trang bị công nghệ mới, tiên tiến phục vụ nhiệm vụ BVTQ. Từng bước hiện đại hóa các điều kiện bảo đảm phục vụ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong lĩnh vực QP-AN. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng và lưỡng dụng trọng yếu để đủ khả năng sản xuất các loại vũ khí, trang bị phù hợp với nhu cầu BVTQ trong tình hình mới.      

Phối hợp với Bộ Ngoại giao, đẩy mạnh công tác đối ngoại quân sự, tăng cường quan hệ quốc phòng với các nước trên thế giới, trước hết là các nước láng giềng có chung biên giới, bạn bè truyền thống, các nước lớn, các tổ chức khu vực và toàn cầu, tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng và BVTQ. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc đấu tranh chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia; xử lý tốt các mối quan hệ, giải quyết hợp lý, hợp tình các vấn đề nảy sinh, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định cho quá trình HNKTQT và giữ vững QP-AN đất nước.  

 Bốn là, hoàn thiện hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, quy phạm pháp luật và thể chế kinh tế; tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNQĐ trong tình hình mới.

Các cơ quan chức năng làm tham mưu giúp Bộ trong việc xây dựng, hoàn thiện và ban hành hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động kinh tế; trọng tâm là: Nghị quyết chuyên đề về quân đội sản xuất, xây dựng kinh tế trong tình hình mới; các cơ chế, chính sách về thương mại, dịch vụ, xuất khẩu, nhập khẩu liên quan tới hoạt động kinh tế của quân đội, phù hợp với các định chế của WTO; quy định quản lý tài chính các hoạt động có thu tại các đơn vị sự nghiệp; cơ chế chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNQĐ trong tiến trình HNKTQT; định hướng hoạt động kinh tế đối ngoại của các DNQĐ trong điều kiện HNKTQT; kế hoạch phối hợp hoạt động đối ngoại quân sự với hoạt động kinh tế đối ngoại...Đó cũng là quá trình thực hiện việc rà soát, sửa đổi, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách không phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã, đang và sẽ thỏa thuận vào chương trình xây dựng pháp luật.

 Cùng với đó, cần tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNQĐ trong tình hình mới. Tiến trình sắp xếp, đổi mới DNQĐ được cụ thể hóa trong từng giai đoạn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của quân đội và nhu cầu quân sự, quốc phòng, BVTQ thời kỳ HNKTQT. Các DNQĐ cần tích cực đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tập trung ưu tiên phát triển những lĩnh vực có ưu thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, nhất là về công nghệ viễn thông, dịch vụ hàng hải, cảng biển, bay dịch vụ...Tăng cường chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư, giữ vững, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp, đơn vị quân đội làm kinh tế. Coi trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các DNQĐ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật đầu ngành, công nhân có tay nghề cao và có tác phong công nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác kinh tế quốc tế của các DNQĐ, mở rộng liên doanh, liên kết kinh tế với các đối tác trong nước và nước ngoài trong việc đầu tư vào một số ngành công nghiệp lưỡng dụng, công nghệ gắn liền với sản xuất quốc phòng.

Năm là, phát huy và sử dụng hiệu quả các nguồn lực mà Nhà nước giao cho quân đội quản lý. Các cấp, các ngành thường xuyên thực hiện chế độ  kiểm kê, nắm vững thực lực về quỹ đất, quỹ nhà, trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị, DNQĐ, nhằm quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng nhà, đất quốc phòng. Tiếp tục đổi mới phương thức bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, tài chính của quân đội... phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu quân sự, quốc phòng trong tình hình mới. Phối hợp đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực trong mọi lĩnh vực hoạt động của quân đội...   

Sáu là, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo cho học viên trong các nhà trường quân đội và tăng cường bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ các cấp tại đơn vị về HNKTQT. Các nhà trường quân đội đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng chương trình, nội dung về HNKTQT để đưa vào chương trình đào tạo của từng cấp học, làm cho học viên nắm vững chủ trương, mục tiêu, quan điểm, nội dung HNKTQT và việc bảo đảm QP-AN của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng. Hằng năm, có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức QP-AN, thông tin kinh tế mới về HNKTQT cho cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, DNQĐ. Chú trọng bồi dưỡng những kiến thức về Luật và Điều ước quốc tế trong giao dịch, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ quân đội trực tiếp tham gia HNKTQT.    

Bảy là, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, địa phương, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, gắn với tăng cường QP-AN trên các địa bàn chiến lược biên giới, biển, đảo. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu KT-QP. Tăng cường lực lượng quân đội tham gia xây dựng kinh tế biển, đảo. Triển khai xây dựng thí điểm mô hình các điểm dân cư dọc biên giới gắn với các đồn biên phòng. Thực hiện có hiệu quả Đề án Quản lý rừng bền vững ở những khu vực Nhà nước giao cho quân đội quản lý. Đẩy mạnh các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, khuyến ngư, nhằm giúp nhân dân vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, biển, đảo phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Đồng thời, tổ chức tốt hoạt động dịch vụ “hai đầu”, giúp dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Chương trình hành động của Bộ Quốc phòng thực hiện Nghị quyết Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO có nội dung rộng lớn. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong quân đội cần quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động nói trên, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

Thượng tướng Nguyễn Văn Được

Ủy viên BCHTƯ Đảng, Thứ trưởng BQP

               

 

Ý kiến bạn đọc (0)