QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 22:50 (GMT+7)
Quân đội tiếp tục thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác” trong tình hình mới
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, sau khi đã có nghị quyết, chủ trương đúng đắn, Đảng ta luôn coi việc thực hiện tốt công tác dân vận là chìa khóa của sự thành công. Do đó, công tác dân vận được xác định là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, mọi lực lượng trong toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Riêng với quân đội ta – một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính trị - thực hiện công tác dân vận không chỉ với ý nghĩa là một nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao cho, mà còn xuất phát từ tình cảm, lương tâm, đặc biệt là từ mối quan hệ truyền thống đoàn kết máu thịt, cá-nước đã hình thành và được thực tiễn kiểm nghiệm, khẳng định từ ngày thành lập đến nay.

Quán triệt sâu sắc tinh thần các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân đội về công tác vận động quần chúng trong tình hình mới, nhiều năm qua, các đơn vị trong toàn quân căn cứ theo nhiệm vụ, tính chất hoạt động, địa bàn được phân công đã chủ động, tích cực triển khai công tác dân vận, đạt nhiều kết quả quan trọng, thiết thực góp phần xây dựng cơ sở chính trị các địa phương ngày càng vững mạnh, tham gia phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, củng cố “thế trận lòng dân”, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên các địa bàn, nhất là những địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ kháng chiến, vùng dân tộc thiểu số, tôn giáo. Hoạt động kết nghĩa giữa bộ đội với chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các địa phương luôn được duy trì thành nền nếp, có tác dụng tích cực. Hằng năm, các đơn vị chủ lực thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả kế hoạch hành quân dã ngoại làm công tác dân vận ở những địa bàn đặc biệt khó khăn, được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các địa phương đánh giá cao, giúp dân được nhiều việc thiết thực, để lại những tình cảm tốt đẹp và làm cho hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” ngày càng được khắc sâu đậm trong nhân dân. Các đội công tác và cán bộ được tăng cường về cơ sở đã nắm vững chức năng, nhiệm vụ, xác định tốt trách nhiệm, không ngại khó khăn, gian khổ, tích cực, chủ động, sáng tạo triển khai các nhiệm vụ được giao; theo sát cơ sở, thực hiện “4 cùng” với nhân dân, tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu đúng và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng lôi kéo, kích động ly khai, nói xấu Đảng, chế độ, phá hoại chính sách đại đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta. Các lực lượng làm công tác dân vận cũng đã làm tốt chức năng tham mưu giúp địa phương, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hoạt động thực tiễn của hàng nghìn tổ chức Đảng, tổ chức chính quyền, tổ chức quần chúng; giúp cho hàng trăm thôn, bản “trắng” nay đã có đảng viên, có chi bộ. Ngoài ra, các đơn vị còn tích cực giúp dân phát triển kinh tế-xã hội, định cư, định canh, xóa đói, giảm nghèo bằng những việc làm thiết thực như: xây dựng cơ sở hạ tầng; thực hiện chính sách xã hội đối với gia đình có công, hộ đói nghèo; khắc phục hậu quả thiên tai; hướng dẫn đồng bào kỹ thuật trồng lúa nước, kỹ thuật chăn nuôi gia súc và thay đổi cách nghĩ, cách làm, tập tục canh tác,v.v. Những việc làm cụ thể, thiết thực, có hiệu quả đó đã góp phần tô thắm thêm bản chất, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới và làm cho tình quân-dân ngày càng trở nên bền chắc.

Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm tốt, công tác dân vận của quân đội cũng còn bộc lộ những hạn chế. Đó là, nhận thức về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ, phương pháp và tác phong công tác, sự phối-kết hợp giữa các lực lượng cùng đứng chân trên địa bàn cần phải được giải quyết tốt hơn. Tuyên truyền, vận động nhân dân nhưng sự hiểu biết về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, những chủ trương, giải pháp cụ thể ở địa phương, địa bàn cũng còn những hạn chế. Một số ít cán bộ, đảng viên đi làm công tác dân vận nhưng lại chưa tiêu biểu, gương mẫu về đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật quan hệ quân dân...
Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Sự nghiệp đổi mới tuy đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử nhưng đất nước vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức. Thành công của Đại hội X của Đảng với quan điểm ngày càng sáng, rõ hơn của Đảng ta về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vào sự nghiệp đổi mới đất nước là một điều kiện vô cùng thuận lợi để quân đội tiếp tục góp phần thực hiện tốt hơn nữa công tác dân vận trong tình hình mới. Song cần thấy rằng, sau thành công của Đại hội X, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chống phá bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Chúng triệt để lợi dụng khó khăn về kinh tế-xã hội và những vấn đề nhạy cảm về dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền (nhất là trên các địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, vùng giáp biên giới, vùng sâu, vùng xa, các địa phương đặc biệt khó khăn) để xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kích động, phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.
Do đó, cùng với thực hiện tốt các chức năng “đội quân chiến đấu”, “đội quân lao động sản xuất”, các đơn vị quân đội cần tiếp tục phấn đấu làm tốt hơn nữa chức năng “đội quân công tác” trong tình hình mới, thiết thực góp phần xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương vững mạnh toàn diện, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị-xã hội; đồng thời tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng "thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.
Trước hết, công tác dân vận cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đường lối phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; làm cho nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo thấu hiểu đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo nhất quán của Đảng, pháp luật Nhà nước; không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng, nhận rõ chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ do các thế lực phản động, thù địch tiến hành, nhất là âm mưu, thủ đoạn lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, để nói xấu Đảng, chế độ, kích động dân tộc hẹp hòi, ly khai tự trị, gây mất ổn định chính trị trên các địa bàn. Cán bộ tăng cường cho cơ sở và các đội công tác cần thực hiện tốt hơn nữa chức năng tham mưu, đề xuất những chủ trương, biện pháp nhằm góp phần xây dựng, củng cố, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, năng lực điều hành của chính quyền, hiệu quả hoạt động của đoàn thể chính trị-xã hội các địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở vững mạnh; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ, đảng viên là người địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu xóa thôn, bản “trắng” đảng viên. Đồng thời, chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quân sự-quốc phòng, triển khai các phương án phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, phương án tác chiến trị an, bảo vệ địa phương, xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ vững mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho nền quốc phòng toàn dân ngay từ mỗi địa phương, cơ sở. Giúp dân phát triển kinh tế-xã hội, định cư, định canh, ổn định đời sống, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, xóa đói, giảm nghèo, ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao dân trí, vệ sinh, y tế,... vẫn là những công việc mà cán bộ, chiến sĩ các đội công tác phải tích cực tham gia bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Để thực hiện tốt những nội dung đó, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần thường xuyên chú trọng kiện toàn lực lượng làm công tác dân vận,  tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, nhất là những chính sách về ruộng đất, nông nghiệp nông thôn, chính sách dân tộc, tôn giáo; hiểu rõ những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, chống phá cách mạng nước ta, mà trọng điểm là trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, tôn giáo. Về kiện toàn các đội công tác và cán bộ tăng cường cho cơ sở, bên cạnh yêu cầu bảo đảm đủ về số lượng, tiêu chuẩn theo quy định, cần lấy chất lượng làm chính. Cán bộ, chiến sĩ làm công tác dân vận cần phải được bồi dưỡng một cách toàn diện, nâng cao lập trường giai cấp, xây dựng bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, ý chí quyết tâm cao, trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao hiểu biết về quan điểm, đường lối của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, về bản chất cách mạng, truyền thống của Quân đội nhân dân, từ đó có nhận thức đúng về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ làm công tác dân vận của đơn vị mình, cá nhân mình.
Cán bộ, chiến sĩ làm công tác dân vận phải có “tâm”, có “tầm”, do vậy ngoài việc nâng cao nhận thức, kiến thức, cần hết sức chú ý bồi dưỡng phương pháp, phong cách và tác phong công tác sâu sát cơ sở, sâu sát địa bàn, gắn bó máu thịt với dân.  Bác Hồ đã dạy: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh.” Lời dạy của Bác nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ chúng ta, làm công tác dân vận thì phải nắm chắc đặc điểm, tình hình của cơ sở; phải theo sát những diễn biến trên các mặt của địa phương, không được chủ quan, hời hợt, phiến diện; phải thường xuyên động não để có những phán đoán, dự báo chính xác; phải tham mưu đề xuất được những chủ trương, giải pháp phù hợp, khoa học, sát với nhu cầu của lãnh đạo, chính quyền, đoàn thể địa phương, giải đáp đúng nguyện vọng, bức xúc của nhân dân; đồng thời phải thực sự chủ động cùng địa phương triển khai đưa những chủ trương, giải pháp ấy vào thực tiễn đời sống. Đối với các địa phương đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, tôn giáo, cán bộ, đội viên các đội công tác phải thực hiện “4 cùng” với nhân dân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) để “nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”. Kinh nghiệm cho thấy, có thực sự sống trong dân, thường xuyên gần gũi, giao tiếp với dân mới học được tiếng dân tộc, mới hiểu đúng lòng dân, và cũng chỉ có như vậy sự tuyên truyền, giác ngộ mới thấm sâu vào nhân dân. Cần khắc phục tư tưởng nặng về hành chính quân sự, nắm dân không chắc, đại khái, qua loa, dẫn đến tham mưu chung chung, không sát, không cụ thể.
Một vấn đề hết sức quan trọng là, để thực hiện tốt công tác dân vận, mọi hoạt động của các đội công tác, các lực lượng làm công tác dân vận trong quân đội, trước hết phải được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn chặt chẽ của cấp ủy, chỉ huy đơn vị các cấp và sự điều hành thống nhất của cấp ủy, chính quyền các địa phương; sự phối-kết hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội.
Trong bối cảnh hiện nay, nhất là trước những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường, cần chú ý quản lý chặt chẽ cán bộ, chiến sĩ làm công tác dân vận, vì phần lớn họ phải công tác độc lập, xa đơn vị, xa gia đình; khó khăn, vất vả, thiếu thốn dễ nảy sinh tiêu cực, thậm chí vi phạm kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước. Do vậy phải kết hợp chặt chẽ công tác giáo dục chính trị, công tác tư tưởng, công tác tổ chức và công tác chính sách, đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý, rèn luyện, kiểm tra đảng viên, cán bộ, chiến sĩ; bảo đảm duy trì nghiêm kỷ luật quân đội, tuyệt đối không để xảy ra vi phạm về đạo đức, nhất là vi phạm kỷ luật trong quan hệ quân-dân, góp phần không ngừng củng cố hình ảnh cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.
 
Trung tướng Đàm Đình Trại
Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị
  
 

Ý kiến bạn đọc (0)