Thứ Bảy, 23/11/2024, 09:20 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, nhưng hậu quả của nó để lại đối với nước ta còn rất nặng nề; trong đó, bom mìn vật nổ (BMVN) sót lại sau chiến tranh là một hiểm họa về nhiều mặt đối với đất nước và con người Việt Nam. Theo số liệu điều tra, chỉ tính riêng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng hơn 15 triệu tấn bom, đạn; hiện còn sót lại chưa nổ ước tính khoảng 800 ngàn tấn, gồm nhiều chủng loại, nằm trong môi trường đất, nước và ven biển của cả nước, nhất là ở các tỉnh miền Trung; làm ô nhiễm hơn 6,6 triệu ha (chiếm trên 20% diện tích đất đai toàn quốc). Để dò tìm, xử lý (DTXL) làm sạch hết diện tích bị ô nhiễm BMVN ở Việt Nam, chúng ta còn phải chi phí hàng chục tỷ USD và mất hàng trăm năm nữa.
BMVN còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam đã tác động, gây hậu quả nặng nề về nhiều mặt; làm hơn 42.000 người chết, trên 62.000 người bị thương, hàng vạn người bị tàn tật suốt đời. BMVN sót lại gây tác động tiêu cực về xã hội, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và an ninh, trật tự, an toàn xã hội; làm ô nhiễm môi trường trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ cộng đồng; gây tổn thất lớn về kinh tế, làm hạn chế diện tích đất sinh hoạt, canh tác, phát triển sản xuất, làm tổn thất nhiều tài sản của Nhà nước và nhân dân, làm hư hỏng nhiều loại phương tiện, thiết bị thi công, các công trình...
Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm khắc phục hậu quả chiến tranh; trong đó, công tác DTXL BMVN là một trong những vấn đề quan trọng và cấp bách, nhằm giảm thiểu các tai nạn nổ, bảo đảm an toàn cho con người, môi trường, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) đất nước. Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, Chính phủ đã triển khai thực hiện việc DTXL BMVN còn sót lại sau chiến tranh; tổ chức thu gom, xử lý được gần 4 triệu quả mìn, 8 triệu vật nổ và gần 10 ngàn tấn BMVN các loại, giải phóng gần 20.000 ha đất, góp phần quan trọng vào xây dựng và phát triển KT-XH của các địa phương. Hằng năm, Nhà nước phải chi một khoản ngân sách lớn cho việc rà phá BMVN và thực hiện các chính sách xã hội đối với các nạn nhân do BMVN sót lại gây ra. Tuy nhiên, công tác DTXL BMVN lúc đó mới chỉ giải quyết yêu cầu trước mắt, chủ yếu thu gom, xử lý các loại BMVN nằm trên mặt đất, hoặc đến độ sâu 0,3 m trong phạm vi diện tích hẹp, tập trung ở các vùng đất canh tác, các công trình xây dựng công nghiệp, dân dụng theo chương trình, dự án phát triển KT-XH, còn các loại BMVN nằm sâu trong lòng đất trên diện rộng vẫn chưa được dọn sạch.
Từ thực tiễn DTXL BMVN cho thấy, đây là lĩnh vực rất khó khăn, tiềm ẩn sự nguy hiểm, đòi hỏi phải có lực lượng chuyên trách được tổ chức chặt chẽ, có trang bị chuyên dùng và trình độ nghiệp vụ chuyên ngành cao, đủ khả năng thực hiện có hiệu quả cả trước mắt và lâu dài. Đảng, Nhà nước tin tưởng giao cho Quân đội thực hiện nhiệm vụ DTXL BMVN còn sót lại sau chiến tranh trên phạm vi cả nước. Bộ Quốc phòng đã giao cho Binh chủng Công binh làm lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ quan trọng này; đồng thời, chỉ đạo Bộ Tư lệnh Công binh phối hợp với các cơ quan có liên quan làm tham mưu cho Bộ về các hoạt động DTXL BMVN, thành lập Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (BOMICEN) để giúp Binh chủng Công binh làm tham mưu cho Bộ về kỹ thuật DTXL BMVN và chỉ đạo nghiệp vụ rà phá bom mìn trong toàn quân.
Điểm nổi bật là cơ quan chức năng đã làm tham mưu cho Bộ Quốc phòng về xây dựng, ban hành hệ thống văn bản pháp quy (quy trình, định mức dự toán, chế độ, chính sách,...) để lãnh đạo, chỉ đạo công tác DTXL BMVN ở Việt Nam; xây dựng, ban hành cơ chế tiếp nhận và tổ chức thực hiện các dự án do các nước, các tổ chức quốc tế tài trợ để khắc phục hậu quả BMVN do chiến tranh để lại; nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, các loại trang bị kỹ thuật mới phục vụ công tác DTXL BMVN. Cùng với đó, tích cực chuẩn bị và triển khai điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm BMVN trên toàn quốc. Ngoài việc hoàn thành Đề án Điều tra sơ bộ mức độ tồn lưu BMVN và những thiệt hại do bom mìn gây ra trên phạm vi toàn quốc, năm 2008, BOMICEN đã hoàn thành việc điều tra, khảo sát và đánh giá tác động của sự ô nhiễm BMVN còn sót lại sau chiến tranh ở 6 tỉnh miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế và Quảng Ngãi). Hiện nay, đang chờ kinh phí để triển khai thực hiện Dự án Điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm BMVN trên phạm vi toàn quốc (theo Quyết định số 96/2006/QĐ-TTg, ngày 04-5-2006 của Thủ tướng Chính phủ); khi Dự án này hoàn thành sẽ có đủ cơ sở cần thiết để hoạch định chiến lược tổng thể cho nhiệm vụ DTXL BMVN sau chiến tranh và có kế hoạch huy động nguồn lực của Nhà nước và kêu gọi sự giúp đỡ của quốc tế để thực hiện DTXL hết diện tích bị ô nhiễm BMVN còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam. Lực lượng DTXL BMVN thường xuyên được kiện toàn, từng bước được bổ sung trang thiết bị chuyên dùng cần thiết, đồng bộ và được đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ chu đáo đã thực hiện có hiệu quả công tác rà phá BMVN. Trung bình hằng năm, các đơn vị DTXL được từ 15.000- 20.000 ha đất bị ô nhiễm và thu hồi, xử lý an toàn hàng trăm tấn BMVN. Đến nay, ước tính đã DTXL được khoảng 3,28% diện tích đất bị ô nhiễm trên cả nước, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển KT-XH đất nước. Bộ Quốc phòng cũng đã làm tham mưu cho Chính phủ về hợp tác quốc tế và tranh thủ sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế đối với công tác DTXL và khắc phục hậu quả BMVN sót lại gây ra. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, đàm phán, Chính phủ một số nước (trong đó có Hoa Kỳ và Nhật Bản) đã có sự hỗ trợ trang bị, kinh phí cho Việt Nam thực hiện DTXL và khắc phục hậu quả BMVN còn sót lại sau chiến tranh. Bước đầu, Chính phủ Hoa Kỳ đã chuyển giao cho Việt Nam một số trang bị để hỗ trợ công tác DTXL BMVN (giá trị khoảng 10 triệu USD); đồng thời, hỗ trợ 2 triệu USD (thông qua Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam- VVAF) cho việc thực hiện dự án điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm BMVN tại 6 tỉnh miền Trung. Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ một số loại thiết bị (giá trị khoảng 11,2 triệu USD) để khắc phục BMVN phục vụ xây dựng đường Hồ Chí Minh. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) hỗ trợ 5 triệu USD (thông qua Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho công tác tuyên truyền, giáo dục phòng tránh BMVN cho trẻ em 6 tỉnh miền Trung. Ngoài ra, có hơn 30 tổ chức quốc tế đã quan tâm hỗ trợ với các mức độ khác nhau cho việc giải quyết hậu quả BMVN ở các vùng bị ô nhiễm nặng,...
Cùng với việc làm tham mưu cho Nhà nước về chính sách xã hội đối với các nạn nhân do BMVN sót lại sau chiến tranh gây ra (trợ giúp nạn nhân, tái định cư, tái hòa nhập cộng đồng, tổ chức cấp cứu, điều trị nạn nhân tại các bệnh viện, bệnh xá,...), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, các cơ quan, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, góp phần nâng cao ý thức, kiến thức về phòng tránh BMVN, bảo đảm an toàn cho từng người dân và cộng đồng; tỷ lệ nạn nhân BMVN được giảm dần qua từng năm.
Bên cạnh những kết quả bước đầu, công tác DTXL BMVN còn sót lại sau chiến tranh đang còn nhiều khó khăn, bất cập. Diện tích bị ô nhiễm BMVN còn rất lớn (trên 6 triệu ha); tai nạn do BMVN gây ra còn nhiều và vẫn xảy ra hằng ngày; nguồn lực và tiến độ DTXL chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi, mới chỉ thực hiện trên đất liền, chưa triển khai trên biển; ngân sách hằng năm chi cho công tác này còn hạn hẹp; việc cấp cứu, hỗ trợ nạn nhân do BMVN gây ra còn gặp khó khăn. Trong khi đó, chúng ta chưa có chiến lược tổng thể của quốc gia về công tác DTXL BMVN sót lại sau chiến tranh; chưa có cơ chế quản lý và điều phối cấp quốc gia về lộ trình và kế hoạch huy động, phân bổ các nguồn lực trong nước và nước ngoài; chưa xây dựng được bộ tiêu chuẩn quốc gia về DTXL và khắc phục hậu quả BMVN. Đó là chưa kể, nhận thức của một bộ phận nhân dân về hiểm họa và cách phòng tránh BMVN còn hạn chế; công tác tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ nạn nhân còn phân tán; việc vận động, kêu gọi sự viện trợ quốc tế cho việc DTXL, khắc phục hậu quả BMVN sót lại sau chiến tranh còn những bất cập...
Công tác DTXL BMVN còn sót lại sau chiến tranh và khắc phục hậu quả do BMVN gây ra ở Việt Nam là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta, là yêu cầu vừa cấp thiết, vừa lâu dài, là vấn đề có tính nhân đạo và là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó, Bộ Quốc phòng là lực lượng nòng cốt. Để thực hiện DTXL hết diện tích bị ô nhiễm BMVN, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của đất nước thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, hợp tác kinh tế quốc tế, thời gian tới, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó, tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau.
Trước hết, chủ động làm tham mưu cho Chính phủ xây dựng kế hoạch hành động thống nhất của quốc gia về DTXL và khắc phục hậu quả BMVN, gắn các nội dung về DTXL, tuyên truyền, giáo dục phòng tránh cho cộng đồng và hỗ trợ nạn nhân thành chương trình hoạt động nhân đạo của quốc gia. Nghiên cứu, đề xuất Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo (điều hành) cấp quốc gia để điều phối các hoạt động DTXL và khắc phục hậu quả BMVN sót lại sau chiến tranh; xây dựng cơ chế điều phối quốc gia, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong công tác DTXL, khắc phục hậu quả BMVN, gắn với các hoạt động khắc phục hậu quả của chất độc da cam/đi-ô-xin và các hậu quả khác của chiến tranh; trong đó, xác định rõ, Bộ Quốc phòng là lực lượng chuyên trách về quản lý chuyên ngành và triển khai DTXL; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội làm nòng cốt trong việc hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ phát triển kinh tế, an sinh xã hội ở những vùng ô nhiễm BMVN, phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện công tác tuyên truyền về hậu quả bom mìn, giáo dục phòng tránh; đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ: Kế hoạch-Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao đảm nhiệm từng mặt công tác theo chương trình hành động chung của quốc gia về công tác này.
Hai là, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch quốc gia DTXL BMVN theo kỳ kế hoạch 5 năm, từ 2010 đến 2025 (3 kỳ kế hoạch) và tầm nhìn đến năm 2050. Trước mắt, phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện Dự án “Điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn trên phạm vi toàn quốc”. Trên cơ sở đó, hoàn thiện kế hoạch tổng thể của quốc gia về DTXL trên diện tích bị ô nhiễm BMVN còn lại và phân kỳ thực hiện; xác định mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực và biện pháp DTXL, khắc phục hậu quả BMVN (bao gồm: tổ chức DTXL, tuyên truyền phòng tránh tai nạn và hỗ trợ nạn nhân do BMVN gây ra). Vấn đề cấp thiết hiện nay là tập trung xây dựng, hoàn thiện kế hoạch giai đoạn 2010- 2015 trong phạm vi thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa XI, đưa vào danh mục ưu tiên vận động tài trợ ODA của Chính phủ.
Ba là, tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành DTXL BMVN, đáp ứng nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Thực hiện đồng bộ các biện pháp để xây dựng lực lượng ngành DTXL BMVN có số lượng hợp lý, chất lượng cao, trước hết là chất lượng chính trị, trình độ chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên chuyên môn kỹ thuật; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo chuyên môn nghiệp vụ với giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, gắn bó với nghề nghiệp, hình thành ý thức lao động tự giác, sáng tạo, có tính kỷ luật, có trình độ chuyên môn kỹ thuật giỏi, nhất là kỹ năng thực hành, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chú trọng bồi dưỡng, xây dựng và duy trì đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý có trình độ cao, bảo đảm sự phát triển vững chắc của lực lượng DTXL BMVN.
Bốn là, đẩy nhanh tiến độ DTXL BMVN còn sót lại trên đất liền và triển khai thực hiện trên biển. Để bảo đảm tiến độ phát triển KT- XH trong thời gian tới, đòi hỏi tiến độ DTXL BMVN phải tăng từ 4-5 lần so với hiện nay (khoảng 80.000- 100.000 ha/năm). Do vậy, chúng ta cần tập trung các nguồn lực, nhất là ngân sách, lực lượng, trang bị phương tiện chuyên dùng; đồng thời, nâng cao hiệu lực chỉ đạo, điều hành thực hiện theo kế hoạch, bảo đảm tiến độ, an toàn, chất lượng. Cùng với đó, từng bước triển khai DTXL BMVN còn sót lại trên biển, trước hết là phục vụ các chương trình, dự án phát triển kinh tế, dân sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh trên các vùng biển. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong việc thiết kế, chế tạo và khai thác, sử dụng các loại trang bị kỹ thuật mới vào thực hiện nhiệm vụ DTXL BMVN.
Năm là,đưa công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng tránh tai nạn do BMVN cho nhân dân thành chủ trương của Chính phủ. Theo đó, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến các địa phương (nhất là các địa phương còn bị ô nhiễm nặng BMVN) cần tăng cường tuyên truyền trong nước và quốc tế; đồng thời, giáo dục cho nhân dân có nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm của BMVN và có biện pháp cụ thể trong việc phòng tránh, nhằm giảm thiểu các tai nạn do BMVN gây ra. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, phát thanh, truyền hình) và phối hợp tuyên truyền của các tổ chức đoàn thể xã hội ở địa phương. Tiếp tục nghiên cứu, đưa công tác giáo dục phòng tránh tai nạn do BMVN vào chương trình ngoại khoá trong các trường học. Cùng với đó, có chính sách y tế cho nạn nhân do BMVN gây ra, hỗ trợ khả năng cấp cứu, điều trị nạn nhân; từng bước kiện toàn hệ thống dịch vụ phục hồi chức năng, các dịch vụ về chỉnh hình, hướng nghiệp đào tạo nghề, tạo cơ sở trợ giúp các nạn nhân nhanh chóng hoà nhập cộng đồng; gắn kết các hoạt động tái hòa nhập cộng đồng với các chương trình tái định cư, hỗ trợ phát triển kinh tế, an sinh xã hội ở những vùng ô nhiễm BMVN.
Sáu là, tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế và kêu gọi sự giúp đỡ của chính phủ các nước, các tổ chức nhân đạo quốc tế đối với công tác DTXL, khắc phục hậu quả do BMVN gây ra. Hiện nay, trên thế giới có hơn 40 nước bị ô nhiễm BMVN sót lại sau chiến tranh với mức độ khác nhau và có nhiều nước, tổ chức quốc tế đã và đang tài trợ nhân đạo ODA cho các nước bị ô nhiễm bom mìn. Liên hợp quốc có các cơ quan liên quan đến hỗ trợ hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, hỗ trợ nhân đạo, tư vấn, thúc đẩy quan hệ giữa nhà tài trợ và cộng đồng quốc tế, điều phối việc huy động các nguồn lực, phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy tắc an toàn, phổ biến thông tin và hỗ trợ làm sạch bom mìn... Do đó, chúng ta cần mở rộng hợp tác quốc tế về công tác DTXL và khắc phục hậu quả BMVN một cách toàn diện và đầy đủ hơn, tranh thủ sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế, nhất là về huấn luyện, đào tạo, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị chuyên dùng, nghiên cứu khoa học,... Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi sự hỗ trợ nhân đạo của chính phủ các nước trên thế giới (nhất là các nước đã tham gia chiến tranh ở Việt Nam), các tổ chức nhân đạo quốc tế đối với việc DTXL và khắc phục hậu quả BMVN sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, góp phần cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh.
Thượng tướng, TS. NGUYỄN HUY HIỆU
Ủy viên BCHTƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011