QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 22:41 (GMT+7)
Quân đội tập trung sức, triển khai đồng bộ, hành động khẩn cấp phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm A ở người

Hiện nay, dịch cúm gia cầm đang bột phát ở nước ta và một số nước trên thế giới theo chiều hướng rất đáng lo ngại, Việt Nam được coi là một trong những điểm nóng của khu vực và thế giới.

Kể từ năm 2003 đến nay, nước ta đã liên tiếp xảy ra 3 vụ dịch lớn và vào đầu mùa Đông năm 2005 dịch lại tái phát. Tính đến cuối tháng 11/2005, thời điểm "nóng" nhất của dịch, cả nước đã có 199 xã, phường thuộc 72 quận, huyện của 19 tỉnh, thành phố xảy ra dịch cúm gia cầm. Chúng ta đã phải tiêu hủy trên 3,0 triệu gia cầm. Nếu kể từ trường hợp mắc cúm A đầu tiên tại Việt Nam (26/12/2003), đến nay cả nước đã có 92 người mắc bệnh, tại 32 tỉnh, thành phố, trong đó 42 người tử vong - tỷ lệ người chết rất cao. ở các nước láng giềng, theo Tổ chức Y tế thế giới cho biết, từ giữa tháng 10/2005, Trung Quốc đã tái xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm ở nhiều địa phương; đến nay đã có 6 người mắc vi rút cúm A, trong đó 2 người tử vong. Tại Thái Lan đã có 14 ca chết vì cúm gia cầm. Tại Indonesia (3/12) có 14 ca nhiễm vi rút cúm A, trong đó 9 người đã tử vong. Tại Campuchia có 4 ca, cả 4 người đều tử vong... Xa hơn, tại châu Âu, Ru-ma-ni, U-crai-na đã ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch. Nếu để xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm A (H5N1) ở người sẽ là một đại họa đối với nhân loại. Đây là nguy cơ hiện hữu chứ không chỉ còn là những lời cảnh báo. 
Trước tình hình dịch cúm gia cầm phát triển phức tạp và nguy hiểm như vậy, Thủ tướng Chính phủ, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã khẩn cấp ban hành một số chỉ thị, nghị quyết để đẩy mạnh ngăn chặn, phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm A ở người. Chính phủ đã tổ chức nhiều phiên họp, giao nhiệm vụ phòng, chống dịch cụ thể cho các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,...; chi khẩn cấp 1500 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch khẩn cấp; cử các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng xuống tận các địa phương để kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động khẩn cấp của Chính phủ. Các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, kể cả tỉnh, thành phố chưa có dịch cũng đã chủ động triển khai các biện pháp thiết thực ngăn chặn các ổ cúm gia cầm lây lan, tổ chức cứu chữa kịp thời và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để chữa người nhiễm bệnh.
Nhận thức sâu sắc trách nhiệm, nghĩa vụ đối với đất nước, tầm quan trọng của việc phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm A ở người, với chức năng là một đội quân công tác, với tư cách là một thành viên của xã hội, Quân đội coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị đột xuất, nên ngay từ những ngày đầu tiên đã chủ động triển khai toàn diện công tác phòng, chống dịch. Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định thành lập Ban chỉ đạo do một đồng chí Thứ trưởng làm trưởng ban; ban hành Chỉ thị số 58 và Kế hoạch hành động khẩn cấp; chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành nắm chắc tình tình, diễn biến của dịch, xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức phòng, chống dịch; tổ chức các đoàn đi đôn đốc, kiểm tra việc phòng chống dịch tại các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, một số học viện, nhà trường và các bệnh viện quân đội. Đặc biệt, với chức năng, nhiệm vụ được giao, với tư cách là chủ thể quan trọng liên quan trực tiếp đến việc phòng, chống dịch, cục Quân y, Quân nhu,... đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, trực tiếp đến cơ sở kiểm tra tình hình, sớm xây dựng được kế hoạch và đề xuất kịp thời với cấp trên, với Ban chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch khẩn cấp.
Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trong toàn quân đã nghiêm túc quán triệt các chỉ thị, kế hoạch phòng, chống dịch của cấp trên đến bộ đội. Công tác tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các đơn vị đã được tăng cường. Ngành Quân y đã phối hợp tốt với địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch theo chỉ thị của Chính phủ, của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế và của địa phương. Các tổ vệ sinh phòng dịch trong toàn quân đã thành lập các tổ đội cơ động. Tuyến bệnh viện được bổ sung một số thuốc, tự cân đối phương tiện điều trị, bố trí phòng khám, phòng cấp cứu, phòng cách ly, tổ chức tập huấn cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế về kỹ năng chẩn đoán, xử trí, điều trị cúm,... để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân. Các đơn vị đóng quân, làm nhiệm vụ phân tán ở vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo đã được bổ sung thuốc điều trị. Các đồn biên phòng cũng tham gia tích cực vào việc quản lý, ngăn chặn nhập lậu  gia cầm qua biên giới... Chuồng trại chăn nuôi gia cầm tập trung tại các đơn vị đã được khử trùng, đàn gia cầm được cách ly triệt để. Việc giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm tốt vệ sinh, phòng dịch. Chấp hành chỉ thị của Bộ trưởng, cuối tháng 11/2005, cơ bản các đơn vị đã không còn tổ chức nuôi gia cầm tập trung.
Thời gian tới, theo đánh giá của Chính phủ, dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp. Việc phòng, chống, ngăn chặn sớm và khống chế dịch cúm gia cầm ở nước ta vừa qua đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với mức độ cấp bách của tình hình. Hiện tại, khả năng phát triển và lan rộng của dịch khá cao. Phức tạp hơn là vài năm qua, nước ta đã liên tiếp xảy ra và lặp đi lặp lại các trận dịch, điều này cho thấy, mầm bệnh lưu hành trong môi trường khá phổ biến, nguy cơ gây ra dịch là khá lớn. Điều đáng lo là chúng ta và cả thế giới cũng chưa biết rõ cơ chế lây bệnh của vi-rút cúm và những biến thể nguy hiểm của chúng đối với con người. Việc nghiên cứu, sản xuất thuốc phòng chống, thuốc chữa đặc hiệu còn hạn chế. Thế giới cũng chưa có vacxin và thuốc đặc hiệu để phòng cúm A ở người. Thuốc Tamiflu kháng vi-rút để điều trị chỉ có tác dụng trong vòng 48 giờ đầu mắc bệnh; việc cung cấp có nhiều khó khăn, nhất là chưa được sản xuất ở nước ta. Trong khi đó, nhận thức của người dân trong việc phòng chống dịch cũng chưa thật sự sâu sắc; không ít người, không ít nơi còn coi thường công tác phòng, chống dịch. Mặt khác, với phương thức chăn nuôi mang nặng tính tự cung, tự cấp, hộ gia đình, phân tán, nhỏ lẻ, lại chịu sự tác động của cơ chế thị trường, sự thiệt hại về kinh tế trong chăn nuôi đã làm người dân không thấy hết những hiểm họa khó lường do dịch bệnh gây ra, việc xử lý dịch cúm gia cầm rất khó thực hiện triệt để, nhất là với những ổ dịch nhỏ, lẻ ở trong dân.
Đối với Quân đội, mặc dù là một tổ chức được quản lý chặt chẽ, kỷ luật nghiêm, song do đặc điểm hoạt động đặc thù nên việc quản lý, giám sát đầy đủ việc phòng chống dịch đến tận cơ sở cũng có những khó khăn nhất định. Việc giao lưu với xã hội, nhất là trong công tác hậu cần, bảo đảm đời sống, tăng gia sản xuất cũng tiềm ẩn những nguy cơ phát dịch. Vì vậy, việc phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm A ở người đối với Quân đội cần được quan tâm, nỗ lực nhiều hơn nữa, phải có những biện pháp thích hợp, kịp thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ, có hiệu quả việc chống dịch trong Quân đội và trên cả nước.
Phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm A ở người là nhiệm vụ đột xuất, nặng nề của Quân đội, có ý nghĩa chính trị, xã hội, tính nhân văn to lớn. Phát huy truyền thống anh hùng, với chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, Quân đội phải tham gia chiến dịch một cách khẩn trương, quyết liệt; triển khai công việc đồng bộ, có tổ chức hợp lý, thống nhất từ trên xuống đến cơ sở; huy động mọi lực lượng, mọi khả năng, sức mạnh để tham gia chống dịch. Quan điểm chỉ đạo là phải thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ: sử dụng lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, xử lý ổ dịch tại chỗ và điều trị bệnh nhân theo phân cấp ở từng khu vực. Cần lấy phòng, chống hơn cứu chữa; lấy sự chấp hành nghiêm, chuyển biến có hiệu quả tại chỗ của đơn vị làm quan trọng. Mục tiêu chính của cuộc chiến chống lại đại dịch này là không để vi-rút lây lan sang người; phát hiện sớm ca bệnh, xử lý kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc và tử vong, không để xảy ra dịch có qui mô lớn trong Quân đội, bảo đảm sức khỏe cho bộ đội để Quân đội đủ sức chiến đấu và công tác, sẵn sàng tham gia chống dịch trong nhân dân khi có yêu cầu.
Là một trong những nhiệm vụ chính trị đột xuất của Quân đội, xuất phát từ tầm quan trọng và tính cấp bách của vấn đề, vì vậy, các cấp ủy Đảng, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải nhận thức đúng trách nhiệm, nghĩa vụ, đưa việc phòng chống dịch cúm gia cầm và dịch cúm A ở người theo kế hoạch của Chính phủ, của Bộ Quốc phòng vào chức trách, nhiệm vụ của mình. Từ đó, đẩy mạnh công tác quản lý, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức hiệp đồng, chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và huy động toàn lực để phòng, chống dịch.
Trên cơ sở trách nhiệm mà Ban chỉ đạo đã giao, các cơ quan chuyên ngành cần tiếp tục phối hợp đồng bộ với đơn vị mở chiến dịch tuyên truyền, hướng dẫn để bộ đội tự giác chấp hành tốt chỉ thị của cấp trên, có các biện pháp phòng, chống dịch cho cá nhân và tập thể ngay tại cơ sở. Ban chỉ đạo cần có thông tin cập nhật tình hình phổ biến kịp thời cho cơ sở. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, các đơn vị cần nghiên cứu đưa việc phổ biến kiến thức, tuyên truyền về phòng, chống dịch vào các buổi sinh hoạt hằng ngày theo chế độ của bộ đội. Lưu ý, việc thông tin, tuyên truyền cần có nội dung cụ thể, ngắn gọn, đúng, chính xác, dễ nhớ, dễ làm để bộ đội nhận thức được tầm quan trọng và những vấn đề cấp thiết trong phòng, chống dịch, không lo lắng, hoang mang, nhưng cũng không vì thế mà cho rằng Quân đội ít liên quan đến dịch mà chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị tiến hành tổng vệ sinh doanh trại, tiêu độc, khử trùng ở các khu vực chăn nuôi, kiên quyết ngăn chặn, xóa bỏ mầm bệnh phát sinh từ gia cầm. Tạm dừng nuôi gia cầm ở tất cả các đơn vị, nghiên cứu chuyển hướng tăng gia, sản xuất, phát triển đàn trâu bò, dê, lợn, thả cá,... để bảo đảm chất lượng bữa ăn cho bộ đội. Phối hợp với địa phương nơi đóng quân, phát hiện sớm gia cầm nhiễm bệnh hoặc có gia cầm chết chưa rõ nguyên nhân để có các biện pháp tiêu hủy gia cầm, tiêu độc, khử trùng, khống chế, bao vây ổ dịch, không để dịch lây lan. Gần đây, Chính phủ đã có biện pháp cho phép sử dụng gia cầm “sạch”, các cơ quan, đơn vị khai thác nguồn thực phẩm từ thị trường cần có chỉ đạo, quản lý, kiểm tra chặt chẽ, tuân thủ triệt để các biện pháp kiểm tra bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không để các loại gia cầm không có địa chỉ, chưa qua kiểm dịch sử dụng vào bữa ăn của bộ đội.   
Kiểm tra lại toàn bộ hệ thống tổ chức và kế hoạch phòng, chống dịch tại các đơn vị, nhất là các cơ sở vệ sinh phòng dịch, các bệnh viện. Rà soát lại toàn bộ cơ sở, vật chất, điều kiện bảo đảm để tập trung đầu tư, mua sắm, bổ sung thuốc, trang bị y tế cần thiết cho công tác phòng, chống dịch và điều trị. Tổ chức tốt khâu giám sát, phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên để cách ly và điều trị kịp thời. Công tác tổ chức giám sát phải được tiến hành ngay tại tuyến quân y cơ sở thông qua việc nắm chắc tình hình sức khỏe hằng ngày của bộ đội; trong mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan y tế, cơ quan thú y tại các địa phương nắm chắc tình hình dịch bệnh trên địa bàn đóng quân. Tổ chức triển khai các cơ sở điều trị dã chiến, các tổ chuyên khoa tăng cường, các tổ đội phòng, chống dịch cơ động, sẵn sàng giúp dân khi cần thiết. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng chống dịch cho đội ngũ cán bộ, nhân viên phòng chống dịch, các khoa truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu,... của các bệnh viện trong toàn quân. Các đơn vị chuyên ngành như Hóa học, Quân y, Quân nhu,... theo nhiệm vụ đã giao phải chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển,... để khi có yêu cầu phải cơ động được ngay tham gia chống dịch, xử lý môi trường, cứu chữa kịp thời cho người bệnh. Các nhà trường, các viện nghiên cứu trong Quân đội cũng cần chủ động tham gia vào công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, phổ biến kiến thức, truyền đạt kinh nghiệm chống dịch.
Trên cơ sở kinh phí được Chính phủ phê duyệt, cục Quân y, Tổng cục Hậu cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai ngay kế hoạch mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc,... phục vụ công tác phòng chống dịch và điều trị bệnh. Cân đối với khả năng hiện có tại chỗ của địa phương, của các đơn vị bạn để phối hợp hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp bảo đảm hiệu quả cho nhiệm vụ chống dịch trước mắt và lâu dài. Các bệnh viện Quân đội khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với cấp trên các biện pháp phòng, chống dịch, chủ động cân đối lực lượng, kinh phí để tham gia chống dịch. Đặc biệt, cần kiểm tra, đôn đốc và bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch và tổ chức cứu chữa cho các đơn vị hoạt động nhỏ lẻ, đóng quân nơi vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo.
Với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước Nhà nước và nhân dân, đoàn kết, chủ động phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan chuyên ngành, với chính quyền địa phương, cộng với sự nỗ lực không ngừng của toàn quân, tin tưởng Quân đội sẽ tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, cùng toàn dân sớm ngăn chặn, khống chế được dịch cúm gia cầm, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.
 
Trung tướng, TS. Trần Phước
Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần
Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo BQP

 

Ý kiến bạn đọc (0)