QPTD -Thứ Sáu, 16/09/2011, 23:08 (GMT+7)
Quân đội phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn

Việt Nam nằm ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương có vùng biển rộng, bờ biển dài, nhiều sông suối, điều kiện khí hậu, thủy văn phức tạp, nên mỗi năm  phải đối phó với hàng chục trận bão, lũ lụt, lốc xoáy, lũ quét, những đợt hạn hán và nhiều thiên tai khắc nghiệt khác. Đặc biệt, những thập kỷ gần đây, do thời tiết biến động nên tình trạng mưa, bão, hạn hán càng diễn biến phức tạp, khó lường. Năm 2006- 2007, nước ta đã phải đương đầu với 13 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới, 19 đợt lũ, lụt; trong đó, một số trận lũ đặc biệt lớn đã xảy ra ở Trung Bộ, Tây Nguyên sau mùa mưa. Đây là hiện tượng bất thường, đã gây thiệt hại lớn về người, nhà cửa và các công trình công cộng, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Trận bão số 4 vừa qua (8-2008), tuy không trực tiếp ảnh hưởng đến nước ta trên diện rộng, nhưng đã gây lũ, lụt nghiêm trọng ở các tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc, làm hơn 100 người chết và mất tích, 4.000 ngôi nhà bị nước cuốn trôi, hơn 5.000 ha lúa, mầu bị phá hoại, thiệt hại tài sản ước tính hàng nghìn tỷ đồng.

Nhận thức rõ những hiểm họa từ thiên tai, Đảng, Nhà nước ta hết sức coi trọng công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và các công trình công cộng. Những năm qua, Chính phủ đã đầu tư nguồn kinh phí rất lớn để giúp các địa phương nâng cấp hệ thống đê, kè; các trạm quan sát, đài khí tượng, thủy văn; hệ thống thông tin liên lạc thông báo bão; mua sắm nhiều trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống lụt bão (PCLB), tìm kiếm, cứu nạn (TKCN), như tầu cứu hộ trên biển công suất lớn, máy bay trực thăng cứu hộ, cầu phao; xây dựng các trung tâm PCLB, TKCN ở các địa bàn xung yếu… Vừa qua, Nhà nước đã chi hàng trăm tỷ đồng để khôi phục, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam; quy hoạch phòng, chống lũ quét tại 33 tỉnh miền núi trên toàn quốc; xây dựng tuyến đường tránh bão, cứu hộ, bảo đảm an ninh vùng biển Tuy Lộc, Bình Minh, tỉnh Ninh Bình…Trong chiến lược Quốc gia phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai (PCGNTT), Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp hiện đại, đủ khả năng xử trí trong các tình huống thiên tai phức tạp; tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực quản lý, dự báo sớm, xây dựng các công trình PCLB, TKCN, GNTT.

Với chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, quân đội cũng tích cực, chủ động phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong PCGNTT. Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tham gia với tinh thần trách nhiệm, hiệu quả; chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, Uỷ ban Quốc gia TKCN, các bộ, ngành, địa phương tham mưu cho Chính phủ trong xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch và các phương án PCLB, TKCN, GNTT. Toàn quân đã quán triệt và chấp hành nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, hằng năm đều có kế hoạch, dự kiến các phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, tổ chức luyện tập, phối hợp với các lực lượng khác sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh. Khi xảy ra thiên tai đã nắm chắc tình hình, chỉ huy các đơn vị triển khai lực lượng, phương tiện, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trên địa bàn tổ chức TKCN, giúp nhân dân phòng, tránh thiên tai và tích cực tham gia khắc phục hậu quả. Trong năm 2007, để ứng phó với bão, lũ, Bộ Quốc phòng đã triển khai Sở chỉ huy Tiền phương tại các khu vực xung yếu; chỉ đạo các đơn vị quân đội trên địa bàn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ứng phó với bão, lũ, tổ chức cứu nạn kịp thời, hiệu quả. Toàn quân đã huy động 118.748 lượt cán bộ, chiến sĩ, dân quân, tự vệ, sử dụng 1.233 lượt tầu xuồng, 762 xe ô-tô các loại, 249 lần chuyến bay tham gia phòng, chống bão, lũ, TKCN; hướng dẫn tránh, trú bão an toàn cho 105.589 lượt tầu thuyền, với 631.256 lượt người; tổ chức sơ tán, di dời cho 248.490 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.  Sau khi bão, lũ đi qua, Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị khắc phục hậu quả, huy động lực lượng tham gia sửa chữa cầu, đường, đê điều và các công trình công cộng; phối hợp với y tế địa phương tổ chức khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh, làm sạch môi trường. Các đơn vị tổ chức các đội công tác giúp dân sửa chữa nhà cửa, cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhanh chóng ổn định cuộc sống, tăng gia, sản xuất. Toàn quân còn tổ chức nhiều phong trào tình nghĩa, thành lập quỹ và phát động cán bộ, chiến sĩ tự nguyện góp được hàng chục tỷ đồng để ủng hộ cho các địa phương và nhân dân ở các vùng chịu ảnh hưởng của bão, lũ… Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, quân đội đã cùng với nhân dân các địa phương hạn chế, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra. Qua đó, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tính chiến đấu, bản lĩnh kiên cường, ý thức tổ chức, kỷ luật cao, phát huy tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác PCGNTT. Hình ảnh "vì nhân dân quên mình" của cán bộ, chiến sĩ quân đội không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, sẵn sàng lao vào những nơi khó khăn, gian khổ nhất, vật lộn trong bão, lũ để cứu đê, cứu người, di dời tài sản của nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm về nơi an toàn (đã có cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong lúc cứu dân) đã để lại những ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trong chính quyền và nhân dân các địa phương, gắn bó thêm tình nghĩa máu thịt quân dân, tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân anh hùng, của "Bộ đội Cụ Hồ"  trong thời kỳ mới.

Những năm tới, theo thông báo của Trung tâm Khí tượng, thủy văn quốc gia, tình hình khí tượng, thủy văn ở nước ta vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh đó, những thảm họa môi trường và các sự cố nhân tạo khác cũng có chiều hướng gia tăng… Tình hình đó đặt ra cho nhiệm vụ PCGNTT, TKCN của quân đội yêu cầu cao hơn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong công tác này, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau.

1- Quán triệt sâu sắc tầm quan trọng, vai trò và trách nhiệm của quân đội trong công tác PCGNTT, TKCN. Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng tầm quan trọng và vai trò nòng cốt của quân đội trong công tác PCGNTT, TKCN; thể hiện sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; là vinh dự đồng thời cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề của quân đội. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ phải nhận thức sâu sắc đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của quân đội, "một nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình"; mặt trận chiến đấu đó tuy không có tiếng súng nhưng hết sức khó khăn, nguy hiểm, bởi các tình huống bất trắc xảy ra có thể có hy sinh, tổn thất trong khi thực hiện nhiệm vụ. Nhận thức đúng công tác PCGNTT bao gồm: phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, thực hiện theo phương châm quân đội và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của quân đội; đồng thời, huy động mọi nguồn lực của các bộ, ngành, địa phương, để "chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hiệu quả". Trong đó, lấy phòng ngừa là chính; kế thừa, phát huy truyền thống, đúc rút các bài học kinh nghiệm kết hợp với kiến thức, công nghệ hiện đại, nhất là nghiên cứu tác động biến đổi của khí hậu toàn cầu, nước biển dâng và những hiện tượng bất thường khác của khí hậu, địa chất thủy văn để phòng tránh hiệu quả. Đồng thời, giáo dục, quán triệt cho bộ đội thấm nhuần các chủ trương, chính sách, văn bản pháp quy của Nhà nước về công tác PCGNTT, như Pháp lệnh Đê điều, Pháp lệnh Phòng cháy, chữa cháy, Pháp lệnh Phòng chống bão lũ, Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp, các nghị định, quyết định, chỉ thị của Chính phủ giao nhiệm vụ cho quân đội tham gia phòng chống thiên tai, TKCN và phòng chống các thảm họa khác… Từ đó, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, kiên quyết khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

2- Tích cực chuẩn bị mọi mặt cho công tác PCGNTT, TKCN. Bài học thành công và sâu sắc của quân đội trong PCGNTT, TKCN những năm qua là chủ động và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Điều đó đòi hỏi phải làm thật tốt công tác chuẩn bị mọi mặt, từ củng cố hệ thống lãnh đạo, chỉ huy, xây dựng kế hoạch, dự kiến các tình huống, luyện tập, diễn tập theo phương án đến chuẩn bị lực lượng, phương tiện kỹ thuật, công tác bảo đảm hậu cần… Công tác chuẩn bị càng tỉ mỉ, kỹ lưỡng thì PCGNTT càng có hiệu quả. Tới đây, quân đội tiếp tục kiện toàn tổ chức hệ thống bộ máy chỉ đạo, cơ quan chỉ huy các cấp; rà soát, bổ sung hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động, cơ chế phối hợp của các Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy phòng chống giảm nhẹ thiên tai, TKCN, từng bước kiện toàn hệ thống giúp người chỉ huy về nhiệm vụ PCGNTT, TKCN trong toàn quân. Theo chủ trương của Nhà nước, tổ chức nghiên cứu, đề xuất thành lập một số đơn vị chuyên trách và bán chuyên trách gắn với các đơn vị hiện có, đặc biệt là tại các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao xảy ra bão lũ, để nâng cao hiệu quả xử lý các tình huống thiên tai, thảm họa. Xây dựng hệ thống kế hoạch PCGNTT, TKCN từ Bộ Quốc phòng tới các đơn vị, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao, sát với đặc điểm địa hình, khí tượng, thủy văn của địa phương, đơn vị. Hệ thống kế hoạch này phải đảm bảo tính hệ thống, được phê duyệt và quản lý theo phân cấp và thường xuyên được rà soát, bổ sung cho hoàn chỉnh; phải quán triệt sâu sắc phương châm lồng ghép các nội dung công tác PCGNTT, TKCN vào trong quy hoạch, kế hoạch nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của Bộ Quốc phòng, nhất là trong các đề án, dự án của quân đội thực hiện chiến lược quốc phòng, chiến lược biển của nước ta. Đồng thời, phải quán triệt phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng, hậu cần, phương tiện, chỉ huy) và 3 nguyên tắc cơ bản: thống nhất chỉ huy; kiên quyết, triệt để và kịp thời; tập trung lực lượng có trọng điểm trong PCGNTT. Trên cơ sở các kế hoạch đã được phê duyệt, lãnh đạo, chỉ huy các cấp tổ chức quán triệt, phân công nhiệm vụ, hiệp đồng với chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan trên địa bàn; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, tổ chức luyện tập, diễn tập cho phù hợp, hiệu quả; tích cực cải tiến nâng cấp và trang bị mới các trang thiết bị chuyên dụng, không ngừng nâng cao năng lực PCGNTT, TKCN cho bộ đội và đơn vị, khả năng hiệp đồng giữa các lực lượng, đảm bảo khi tình huống xảy ra có thể chủ động xử lý, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và quân đội.

Làm tốt công tác tư tưởng, công tác chuẩn bị, nêu cao tinh thần trách nhiệm, truyền thống, phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", phát huy sức mạnh tổng hợp, chủ động và sẵn sàng về mọi mặt, quân đội sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, góp phần quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước và bảo đảm quốc phòng- an ninh.

Trung tướng Trần Quang Khuê

Phó Tổng tham mưu trưởng, Phó Chủ tịch thường trực

Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn

 

Ý kiến bạn đọc (0)