QPTD -Thứ Ba, 06/09/2011, 21:22 (GMT+7)
Quân đội phấn đấu thực hiện tốt một số trọng tâm công tác chính sách trong tình hình mới

Công tác chính sách là một trong những mặt quan trọng của công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang. Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ 8, những năm qua, công tác chính sách quân đội, chính sách hậu phương quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ và đạt hiệu quả thiết thực, góp phần động viên các tầng lớp nhân dân tham gia vào sự nghiệp củng cố quốc phòng-an ninh, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội; đồng thời, trực tiếp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và các đối tượng chính sách, tạo điều kiện để quân đội hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Tổ quốc và nhân dân giao phó.

Thấm nhuần sâu sắc truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, ngành Chính sách Quân đội đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ ban hành một số lượng lớn các văn bản chế độ, chính sách đối với các đối tượng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; chế độ, chính sách đối với gia đình hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ; chế độ, chính sách đối với các lực lượng làm nhiệm vụ trên những địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; chế độ phụ cấp đặc thù đối với một số đối tượng làm nhiệm vụ trong quân đội;v.v. Các tồn đọng chính sách sau chiến tranh và do lịch sử để lại được giải quyết với khối lượng lớn; trong đó, công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ được thực hiện khẩn trương và có kết quả cao. Hàng chục ngàn hài cốt liệt sĩ hy sinh ở các chiến trường đã được quy tập về các nghĩa trang, bảo đảm đúng nghi thức quân đội; trong đó, nhiều hài cốt đã xác minh được tên, tuổi, quê quán và được bàn giao về địa phương; đã tiếp nhận hồ sơ, giám định và cấp giấy chứng nhận cho hàng chục ngàn thương, bệnh binh; xét duyệt, thẩm định cho hàng trăm ngàn đối tượng được hưởng các chính sách xã hội, bao gồm: chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội... Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công, toàn quân đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách hiện hành đối với các đối tượng người có công thuộc diện quân đội quản lý và chính sách đối với gia đình quân nhân. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được các đơn vị hưởng ứng và tham gia tích cực với nhiều nội dung, hình thức, biện pháp phong phú, thiết thực, hiệu quả. Thông qua 5 chương trình tình nghĩa, cán bộ, chiến sĩ đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; tham gia xây mới và sửa chữa hàng ngàn Nhà tình nghĩa; quyên góp, tặng hàng chục ngàn sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách; phụng dưỡng chu đáo 1.402 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Kết hợp các nguồn đóng góp, các đơn vị còn tham gia hỗ trợ sản xuất, ổn định đời sống cho các gia đình quân nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc có quân nhân làm nhiệm vụ trên các địa bàn chiến lược. Những việc làm đó, một mặt, đem đến sự động viên thiết thực về vật chất và tinh thần đối với quân nhân và gia đình họ, cùng các đối tượng chính sách; mặt khác, góp phần tô thắm thêm bản chất, truyền thống cách mạng cao đẹp của quân đội trong thời kỳ mới.

Tuy nhiên, công tác chính sách quân đội và chính sách hậu phương quân đội còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Việc tuyên truyền, phổ biến về chế độ, chính sách, nhất là những chủ trương, chính sách mới ban hành chưa thực sự sâu, rộng. Một số nội dung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chưa đảm bảo tiến độ; chính sách thu hút nhân tài chưa được quan tâm đúng mức. Trách nhiệm của một số cấp ủy, chỉ huy đơn vị trong chỉ đạo thực hiện có mặt còn hạn chế. Việc nắm nguyên tắc, thủ tục giải quyết chế độ, chính sách của cơ quan, cán bộ đảm nhiệm công tác chính sách ở một số đơn vị chưa sâu, nên việc thực hiện, bảo đảm chế độ cho một số đối tượng chưa kịp thời...

Hiện nay, đất nước ta đang trong tiến trình đẩy mạnh CNH, HĐH, đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được trên các mặt, nhiều vấn đề xã hội bức xúc còn tồn tại. Đời sống của một số đối tượng chính sách gặp khó khăn; gia đình quân nhân trong cơ chế thị trường cũng xuất hiện nhiều vấn đề mới cần giải quyết, nhất là đối với gia đình các sĩ quan, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới, biển đảo. Chiến tranh càng lùi xa, hy vọng về phần mộ các liệt sĩ chưa tìm thấy, nhất là hệ thống tài liệu lưu trữ cũng ít dần...

Để thực hiện tốt công tác chính sách, trong thời gian tới, cấp uỷ, chỉ huy các cấp trong quân đội phải tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, định hướng cải cách chính sách của Nhà nước; trên cơ sở đó đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác chính sách một cách phù hợp, thiết thực, từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trước hết, cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các chính sách đối với quân nhân tại ngũ; phấn đấu tạo sự công bằng xã hội đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội, nhất là những người làm nhiệm vụ trên các địa bàn chiến lược của Tổ quốc, phù hợp với từng bước đổi mới của đất nước, nhằm động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, ra sức phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; góp phần động viên xã hội, huy động nhân tài cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội trong tình hình mới. Để làm tốt điều đó, thời gian tới, công tác chính sách cần nắm vững kết luận của Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khoá X về thực hiện chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công và tiến trình cải cách tiền lương của Nhà nước; thấy rõ những khó khăn về mặt bảo đảm đời sống của các gia đình quân nhân, đối tượng chính sách do tác động của cơ chế thị trường; từ đó, kịp thời nghiên cứu, đề xuất chính sách đối với các đối tượng làm nhiệm vụ đặc thù, phát sinh mới, ở các địa bàn chiến lược, biển, đảo; chính sách theo Luật Sĩ quan sửa đổi, bổ sung (được Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XII thông qua), nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế quân đội; chính sách thu hút, khuyến khích người tài, có nhiều cống hiến; chính sách giữ gìn, phát triển đội ngũ thợ lành nghề trong quân đội. Cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ, bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền khám, chữa bệnh cho các đối tượng trong quân đội; tổ chức điều trị, chăm sóc chu đáo đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng bị bệnh tâm thần hoặc ốm đau dài ngày; tổ chức thực hiện tốt các chế độ bảo hiểm xã hội và việc chi trả trợ cấp một lần đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ, tổ chức của quân đội,v.v.

Trên cơ sở nắm vững nội dung Chỉ thị số 216-CT/ĐUQSTW ngày 19-7-2006 của Thường vụ Đảng uỷ Quân sự Trung ương, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai sâu, rộng các hoạt động chính sách hậu phương quân đội và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" trong toàn quân; khơi dậy tình cảm, truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc trong đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, thiết thực động viên, khích lệ các đối tượng chính sách, góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên các địa bàn. Từ kinh nghiệm chỉ đạo chương trình xây dựng 1.000 Nhà tình nghĩa thời gian qua, năm 2008 và 2009, tiếp tục triển khai thực hiện chương trình toàn quân xây dựng 1.500 Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội cho các đối tượng chính sách, bảo đảm đúng đối tượng, đúng kế hoạch, yêu cầu về chất lượng công trình và tổ chức lễ bàn giao trang trọng, có ý nghĩa; phấn đấu để mỗi ngôi Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội thực sự là một địa chỉ của sự tri ân, báo đáp, của nghĩa tình đồng đội, và rộng lớn hơn là của xã hội đối với những hy sinh, cống hiến của các liệt sĩ, thương binh và gia đình chính sách. Phong trào xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cần tiếp tục được nhân rộng, song chú ý thực hiện thống nhất theo tinh thần Nghị định số 45/2006/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng về việc vận động, quản lý và sử dụng tiền đóng góp cho các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trong quân đội.

Thực hiện Chỉ thị số 244-CT/ĐUQSTƯ, ngày 23-6-2008 của Thường vụ Đảng uỷ Quân sự Trung ương "Về lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội trong thời gian tới (2008-2010)", ngành Chính sách quân đội cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có từ 15 năm đến 20 năm và có dưới 15 năm công tác trong quân đội, đã phục viên, xuất ngũ; lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện chế độ, chính sách chăm sóc đối với cán bộ quân đội nghỉ hưu theo Quyết định số 212/2006/QĐ-BQP ngày 21-12-2006 của Bộ Quốc phòng; bảo đảm chế độ an, điều dưỡng đối với cán bộ quân đội nghỉ hưu; hỗ trợ chăm sóc cán bộ nghỉ hưu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; quan tâm thăm hỏi, động viên cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ quân đội tham gia các thời kỳ kháng chiến có nhiều công lao, cống hiến; tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm, giao lưu, gặp mặt nhân các ngày lễ lớn của đất nước, quân đội. Tiếp tục chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân quân nhân, bảo đảm đúng, đủ đối tượng và kịp thời theo quy định mới; tổ chức thực hiện tốt chính sách đối với gia đình hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ; thực hiện chế độ trợ cấp đối với gia đình sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thời gian tới cần tiếp tục giải quyết các tồn đọng chính sách trong chiến tranh, theo quy định hiện hành. Thực hiện chặt chẽ, chu đáo các chế độ đối với người bị thương, bị bệnh, hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở trong nước và trên các nước bạn Lào, Căm-pu-chia. Muốn vậy, phải đề cao trách nhiệm, tính chủ động của cấp ủy, chỉ huy và vai trò của đơn vị làm nhiệm vụ quy tập mộ liệt sĩ các quân khu; mặt khác, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng; vận động phong trào cung cấp thông tin mộ liệt sĩ trên phạm vi cả nước, của những đồng đội liệt sĩ đang còn sống và đồng bào ruột thịt đang làm ăn, sinh sống ở trong và ngoài nước; triệt để khai thác các nguồn thông tin lưu trữ trước đây chưa có điều kiện tiếp cận, khai thác. Báo chí trong và ngoài quân đội cần coi đây là một nhiệm vụ, đồng thời cũng là một việc làm thiết thực, nghĩa cử cao đẹp, góp phần cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội thực hiện chính sách hậu phương quân đội trong thời kỳ mới.

Trước những yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân, công tác chính sách quân đội, chính sách hậu phương quân đội ngày càng đòi hỏi cao hơn cả về tính pháp lý cũng như tính khoa học và sự sáng tạo trong tổ chức, chỉ đạo thực tiễn công tác chính sách. Đó cũng chính là những yêu cầu đặt ra, đòi hỏi ngành Chính sách Quân đội phải nỗ lực phấn đấu, đáp ứng với sự phát triển của thực tiễn. Thời gian tới, phải tập trung nghiên cứu, kiện toàn về tổ chức, biên chế, xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của Ngành và cơ quan chính sách các cấp, nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất và chuyên sâu, khắc phục sự chồng chéo, phân tán; đồng thời, nâng cao năng lực tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện có hiệu quả cao các chính sách đối với quân đội và chính sách hậu phương quân đội. Cùng với đó, phải tập trung nghiên cứu, sớm đề xuất, ban hành Điều lệ công tác Chính sách, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng nền nếp, chế độ; chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện chưa phù hợp về phong cách, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác trong ngành Chính sách Quân đội.

Xuất phát từ ý nghĩa xã hội sâu sắc của công tác chính sách đối với quân đội và chính sách hậu phương quân đội, cấp uỷ, chỉ huy và chính uỷ, chính trị viên các cấp cần nhận rõ trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác này, bảo đảm đúng với quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, định hướng cải cách chính sách của Nhà nước; đồng thời, chủ động xác định kế hoạch, giải pháp công tác chính sách phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị, địa phương; phấn đấu không ngừng nâng cao hiệu quả công tác chính sách đối với quân đội và chính sách hậu phương quân đội với những việc làm thiết thực, có ý nghĩa, hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2009), 35 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2010) và 65 năm ngày thành lập Nước (02-9-1945 - 02-9-2010).

Trung tướng Bùi Văn Huấn

Ủy viên BCHTƯ Đảng

Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị

 

Ý kiến bạn đọc (0)