QPTD -Thứ Năm, 24/11/2011, 23:33 (GMT+7)
Quân đội nhân dân với nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu
Nước ta có vùng biển rộng, bờ biển dài, nhiều sông suối, độ dốc lớn, điều kiện địa lý, khí hậu, thủy văn phức tạp nên mỗi năm phải chống chọi với hàng chục cơn bão, lũ lụt, lốc xoáy, lũ quét, sạt lở đất, những đợt hạn hán khốc liệt. Chỉ tính trong năm 2006, đã có 10 cơn bão vào Biển Đông; một số cơn bão đổ bộ trực tiếp vào nước ta như bão số 6 và số 9; riêng cơn bão số 1 có tên quốc tế là “Chan Chu” tuy không vào đất liền nhưng đã gây tổn thất lớn về người và tài sản cho ngư dân các tỉnh miền Trung. Các vụ cháy rừng, sạt lở đất, lốc xoáy, mưa đá, tai nạn đường biển, đường sông cũng xảy ra liên tiếp và có chiều hướng gia tăng hơn năm 2005. Theo thống kê của ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn (TKCN), năm 2006, thiệt hại do thiên tai gây ra đã làm chết 258 người, mất tích 235 người, bị thương 1.931 người, chìm và hư hỏng 1.996 tàu thuyền. Tai nạn đường sông làm chết 201 người, chìm 134 tàu thuyền. Tai nạn đường biển làm chết 764 người, bị thương 884 người, chìm và mất tích 1.379 tàu thuyền, hư hỏng 594 tàu thuyền. Tai nạn do mưa lũ, lốc xoáy, sạt lở đất ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, miền Tây Nam Bộ đã làm chết 43 người, mất tích 5 người, bị thương 8 người, tốc mái 30 nhà, sập đổ 43 nhà; ngập lụt 3.776 nhà dân, 3.419ha ao hồ nuôi trồng thủy sản, 58.613ha lúa và hoa màu, 420ha cao su; sạt lở 154.285m3 đất đá. Đặc biệt, lốc xoáy kèm theo mưa đá trên diện rộng tại các tỉnh Quảng Ninh, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang... từ ngày 19 đến 21 tháng 11 đã làm chết và mất tích 18 người, bị thương 56 người, sập đổ, tốc mái 8.805 nhà, ngập lụt, hư hại 15.335ha lúa và hoa màu, hàng nghìn cây bị đổ gẫy, 12 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng... Những thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước do thiên tai, tai nạn đường sông, đường biển gây ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước. 

Mặc dù thiên tai diễn ra trên diện rộng, công tác TKCN rất phức tạp, nhưng do có sự  chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, ủy ban Quốc gia TKCN, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các địa phương, ý thức phòng tránh của người dân, cùng với công tác chuẩn bị chu đáo nên đã hạn chế được thiệt hại đến mức thấp nhất về người, tài sản và các công trình công cộng. Có thể khẳng định rằng, công tác phòng, chống thiên tai, TKCN đã được thực hiện tốt, có sự đóng góp của nhiều lực lượng, trong đó Quân đội nhân dân đã thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt, xung kích. Điều đó thể hiện rõ trong công tác chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và các đơn vị, cũng như hành động của cán bộ, chiến sĩ trong các hoạt động phòng chống thiên tai, TKCN, giúp dân khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Xác định rõ trách nhiệm của quân đội trong phòng, chống lụt bão, ứng phó với các thảm họa do thiên tai và con người gây ra là nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo, tổ chức cho các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tham gia với tinh thần trách nhiệm, có hiệu quả cao. Quán triệt và chấp hành nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, hằng năm, các cơ quan, đơn vị đã chủ động triển khai đồng bộ từ khâu lập kế hoạch, dự kiến phương án, đến việc chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ khi có lệnh. Khi xảy ra thiên tai đã nắm chắc tình hình, chỉ huy đơn vị triển khai lực lượng, phương tiện, phối hợp với lực lượng của các bộ, ngành, địa phương trên địa bàn tổ chức cứu hộ, cứu nạn, giúp dân phòng tránh thiên tai, tai nạn và tích cực tham gia khắc phục hậu quả, ổn định đời sống. Trong năm 2006, để ứng phó với các cơn bão số 1, 6, 7, 9, 10, Bộ Quốc phòng đã triển khai và lập Sở Chỉ huy Tiền phương tại một số địa phương trọng điểm; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị quân đội trên địa bàn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ứng phó với bão, tổ chức cứu nạn kịp thời, có hiệu quả. Bộ Quốc phòng đã huy động 1.361.512 lượt cán bộ, chiến sĩ, dân quân, tự vệ, sử dụng 1.286 lượt tàu, xuồng, 756 xe ô tô, 56 chuyến bay tham gia phòng, chống bão, lũ và TKCN; chỉ đạo các đơn vị quân đội phối hợp với địa phương và lực lượng của các bộ, ngành trên địa bàn tổ chức các cuộc diễn tập phòng, chống lụt bão, TKCN và diễn tập thực nghiệm tổ chức thu dung, cấp cứu nạn nhân, cứu sập đổ công trình... Quân chủng Phòng không-Không quân mở khóa đào tạo TKCN đường không, cẩu vớt người trên biển, thả hàng cứu trợ trong điều kiện thời tiết phức tạp; tổ chức huấn luyện bay báo bão và tổ chức TKCN. Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển hiệp đồng chặt chẽ với các địa phương, tham gia diễn tập phòng, chống lụt bão, TKCN; thường xuyên tổ chức 18-22 tàu trực TKCN tại 8 căn cứ, trong đó có 10-12 tàu trực ở các vùng biển xa. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các đơn vị biên phòng làm tốt công tác quản lý, theo dõi, nắm số lượng tàu, thuyền trên biển; tổ chức bắn pháo hiệu báo bão; phối hợp với Bộ Thủy sản và các địa phương kịp thời thông báo, gọi tàu, thuyền vào bờ, bố trí neo đậu tàu, thuyền, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Khi bão lụt xảy ra, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, các quân khu, quân chủng, quân đoàn đã trực tiếp xuống hiện trường để chỉ đạo, chỉ huy bộ đội chống bão, lũ. Cán bộ, chiến sĩ đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, lao vào những nơi, những vùng khó khăn, nguy hiểm nhất, sát cánh cùng địa phương và nhân dân tổ chức cứu hộ, chống lụt, bão. Sau các cơn bão, lũ, Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị duy trì lực lượng khắc phục hậu quả; tổ chức lực lượng sửa chữa cầu, cống, đường sá, đê điều và các công trình công cộng; tăng cường lực lượng quân y của các đơn vị, phối hợp với y tế địa phương tổ chức khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch, làm sạch môi trường. Các đơn vị tổ chức lực lượng giúp dân sửa chữa nhà cửa, cứu trợ lương thực, thực phẩm, ổn định nơi ở, sản xuất, bảo đảm đời sống. Hưởng ứng cuộc vận động của Bộ Quốc phòng, các đơn vị trong toàn quân đã tổ chức nhiều phong trào tình nghĩa, tự quyên góp để ủng hộ trực tiếp cho các địa phương chịu ảnh hưởng do bão, lũ với số tiền 10 tỷ 108 triệu đồng; Bộ Quốc phòng ủng hộ tập trung 8 tỷ 940 triệu đồng. Những việc làm cụ thể, thiết thực nêu trên đã khẳng định rõ tinh thần trách nhiệm, tính chiến đấu, bản lĩnh kiên cường, ý thức tổ chức kỷ luật cao của các đơn vị quân đội trong phòng chống lụt bão, TKCN. Hình ảnh “vì nhân dân quên mình” của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân không quản ngại gian khổ, hy sinh, vật lộn trong bão, lũ để cứu những con đê, dìu từng cụ già, cõng từng em nhỏ, di dời người và tài sản của dân ra khỏi vùng nguy hiểm về nơi an toàn... đã để lại những ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trong chính quyền và nhân dân các địa phương, tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân anh hùng, của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
Năm 2007, tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn còn diễn biến phức tạp; sự cố tràn dầu chưa rõ nguyên nhân vào bờ biển các tỉnh miền Trung và miền Nam trên diện rộng; các tai nạn trên sông, trên biển, cháy nổ, cháy rừng có nguy cơ tăng cao với mức độ nghiêm trọng. Tình hình đó đặt ra yêu cầu rất cao cho nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, cháy nổ, cháy rừng, ứng phó sự cố tràn dầu, TKCN của quân đội. Việc Thủ tướng Chính phủ giao cho đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Chủ tịch ủy ban Quốc gia TKCN càng thể hiện rõ chức năng của quân đội là lực lượng chủ lực trong phòng,  chống lụt bão, TKCN. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng là quân đội của dân, do dân, vì dân và vai trò nòng cốt, xung kích trong phòng, chống lụt bão, TKCN, ứng phó sự cố tràn dầu, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi cán bộ, chiến sĩ về tầm quan trọng và vai trò nòng cốt trong nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, TKCN, ứng phó sự cố tràn dầu của quân đội trong tình hình mới. Đây là một công việc khó khăn, nguy hiểm và khó lường trước được những tình huống bất trắc xảy ra, có thể hy sinh, tổn thất trong khi thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho bộ đội ý thức sâu sắc vị trí, vai trò của quân đội, đơn vị trong công tác phòng, chống lụt bão, TKCN, ứng phó các thảm họa do thiên tai và con người gây ra; coi đây là một nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của quân đội nhân dân, “một nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” mà quân đội nhất thiết phải tham gia và hoàn thành tốt. Đồng thời, giáo dục cho bộ đội thấm nhuần các chủ trương, chính sách, văn bản quy định của Nhà nước liên quan đến công tác phòng, chống lụt bão, như: Pháp lệnh Đê điều, Pháp lệnh Phòng cháy, chữa cháy, Pháp lệnh Phòng chống bão lũ, Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp, các nghị định, quyết định, chỉ thị của Chính phủ giao nhiệm vụ cho quân đội tham gia công tác phòng, chống thiên tai, TKCN, ứng phó sự cố tràn dầu... Từ đó xây dựng quyết tâm, ý thức trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương nơi đơn vị đứng chân từ khâu lập kế hoạch đến việc sử dụng lực lượng, phương tiện ứng phó với từng loại thảm họa, sự cố, đặc biệt là tai nạn tàu, thuyền trên biển, lụt, bão, cháy nổ và sập đổ công trình trong các thành phố lớn...
Khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, từ củng cố hệ thống lãnh đạo, chỉ huy, xây dựng kế hoạch, luyện tập, diễn tập theo phương án đến chuẩn bị lực lượng, phương tiện kỹ thuật, hậu cần để chủ động đối phó có hiệu quả với các thảm họa và TKCN. Tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, TKCN từ Bộ Quốc phòng đến các đơn vị trong toàn quân. Các quân khu, quân chủng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Binh chủng Công binh triển khai Quyết định số 1274/QĐ-TM và 1275/QĐ-TM ngày 06-11-2006 của Tổng Tham mưu trưởng về việc thành lập cơ quan Cứu hộ-Cứu nạn để thực hiện tốt chức năng là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đơn vị. Xây dựng hệ thống kế hoạch phòng, chống thiên tai từ Bộ Quốc phòng tới các đơn vị trong toàn quân, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao, sát với đặc điểm địa hình của địa phương, đơn vị và dự báo về tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn có thể xảy ra trên địa bàn. Hệ thống kế hoạch này được phê chuẩn, quản lý theo phân cấp; phải quán triệt sâu sắc phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ) và 3 nguyên tắc cơ bản (thống nhất chỉ huy, kiên quyết, triệt để và kịp thời, tập trung lực lượng có trọng điểm) trong phòng, chống thiên tai. Trên cơ sở kế hoạch đã được phê chuẩn, lãnh đạo, chỉ huy các cấp tổ chức quán triệt, giao nhiệm vụ và hiệp đồng với chính quyền địa phương cùng các lực lượng liên quan trên địa bàn. Tổ chức luyện tập, diễn tập, kịp thời bổ sung, hoàn thiện các phương án phòng, chống thiên tai trên từng địa bàn, nhất là những khu vực trọng điểm, xung yếu. Tổ chức duy trì lực lượng, phương tiện thường trực 24/24 giờ ở các cấp, đặc biệt ở các vùng trọng điểm, khu vực thường xảy ra thảm họa. Triển khai xây dựng lực lượng, đầu tư trang bị, phương tiện cho các đơn vị quân đội theo Quyết định số 46/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực TKCN đến năm 2015 và tầm nhìn 2020. Tiếp tục triển khai và đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả các dự án: Trung tâm Quốc gia huấn luyện TKCN đường biển, đường không; các dự án thuộc các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc, miền Trung; xây dựng hai tiểu đoàn công binh đặc nhiệm để sẵn sàng khắc phục sự cố sập đổ công trình khu vực miền Trung, miền Nam; đóng tàu đa năng ứng phó sự cố tràn dầu; đóng tàu đa năng công suất lớn làm nhiệm vụ TKCN trên biển. Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị phải đề cao trách nhiệm, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ; xử lý kịp thời, có hiệu quả khi có tình huống xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát
Phó Tổng tham mưu trưởng, Phó chủ tịch thường trực
Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn
 
Ý kiến bạn đọc (0)