Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:40 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Hoạt động quân sự và quốc phòng luôn chịu ảnh hưởng trực tiếp của môi trường. Ngược lại, hoạt động quân sự và quốc phòng cũng tác động đáng kể đến chất lượng môi trường. Việt Nam là quốc gia có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng, ẩm; địa hình đồng bằng, đồi núi xen lẫn, hệ thống sông ngòi dầy đặc, khí tượng, thủy văn phức tạp; hoạt động đối lưu diễn ra mạnh mẽ cộng với khí hậu toàn cầu tác động, nên các hiện tượng thiên nhiên: mưa, bão, úng, lụt, hạn hán…, xảy ra với tần xuất lớn và bất thường. Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo bao quanh con người. Bên cạnh các yếu tố bảo đảm cho sự sống, môi trường cũng luôn chứa đựng các nguy cơ tiềm ẩn, tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội và hoạt động quốc phòng, an ninh.
Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã sử dụng hàng triệu tấn bom đạn, hàng nghìn tấn chất độc CS, bom đạn hóa học, hàng chục triệu lít chất độc da cam…, gây hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, sinh thái và con người. Các chất thải quân sự trong chiến tranh tại các căn cứ cũ của quân đội Mỹ và đồng minh đến nay vẫn đang là các nguồn gây ô nhiễm nguy hại. Đặc biệt, tại các kho bãi, bến cảng, sân bay được quân đội Mỹ sử dụng trong các chiến dịch phun rải và vận chuyển, tập kết chất độc da cam, hiện vẫn là các "điểm nóng" (như sân bay Đà Nẵng, sân bay Phù Cát, Biên Hòa, v.v) ô nhiễm chất độc hóa học - đi-ô-xin, mà tỷ lệ vượt ngưỡng cho phép (theo tiêu chuẩn của Cục Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ) đối với đất phi nông nghiệp gấp hàng vài trăm lần…
Trong chiến tranh giải phóng, hoạt động môi trường quân sự của quân đội ta chủ yếu tập trung vào nghiên cứu sử dụng các yếu tố môi trường phục vụ tác chiến, đảm bảo kỹ thuật và hậu cần. Ngoài ra, để bảo vệ sinh lực, trang thiết bị, khí tài chiến đấu, hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) quân sự còn được thực hiện trong tác chiến của bộ đội hóa học; các hoạt động quân y phòng, chống dịch bệnh, tẩy uế, khử trùng, làm sạch môi trường; các hoạt động của bộ đội công binh khắc phục bom, mìn, vật nổ, v.v. Kết quả hoạt động môi trường trong giai đoạn chiến tranh giải phóng đã tạo tiền đề thuận lợi để tiếp tục phát triển các hoạt động BVMT trong xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Hòa bình lập lại, đất nước tập trung phát triển kinh tế, đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoạt động BVMT của quốc gia nói chung, quân đội nói riêng, bên cạnh những thuận lợi cơ bản cũng có nhiều thách thức nặng nề; thể hiện ở hoạt động môi trường quân sự thiếu quy hoạch tổng thể, nhiều vấn đề môi trường bức xúc ở các đơn vị vẫn chưa có khả năng giải quyết cơ bản theo hướng phát triển bền vững. Việc lồng ghép ưu tiên giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị với việc thực hiện Luật BVMT và các quy định BVMT khác của Nhà nước còn nhiều bất cập. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quy trình công nghệ sản xuất quốc phòng và BVMT còn lạc hậu, nguồn lực BVMT yếu kém, hệ thống quản lý chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Công tác BVMT vẫn chưa thực sự được coi trọng đúng mức; trình độ nhận thức về BVMT của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và chiến sĩ nhìn chung còn hạn chế, chưa ngang tầm. Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế, hợp tác liên ngành, liên khu vực đến các vấn đề môi trường ngày càng lớn và phức tạp.
Cũng như các hoạt động phát triển kinh tế- xã hội, hoạt động quốc phòng, quân sự luôn phát sinh các chất thải; thậm chí còn có các chất thải nguy hại (do hoạt động đặc thù quân sự), gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vì vậy, đối với quân đội, bên cạnh nhiệm vụ chính trị, công tác BVMT có những phát triển mới, yêu cầu mới, đã, đang trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên cần được triển khai sâu rộng.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng hiện trạng môi trường quân sự, để tranh thủ thuận lợi, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ BVMT, cần nắm vững những quan điểm cơ bản sau:
- BVMT là một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm sức khỏe bộ đội, tăng hiệu quả hoạt động quân sự của các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
- BVMT vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững; do đó, cần phải được chỉ đạo chặt chẽ, lồng ghép trong quy hoạch chiến lược, chương trình mục tiêu, các dự án đầu tư nói chung và dự án BVMT nói riêng, cũng như trong mọi hoạt động thường xuyên của đơn vị. Mối quan hệ này cần được các cấp lãnh đạo, chỉ huy quan tâm giải quyết đồng bộ ở mọi nơi, mọi lúc.
- Trong quá trình hoạt động BVMT, phải quán triệt phương châm phòng ngừa là chính. Đối với các biện pháp tiến hành nhằm giảm thiểu và xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên, v.v, cần kết hợp giữa công nghệ hiện đại với các phương pháp truyền thống, đi đôi với các biện pháp quản lý hành chính. Đặc biệt, phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm…
- BVMT là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng trong toàn quân. BVMT phải gắn với bảo vệ lợi ích quốc gia, không gây phương hại đến công tác an ninh, quốc phòng.
- Cần tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, giáo dục nâng cao năng lực và ý thức BVMT, xã hội hóa công tác BVMT trong toàn quân; coi đó là yếu tố quan trọng nhất trong hoạt động BVMT.
- Cần phát huy vai trò của các cơ quan chức năng, nhất là Phòng Quản lý Môi trường, Cục Khoa học Công nghệ và Môi trường trong tham mưu, tư vấn cho Bộ về chủ trương, giải pháp đẩy mạnh các hoạt động BVMT trong quân đội.
Qua hoạt động thực tế, hệ thống tổ chức, quản lý BVMT quân sự đã được phát triển tương đối toàn diện và đồng bộ. Từ triển khai thực hiện và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường; xây dựng lực lượng nòng cốt cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thảm họa môi trường, thiên tai, ô nhiễm, bom mìn, vật nổ, chất độc hóa học (đi-ô-xin), đến việc quản lý chất thải nguy hại phát sinh từ các hoạt động quân sự; quan trắc môi trường quân sự và tham gia quan trắc môi trường quốc gia; nghiên cứu công nghệ xử lý môi trường; hợp tác quốc tế về BVMT (các hoạt động thực hiện các điều ước quốc tế về BVMT, chất độc hóa học và an toàn bức xạ hạt nhân); thực hiện xây dựng báo cáo tình hình tác động môi trường, cấp phép và kiểm toán môi trường; các hoạt động giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, hiểu biết về BVMT; thanh tra, kiểm tra hoạt động BVMT; nâng cao năng lực, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên môi trường các khu kinh tế - quốc phòng; điều tra cơ bản và quản lý BVMT tài nguyên biển, v.v, đều được quan tâm đầu tư phát triển, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo môi trường trong lành cho phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ an ninh, quốc phòng.
Dưới ánh sáng Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 14-4-2004 của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và Nghị quyết 16/2007/NĐ-CP ngày 27-2-2007 của Chính phủ về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch hành động BVMT gắn với nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phát triển bền vững. Trong đó, cần tập trung thực hiện các nội dung cơ bản sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, tri thức và trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng về BVMT. Theo đó, cần chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tổ chức tuyên truyền sát với tình hình thực tiễn, phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, những thuận lợi, khó khăn và thách thức về môi trường khi Việt Nam tham gia WTO. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích tăng trưởng kinh tế, thực hiện nhiệm vụ chính trị xây dựng và bảo vệ quốc phòng-an ninh và BVMT trong quân đội. Khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ nhằm giảm thiểu nguồn phế thải gây ô nhiễm môi trường, theo hướng phát triển bền vững. Bồi dưỡng nâng cao nhận thức, hiểu biết về môi trường và BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế (thực hiện tiêu chuẩn môi trường, rào cản môi trường, nhãn hiệu hàng hóa xanh, các điều ước quốc tế về BVMT…, khi Việt Nam đã là thành viên WTO). Lồng ghép giáo dục về BVMT trong chương trình đào tạo của các nhà trường, cơ sở đào tạo của Bộ Quốc phòng. Cung cấp đầy đủ, kịp thời tri thức cơ bản và xây dựng ý thức tự giác tham gia BVMT cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng ở các cương vị, theo chức năng, nhiệm vụ và đặc thù đơn vị khu vực đóng quân. Tiếp tục phát huy truyền thống xây dựng môi trường văn hóa, doanh trại quân đội chính quy, đơn vị xanh, sạch, đẹp, trồng cây, bảo vệ rừng; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tấm gương thể hiện đạo đức môi trường. Nghiên cứu thực tiễn, xây dựng, bồi dưỡng điển hình các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng đạt chuẩn mực quốc tế về môi trường thời kỳ hội nhập, đạt các tiêu chí đủ điều kiện cấp chứng chỉ ISO 14001: 2004...
Hai là, tăng cường nguồn lực BVMT trong quân đội ngang tầm với yêu cầu trong thời kỳ mới. Chú trọng tăng cường phát triển năng lực quản lý và các điều kiện bảo đảm cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động quản lý môi trường từ Bộ Quốc phòng đến các đơn vị cơ sở. Hình thành và hoàn thiện hệ thống quản lý môi trường đồng bộ với Nhà nước, đủ năng lực triển khai các hoạt động môi trường tương ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Ưu tiên cơ chế và tài chính phát triển nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ BVMT (công nghệ xanh, công nghệ sạch, thân thiện môi trường) ở các trung tâm, cơ sở nghiên cứu, nhà trường, các nhà máy và doanh nghiệp quốc phòng trong quân đội. Mở rộng hợp tác, tăng cường phối hợp hoạt động BVMT với các Bộ, ngành, địa phương và quốc tế, nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động BVMT trong quân đội, góp phần BVMT quốc gia. Thực hiện tốt vai trò là lực lượng nòng cốt cứu hộ, cứu nạn, khắc phục triệt để hậu quả chất độc hóa học, tồn lưu bom mìn sau chiến tranh, sự cố thảm họa môi trường.
Ba là, tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BVMT trong quân đội, phù hợp với luật pháp Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.
Để thực hiện tốt các nội dung trên, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, đó là:
- Cấp ủy và chỉ huy các cấp cần đưa nội dung BVMT vào nghị quyết lãnh đạo kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
- Tăng cường công tác truyền thông, cung cấp cập nhật thông tin liên quan đến hoạt động môi trường phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
- Tích cực, chủ động, thường xuyên làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát môi trường theo hướng phân định rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và ý thức BVMT đối với các tổ chức, cá nhân; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội về BVMT.
- Tăng cường thực hiện và đa dạng hóa nguồn vốn hoạt động BVMT. Đảm bảo quản lý, sử dụng tốt các nguồn vồn đầu tư theo đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Tích cực phân cấp, xã hội hóa đầu tư BVMT theo hướng chủ đầu tư là người hưởng lợi kết quả đầu tư.
- Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quy hoạch môi trường hợp lý theo hướng: “Quy hoạch bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế phù hợp với tình hình mới, đảm bảo phát triển bền vững quốc phòng và kinh tế”.
- Chủ động xây dựng, củng cố, phát triển thế trận quốc phòng toàn dân ở các địa phương, địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, gắn với mục tiêu phát triển bền vững của Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 21 của Liên hợp quốc mà Việt Nam tham gia.
- Tăng cường nghiên cứu, điều tra cơ bản và quan trắc môi trường, xây dựng cơ sở luận cứ khoa học, nhằm hoàn thiện các khu kinh tế - quốc phòng, bảo vệ và khai thác hợp lý tài nguyên khu vực đóng quân, quan tâm cải thiện đời sống bộ đội, đảm bảo mọi cán bộ, chiến sĩ yên tâm gắn bó với nhiệm vụ chính trị của đơn vị; góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và tăng cường quốc phòng- an ninh trong tình hình mới.
Tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của quân đội trong chiến tranh giải phóng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy Quân sự Trung ương, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần quán triệt, triển khai đầy đủ các nội dung cơ bản về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH; phấn đấu xứng đáng là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong hoạt động BVMT, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thượng tướng, TS. NGUYỄN HUY HIỆU
Ủy viên BCHTƯ Đảng,
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011