Thứ Năm, 24/04/2025, 17:23 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Nước ta là một quốc gia thống nhất gồm 54 dân tộc cùng sinh sống. Đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 16% dân số cả nước, cư trú xen kẽ, tập trung chủ yếu ở miền núi, biên giới. Đây là những địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng-an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, đồng bào các dân tộc thiểu số đã không ngừng vun đắp truyền thống đại đoàn kết các dân tộc, tinh thần yêu nước, kề vai sát cánh trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chế ngự thiên nhiên, xây dựng đất nước.
Trung thành với quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc, Đảng ta đã đề ra chính sách dân tộc đúng đắn, đáp ứng nhiệm vụ của cách mạng, nguyện vọng và lợi ích của các dân tộc. Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng luôn xác định giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng. Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng, quan điểm giải quyết vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc của Đảng trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta.
Thời kỳ đổi mới đất nước, Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng đều khẳng định vị trí chiến lược của vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc, chính sách dân tộc, thể hiện quan điểm nhất quán thực hiện bình đẳng, đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ giữa các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng xác định "Vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược lớn. Thực hiện bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước", đồng thời khẳng định rõ 3 mục tiêu cơ bản giải quyết vấn đề dân tộc ở nước ta là: Xoá đói, giảm nghèo, ổn định và cải thiện đời sống, sức khoẻ của đồng bào các dân tộc, đồng bào vùng cao, vùng biên giới; xoá mù chữ, nâng cao dân trí, tôn trọng và phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của các dân tộc; xây dựng cơ sở chính trị, đội ngũ cán bộ và đảng viên của các dân tộc ở các vùng, các cấp trong sạch và vững mạnh. Trong những năm đầu thế kỷ XXI, trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Nghị quyết Đại hội IX của Đảng và Nghị quyết TW7 (khoá IX) tiếp tục xác định "Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam". Nghị quyết Đại hội X của Đảng khẳng định "Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; cùng nhau thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN"1. Chính sách dân tộc nhất quán của Đảng luôn được cụ thể hoá bằng pháp luật Nhà nước, các chủ trương, chính sách phát triển toàn diện miền núi, vùng dân tộc, chính sách phát triển mỗi vùng miền, mỗi dân tộc cụ thể; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chia rẽ đoàn kết dân tộc, chống phá cách mạng của các thế lực thù địch.
Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức, giáo dục và rèn luyện; là đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân chiến đấu, gắn bó máu thịt với nhân dân, với đồng bào các dân tộc. Trong suốt hơn 60 năm chiến đấu, rèn luyện và trưởng thành, quân đội ta luôn gắn bó với phong trào cách mạng của nhân dân, gắn bó với đồng bào các dân tộc. Do vậy, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, thể hiện bản chất và truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", vừa là trách nhiệm và tình cảm sâu nặng của quân đội ta đối với đồng bào các dân tộc.
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự trong tình hình mới, Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở địa bàn miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ năm 2001 đến 2006, toàn quân đã cử trên 17.000 lượt cán bộ tăng cường cơ sở, trên 24.000 lượt tổ (đội) công tác, trên 80 vạn lượt cán bộ, chiến sĩ hành quân dã ngoại làm công tác dân vận ở các cơ sở vùng sâu, vùng xa giúp đồng bào phát triển sản xuất; tiến hành trên 19 vạn buổi tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho trên 22 triệu lượt đồng bào các dân tộc. Với phương châm "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin", cán bộ và chiến sĩ không quản ngại gian khổ, khó khăn, ngày đêm bám địa bàn, gắn bó với đồng bào, tuyên truyền vận động đến từng bản, từng nhà, từng người, góp phần làm cho đồng bào tin tưởng vào chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đồng thời nhận rõ âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là về chính sách dân tộc, tôn giáo, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc và giữ vững ổn định chính trị trên từng địa bàn.
Thực hiện Chỉ thị 58/TTg (nay là Chỉ thị 36/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ) "về xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng-an ninh trong tình hình mới", Nghị quyết TW5 (khoá IX) về nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị ở cơ cở và chương trình hành động của Bộ Quốc phòng thực hiện Nghị quyết TW5 và Nghị quyết TW7 (khoá IX) "về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh",... các đơn vị đã chủ động làm tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền các địa phương củng cố hàng chục ngàn lượt cơ sở và tổ chức chính trị-xã hội vững mạnh. Thực hiện Chỉ thị 123/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về củng cố, kiện toàn các tổ (đội) công tác xây dựng cơ sở, toàn quân đã cử 224 đội công tác với hơn 1 nghìn cán bộ tăng cường cơ sở về các xã xung yếu trên các địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Quân khu 4. Đây là một chủ trương rất đúng đắn; các đội công tác đã làm tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền ở cơ sở rất hiệu quả được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương khen ngợi. Các đơn vị trong toàn quân, các nhà trường quân đội đã chú trọng giáo dục kiến thức quốc phòng cho cán bộ cơ sở, già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu trong các dân tộc. Những việc làm trên của quân đội đã góp phần cùng địa phương đưa hàng trăm cơ sở từ trung bình, yếu lên khá, vững mạnh toàn diện, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Toàn quân tích cực, chủ động tham gia phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng “thế trận lòng dân”, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với địa phương thực hiện nhiều chương trình, dự án sắp xếp dân cư, định canh định cư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng điểm sáng văn hoá, xoá mù chữ và phổ cập tiểu học,... giúp địa phương và đồng bào trên 6,5 triệu ngày công, mở mới 13.000km đường liên xã-thôn, đào đắp 13.000km kênh mương thuỷ lợi, xây dựng hàng trăm cây cầu, bể nước sạch, xây dựng trường học và trạm y tế… Các trạm xá quân-dân y đã phát huy hiệu quả tốt trong tuyên truyền vận động đồng bào ăn ở hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh cho đồng bào. Bộ đội Biên phòng mở trên 200 lớp xoá mù chữ và phổ cập tiểu học cho 20 vạn con em các dân tộc vùng sâu, vùng xa; xây dựng hàng trăm mô hình điểm sáng văn hoá biên giới. Các Đoàn Kinh tế-quốc phòng thực hiện chương trình sắp xếp bố trí 116 điểm định canh định cư, làm mới 800km đường giao thông, 25 công trình điện sinh hoạt, 97 công trình thuỷ lợi, 98 trường học và hàng chục trạm y tế, thu nhận trên 47.000 hộ đồng bào các dân tộc vào sinh sống, làm việc tại các vùng dự án. Các đơn vị đã làm tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", xây dựng bản làng văn hoá, giúp nhau xoá đói, giảm nghèo, không trồng cây thuốc phiện, giữ gìn an ninh thôn bản, loại bỏ các hủ tục mê tín, bài trừ tệ nạn xã hội… Các Bệnh viện quân đội hằng năm đều tổ chức đoàn công tác về với đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, giúp địa phương mở các lớp đào tạo y tá thôn bản. Mỗi khi có thiên tai, bão lũ, cháy rừng, lũ quét,… cán bộ và chiến sĩ là lực lượng xung kích, nòng cốt giúp địa phương và đồng bào khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định cuộc sống cho đồng bào, để lại trong lòng nhân dân hình ảnh cao đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ".
Hằng năm, có hàng ngàn con em các dân tộc thiểu số nhập ngũ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Quân nhân là con em các dân tộc thiểu số đã được giáo dục, học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, đồng thời thực hiện chế độ cử tuyển đi học các trường trong và ngoài quân đội,... bồi dưỡng trở thành đội ngũ cốt cán ở địa phương, làm nòng cốt thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới trên chính quê hương mình.v.v.
Do những việc làm trên, cán bộ, chiến sĩ QĐND đã góp phần tích cực đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống đồng bào các dân tộc. Điều đó luôn có ý nghĩa chính trị hết sức to lớn trong xây dựng lực lượng chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc vào Đảng, Nhà nước và Quân đội.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu rất cao trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng. Do đó, cán bộ và chiến sĩ toàn quân cần tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
Tiếp tục quán triệt, phổ biến sâu rộng đến mọi cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng những quan điểm của Đảng ta, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc và đoàn kết các dân tộc. Thống nhất nhận thức trong toàn quân về vị trí chiến lược, lâu dài và cấp bách của vấn đề dân tộc trong cách mạng nước ta; về chính sách bình đẳng, đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với miền núi, vùng các dân tộc thiểu số. Từ đó phát huy tinh thần trách nhiệm, tinh thần quên mình vì cuộc sống của đồng bào các dân tộc, hoàn thành mọi nhiệm vụ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, cán bộ và chiến sĩ phải xác định rõ, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, thuộc bản chất và truyền thống quân đội, thể hiện trách nhiệm và tình cảm của người quân nhân cách mạng đối với đồng bào các dân tộc. Tiếp tục giáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ kiến thức về dân tộc, kinh nghiệm công tác vùng đồng bào dân tộc, tình hình ở các vùng miền, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào và âm mưu chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng, qua đó nâng cao năng lực trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đẩy mạnh công tác dân vận của quân đội ở địa bàn miền núi, vùng dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cách mạng, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới. Đổi mới nội dung, hình thức công tác phù hợp với nhiệm vụ của từng địa phương, đặc điểm mỗi vùng, miền, phong tục, tập quán, nếp sống văn hóa của từng dân tộc. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và tổ chức đồng bào thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn kích động, chia rẽ đoàn kết các dân tộc của các thế lực thù địch. Chủ động làm tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền các địa phương củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng cơ sở địa phương vững mạnh toàn diện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng-an ninh trong tình hình mới; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở các cấp trong sạch và vững mạnh, phát hiện quần chúng tốt từ trong phong trào ở cơ sở giới thiệu cho địa phương bồi dưỡng phát triển đảng viên, tạo nguồn cán bộ tại chỗ. Xây dựng thực lực chính trị, lực lượng dân quân, tự vệ, dự bị động viên vững mạnh, bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ nhân dân từ cơ sở, làm chỗ dựa cho chính quyền địa phương trong giải quyết các vấn đề phát sinh, nhất là cơ sở trọng điểm, xung yếu. Hệ thống nhà trường trong quân đội có trách nhiệm thực hiện tốt chế độ cử tuyển con em các dân tộc để đào tạo nguồn cán bộ lâu dài cho quân đội. Các quân khu, Bộ đội Biên phòng và các đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương nâng cao hiệu quả giáo dục quốc phòng cho cán bộ cơ sở, giáo dục kiến thức quốc phòng cho già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các dân tộc.
Tham gia phát triển kinh tế-xã hội, không ngừng nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc là nhiệm vụ thường xuyên của quân đội ta. QĐND sẵn sàng đồng cam cộng khổ với đồng bào các dân tộc, bằng lương tâm và trách nhiệm của mình đến với nhân dân, các dân tộc khi có thiên tai, bão lũ. Các Đoàn Kinh tế-quốc phòng, các đội công tác tăng cường cơ sở, từ kinh nghiệm những công việc đã làm, cần tập trung nghiên cứu xây dựng các mô hình, các điểm sáng để đồng bào học tập, làm theo. Mở các lớp đào tạo nghề cho con em các dân tộc, hướng dẫn đồng bào phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá, thu hẹp kinh tế tự cung, tự cấp, xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các dân tộc. Tích cực vận động đồng bào xây dựng cuộc sống mới, bản làng văn hoá, thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư". Tích cực, chủ động, phát huy vai trò xung kích, nòng cốt trong giúp đỡ đồng bào các dân tộc phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, cháy rừng,… thể hiện trách nhiệm của quân đội đối với đồng bào.
Để góp phần thực hiện tốt hơn nữa chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước trong đồng bào các dân tộc thiểu số, các cấp ủy Đảng, chỉ huy, chính uỷ, chính trị viên trong các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trên từng địa bàn trong công tác dân tộc, gắn việc thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị với thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước được cụ thể hoá với từng địa phương, tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện công tác dân tộc, đưa đường lối, chính sách dân tộc của Đảng vào cuộc sống.
Hơn 6 thập kỷ qua, QĐND Việt Nam đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Trong giai đoạn mới của cách mạng, phát huy bản chất và truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", quân đội nguyện kề vai sát cánh với đồng bào các dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kiên định mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng miền núi, vùng các dân tộc ngày càng vững mạnh, kiên quyết đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững chủ quyền độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, cùng với nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Trung tướng Đàm Đình Trại
Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011