QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 21:54 (GMT+7)
Quân đội nhân dân tập trung nâng cao khả năng, trình độ mọi mặt, chủ động đấu tranh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện tình hình thế giới, khu vực, nhất là những diễn biến phức tạp, xu hướng phát triển và sự tác động nhiều mặt của nó đối với quốc phòng-an ninh của đất nước; đặc biệt là âm mưu chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch, Đảng ta đã khẳng định: "Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự nghiệp đổi mới và lợi ích quốc gia, dân tộc"1. Như vậy, quan điểm của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới của cách mạng có sự phát triển về nội hàm; nó thể hiện tầm trí tuệ, tư duy sắc sảo, nhạy bén của Đảng. Theo đó, nhiệm vụ của quân đội có sự phát triển mới, với yêu cầu ngày càng cao.

           
Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Quân đội nhân dân với tư cách là một lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, trước hết phải nắm vững nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong thời kỳ mới; tiếp tục đổi mới toàn diện cả về tư duy, nhận thức, hành động, đẩy mạnh xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; coi trọng xây dựng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Quân đội nhân dân phải đề cao trách nhiệm và nỗ lực hơn nữa, tạo sự chuyển biến vững chắc, có chiều sâu trên tất cả các mặt công tác. Trong đó vấn đề quan trọng cần quan tâm là: tập trung nâng cao khả năng, trình độ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo đảm cho quân đội có đủ sức mạnh chiến đấu cần thiết, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, các ngành, các địa phương và toàn dân, chủ động và kiên quyết đấu tranh, đánh bại kẻ thù xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc dưới bất cứ hình thức nào, bất kể điều kiện, hoàn cảnh, tình huống nào; qua đó, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị-xã hội, tạo điều kiện cho đất nước tăng cường hội nhập, phát triển, tăng trưởng kinh tế, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Những năm qua, trên cơ sở quán triệt, thực hiện đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, quân đội đã nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng, trình độ sẵn sàng chiến đấu. Nổi lên là, tăng cường giáo dục chính trị-tư tưởng, nắm vững chức năng, nhiệm vụ, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng tác chiến, tiếp tục điều chỉnh bổ sung phương án, kế hoạch tác chiến ở các cấp, chấn chỉnh tổ chức lực lượng, biên chế, trang bị vũ khí; tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, xây dựng nền nếp chính quy, duy trì nghiêm kỷ luật, chế độ sẵn sàng chiến đấu... Nhờ đó, khả năng, trình độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội đã được nâng cao một bước. Tuy vậy, trong công tác này cũng còn những thiếu sót, hạn chế. Đó là, nhận thức của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ về tình hình, nhiệm vụ, âm mưu, thủ đoạn của địch chưa đầy đủ, vẫn còn những biểu hiện mơ hồ, mất cảnh giác, tinh thần sẵn sàng chiến đấu chưa cao; việc nắm tình hình, địa bàn có lúc, có nơi chưa chắc, còn để xảy ra những diễn biến phức tạp trên một số địa bàn và khi xử lý còn lúng túng, chưa kịp thời. Công tác huấn luyện đã có sự đổi mới nhưng còn chậm và chưa toàn diện, kết quả, chất lượng có mặt hạn chế, chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ thường xuyên của quân đội là tham gia cùng các lực lượng, chủ động đấu tranh phòng chống có hiệu quả chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, cũng như chống chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao của địch nếu chúng liều lĩnh tiến hành.
Để không ngừng nâng cao khả năng, trình độ sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm cho quân đội chủ động đấu tranh, xử lý tốt mọi tình huống, kể cả tình huống chống chiến tranh xâm lược, đáp ứng yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đòi hỏi quân đội phải tiếp tục đổi mới toàn diện, nỗ lực phát huy những thành tựu đã đạt, khắc phục những thiếu sót tồn tại, tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp.
Trước hết, trên cơ sở nắm vững quan điểm bảo vệ Tổ quốc, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, quân đội phải thường xuyên theo dõi, nắm chắc, phân tích, đánh giá đúng tình hình thế giới, khu vực, trong nước; phát hiện âm mưu, thủ đoạn, phương thức, hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với nước ta, để giúp Đảng, Nhà nước có chủ trương, đối sách xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống và các vấn đề về quốc phòng, an ninh, đối ngoại liên quan trực tiếp, gián tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN. Đây là chức năng tham mưu chiến lược của quân đội và cũng là yêu cầu thường xuyên rất quan trọng đối với quân đội, nhất là trong bối cảnh diễn biến phức tạp nhanh, nhạy cảm, khó lường của tình hình hiện nay. Tất nhiên, để tham mưu, đề xuất trúng và đúng các vấn đề về chiến lược bảo vệ Tổ quốc đối với Đảng, Nhà nước thì đòi hỏi quân đội mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ chiến lược trong quân đội phải có tầm nhìn xa, trông rộng, có năng lực tư duy chiến lược nhạy bén, sắc sảo, khoa học, có khả năng phân tích, đánh giá chính xác tình hình, dự báo xu hướng phát triển, mức độ nguy hiểm và sự tác động của nó đối với cách mạng nước ta, trên cơ sở đó xác định được giải pháp, hệ thống giải pháp phù hợp. Rõ ràng đây là yêu cầu rất cao, nhưng bức thiết trong tình hình hiện nay. Vì thế, phải thường xuyên chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ quân đội, trước hết là cán bộ chiến lược. Qua đó nhằm giúp cho cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân, có kiến thức cơ bản, vững chắc về quốc phòng, quân sự, đồng thời có kiến thức cần thiết về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... đủ sức hoàn thành nhiệm vụ theo cương vị, chức trách. Có như vậy, quân đội mới không ngừng vững mạnh về mọi mặt, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó có chức năng tham mưu chiến lược. Việc thường xuyên nắm chắc tình hình, âm mưu của các thế lực thù địch, thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược đối với Đảng, Nhà nước là biểu hiện tập trung nhất, thể hiện rõ nhất sự sẵn sàng chiến đấu cao về nhận thức, tư duy chiến lược của quân đội nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã và đang đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, tạo nguồn lực ngày càng dồi dào và khả năng mới cho sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc nói chung, cho xây dựng quân đội, nâng cao khả năng, trình độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội nói riêng. Nhưng, trong quá trình phát triển nhanh của đất nước, bên cạnh nhân tố tích cực, thuận lợi là cơ bản cũng cần thấy những vấn đề phức tạp mới nảy sinh,và nếu chúng ta không có giải pháp xử lý phù hợp thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc xây dựng thế trận phòng thủ, đến hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang và rộng hơn là ảnh hưởng đến khả năng phòng thủ đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Do đó, cùng với việc nghiên cứu, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn, phương thức tác chiến của địch, phải bám sát thực tiễn phát triển của đất nước để tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chiến lược quốc phòng-quân sự trong thời kỳ mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, đặc biệt coi trọng các địa bàn chiến lược, trọng điểm về quốc phòng-an ninh. Đồng thời, tiếp tục điều chỉnh thế bố trí lực lượng gắn với tăng cường thế trận hậu cần - kỹ thuật trên các địa bàn chiến lược phù hợp và phương án, kế hoạch phòng thủ đã xác định; dự kiến các tình huống và biện pháp xử lý sát hợp với tình hình.
Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh, tập trung cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, nhất là các đơn vị hoạt động ở các địa bàn trọng điểm trên tuyến biên giới, biển đảo. Nghiên cứu, tổ chức và nâng cao khả năng hoạt động của những đơn vị đặc nhiệm, cơ động theo yêu cầu nhiệm vụ mới. Từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng, bảo đảm tính đồng bộ của vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật cho các quân chủng, binh chủng. Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện Đề án tổ chức lực lượng quân đội đến năm 2010 bảo đảm cho quân đội thực sự vững mạnh về tổ chức và quan trọng hơn là tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại theo Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã xác định.
Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các đơn vị, có ý nghĩa trực tiếp nâng cao khả năng, trình độ sẵn sàng chiến đấu của bộ đội. Trong đó, tập trung giáo dục cho bộ đội về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng; giáo dục, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ chính trị, pháp luật, kỷ luật, về âm mưu, thủ đoạn của địch... Qua đó nhằm bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân vững vàng về tư tưởng, kiên định về lập trường, có lòng tin và quyết tâm đánh thắng địch trong mọi tình huống, kể cả chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao. Đẩy nhanh tiến độ đổi mới toàn diện công tác huấn luyện chiến đấu cho cả cơ quan và đơn vị, bộ binh và binh chủng, cán bộ và phân đội theo hướng cơ bản - thiết thực - vững chắc. Đối với cơ quan, phải nghiên cứu đổi mới cả tổ chức và phương pháp huấn luyện cho cơ quan chiến lược, chiến dịch một cách toàn diện, thiết thực, hiệu quả; bảo đảm nắm vững lý luận về nghệ thuật chiến dịch, chiến lược, vận dụng thành thạo vào diễn tập, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc XHCN sát với yêu cầu thực tiễn của chiến tranh. Đối với đơn vị, phải coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, tăng cường huấn luyện dã ngoại, huấn luyện nâng cao khả năng cơ động, phòng tránh, đánh trả, huấn luyện sát với các tình huống, phương án chiến đấu, đối tượng tác chiến, tổ chức, biên chế, chức năng, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động của từng đơn vị, lực lượng; huấn luyện phù hợp với sự phát triển của tình hình, nghệ thuật quân sự Việt Nam. Chú trọng tổ chức huấn luyện cho lực lượng dự bị động viên, các đơn vị làm nhiệm vụ đặc biệt, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Tích cực xây dựng nền nếp chính quy, duy trì kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước, chế độ sẵn sàng chiến đấu ở tất cả các cấp, bảo đảm an toàn địa bàn, mục tiêu được phân công, quản lý và bảo vệ tốt vùng trời, vùng biển, biên giới, nội địa, nhất là trong những thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.
Quân đội ta là quân đội cách mạng, của dân, do dân, vì dân, là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân và là một lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN. Do đó, Quân đội nhân dân phải cùng với các lực lượng và toàn dân chủ động đối phó thắng lợi với mọi tình huống phức tạp xảy ra dưới mọi hình thức, kể cả sự chống phá bằng phi vũ trang, vũ trang hoặc kết hợp cả hai hình thức của địch. Như vậy, có thể thấy nhiệm vụ của quân đội trong tình hình mới có sự phát triển và rất nặng nề, một mặt đòi hỏi quân đội vừa phải đề cao cảnh giác, không ngừng nâng cao khả năng, trình độ sẵn sàng chiến đấu, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc trong chiến tranh nhân dân phát triển cao, đánh bại kẻ thù xâm lược bằng trang bị, vũ khí công nghệ cao, nếu chúng liều lĩnh tiến hành, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Mặt khác, quân đội phải thường xuyên tham gia phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các ngành, các địa phương và toàn dân, chủ động và kiên quyết đấu tranh làm thất bại chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ XHCN, bảo vệ công cuộc đổi mới và lợi ích quốc gia, dân tộc.
Trong quá trình tham gia đấu tranh, quân đội cần thấy rằng, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh các hoạt động chống phá một cách công khai, quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; chúng mở rộng sự phối hợp các lực lượng trong và ngoài nước tăng cường kích động tư tưởng ly khai, chống đối, thúc đẩy "tự diễn biến", nhen nhóm tổ chức lực lượng phản động, tổ chức chính trị đối lập gây mất ổn định chính trị-xã hội để tạo cớ can thiệp. Thực chất đây là một cuộc đấu tranh giai cấp trong điều kiện mới, dưới hình thức mới, trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế; đất nước mở cửa, hợp tác, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Trước tình hình đó, đòi hỏi quân đội phải thường xuyên đề cao cảnh giác, phân biệt rõ đối tượng, đối tác, tích cực tham gia đấu tranh trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, những đơn vị bộ đội chủ lực hoạt động trên các địa bàn, nhất là các địa bàn chiến lược, phải theo dõi, nắm chắc tình hình địa bàn, âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của địch, chủ động phối hợp với các lực lượng và địa phương có phương án và biện pháp đối phó hiệu quả với mọi tình huống xảy ra. Khi xử lý phải kiên quyết nhưng linh hoạt, khôn khéo, nhất là những vấn đề nhạy cảm, không để địch lợi dụng tạo cớ can thiệp.
Tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân đội ta sẽ tiếp tục phát huy tốt bản chất, truyền thống anh hùng, không ngừng nâng cao khả năng, trình độ sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước trong thời kỳ mới.
 
Trung tướng Nguyễn Khắc Nghiên
Ủy viên BCHTƯ Đảng,
Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN,
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
 
1- ĐCSVN - Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb CTQG, H.2005, tr. 661.

 

Ý kiến bạn đọc (0)