QPTD -Thứ Bảy, 10/12/2011, 23:08 (GMT+7)
Quân đội nhân dân tăng cường giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, góp phần bảo vệ và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Cách đây 61 năm, với thắng lợi vĩ đại của cách mạng tháng Tám, ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới - đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước nhân dân cả nước và thế giới sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam.

Sự kiện đặc biệt trong thời khắc lịch sử đó mãi mãi in sâu trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam với niềm tự hào, tự tôn sâu sắc. Sự kiện đặc biệt đó mở ra một kỷ nguyên mới - độc lập, tự do của dân tộc; đồng thời cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giành độc lập của các dân tộc thuộc địa, cũng như phong trào đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Sức mạnh của Nhà nước ta bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân, của cả dân tộc; của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; dựa trên nền tảng liên minh công nhân, nông dân, trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cho nên Nhà nước ta luôn luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ của mình trong sạch, vững mạnh; gần dân, sát dân, thể hiện đúng ý chí, nguyện vọng của dân, bảo đảm trên thực tế mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Việc xây dựng và thực hiện Hiến pháp, pháp luật trước hết nhằm bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân. Với tinh thần đó, Nhà nước ta luôn chăm lo xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật XHCN, đáp ứng yêu cầu Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật.
Trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa, hội nhập, kinh tế thị trường định hướng XHCN, những vấn đề mới đặt ra như: sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật Nhà nước; bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ công dân về kinh tế, chính trị-xã hội, hoàn thiện tổ chức bộ máy Nhà nước, cải cách nền hành chính nhà nước, đấu tranh chống tệ nạn xã hội; củng cố quốc phòng- an ninh, bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc. Do đó, Đảng ta đã chỉ rõ, phải không ngừng tăng cường nền pháp chế XHCN, phù hợp với đòi hỏi của thời kỳ mới trên cả ba lĩnh vực: xây dựng pháp luật, chấp hành pháp luật, bảo vệ pháp luật.
Quân đội nhân dân là một lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang nhất mực trung thành của Nhà nước, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Quân đội ta thực hiện chức năng đó không chỉ bằng sức mạnh quân sự, sức mạnh của lực lượng vũ trang, mà còn bằng sức mạnh chính trị, ở năng lực kiến thức về Hiến pháp, pháp luật Nhà nước, ở phẩm chất đạo đức cách mạng, thực sự là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và là niềm tin của nhân dân. Đồng thời cũng là sức mạnh trực tiếp đấu tranh chống chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ, âm mưu "phi chính trị hóa" quân đội của các thế lực thù địch. Vì vậy, đẩy mạnh xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại phải gắn với việc chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, Điều lệnh, Điều lệ, chế độ của quân đội; tăng cường pháp chế XHCN trong quân đội, làm cho quân đội gắn bó chặt chẽ với hệ thống chính trị, với toàn xã hội; tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của mình trên cơ sở pháp luật. Đó là một biện pháp cơ bản để nâng cao sức mạnh chiến đấu, nâng cao chất lượng tổng hợp của Quân đội nhân dân, góp phần giữ vững trật tự kỷ cương của xã hội.
Để thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ trên, đòi hỏi phải tăng cường giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mỗi cán bộ, chiến sĩ; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục pháp luật trong quân đội, nâng cao trình độ kiến thức về luật pháp, trình độ văn hóa pháp lý cho sĩ quan và chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng. Nghiên cứu giải quyết những vấn đề về hành chính quân sự trong nhiệm vụ cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực của cơ quan bảo vệ pháp luật Nhà nước trong Quân đội nhân dân.
Trước sự phát triển mới của tình hình, một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hiện nay mà Đại hội X của Đảng đã xác định là: "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN"1. Trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế vận hành của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc mọi quyền lực của Nhà nước đều thuộc về nhân dân, mở rộng dân chủ XHCN; bảo đảm quyền lực của Nhà nước là thống nhất, có sự phân công rõ ràng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan công quyền trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng tính khả thi của các quy định trong các văn bản pháp luật. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng hệ thống cơ quan hành pháp thống nhất, thông suốt, hiện đại. Phấn đấu xây dựng cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, hết mình bảo vệ công lý và quyền con người, tạo niềm tin cho nhân dân.
Quân đội nhân dân ngoài việc thực hiện tốt chức năng cơ bản của mình còn phải tích cực tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN vững mạnh. Với khả năng của mình và thực tiễn đã cho thấy quân đội có thể tham gia vào hoạt động xây dựng Nhà nước trên nhiều mặt như củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước, nhất là hệ thống chính quyền, đoàn thể, Mặt trận ở cơ sở; tham gia đổi mới quy trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là các bộ luật và pháp lệnh về bảo vệ Tổ quốc (Luật Quốc phòng, Luật Biên giới quốc gia, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Sĩ quan...), thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, đẩy mạnh cải cách hành chính trong quân đội góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính quốc gia, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần mở rộng dân chủ XHCN, bảo đảm Nhà nước thực sự là đại diện quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức và thực hiện đường lối chính trị của Đảng...
Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN là tất yếu, khách quan trong tiến trình phát triển của đất nước. Thực chất của vấn đề này là nhằm bảo đảm cho Nhà nước thực hiện tốt chức năng quản lý xã hội bằng hệ thống pháp luật đồng bộ. Muốn thế, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, trong đó điểm mấu chốt là phải từng bước hoàn chỉnh hệ thống pháp luật trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời gắn liền với đó, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cần làm cho mọi quân nhân - công dân nắm vững pháp luật Nhà nước, có ý thức và chấp hành nghiêm pháp luật, "sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật".
Quân đội là một bộ phận, một tổ chức thành viên của Nhà nước nên cán bộ, chiến sĩ với tư cách là công dân cần được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật rộng rãi, tạo điều kiện cho mọi người nắm vững pháp luật, tự giác chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước trong đời sống thường nhật cũng như trong quá trình tham gia các hoạt động xã hội. Nhưng cũng cần nhận thức rõ điều rất quan trọng là, quân đội là lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân, nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, hoạt động của quân đội mang tính đặc thù cao, do đó việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ với tư cách là công dân, quân nhân cần phải được giáo dục nội dung cơ bản trong hệ thống pháp luật, nhưng cũng cần nghiên cứu kỹ, lựa chọn nội dung, chương trình, phương pháp sao cho phù hợp, thiết thực phục vụ cho việc hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao. Cần tập trung tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững, hiểu sâu những luật, văn bản pháp lý (pháp lệnh, quy chế...) liên quan trực tiếp đến quốc phòng- an ninh, đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhằm tạo thuận lợi về cơ sở pháp lý trong hoạt động xây dựng và đấu tranh quốc phòng. Yêu cầu chung là như vậy, còn đối với từng đơn vị cụ thể, cần nghiên cứu rất kỹ, phải căn cứ vào tính chất, đặc điểm hoạt động của đơn vị để lựa chọn nội dung trọng tâm cho phù hợp. Ví như, những đơn vị hoạt động trên tuyến biên giới, cần tập trung tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững Luật và Quy chế biên giới, nắm vững quan điểm, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội trong hoạt động thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Đối với những đơn vị hoạt động trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm, nhạy cảm về quốc phòng- an ninh, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo lại cần tập trung tuyên truyền, giáo dục cho bộ đội nắm chắc Luật đất đai, Pháp lệnh Tôn giáo, quan điểm, chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước để bộ đội không chỉ thực hiện nghiêm, mà còn có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, vận động đồng bào thấu suốt, chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật Nhà nước, tăng cường khối đoàn kết các dân tộc, đồng thời tích cực đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, kích động, chia rẽ của các thế lực thù địch, phản động trên địa bàn. Đặc biệt, với những đơn vị hoạt động trên vùng biển, đảo Tổ quốc, nhất là ở những khu vực nhạy cảm, hiện đang có sự tranh chấp chủ quyền thì yêu cầu về nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật còn cao hơn. Ngoài ra đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ cần nắm vững những luật về biển, đảo, hàng hải của Nhà nước, nắm vững quan điểm, chủ trương giải quyết những bất đồng, tranh chấp của một số nước trên địa bàn thuộc vùng biển đảo nước ta của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, còn phải nắm chắc luật, thông lệ, công ước quốc tế về biển, đảo, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế... tạo cơ sở pháp lý cho việc đấu tranh, quản lý và bảo vệ chủ quyền vùng biển Tổ quốc. Việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước trong quân đội không chỉ được coi trọng đẩy mạnh với các đơn vị thường trực mà cả đối với lực lượng dự bị động viên - một lực lượng chiến lược, vừa là dân vừa là quân trong điều kiện thời bình.
Bảo vệ Tổ quốc trong xu thế mở cửa, hội nhập, đan xen giữa hợp tác với đấu tranh, đối tượng với đối tác vừa có những cơ hội và thuận lợi lớn, lại vừa có những khó khăn, thách thức không nhỏ. Đặc biệt là đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, trong quan hệ đối ngoại, hợp tác kinh tế, cũng như đấu tranh phi vũ trang bảo vệ Tổ quốc XHCN, đòi hỏi phải hết sức tỉnh táo, khôn khéo, linh hoạt và điều mấu chốt là đấu tranh phải đúng nguyên tắc, có cơ sở pháp lý và trong khuôn khổ pháp lý, trên cơ sở bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Muốn thế, phải nắm được luật cơ bản của quốc tế và những quy định chung của Hiến chương Liên hiệp quốc về những vấn đề liên quan, thậm chí cả luật của nước sở tại có quan hệ hoặc liên quan đến ta trong hợp tác và đấu tranh. Đây là yêu cầu mới, rất cao và cũng rất bức xúc đối với tất cả các ngành, các cấp, trong đó có quân đội (trực tiếp nhất là đối ngoại quân sự) trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc XHCN thời kỳ mới.
"Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật", "toàn quân hành động theo Điều lệnh" trở thành phong cách, đạo đức, nếp sống tốt đẹp của mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân. Mỗi cán bộ, chiến sĩ với tư cách là một quân nhân- công dân, nên mọi ứng xử, mọi hành vi đều phải in đậm dấu ấn khuôn khổ pháp luật. Điều đó cũng thể hiện rõ đạo đức của mỗi quân nhân, của mỗi công dân, bởi lẽ một người có đạo đức trong sáng thì không bao giờ làm việc gì bất chấp pháp luật Nhà nước và dư luận xã hội. Cho nên đạo đức, pháp luật luôn luôn quyện vào trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, trên mọi lĩnh vực hoạt động của mỗi quân nhân, từ việc đi lại, ăn ở đến làm việc, học tập, ứng xử, giao tiếp, quan hệ quân dân, v.v.
Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, chúng ta đang nỗ lực tập trung xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; coi trọng xây dựng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Trong quá trình đó, cần tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, nhằm bảo đảm cho quân đội có đủ khả năng và sức mạnh cần thiết để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao; thực sự là một trong những lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc; xứng đáng là lực lượng chính trị tin cậy, trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
 
Thượng tướng Phùng Quang Thanh
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư ĐUQSTƯ
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
           
1- ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H. 2006, tr. 126.

 

Ý kiến bạn đọc (0)