QPTD -Thứ Ba, 06/12/2011, 23:25 (GMT+7)
Quân đội nhân dân chủ động, sẵn sàng tham gia phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn

Nằm trong vùng thời tiết biến động bất thường nên mỗi năm nước ta phải chống chọi với hàng chục cơn bão nhiệt đới, lũ lụt, lở đất, những đợt hạn hán khốc liệt. Chỉ tính riêng năm 2005, đã có tới 9 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới xuất hiện ở biển Đông, trong đó có 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta; có 11 đợt lũ trên các sông Trung bộ, Tây Nguyên, trong đó có một số trận lũ lớn và đặc biệt lớn xảy ra khi mùa mưa đã hết, đây là hiện tượng hiếm thấy và bất thường ở ta, gây thiệt hại rất lớn về người, nhà cửa và các công trình công cộng, ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Để phòng, chống và khắc phục thiên tai, 5 năm qua, Nhà nước đã chi trên 1.500 tỷ đồng giúp các địa phương xử lý sạt lở, nâng cấp đê, kè; hỗ trợ khẩn cấp hơn 1.700 tỷ đồng, gần 50.000 tấn gạo, hơn 250 tấn thóc giống giúp khắc phục hậu quả thiên tai… Đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị mới phục vụ phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn như mua 7 tàu cứu hộ trên biển công suất lớn, 4 máy bay trực thăng cứu hộ, 3 cầu phao PMP, xây dựng 3 trung tâm tìm kiếm, cứu nạn, cấp một lượng lớn trang bị dự trữ quốc gia cho các lực lượng vũ trang và địa phương sẵn sàng phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn. Gần đây, Nhà nước còn phải chi nhiều tỷ đồng để khôi phục, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam; qui hoạch phòng, chống lũ quét tại 33 tỉnh miền núi trên toàn quốc… Sắp tới, trong chương trình đã định, Chính phủ tiếp tục tăng cường cơ sở, vật chất, trang thiết bị xây dựng lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng các tình huống thiên tai phức tạp. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tăng cường việc chuyển giao khoa học - công nghệ nâng cao năng lực quản lý trong phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai; thu hút vốn đầu tư để xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai…
Quân đội, với chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, bên cạnh công tác sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo, tổ chức cho các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tham gia với tinh thần trách nhiệm cao, có hiệu quả công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn. Toàn quân đã quán triệt và chấp hành nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, hằng năm đều có kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với địa phương, với các cơ quan chức năng tổ chức diễn tập, không ngừng nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn. Tính trong 5 năm gần đây, Quân đội đã huy động hơn 1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ, dân quân, tự vệ, sử dụng nhiều trang thiết bị như máy bay, tàu, thuyền, ô tô, hệ thống thông tin liên lạc và các trang thiết bị chuyên dùng để chống lụt, bão, cứu tính mạng, tài sản của nhân dân. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, các quân khu, quân chủng, binh đoàn đã trực tiếp xuống hiện trường để chỉ đạo, chỉ huy bộ đội chống bão, lũ. Cán bộ, chiến sĩ đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, lao vào những nơi, những vùng khó khăn, nguy hiểm nhất, sát cánh cùng địa phương và nhân dân tổ chức cứu hộ, chống lụt, bão, khắc phục hậu quả. Toàn quân cũng đã tổ chức nhiều phong trào tình nghĩa, quyên góp nhiều tỷ đồng giúp đỡ nhân dân bị thiên tai. Những việc làm đó càng thêm gắn bó tình cảm máu thịt quân dân, ghi thêm vào truyền thống của Quân đội nhân dân anh hùng, tô đậm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Năm 2006 là năm có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, cũng là kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ra Sắc lệnh đê điều. Việc phòng, chống lụt, bão có hiệu quả sẽ góp phần không nhỏ trong ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước đến công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn, tính ưu việt của chế độ ta vì hạnh phúc của nhân dân.
Ngoài đặc điểm cơ bản về thiên nhiên, khí hậu nước ta do trải dài trên nhiều vĩ tuyến thuộc vùng nhiệt đới gió mùa, với hơn 3000 km bờ biển nên hằng năm thường xảy ra bão lụt kèm theo hạn hán khắc nghiệt, thì năm nay, sự biến động bất thường của thời tiết đang tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về thiên tai. Vừa qua, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận, đầu năm 2006, hiện tượng La Ni-na đã xuất hiện ở Thái Bình Dương. Sự phát triển của La Ni-na ở thời điểm quá sớm trong năm là hết sức bất thường và chưa từng thấy, hiện tượng đó sẽ làm biến đổi thời tiết khu vực, gây ra những cơn bão lũ hoặc hạn hán còn tồi tệ hơn nhiều so với các cơn bão lũ, hạn hán xảy ra trong năm 2005. Các nhà khí tượng cho rằng sự phát triển của La Ni-na hiện nay có thể liên quan đến hiện tượng mưa lớn, trái mùa liên tiếp, gây thảm họa lở đất tại Philippin - quốc gia láng giềng của Việt Nam.
ở nước ta, những trận mưa bất thường cũng đã xảy ra suốt mấy tháng qua ở miền Nam. Ngày 10/2/2006, tại Thành phố Hồ Chí Minh có một trận mưa trái mùa mạnh về cường độ và lớn cả về diện tích, kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ. Lượng mưa đó bằng tổng lượng mưa của cả một tháng mùa khô. Trước đó cũng đã có những trận mưa tương tự tại Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau. Đây là hiện tượng thời tiết bất thường ở Nam Bộ bởi thời điểm này là tháng chính của mùa khô và chúng đã từng xảy ra vào các mùa khô năm 1999, 2000, lúc mà La Ni-na đang hoành hành. Trong khi đó, ở phía Bắc, thủy điện Sông Đà đang thiếu nước; tại sông Hồng, nước đã cạn xuống đến mức thấp nhất trong lịch sử gần 100 năm qua. Tại miền Trung, bên cạnh tình trạng nắng nóng, khô hạn gay gắt lại có những trận mưa, lũ trái mùa trên các sông ở Tây Nguyên, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế,… Như vậy, những biến động bất thường của thời tiết đầu năm 2006 là những biểu hiện của các trận bão, lũ, lụt úng kéo dài buộc chúng ta phải đề cao cảnh giác, chủ động chuẩn bị sớm, sẵn sàng đối phó có hiệu quả ngay từ đầu các tình huống xảy ra.
Nhận thức sâu sắc đặc điểm, những biến động khó lường của thiên nhiên, thời tiết, Chính phủ, trực tiếp là Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn đã sớm triển khai nhiệm vụ, kế hoạch phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn năm 2006; tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm công tác trên để tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác cho những năm tiếp theo. Ngoài các nghị định, qui định của Chính phủ đã ban hành từ đầu năm 2006, ngày 31/3/2006, Thủ tướng tiếp tục có Chỉ thị số 13/2006/CT-TTg về công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm, cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai năm 2006, nêu rõ: để chủ động và có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm, cứu nạn năm 2006, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, các Bộ, ngành, cơ quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các Nghị định, qui định của Thủ tướng Chính phủ. Rà soát lại các phương án phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm, cứu nạn của các Bộ, ngành, địa phương mình, bảo đảm sát thực tế và diễn biến của từng loại hình thiên tai, sự cố, tai nạn. Nâng cao năng lực, trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra của Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão các cấp, bảo đảm thống nhất từ Trung ương đến các địa phương, đơn vị, đồng thời phải có sự phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để chủ động xử lý, đối phó kịp thời trong mọi tình huống. Bộ Quốc phòng đã có Chỉ thị số 61/CT-BQP giao nhiệm vụ cụ thể về công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn năm 2006 cho các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.
Quán triệt sâu sắc nghĩa vụ, trách nhiệm của Quân đội đối với công tác phòng, chống thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu nạn, thực hiện nghiêm các chỉ thị của Chính phủ, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, toàn quân cần quan tâm đến các vấn đề sau:
1- Lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức cho bộ đội hiểu sâu sắc vai trò, trách nhiệm của quân đội, đơn vị trong công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, quán triệt cho bộ đội hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi quân nhân trong việc giúp dân phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn. Đây là một công việc hết sức khó khăn, nguy hiểm và khó lường trước được những tình huống bất trắc xảy ra, có thể có hy sinh, tổn thất, song không vì thế mà giảm sút ý chí chiến đấu, ngại khó khăn, gian khổ. Phổ biến thấm nhuần các chủ trương, chính sách, văn bản qui định của Nhà nước liên quan đến công tác phòng, chống lụt bão như pháp lệnh Đê điều, pháp lệnh Phòng cháy, chữa cháy, pháp lệnh Phòng chống bão lũ, pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp, các nghị định, quyết định, chỉ thị của Chính phủ giao nhiệm vụ cho quân đội tham gia công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, phòng, chống các thảm họa.
Trong chỉ thị của Chính phủ đã nhấn mạnh Quân đội là lực lượng chủ lực trong phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn. Quân đội cần xác định đúng trách nhiệm và nghĩa vụ đối với Đảng, với nhân dân trong công cuộc xây dựng đất nước, vị trí, vai trò của mình trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn. Coi công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, nhiệm vụ “chiến đấu” của quân đội.
2- Đề cao trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ. Bài học thành công và sâu sắc trong phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn năm 2005 là sự chủ động và sẵn sàng. Chúng ta đã không để xảy ra thảm họa mới tổ chức khắc phục. Nắm vững sự chỉ đạo của Chính phủ, chỉ thị, mệnh lệnh của của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần quán triệt quan điểm chỉ đạo trong công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn năm 2006 là: chủ động - kịp thời - hiệu quả; theo 3 nguyên tắc cơ bản là: thống nhất chỉ huy - kiên quyết, triệt để và kịp thời - tập trung lực lượng có trọng điểm; phương châm 4 tại chỗ là: lực lượng tại chỗ - vật chất tại chỗ - phương tiện tại chỗ - chỉ huy tại chỗ. Toàn quân phải huy động sức mạnh tổng hợp, triển khai đồng bộ, có những biện pháp cụ thể, sát với tình huống và điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị để phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn.
Là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Quân đội nên công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn phải gắn với chức trách, nhiệm vụ người lãnh đạo, chỉ huy. Tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc chuẩn bị của đơn vị theo nhiệm vụ đã giao. Phối hợp chặt chẽ với địa phương nơi đóng quân để bổ sung, hoàn thiện kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh các qui định về trực chỉ huy, trực ban theo điều lệnh, vào mùa mưa, bão các cơ quan, đơn vị trong toàn quân phải tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, khi cần phải tăng cường các kíp trực. Tiếp tục củng cố mạng lưới thông tin liên lạc, hệ thống dự báo, cảnh báo; duy trì nghiêm các chế độ qui định và báo cáo thường xuyên hình hình lụt, bão lên cấp trên.
3- Khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn. Trong Chỉ thị 61/CT-BQP về công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn năm 2006, Bộ trưởng đã giao nhiệm vụ cụ thể, chỉ rõ các khu vực trọng điểm cần ứng cứu cho các quân khu, quân đoàn, các đơn vị quân đội đóng quân trên các địa bàn. Trong đó nhấn mạnh đến các lực lượng quan trọng là các quân chủng Phòng không-Không quân, Hải quân, Bộ đội Biên phòng cần duy trì tốt các loại máy bay, tàu thuyền để sẵn sàng cơ động lực lượng, phương tiện đi ứng cứu, chở cán bộ đi kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, bay quan sát, thông báo, bắn pháo hiệu khi có lệnh; tổ chức đội đặc nhiệm thuộc Binh chủng Công binh, đội tiêu tẩy khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường thuộc Binh chủng Hóa học, đội cấp cứu cơ động thuộc cục Quân y,… Trên cơ sở đó, các đơn vị phải tiếp tục rà soát, điều chỉnh lại các kế hoạch, các phương án phòng, chống lụt, bão, sạt lở đất, tìm kiếm, cứu nạn theo yêu cầu, nhiệm vụ được giao cho sát với thực tế của địa phương, phù hợp với tình hình, điều kiện hoạt động của đơn vị, diễn biến của tình hình thời tiết dự báo. Kiểm tra lại toàn bộ trang bị, thiết bị, máy móc, tàu, xe cho công tác cứu nạn, bảo đảm đồng bộ, có hệ số kỹ thuật cao.
Các quân khu, bộ chỉ huy Quân sự, bộ chỉ huy Biên phòng các tỉnh ở những địa bàn có hệ thống đê, hồ chứa nước, nơi thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, vùng cửa sông, ven biển cần làm tốt công tác tham mưu và phối hợp chặt chẽ với địa phương, các cơ quan chức năng thống nhất phương án và các kế hoạch hành động bảo vệ những khu vực xung yếu, xây dựng hệ thống thông báo, cảnh báo, phương án cứu sập, di dời bảo vệ dân,… Nghiên cứu kỹ các tình huống, xác định rõ những việc cần làm ngay, những việc cần chuẩn bị, không để bị động trước các tình huống xấu. Chủ động triển khai lực lượng, phương tiện đến những khu vực có nguy cơ lớn, những địa bàn trọng điểm nhằm tăng cường lực lượng cứu hộ cho các địa phương. 
Các đơn vị theo kế hoạch, triển khai tổ chức luyện tập, diễn tập, nhanh chóng rút kinh nghiệm để bổ sung hoàn chỉnh kế hoạch cho sát với tình hình địa phương và diễn biến của thiên tai.
Cùng với các dự án củng cố các công trình phòng, chống lụt, bão của các bộ, ngành, toàn quân cần khẩn trương hoàn thành các dự án nâng cao năng lực phòng, chống thảm họa, tìm kiếm, cứu nạn theo đề án Qui hoạch tổng thể lĩnh vực tìm kiếm, cứu nạn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 mà Chính phủ đã giao cho Quân đội như xây dựng lực lượng chuyên dụng cứu sập; các trung tâm quốc gia ứng phó tràn dầu tại các miền; xây dựng các khu neo đậu tàu thuyền tránh bão, các trạm tìm kiếm, cứu nạn trên biển; mua máy bay, trang bị chuyên dùng cứu nạn,… Các đơn vị cũng phải tổ chức đào tạo, huấn luyện, tổ chức diễn tập cho bộ đội nhanh chóng tiếp thu được công nghệ, thiết bị mới, làm quen với nhiệm vụ, có thể triển khai sớm vào thực tế. Năm 2005, trạm Cứu nạn Trường Sa đã xử lý được trên 80 trường hợp tai nạn ngoài biển xa, đó là kết quả sống động để Quân đội cần cố gắng hơn nữa thực hiện đúng kế hoạch, có chất lượng các dự án của Chính phủ.
Làm tốt công tác tư tưởng, công tác chuẩn bị, nêu cao tinh thần trách nhiệm, truyền thống, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, chủ động và sẵn sàng, tin tưởng năm 2006, Quân đội sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn, góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp.
 
Trung tướng Nguyễn Đức Soát
Phó Tổng tham mưu trưởng
 

Ý kiến bạn đọc (0)