QPTD -Chủ Nhật, 18/09/2011, 00:17 (GMT+7)
Quân đội không thể phi chính trị

Một trong những thủ đoạn nham hiểm của chiến lược “Diễn biến hoà bình” mà các thế lực thù địch đã và đang sử dụng để chống phá các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN), trong đó có nước ta, là tách quân đội khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản với chiêu bài “Quân đội phải đứng ngoài chính trị”. Đây là một thủ đoạn rất tinh vi, nhằm thực hiện mục tiêu “phi chính trị hóa” quân đội của các nước này, mà thoạt nghe, những người nhẹ dạ, cả tin, ít trải nghiệm qua thực tiễn đấu tranh cách mạng dễ ngộ nhận, mắc lừa.

Để thực hiện mưu đồ đó, các thế lực thù địch sử dụng mọi biện pháp, cả về lý luận, tư tưởng, lẫn hành động. Trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng, chúng rêu rao: quân đội là của Nhà nước nên chỉ phục tùng Nhà nước chứ không phục tùng bất cứ chính đảng nào; do đó, quân đội nên “trung lập về chính trị”. Trong hành động thực tiễn, chúng vận động đòi xóa bỏ nguyên tắc Đảng Cộng sản lãnh đạo quân đội; hạ thấp, đi đến đòi xóa bỏ hoạt động công tác đảng, công tác chính trị cùng hệ thống cán bộ chính trị và cơ quan chính trị trong quân đội; xuyên tạc các sự kiện lịch sử có quân đội tham gia, thổi phồng khuyết điểm của một vài đơn vị quân đội và một bộ phận quân nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; bôi nhọ đời tư của các tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang, hòng qua đó làm cho quân đội mất uy tín trong nhân dân, hạ thấp vị thế của quân đội trong xã hội, v.v.

Bằng thủ đoạn này, chủ nghĩa đế quốc đã thành công trong việc lật đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu trước đây. Ngày nay, các thế lực thù địch cũng đang hy vọng sẽ lặp lại chiến tích đó tại Việt Nam thông qua chiến dịch đòi thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; đòi xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam quy định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, trong đó bao hàm sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; hy vọng thông qua việc thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự để đưa người của họ vào quân đội, nhằm thực hiện cái gọi là “dân chủ hóa quân đội”, v.v. Những việc làm này đều nhằm mục tiêu nhất quán là: loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội, vô hiệu hoá vai trò quân đội là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN; bởi họ luôn hy vọng rằng: một khi quân đội đã bị mê hoặc bởi khẩu hiệu “quân đội nên phi chính trị”, đội ngũ cán bộ quân đội đã dao động, mất phương hướng chính trị, họ sẽ ra tay lật đổ thể chế XHCN theo kiểu “cách mạng sắc màu” như đã diễn ra ở các nước XHCN trong những năm cuối của thế kỷ trước.

Cần phải nhắc lại rằng, nói đến “chính trị” của một tổ chức là nói đến tính giai cấp mà tổ chức đó quán triệt và thực hiện trong thực tiễn xây dựng về mặt tư tưởng, tổ chức và thực thi chức năng, nhiệm vụ của mình. Lịch sử ra đời và phát triển của các quân đội trên thế giới luôn cho thấy một sự thật hiển nhiên: nhà nước và quân đội đều là sản phẩm của cuộc đấu tranh giai cấp; mà theo đó, nhà nước nào cũng là nhà nước giai cấp nên không có chuyện nhà nước “phi chính trị”. Là một thành phần của nhà nước, quân đội bao giờ cũng mang bản chất giai cấp của nhà nước - người quản lý và nuôi dưỡng nó. Theo đó, không có và không thể có quân đội đứng ngoài chính trị, “trung lập về chính trị”. ở các nước theo thể chế chính trị tư bản, với chế độ đa đảng, mặc dù có hiện tượng các đảng phái thay nhau cầm quyền (thí dụ: Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa ở Mỹ; Đảng Bảo thủ hay Công đảng ở Anh; Đảng người Thái yêu người Thái hay Đảng Quyền lực nhân dân ở Thái Lan...), nhưng thực chất đó chỉ là các tổ chức khác nhau (đại diện cho các nhóm, các tầng lớp khác nhau) của giai cấp tư sản, và chính phủ do các đảng đó chi phối vẫn đều phục tùng quyền lợi của giai cấp tư sản, bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản là chủ yếu, mặc dù vẫn phải thực thi chức năng công quyền- một trong hai chức năng cơ bản (chức năng giai cấp và chức năng công quyền)- của bất cứ nhà nước nào.

Về điều này, ngay từ rất sớm, V.I. Lê- nin đã khẳng định rằng: “Không lôi kéo quân đội vào chính trị- đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ, giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản và của chế độ Nga hoàng, bọn này trong thực tế bao giờ cũng đã lôi kéo quân đội vào chính trị phản động”1. Những người hô hào quân đội chỉ là của nhà nước, nên cần “phi chính trị, đứng ngoài chính trị” đã cố tình làm ngơ bản chất giai cấp của nhà nước. Trên thực tế, quân đội của bất kỳ nước nào, trong quá trình xuất hiện và trưởng thành, cũng luôn là một lực lượng chính trị quan trọng mà bất cứ nhà nước nào, giai cấp cầm quyền nào cũng phải tìm cách nắm chặt lấy nó để hướng quân đội ấy phục tùng và bảo vệ quyền lợi chính trị- kinh tế của mình. Đòi quân đội các nước XHCN chỉ phục tùng Nhà nước, không phục tùng Đảng Cộng sản (cầm quyền), về thực chất là tuyên truyền cho sự chuyển hoá lập trường chính trị vô sản của quân đội các nước này sang lập trường chính trị của giai cấp tư sản; lôi kéo quân đội tham gia vào chính trị của giai cấp tư sản; trên cơ sở đó, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến” trong bản thân quân đội và trong xã hội, để khi đủ điều kiện sẽ tiến hành lật đổ chế độ XHCN mà không cần đến chiến tranh.

Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời từ các phong trào đấu tranh của quần chúng, được Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo, không có mục tiêu chiến đấu nào khác là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH) để đem lại cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Đó cũng là mục tiêu chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quân đội ta không chỉ mang bản chất giai cấp công nhân mà còn mang đầy đủ tính nhân dân sâu sắc và dân tộc chân chính. Là quân đội cách mạng kiểu mới, quân đội ta không thể là một công cụ bạo lực “phi chính trị”, đứng ngoài cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và CNXH; bởi bản thân nó chính là một lực lượng chính trị, là công cụ bạo lực của Nhà nước XHCN, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lịch sử hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta đã chứng minh rất rõ điều đó và nay không có lý do gì phải thay đổi. Trái với luận điệu “quân đội cần phi chính trị”, chúng ta phải đẩy mạnh xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở nền tảng để xây dựng vững mạnh toàn diện. Đó là sự bảo đảm vững chắc để quân đội ta không đi chệch mục tiêu chiến đấu vì độc lập dân tộc và CNXH, vì hạnh phúc của nhân dân. Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, mà cốt lõi là chăm lo xây dựng bản chất giai cấp công nhân gắn liền với xây dựng tính nhân dân thực sự và tính dân tộc chân chính trong xây dựng bản chất chính trị- xã hội của quân đội ta là một bài học thành công của cách mạng Việt Nam, của Đảng Cộng sản Việt Nam và của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lê-nin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản ở một nước có nền kinh tế chậm phát triển. Lịch sử đã kiểm nghiệm và khẳng định tính đúng đắn của bài học đó. Nhờ xây dựng vững mạnh về chính trị, quân đội ta đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong mọi giai đoạn cách mạng, xứng đáng với lời tuyên dương của Bác Hồ: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”2. Bài học thành công đó cần phải được tiếp tục vận dụng một cách sáng tạo trong giai đoạn hiện nay.

Để chống lại âm mưu của các thế lực thù địch hòng “phi chính trị hóa” quân đội, cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ trong quân đội tập trung sức xây dựng quân đội ta vững mạnh về chính trị. Trước hết, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vạch trần sự dối trá, lừa bịp và nguy hiểm trong khẩu hiệu “quân đội cần đứng ngoài chính trị” của các thế lực thù địch, để trên cơ sở đó, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân; nâng cao trách nhiệm trong việc tham gia tuyển chọn và cử công dân đủ tiêu chuẩn chính trị nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ quân sự. Cấp ủy và chính quyền các địa phương cần quán triệt sâu sắc hơn cơ chế lãnh đạo của Đảng, chức năng quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của mình, cùng chức năng của quân đội để khi cần thiết huy động lực lượng quân đội tham gia giải quyết các vấn đề nảy sinh trên địa bàn, phải tuân thủ quy định của Nhà nước và của Bộ Quốc phòng, tránh huy động, sử dụng tùy tiện, sai nguyên tắc, nhất là vào những công việc không đúng chức năng, dễ làm giảm uy tín và vị thế của quân đội. Bên cạnh đó, phải cảnh giác với những thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch trong âm mưu hạ thấp vai trò và vị thế của quân đội để không vô tình hay hữu ý vấp phải. Các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn để chăm lo xây dựng quân đội, củng cố và tăng cường sức mạnh đoàn kết quân dân, góp phần giữ gìn và phát huy hình ảnh “Anh Bộ đội Cụ Hồ” trong xã hội. Về phía bản thân quân đội, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các đơn vị cần tập trung nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đặc biệt là giáo dục chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh cùng những quan điểm cơ bản của Đảng ta về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc theo tư duy mới (được thể hiện rõ trong Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX và Nghị quyết Đại hội lần thứ 9, 10 của Đảng), làm cho mọi quân nhân quán triệt sâu sắc nội dung bảo vệ Tổ quốc ngày nay không chỉ là “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ”, mà còn bao gồm: bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, CNH- HĐH đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị,  trật tự an toàn xã hội và nền văn hoá; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, phát triển đất nước theo định hướng XHCN3. Đồng thời, cần tổ chức tốt việc giáo dục lịch sử, truyền thống của dân tộc, của Đảng, của quân đội và đơn vị, hun đúc lòng tự hào dân tộc, trân trọng những thành quả cách mạng, nâng cao lòng tự hào là chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng cho mọi cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, từ các bài học kinh nghiệm rút ra qua Tổng kết 10 năm xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện theo Chỉ thị 917/1999/CT-QP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và 5 năm thực hiện Nghị quyết 152/NQ-ĐUQSTƯ của Đảng ủy Quân sự Trung ương “Về tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác dân vận trong thời kỳ mới”, các đơn vị cần tăng cường củng cố kỷ luật, ra sức xây dựng chính quy theo tiêu chuẩn đơn vị vững mạnh toàn diện gắn chặt với xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; đồng thời, đẩy mạnh công tác dân vận với nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo hơn, nhằm góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” và chỗ dựa vững chắc của quân đội trong nhân dân. Biện pháp có tính quyết định trong việc xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, trước đây cũng như hiện nay và về sau này, là phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, mà trực tiếp là tập trung xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh. Vấn đề quan trọng hiện nay là tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, nhất là năng lực quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của các cấp ủy đảng. Mặt khác, cần đề cao và phát huy tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở mọi lúc, mọi nơi theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về “Nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, đặc biệt là trong thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Bộ Chính trị phát động.

Chống âm mưu “phi chính trị hoá” quân đội và tăng cường xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị là hai mặt của quá trình xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Nó đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp chính trị, tư tưởng và tổ chức, mà then chốt là xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh làm cơ sở cho quân đội hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mà trực tiếp là của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội ta.

Nguyễn Ngọc Hồi

____________

1- V.I. Lê nin- Toàn tập, tập 12, Nxb, TB. M. 1979, tr. 136.

2- Hồ Chí Minh- Toàn tập, Tập 11, Nxb. CTQG. H. 1996, tr. 350.

3- Xem: Ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương- Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX,  Nxb. CTQG. H. 2003, tr. 45- 46.

 

Ý kiến bạn đọc (0)